TTO - Không ít người nhân danh tình yêu để kiểm soát, sở hữu, thậm chí gây ra chuyện đau lòng cho người yêu và cho chính cả họ.
Cách hành xử ích kỷ, độc chiếm, ăn không được thì đạp đổ... đang hiện diện trong không ít trong quan điểm, lối sống, nhất là người trẻ hiện nay.
Dấu hiệu nhận biết người cuồng yêu
Lời chia tay nói ra đột ngột sẽ đem lại những cú sốc tâm lý, khiến nhiều người không kiểm soát nổi bản thân.
Theo chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy, những hành động hung bạo, ghen quá hóa điên là do bị kích động, căng thẳng, thấy mình thất bại, bị bỏ rơi... nên rơi vào tâm trạng không còn gì để mất, trở nên mất kiểm soát, muốn trả thù người gây ra đau khổ cho mình. Đó là nguyên nhân phổ biến về mặt tâm lý trong các ca mà bà đã gặp.
Ngoài ra, có những trường hợp phức tạp hơn nhiều, nó đến từ những rắc rối bên ngoài. "Họ có áp lực trong công việc, rắc rối ở gia đình... nhưng không được sẻ chia, quan tâm, giúp đỡ. Khi đó, sự thất bại trong tình yêu sẽ là giọt nước cuối cùng làm người ta rơi vào bế tắc cùng cực, kích hoạt những trạng thái tâm lý tiêu cực, chán sống, trả thù...", bà Thúy cho biết.
Do vậy, để tránh xảy ra tình huống đáng tiếc thì nên tìm hiểu kỹ về nhau khi bước vào mối quan hệ yêu đương. Tìm hiểu bằng cách quan sát cử chỉ, hành vi của người đó khi ứng xử với mình và với mọi người xung quanh.
Hãy lắng nghe mọi người nói gì về người này, ứng xử với người này ra sao. Những ai cẩn thận sẽ tìm hiểu thêm gia đình người yêu, bạn bè của họ để biết người ấy đối xử với bố mẹ, họ hàng, bạn bè ra sao.
"Quan trọng nhất là lắng nghe cảm nhận của bạn, nếu đủ sáng suốt thì có thể cảm nhận đó là tình yêu vô điều kiện hay tình yêu sở hữu. Người có kiểu yêu sở hữu dễ có nguy cơ rơi vào cuồng yêu. Tới lúc vì lý do gì đó bạn muốn chia tay thì họ sẽ bạo lực tinh thần, thể xác với bạn. Thậm chí còn có trường hợp bạo lực tình dục với suy nghĩ phải chiếm được cô ấy để cổ không bỏ mình.
Nhiều người có cách kiểm soát người yêu rất tinh vi, có thể bằng sự ngọt ngào như quà cáp, lời ngon tiếng ngọt, sự chiều chuộng để sở hữu bạn. Nếu bạn không đáp ứng, họ sẽ phản ứng tiêu cực như theo dõi, chửi bới, dọa dẫm để người kia không dám tố cáo, không dám bỏ họ", bà Thúy nói.
Từng tư vấn nhiều trường hợp, nhưng có một chuyện đọng lại sâu sắc trong lòng chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy. Bà nhắc đến T.L., cô gái từng cầu cứu mình vì bị người yêu kiểm soát quá mức, giữ cô như vật sở hữu, buộc phải cắt đứt liên lạc với bạn bè cũ, thậm chí đòi tìm đến tận nhà L. dưới quê để phá.
"Chỉ cần một số lạ gọi vào máy của L. là cô bị tra hỏi đến cùng. Lúc cãi nhau, người thanh niên đó nói những lời khó nghe, tục tĩu, đánh L. gãy xương mũi rồi hối hận, nói nếu L. bỏ thì anh ta không thiết sống khiến cô mủi lòng. Sau này L. mới nói cô rất ân hận vì lúc đó đã không dứt khoát chia tay", bà Thúy kể.
Chia tay cũng phải có nghệ thuật
"Đừng ảo tưởng rằng sẽ có cuộc chia tay vui vẻ, không được nhiều như thế đâu, hãy cố gắng để cuộc chia tay không đầy nước mắt và máu thôi", chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nhấn mạnh.
Ông cho biết một số trong những vụ án mạng, thủ phạm có lỗi 10 thì nạn nhân cũng phải có một phần trách nhiệm. "Mỗi người khi yêu đều phải có trách nhiệm nhất định về tình cảm của mình, chứ không phải nay thích thì yêu nồng cháy, rồi không thích thì chia tay và muốn hất người kia ra khỏi cuộc đời mình lập tức. Nếu vứt bỏ ngay, làm kích hoạt bạo lực của người kia thì mình sẽ dễ bị đánh, bị giết", ông nói.
Khi cảm thấy tình yêu này không ổn, không yêu tiếp được nữa thì phải có nghệ thuật chia tay. "Mình khéo léo trong ứng xử, từ từ giãn cách những lần gặp gỡ, nhắn tin, giống như giảm liều lượng cho người nghiện để họ thích nghi dần. Chứ nếu cắt ngay cơn nghiện đó thì hậu quả khó lường.
Và khi đã "bật đèn", họ sẽ hiểu chúng ta sắp không còn là của nhau, có thời gian chuẩn bị tâm lý và thấy mình được tôn trọng. Chia tay một mối tình đã nhạt sẽ dễ chịu hơn là mới hôm qua đầu gối tay ấp, nay thấy cô ấy đã trong tay người khác", chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Tương tự, nếu đã cố gắng hết sức vẫn không "cắt được cái đuôi" thì phải quyết tâm thay đổi hoàn cảnh, chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh, nhờ các cơ quan pháp luật hỗ trợ. "Nhưng hơn hết, mỗi người vẫn nên rèn cho mình sự bình tĩnh, sáng suốt giải quyết các vấn đề, đừng để sự giận dữ che mờ lý trí rồi ân hận không kịp", ông Đinh Đoàn nói.
Theo công bố của Viện Nghiên cứu tội phạm học, đa số những vụ cuồng yêu, cuồng ghen, đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên chiếm gần 70%. Lý giải về tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, ông Đoàn đã chỉ ra một số nguyên nhân phổ biến:
"Giới trẻ đôi khi đặt chuyện yêu lên hàng đầu, không xác định được mục tiêu cuộc sống, chưa biết cách giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc... nên hành động thường chệch hướng, sai đường.
Các bạn sử dụng Internet và mạng xã hội nhiều hơn người trưởng thành, nhưng không tiếp thu giá trị tích cực mà lại học những điều tiêu cực từ đó. Bên cạnh đó, gia đình đổ vỡ, áp lực học tập, công việc cũng khiến người ta trở thành kẻ cuồng yêu. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới giới trẻ còn chưa đầy đặn, thiếu nhiều kỹ năng cần cần phải học", ông chia sẻ.
Yêu cháy bỏng nhưng cần lý trí sáng suốt
"Năm 24 tuổi, tôi từng nghĩ mình có thể hi sinh cho tình yêu, cho người yêu của mình. Rồi khi tình yêu trục trặc, đổ vỡ, tôi đã tìm mọi cách để giữ lại cuộc tình. Lúc đó, tôi thật sự nghĩ rằng mất anh có nghĩ là mình mất tất cả. Trải qua gần một năm tuyệt vọng, đau khổ, tự hại mình, tâm bệnh, thậm chí tự sát để trả thù anh, rồi tôi cũng từ từ "tỉnh lại". Đúng, tình yêu trai gái rất tuyệt vời, nếu ấm êm sẽ đến mật ngọt tổ ấm, sinh và nuôi dạy con cái tiếp nối cha mẹ" - Nguyễn Hải Thuyên, cô gái từng khổ đau vì tình yêu không trọn vẹn, tâm sự.
Tuy nhiên, đến giờ cô kể rằng mình đã "ngộ" ra được dù tình yêu có đẹp thế nào cũng không phải là tất cả, không đến nỗi "phải chết" vì tình. Bởi cô còn có một cuộc đời rất dài, còn mẹ cha cần được báo hiếu, còn anh em trong gia đình cần được quan tâm, thương yêu. "Thất bại một cuộc tình, đến giờ tôi đã hiểu rằng phải yêu cả bằng con tim cháy bỏng và lý trí sáng suốt, bình tĩnh, biết nhận rõ đúng sai. Lúc đó tình yêu mới đẹp và bền vững để đi đến hôn nhân hạnh phúc dài lâu", Thuyên trải lòng.
MẠNH DŨNG
Tình yêu và sợi trói
Nhớ lại một vài trường hợp cuồng yêu, cuồng ghen mà mình từng tư vấn, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn kể: "Tôi từng gặp vụ có một người phụ nữ thuê thợ công nghệ IT đến bí mật gắn chip theo dõi, định vị vào chỗ bí mật ở ôtô, xe máy của chồng. Ngày nào đi làm về cũng yêu cầu chồng khai báo đi đâu rồi kiểm tra độ trung thực. Nếu có sự vênh, lệch, người chồng bị vợ yêu cầu khai báo lại và gây khó dễ.
Cô ấy sợ chồng ra ngoài "lén phéng" nên bắt chồng "nộp thuế" (quan hệ tình dục) ở nhà với mình rồi mới thả ra đi đâu thì đi. Nghĩ như vậy chồng sẽ không còn hơi sức để "ăn vụng" bên ngoài nữa".