Khuya tháng 9, ông Thạch bất ngờ gửi thư cho cả bốn người con, than thở chuyện "vẫn chưa thể yên lòng vì còn hai con gái chưa chồng".
"Chẳng lẽ ông trời đang đùa giỡn bố mẹ?", người cha 68 tuổi kết bức thư. 30 năm trước, vợ chồng ông mang bốn con thơ từ vùng sâu xuống một thị trấn thuộc tỉnh Nghệ An với ước mơ: cho con thoát mù chữ.
Đến nay, bốn người con của ông Thạch đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định. Hai con trai đầu lấy vợ từ chục năm trước. Hai cô con gái nay đã 34 và 31 tuổi vẫn "dửng dưng chuyện chồng con".
Ông nói giờ đã bên kia sườn dốc cuộc đời, nhà cao cửa rộng không thiết nữa chỉ mong sớm các con sớm yên bề gia thất.
Vợ ông, bà Hoa, 65 tuổi cũng vì chuyện này mà nhiều đêm trăn trở. Bà mong con kết hôn không hẳn vì sợ chúng ế mà muốn con có người để gắn bó, sẻ chia lâu dài. "Chúng tôi trước sau gì cũng chết, bốn anh em có yêu thương nhau đến đâu cũng không thể bằng người bạn đời", bà nói.
Nỗi lo con cái kết hôn muộn của vợ chồng ông Thạch cũng là cuộc chiến tâm lý của hàng triệu bậc cha mẹ Việt. Truyền thống kết hôn trước tuổi 30 và xu hướng coi nhẹ hôn nhân, đề cao tự do cá nhân va chạm ngày càng gay gắt.
Tuổi kết hôn trung bình tại Việt Nam liên tục tăng trong các năm qua. Năm 1999 là 24,1 tuổi lên 25,2 tuổi năm 2019. Đến năm 2023 tuổi kết hôn lần đầu là 27,2 tuổi. Tại TP. HCM, con số này thậm chí vượt ngưỡng 30 tuổi.
Thống kê cho thấy xu hướng độc thân, kết hôn muộn và gia đình đơn thân, lối sống DINK (vợ chồng không con) ngày càng phổ biến. Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ vẫn giữ quan niệm "Con cái chỉ hạnh phúc khi lập gia đình".
Trên tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam năm 2022, giáo sư xã hội học Nguyễn Hữu Minh cho rằng tính chất việc lựa chọn bạn đời của người Việt đã thay đổi cơ bản trong mấy thập niên qua. Quyền quyết định của cha mẹ với con cái trong việc hôn nhân ngày càng suy giảm, chỉ 4% để bố mẹ quyết; 14% bố mẹ hỏi con cái rồi quyết; 69% con cái quyết rồi hỏi bố mẹ và 13% con cái quyết định hoàn toàn.
"Thanh niên ít lệ thuộc vào gia đình nên có nhiều tự chủ hơn. Yếu tố cá nhân trong hôn nhân giờ được đề cao hơn gia đình hay dòng họ", chuyên gia trong lĩnh vực gia đình và giới nhấn mạnh.
Ảnh minh họa: P.D
Trong buổi tọa đàm hôm 11/10 tại TP HCM về chủ đề tuổi kết hôn cao, tỷ lệ sinh thấp của thành phố, nhiều bậc cha mẹ bày tỏ lo lắng vì con muộn kết hôn. Một người mẹ phàn nàn con gái 26 tuổi vừa thông báo sẽ đi du học thạc sĩ. Bà hoang mang bởi con "giờ còn đi học thì bao giờ lấy chồng, sinh con".
Theo tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, có ba nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này. Đầu tiên, văn hóa của người Việt muốn con cái yên bề gia thất mới yên lòng. Nhiều bậc cha mẹ không coi việc con chưa lập gia đình là vấn đề do con, mà là khuyết điểm của bản thân. "Hôn nhân của con trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá cha mẹ có làm tròn trách nhiệm hay không", tiến sĩ Thúy nói.
Thứ hai, cha mẹ Việt muốn có con cháu nối dõi sớm. Nhiều phụ huynh nghĩ mình đang còn sức khỏe nên muốn con cái kết hôn, sinh cháu để giúp đỡ chăm nom.
"Thực chất, việc kết hôn đáng lẽ phải theo kế hoạch của con cái nhưng lại bị ép theo 'thời gian biểu' của bố mẹ", chuyên gia nhận xét.
Thứ ba là sự khác biệt thế hệ. Trong khi cha mẹ sinh trưởng trong thời kỳ khó khăn, con cái lớn lên trong điều kiện đủ đầy, được tự do theo đuổi sự nghiệp, sở thích và mở rộng tầm nhìn. Kết hôn muộn, thậm chí không kết hôn đang là xu hướng.
Ở Thái Bình, bà Ngọc Lan, 60 tuổi, cho biết ít nhất 5 cái Tết gần đây vợ chồng bà đều nhắn nhủ con trai: "Năm tới nhất định phải mang về một nàng dâu về cho bố mẹ".
Con trai bà đã gần 40 tuổi vẫn dửng dưng chuyện vợ con. Bà từng tự hào về việc con trai đi du học và trở thành tiến sĩ, nhưng giờ đôi lúc hối tiếc vì cho con "học cao quá".
Vợ chồng bà Lan không ít lần thu xếp các buổi xem mắt cho con, nhưng luôn thất bại. Một lần, bà sắp xếp cuộc gặp với một cô gái trong xã làm việc gần cơ quan con ở Hà Nội, nhưng đến ngày hẹn, anh lại đi đá bóng và quên mất. Bà Lan tức giận mắng: "Cái tuổi này đáng lẽ bố mẹ được an nhàn, nhưng vì con mà lo bạc đầu". Người con trai nói "việc của con không khiến bố mẹ bận tâm", rồi dập máy.
Gần chục năm nay, năm nào ông Thạch cũng nuôi 50 con gà đồi và đôi lợn để dành làm đám cưới cho các con nhưng chưa được thỏa nguyện. Vợ ông không nhớ đã đi bao nhiêu chùa cầu duyên và làm bao nhiêu lễ "cắt - nối duyên âm". Có điều, chàng rể chưa xuất hiện.
Một trong hai cô con gái của ông Thạch tâm sự bố mẹ nhiều khi gây áp lực bằng những ngôn từ gây tổn thương. Điều khiến cô đau lòng hơn nữa là vì lo chuyện của mình mà bố mẹ không dám ăn tiêu, cứ gom góp làm hồi môn cho con.
Cô xác định sẽ kết hôn nếu tìm được bạn đời phù hợp. "Không kết hôn thì có lỗi với bố mẹ, mà cưới phải người không hợp, hôn nhân không hạnh phúc lại có lỗi với chính mình", cô chia sẻ.
Đi sâu vào tâm lý các bậc cha mẹ, chuyên gia Lã Linh Nga cho biết nhiều bậc phụ huynh bị bó hẹp suy nghĩ và sống với nếp văn hóa làng xã, nên thực sự họ phải chịu áp lực dư luận rất lớn.
Dù sao, số đông vẫn coi hôn nhân là một con đường dẫn đến hạnh phúc, ổn định và sự viên mãn trong cuộc đời con người. Chương tiếp theo của ổn định sự nghiệp là yên bề gia thất. Con muộn lấy vợ/chồng, cha mẹ đương nhiên sốt ruột. Họ càng sốt ruột khi nhìn ra xung quanh liên tục đi dự đám cưới, chúc phúc cho người ta, tự dưng nảy sinh tâm lý bị tụt lại phía sau, trốn tránh hòa nhập xã hội.
Một số có phản ứng cực đoan như thúc giục, soi xét, cằn nhằn con và tham gia thái quá vào cuộc sống con, đẩy không khí gia đình đến căng thẳng.
"Tệ hơn, có những người cả một cuộc đời đã lao động vất vả, nên đến tuổi đáng lý được nghỉ ngơi lại vì suy nghĩ chuyện lập gia đình của con mà sinh bệnh", nhà tâm lý nói.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho biết để thay đổi những yếu tố khác biệt giữa cha mẹ và con cái rất khó khăn. "Tranh luận về hôn nhân giữa cha mẹ và con cái có tìm ra điểm chung hay không còn tùy thuộc vào việc có bao nhiêu người nhận thức được: trao tự do cho con cái cũng là giải thoát cho mình", bà Thúy nói.
Sau cuộc "chiến tranh lạnh" dài ba tháng, mẹ con bà Lan cuối cùng đã tìm được tiếng nói chung. Hôm về ăn giỗ, anh con trai chia sẻ thẳng thắn với bố mẹ "Hôn nhân là chuyện của con, hãy cho phép con được tự định đoạt".
"Trong thời gian đó tôi cũng tỉnh ngộ. Giờ chỉ sống cho mình, chuyện vợ con kệ nó", bà nói.
Riêng ông bà Thạch vẫn chưa thể buông bỏ hoàn toàn. Mỗi lần được khuyên "sống vui khỏe, hưởng phúc bên con cháu", ông bà chỉ thở dài. "Cả đời hy sinh vì con, giờ còn mỗi việc lo xong đám cưới cho chúng mà mãi không được thành toàn", ông nói.
Phan Dương
Nguồn: https://vnexpress.net/cuoc-chien-tam-ly-cua-cha-me-viet-khi-con-ket-hon-muon-4802920.html
(Dân trí) - Từ vụ việc phụ huynh lao vào trường đánh học sinh, thậm chí đánh cả giáo viên, theo TS Phạm Thị Thúy, nhà quản lý giáo dục phải xem lại và thay đổi chứ không thể chỉ nhìn thấy mỗi lỗi từ phụ huynh.
Sự việc phụ huynh lao vào trường đánh hai học sinh vừa xảy ra tại Quảng Nam không phải là trường hợp cá biệt.
Thời gian qua đã có hàng loạt vụ việc phụ huynh lao vào trường đánh bạn học của con, đánh cả giáo viên hay thậm chí còn có cả cảnh phụ huynh vác dao "đe" hiệu trưởng.
Một vụ phụ huynh đánh bạn của con đến mức nạn nhân phải nhập viện xảy ra ở Quảng Ngãi (Ảnh cắt từ clip).
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi cùng TS xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia phân viện TPHCM trước vấn đề nhức nhối này.
Thưa bà, tại Quảng Nam vừa xảy ra sự việc phụ huynh lao vào trường đánh bạn học của con, chuyện không còn lạ gần đây. Là nhà xã hội học, bà nhìn nhận về những vụ việc này như thế nào?
- Đầu tiên phải khẳng định hành vi bạo lực với người khác, với bất kỳ ai, ngay cả bố mẹ đánh con cũng là sai trái, là hành vi vi phạm pháp luật.
Không có lý do gì để bao biện cho hành vi bạo lực với người khác, đặc biệt là hành vi lao vào trường đánh học sinh, hay đánh cả giáo viên. Những hành vi này phải được xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, từ nhiều sự việc phụ huynh xông vào trường đánh học sinh, giáo viên tôi thấy có 5 nguyên nhân chính, đều có mắt xích với nhau.
Đầu tiên phải nói đến việc khi con bị bắt nạt, bị bạo lực học đường, phụ huynh cực kỳ sợ hãi, lo lắng. Khi sợ hãi, lo lắng dẫn đến mất bình tĩnh, họ đã hành xử theo cách trút sự tức giận, lo lắng này vào người họ nghĩ là bắt nạt con họ, gây nguy hiểm cho con họ.
TS Phạm Thị Thúy (Ảnh: P.T).
Thứ hai, một vấn đề xã hội cần được nhìn nhận là chỉ số cảm xúc EQ của một bộ phận dân chúng hiện rất thấp. Đặc biệt là những người đang ở trong bối cảnh căng thẳng dễ bị mất kiểm soát, thiếu sự đồng cảm, hợp tác...
Thứ ba, trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế, nhiều người phải đối mặt với áp lực tài chính, áp lực công ăn việc làm nên mang rất nhiều bức xúc trong mình.
Những bức xúc đó có thể kéo theo những vụ bạo lực. Vấn đề này đã được dự báo từ lâu, khi xã hội có những rối loạn về kinh tế, về niềm tin, con người càng trở nên bức xúc. Tôi e rằng bạo lực sẽ tiếp tục leo thang trong bối cảnh áp lực như hiện nay.
Thứ tư là việc mất niềm tin vào tính nghiêm minh của pháp luật, ở đây là niềm tin vào sự nghiêm minh trong giáo dục. Khi mất niềm tin, người ta có xu hướng chọn cách tự xử, dùng "luật rừng".
Phụ huynh lao vào trường đánh học sinh, hay đánh cả thầy cô giáo để giải quyết vấn đề là vì họ không tin sự nghiêm minh của nhà trường.
Đây chính là yếu tố đang thúc đẩy bạo lực trong xã hội Việt Nam, không chỉ riêng trong trường học. Khi có sự việc, thay vì báo cơ quan công quyền, nhiều người chọn cách tự xử lý.
Nguyên nhân thứ 5 bao trùm tất cả và đáng lo ngại nhất là vấn đề suy thoái đạo đức. Tôi không nói suy thoái đạo đức nói chung mà ở chỗ quan điểm, nhận thức về giá trị con người đang bị sụt giảm, lung lay.
Ngày trước những đối tượng như trẻ em, giáo viên, bác sĩ rất được coi trọng, được bảo vệ. Nhưng giờ đây những đối tượng này lại cũng có thể bị tấn công, hành hung.
Những chuẩn mực, hệ thống giá trị đâu là đúng, đâu là sai, đâu là tốt, đâu là xấu đang bị đảo lộn. Hệ giá trị đang thiếu sự trân trọng đối với con người, ngay cả với những đối tượng cần được coi trọng, bảo vệ nhất.
Từ nhiều vụ việc phụ huynh lao vào trường đánh bạn học của con, dường như giờ đây không ít người đã từ chối hợp tác cùng nhà trường hay chờ đợi nhà trường giải quyết vấn đề?
- Như tôi nói ở trên, người ta có xu hướng "tự xử" khi mất niềm tin. Họ không có niềm tin vào hệ thống giáo dục, không có niềm tin vào hệ thống pháp luật áp dụng trong nhà trường.
TS Phạm Thị Thúy trong chương trình trao đổi về chủ đề trường học hạnh phúc (Ảnh: T.P).
Họ không tin rằng nếu họ phản hồi sự việc đến hiệu trưởng thì hiệu trưởng sẽ giải quyết việc này. Họ không có niềm tin con mình sẽ được bảo vệ.
Thứ phụ huynh nhìn thấy là tình trạng học đường đang cực kỳ nghiêm trọng. Trước mỗi vụ bạo lực học đường, phụ huynh sợ lắm, bất an lắm. Nên chỉ cần con chớm sưng mắt, xước tay thôi họ có thể nổi điên rồi. Vì người ta lo, vì người ta sợ đấy!
Họ sợ hậu quả của bạo lực học đường. Họ sợ nếu mình không ra tay ngăn chặn thì con sẽ là nạn nhân của bạo lực học đường.
- Như bà nói, phải chăng những sự việc này không chỉ dừng lại ở "cách hành xử cá nhân của phụ huynh" mà còn là vấn đề từ trường học?
- Phụ huynh xông vào trường đánh học sinh là dấu hiệu cho thấy nhà trường cần phải điều chỉnh, phải xem lại cách quản lý.
Trong sự việc phụ huynh lao vào trường đánh hai học sinh ở Quảng Nam, tôi thấy có chi tiết giáo viên và bảo vệ can ngăn nhưng không được. Quá nguy hiểm! Vai trò của bảo vệ trường học, vai trò của nhà trường trong việc bảo vệ học sinh ở đâu?
Phụ huynh xông vào lớp đánh học sinh xảy ra tại một trường THPT ở Bạc Liêu (Ảnh: cắt từ Clip).
Tại sao phụ huynh có thể dễ dàng bước qua cánh cổng trường để xông vào lớp đánh học sinh như vậy? Không chỉ là phụ huynh mà có thể là những kẻ đầu gấu, đòi nợ, bắt cóc bên ngoài xông vào thì sao?
Nhà trường đã có phương án bảo vệ học sinh của mình, ít nhất là trong khuôn viên trường học chưa? Sự an toàn của học sinh trong nhà trường được bảo đảm ra sao? Trường học phải xem lại quy trình và hàng rào bảo vệ học sinh, phải có những biện pháp phòng ngừa các nguy cơ có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường phải xem mình đã quản lý và xử lý, giải quyết như thế nào trước những hành vi sai trái của học trò, của giáo viên để phụ huynh yên tâm rằng đây là môi trường an toàn cho con cái họ mỗi ngày đến trường.
Trước sự việc này, trách nhiệm của người quản lý trường học là phải hỏi tại sao phụ huynh không tin mình mà lại chọn cách "tự xử". Đây là điều nhà trường phải xem lại, phải điều chỉnh chứ không chỉ nhìn thấy lỗi ở phía phụ huynh.
Sự việc phụ huynh xông vào trường đánh học trò là tiếng chuông báo động đến tất cả các trường học, không riêng gì ở nơi nào, trường nào.
Ở nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt là ở TPHCM đang xây dựng tiêu chí trường học hạnh phúc. Tiêu chí đầu tiên của trường học hạnh phúc phải là sự an toàn.
- Qua những sự việc này, chúng ta thấy các chủ thể quan trọng trong giáo dục là nhà trường - giáo viên - phụ huynh - học sinh, mối quan hệ vốn cần có sự tương hỗ, hợp tác thì dường như đang có sự đối đầu?
Bạo lực xảy ra thường là khi người ta bức xúc xuất phát từ việc thiếu hiểu nhau, thiếu thông tin, thiếu giao tiếp, thiếu kỹ năng kiểm soát…
Theo tôi nhà trường và phụ huynh cần tăng cường trao đổi, đối thoại để các bên hiểu nhau, hiểu về những nhu cầu, mong muốn, phương hướng của nhau. Tăng cường sự giao tiếp, trao đổi giữa gia đình và nhà trường, giữa phụ huynh và giáo viên, giữa học sinh và giáo viên và giữa cả phụ huynh và phụ huynh.
Qua đó giúp phụ huynh yên tâm, tránh chọn cách tự xử lý.
Không chỉ trong trường học mà ở góc độ xã hội, cũng rất cần những chương trình hỗ trợ, giải tỏa tâm lý, hướng dẫn người dân kỹ năng chuyển hóa cảm xúc; kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho văn hóa...
- Bà từng nói khi người lớn chưa dừng hành vi bạo lực thì đừng hy vọng trẻ em không hành xử bạo lực. Phụ huynh lao vào trường đánh học sinh cũng là nét vẽ tô đậm thêm cho tình trạng bạo lực học đường đang nhức nhối?
- Đúng vậy, quan điểm này đã được tôi đề cập tại nhiều chương trình, tọa đàm về bạo lực học đường, về trường học hạnh phúc. Cảm ơn bạn đã nhớ và nhắc lại.
Chúng ta nói nhiều về việc ngăn chặn nạn bạo lực học đường nhưng tôi muốn nói, khi bạo lực trong gia đình không dừng thì không bao giờ hết bạo lực học đường.
Khi người lớn, nhất là phụ huynh, giáo viên chưa dừng hành vi bạo lực thì rất khó để nói, để dạy các em "đừng đánh nhau".
Phụ huynh ở TPHCM trong một buổi trao đổi, đối thoại cùng trường học (Ảnh: Hoài Nam).
Trẻ em nhiễm tính bạo lực từ người lớn. Muốn trẻ điều chỉnh, người lớn chúng ta phải thay đổi cách hành xử với tất cả mọi người xung quanh.
Phụ huynh có hành vi bạo lực thì đừng mong con không có hành vi bạo lực. Phụ huynh lao vào trường đánh bạn của con là đang trao cho con cách giải quyết vấn đề bằng bạo lực.
Bạo lực như một bánh xe quay vòng khủng khiếp như vậy. Và ai ngoài chính mỗi người lớn chúng ta, trước hết cần có trách nhiệm trong việc dừng vòng quay của bánh xe này?
- Trân trọng cảm ơn bà về những trao đổi thẳng thắn.
Hai bạn trẻ cưới nhau về, trang bị đầy đủ các dụng cụ nấu ăn, từ nồi niêu, xoong chảo cho đến từng đôi đũa, cái bát… Thế nhưng các món này không phải phục vụ cho những bữa ăn gia đình mà là để… đối phó bố mẹ hai bên.
Câu chuyện tưởng như đùa nhưng lại là sự thật. Và thực tế coi nhẹ bữa ăn gia đình đang phổ biến ở nhiều đôi vợ chồng trẻ. Sự bận rộn đi kèm với tiện ích thời hiện đại đã cho phép những vợ chồng trẻ được… lười nấu ăn. Lâu dần, họ quên luôn hơi ấm của căn bếp và thậm chí có những gia đình rất lâu rồi bếp không đỏ lửa.
Đi làm về mệt còn phải nấu ăn là rất dễ nổi cáu
Nhắc đến câu chuyện bếp không đỏ lửa, chị Trần Hoàng Vân, ngụ tại hẻm 407 Sư Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM), kể trong một lần đi ăn tối cùng em gái, chị Vân hỏi: "Sao không đưa chồng cùng đi ăn?", cô em trả lời: "Tụi em quen rồi. Đi làm thì phần đứa nào đứa nấy ăn, trừ những hôm cả 2 về sớm mới đi ăn cùng nhau".
"Vậy là hai vợ chồng không nấu ăn?", chị Vân thắc mắc thì cô em trả lời: "Em không giỏi nấu ăn, chồng cũng bận rộn công việc, nên từ khi cưới nhau về tụi em đã thống nhất sẽ không nấu ăn. Buổi sáng hôm nào dậy sớm thì cả 2 đặt đồ về ăn cùng nhau rồi mới đi làm. Còn cả ngày theo kiểu tự lo chuyện ăn uống vì chỗ làm 2 đứa cách xa nhau".
Những bữa ăn gia đình sẽ giúp cả nhà có thêm cơ hội để trò chuyện, chia sẻ và gắn kết với nhau hơn
ẢNH: NỮ VƯƠNG
Chị Vân cho biết cũng khuyên em nên nấu ăn để giữ hơi ấm gia đình, nhưng quan điểm của cô em là: "Chỉ nghĩ đến việc đi làm về rồi lo nấu ăn, dọn dẹp, rửa chén bát các kiểu, chắc tụi em làm không nổi".
Cưới nhau đến nay đã được gần 4 năm nhưng bếp của gia đình N.T.M.D (28 tuổi), ngụ tại Q.7, TP.HCM, chưa một lần đỏ lửa. Lý giải việc này, D. nói: "Thời gian làm việc của hai vợ chồng rất nhiều. Chồng mình có khi còn làm đến khuya mới về. Nếu đi làm về rồi phải nấu ăn dọn dẹp thì vợ chồng dễ nổi quạu lắm. Mình thấy như thế càng dễ căng thẳng và mâu thuẫn với nhau hơn".
D. kể thêm: "Gia đình ba mẹ chồng trước giờ ăn sáng ở ngoài, trưa về nấu ăn. Buổi tối thì 1 tuần ba mẹ đi ăn nhà hàng 3 - 4 ngày để gia đình có thời gian ngồi nói chuyện với nhau. Nên chồng không quá ép buộc mình phải nấu ăn ở nhà. Ngược lại chồng mình thích ăn quán hơn. Tụi mình ăn ngoài nhưng cũng ăn những quán cơm gia đình để cho có không khí đoàn viên".
Dù không nấu ăn, nhưng D. cho biết căn bếp của hai vợ chồng không thiếu bất kỳ đồ gia dụng gì. Lý do D. sắm đầy đủ hết mọi thứ dù bếp chưa một lần đỏ lửa là vì: "Ba mẹ chồng hay vào nên nhà phải đầy đủ để… đối phó".
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình
Nhận xét về thực tế này, tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (Phân hiệu tại TP.HCM), cho rằng đây là vấn đề hết sức quan ngại vì các bạn trẻ hiện nay có phần xem nhẹ bữa ăn gia đình và vấn đề bếp ấm.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy, có nhiều lý do nhưng quan trọng nhất vẫn là ở nhận thức và tư duy không coi trọng bữa ăn gia đình. "Nếu coi nhẹ bữa ăn gia đình, xem nhẹ bếp ấm, về lâu về dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc", chị Thúy nhấn mạnh.
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy
Theo quan điểm của chị Thúy, gia đình là tổ ấm chỉ khi có 3 nơi ấm. Đầu tiên là bếp ấm, sau đó là phòng ngủ ấm và phòng khách ấm. Trong đó, bếp ấm được hiểu là bữa ăn chung, nấu và ăn cùng nhau. Muốn là tổ ấm thì bếp phải ấm. Đây là điều mà chị Thúy cho rằng không thể thiếu để tạo nên hạnh phúc gia đình.
Nếu bếp không ấm sẽ có những ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Ảnh hưởng đầu tiên chị Thúy đề cập đến là tình yêu thương trong gia đình. "Nếu vợ chồng, con cái cùng nấu ăn cho nhau, đó mới chính là thể hiện tình yêu thương trực tiếp và quan trọng nhất", chị Thúy nhìn nhận.
Ảnh hưởng thứ hai là vấn đề sức khỏe. Tự nấu ăn sẽ đảm bảo hơn về an toàn thực phẩm. Hơn nữa, mình biết rõ là chồng, con thích ăn gì nên khi tự nấu ăn sẽ đáp ứng được nhu cầu của từng thành viên một cách tốt nhất.
Chị Thúy muốn các gia đình trẻ cần lưu tâm rằng bữa ăn không đơn thuần chỉ là bữa ăn. Vì điều quan trọng là khi cùng nấu, cùng chuẩn bị cho bữa ăn sẽ tạo nên sự bên nhau và gắn kết.
"Cùng nhau làm việc mới có thể chia sẻ vui buồn, nói được với nhau rất nhiều chuyện, từ công việc, xã hội đến chuyện nuôi dạy con cái… Đây là cơ hội rất tốt để các thành viên trong gia đình giao tiếp, trò chuyện và chia sẻ với nhau", chị Thúy nói và khẳng định: "Một yếu tố rất quan trọng trong việc giữ bếp ấm và bữa ăn chung chính là những đứa con học được các kỹ năng như tự phục vụ bản thân, tự lập, nấu ăn, chăm sóc, yêu thương người khác… Và quan trọng là các con có cơ hội gần gũi với gia đình. Thiếu bữa ăn, các con sẽ xa dần ba mẹ, xa dần gia đình".
Cảm giác được yêu thương từ bữa ăn gia đình
Do tính chất công việc nên chị Phan Thị Hồng Châu (ngụ tại hẻm 818 Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng thừa nhận rằng không thường xuyên nấu được những bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, dù bận đến thế nào, chị Châu và chồng cũng cố gắng thu xếp để một tuần có được một vài bữa vào bếp cùng nấu ăn.
Chị Châu và các con luôn cảm nhận được tình yêu thương và hạnh phúc mỗi lần cùng nhau chuẩn bị bữa ăn gia đình
ẢNH: NVCC
Dù bận rộn, nhưng chị Châu và chồng luôn cố gắng sắp xếp thời gian để vào bếp nấu những bữa ăn gia đình
ẢNH: NVCC
Chị Châu kể: "Dù không thường xuyên nhưng mỗi khi vào bếp là vợ chồng lại có cơ hội tâm tình với nhau nhiều hơn, kiểu vừa sơ chế nguyên liệu vừa tám chuyện. Thường chồng đứng bếp chính và chủ động chọn món ăn mà vợ yêu thích hoặc bọn trẻ đề xuất. Người xưa thường hay quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", nhưng nếu cả hai cùng xây thì chắc hẳn sẽ trọn vẹn hơn. Mình thích cảm giác được thưởng thức những món ngon do chính tay chồng chuẩn bị, các con cũng vậy. Cảm giác như mình được yêu thương, rất hạnh phúc".
Chỉ ra tầm quan trọng của bữa ăn chung trong việc gắn kết gia đình, tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho biết một trong những nguyên tắc của khoa học là đồ ăn thức uống khi ăn cùng nhau sẽ chung chất dinh dưỡng và còn chung nhiều thứ khác, từ đó tạo nên dưỡng chất nuôi thân, nuôi tâm. "Nếu không ăn cùng nhau sẽ không cùng quan điểm sống, không cùng chia sẻ về cảm xúc. Lâu dần khi không ăn chung sẽ không thể hiểu nhau", chị Thúy đặc biệt lưu ý.
Rất nhiều gia đình chị Thúy tham vấn trong tình trạng không hiểu và kết nối được với con cái, hoặc thường xuyên mâu thuẫn, xung đột thì mẫu số chung của họ đều rất ít có bữa ăn chung.
Chị Thúy muốn nhắn gửi đến các gia đình trẻ rằng muốn gia đình ấm thì căn bếp cũng phải ấm. Bếp mà không hề đỏ lửa, lạnh teo, có nghĩa rằng không có sự quan tâm và thời gian chia sẻ cùng nhau. Việc nấu ăn cùng nhau mang rất nhiều ý nghĩa, nhưng trong thời buổi hiện nay, có những hoàn cảnh mà chúng ta không thể nào duy trì đều đặn được, thì cũng nên linh hoạt nhưng cần phải cân bằng.
"Có những lúc ăn ở ngoài, có lúc nên cùng nhau nấu ăn tại nhà. Điều quan trọng là ăn cùng nhau. Nhưng đừng coi nhẹ căn bếp, đừng để cho bếp của bạn lạnh ngắt. Trong suốt một tuần liền mà bếp không đỏ lửa thì nên cẩn trọng. Sau này nếu gia đình có vấn đề gì không hiểu nhau, con cái không dạy dỗ được thì có lẽ một trong những lý do là vì bạn đã để cho bếp của gia đình nguội lạnh", chị Thúy lưu ý.
Chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024, với chủ đề "Bên nhau, mình là nhà" do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chuỗi hoạt động của chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc 2024 bao gồm: Chiến dịch truyền thông Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc và Ngày hội "Gia đình trẻ hạnh phúc" trên mạng xã hội với các sản phẩm truyền thông: infographic, motion graphic, video clip...
Nguồn: https://thanhnien.vn/ben-nhau-minh-la-nha-bao-lau-roi-bep-khong-do-lua-185240926190856044.htm
Câu chuyện đào tạo bản lĩnh, tạo động lực, tăng tinh thần đoàn kết bằng những trò chơi như bắn chun sưng tay, cõng nhau giẫm lên gai hoa hồng khiến nhiều người phẫn nộ.
Bắn chun, cõng nhau giẫm lên hoa hồng đầy gai
Chương trình đào tạo kỹ năng bán hàng, nâng cao doanh số với những trò chơi trải nghiệm gây đau đớn cho người tham gia đang được dư luận quan tâm.
Trước đó, mạng xã hội xuất hiện đoạn video quay chương trình đào tạo của một thương hiệu mỹ phẩm. Nhằm tạo động lực, tăng đoàn kết, nhóm người này chơi trò kéo dây chun. 10 người cùng lúc kéo nhiều sợi dây chun cho đến khi dây đứt.
Bắn chun sưng tay - thử thách trong buổi đào tạo của một công ty gây tranh cãi. Ảnh cắt từ clipVới đội thất bại, thủ lĩnh sẽ phải chịu trừng phạt, bị sếp bắn dây chun vào cổ tay. Cổ tay của một số cô gái đã đỏ lừ, sưng tấy. Mục đích của việc này là để nhân viên thấu hiểu trách nhiệm nặng nề, sự thiệt thòi của thủ lĩnh và sức mạnh của đội nhóm.
Nữ CEO của công ty khẳng định, trò chơi đã chạm đến cảm xúc của người tham gia và những người đứng ngoài không hiểu được điều đó.
Một cô gái tham gia trải nghiệm cũng thổ lộ, bản thân đã nhận được bài học giá trị từ thử thách bắn chun. Trước đó, cô từng vượt nhiều thử thách, trải nghiệm khắc nghiệt hơn khi tham gia các khóa đào tạo bán hàng hệ thống.
Trước đó, vào cuối tháng 8, mạng xã hội từng xôn xao trước video đội nhóm tham gia thử thách cõng nhau giẫm lên gai hoa hồng.
Video này cũng là về một khóa học đào tạo dành cho người bán hàng hệ thống. Từ sếp đến nhân viên của công ty cùng tham gia thử thách cõng nhau bước qua con đường trải hoa hồng gai.
Thử thách cõng nhau dẫm lên gai hoa hồng khiến người xem khó hiểu. Ảnh cắt từ clipNgười giẫm lên gai hoa hồng bật khóc vì đau đớn, người được cõng và cả những người chứng kiến cũng rơi nước mắt. Thử thách này nhằm mục đích đào tạo bán lĩnh cho các thành viên trong công ty.
Để phản bác ý kiến cho rằng hoa hồng không có gai, một nhân viên còn quay cận cảnh cành hồng đầy gai nhọn để chứng minh độ xác thực của thử thách. Hành động này càng khiến người xem khó hiểu.
Đa phần đều cho rằng, bắn chun và cõng nhau giẫm lên gai hoa hồng là thử thách điên rồ, lố bịch, không mang tính giáo dục.
Cách thức đào tạo phi giáo dục
Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia tâm lý, TS. Phạm Thị Thúy khẳng định, bắn dây chun là trò chơi phi giáo dục. “Mục đích tổ chức có thể tốt cho buổi đào tạo nhưng cách thực hiện lại gây tổn hại cho thể chất, tinh thần của người khác.
Tôi rất phản đối các trò chơi phản cảm như thế này. Người tổ chức thiếu hiểu biết về giáo dục và tâm lý con người, họ chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh doanh, không để ý đến tác động tiêu cực của trò chơi đến người tham gia và người chứng kiến”.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy. Ảnh: NVCCNhững thử thách gây đau đớn có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất của người tham gia. Về mặt tâm lý, hậu quả cũng rất nặng nề.
TS. Phạm Thị Thúy chia sẻ, không khí sôi nổi của chương trình khiến người trong cuộc phấn khích, chấp nhận các thử thách và dễ xúc động.
“Tuy nhiên, sau này xem lại, họ có thể nghĩ ‘không ngờ lúc đó mình chịu đau và chịu nhục được như vậy’. Trong clip kia, đi kèm với động tác bắn chun là rất nhiều câu nói nặng nề. Tôi xem video mà cảm thấy kinh khủng.
Đó là sự sỉ nhục, xúc phạm nhân phẩm trước đám đông, có thể gây ra tổn thương lớn về tâm lý cho ai đó sau này. Đặc biệt, video lại được công khai trên mạng xã hội, thu hút nhiều bình luận chỉ trích, tổn thương sẽ bị nhân lên nhiều lần”.
Những người có mặt trong buổi đào tạo, chứng kiến hình phạt bắn chun cũng bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý.
Theo chuyên gia, trò chơi đã “lấy sự hối hận, mặc cảm trước cái sai, xấu, dở của người khác để thúc giục họ thay đổi”. Việc này lợi bất cập hại.
“Người tổ chức cho rằng, thử thách này tạo động lực, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân viên với công việc chung, nếu không thủ lĩnh của họ sẽ bị trừng phạt.
Đây là một dạng thao túng tâm lý tiêu cực. Người chứng kiến bật khóc vì thương, vì sợ, vì xấu hổ khi mình làm ảnh hưởng đến người khác, từ đó sinh ra tâm lý mặc cảm, tội lỗi. Đó là phi giáo dục.
Với những người có tiềm ẩn những vấn đề về tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động này càng khó dự đoán trước”, TS. Phạm Thị Thúy chia sẻ.
Những video trên cũng gây ra hậu quả tâm lý xã hội, khiến người xem cảm thấy bi quan khi thấy một số công ty vì hiệu quả kinh doanh mà bất chấp, sẵn sàng tổ chức thử thách gây đau đớn cho người tham gia.
“Cộng đồng mạng không nên chỉ trích những người tham gia trò chơi này. Trong môi trường, mục đích đào tạo như vậy, họ tham gia cũng là điều dễ hiểu, chỉ là họ không lường trước được hậu quả phía sau”, chị nói thêm.
Theo chuyên gia tâm lý, buổi đào tạo mang tính giáo giục phải đảm bảo hai yếu tố.
Thứ nhất, mục tiêu đào tạo phải vì con người, quan tâm đến sức khỏe, tâm lý, cảm xúc của con người, chứ không chỉ vì hiệu quả kinh doanh. Đó mới là tư duy của kinh doanh bền vững, kinh doanh có đạo đức.
Thứ hai, người tổ chức phải nói rõ luật chơi kèm hậu quả có thể có để người chơi quyết định có tham gia hay không.
Nghệ sĩ làm thiện nguyện trong bão lũ chính là thể hiện trách nhiệm xã hội và cái tâm của họ, nhưng với nhiều trường hợp, việc đứng ra quyên góp vật lực từ đám đông không thể thực hiện một cách tự phát.
Nghệ sĩ từng vướng lùm xùm từ thiện
Đợt bão lũ năm 2020, nhiều nghệ sĩ như Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh… vướng lùm xùm khi bị tố ăn chặn tiền từ thiện khiến hình ảnh của họ bị ảnh hưởng rất nhiều, sau đó là sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các nghệ sĩ phải tung sao kê lên trang cá nhân để minh oan.
Mới đây, khi đang thực hiện chuyến cứu trợ đến đồng bào các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, ca sĩ Thái Thùy Linh cũng bị một tài khoản trên mạng xã hội tấn công với những lời lẽ bôi nhọ, vu khống, không tin tưởng vào những gì nữ ca sĩ đang làm để cứu trợ đồng bào vùng bão lũ. Thái Thùy Linh đã bức xúc phản ứng công khai trên trang cá nhân, yêu cầu người này xin lỗi.
NSND Trịnh Kim Chi và diễn viên Lý Hùng, Lý Hương tại Ủy ban MTTQ VN TP.HCM ngày 16.9 trao số tiền đóng góp của các văn nghệ sĩ, nhà hảo tâm gửi đến đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3
Ảnh: FB Trịnh Kim Chi
Chia sẻ về chuyện này, Thái Thùy Linh cho biết: "Mấy ngày nay tôi bị tấn công, vu khống, thêu dệt những chuyện sai sự thật, người ta tìm mọi cách tấn công để làm tổn thương mà tôi không hiểu vì sao như vậy. Khi hết dịch Covid-19, tôi từng xin phép dừng các hoạt động thiện nguyện nên tài khoản thiện nguyện "Người Việt thương nhau" của tôi nằm yên từ năm 2022. Giờ đây khi chứng kiến đồng bào mình gặp thiên tai đau thương, tôi không nghĩ mình sẽ bị phiền toái, thị phi gì cả nên cứ làm những việc cần làm thôi".
Có thể thấy các nghệ sĩ từng vướng lùm xùm từ thiện là do họ tự đứng ra kêu gọi, quyên góp vào tài khoản cá nhân và nghệ sĩ sau đó thực hiện cứu trợ tự phát, không nắm rõ về quy định, tài chính - kế toán, không chủ động công khai các khoản thu chi minh bạch.
"Từ xưa đến giờ tôi không kêu gọi, mà có bao nhiêu làm bấy nhiêu và cũng chỉ vận động người thân trong gia đình. Với đợt bão lũ này, tôi chọn đến Ủy ban MTTQ VN tại TP.HCM để gửi 200 triệu đồng ủng hộ người dân", nghệ sĩ Lý Hùng chia sẻ.
Lan tỏa giá trị đẹp cần đúng cách
Sau những vụ nghệ sĩ vướng thị phi khi kêu gọi quyên góp tiền từ thiện, một số nghệ sĩ tiếp tục tham gia hoạt động thiện nguyện cá nhân, theo nhóm, chọn cách công khai số tiền thu chi minh bạch, rõ ràng trên trang cá nhân và sử dụng công cụ hỗ trợ.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, tiếp nhận biểu trưng số tiền 190 triệu đồng do diễn viên Huy Khánh (giữa) và MC Lý Chánh, đại diện RuNam Star United - Saigon Warriors và những người bạn ủng hộ tại buổi quyên góp hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ các tỉnh miền Bắc, tại tòa soạn báo chiều 16.9.2024
Ảnh: Nhật Thịnh
"Phải minh bạch số tiền thu vào là bao nhiêu, nhận từ ai và mình đã chi ra bao nhiêu tiền cho các việc gì, mua cái này hết bao nhiêu và sau khi mua những mặt hàng cứu trợ thì những thứ đó đã đi về đâu. Phải đủ 3 bước thì mới minh bạch. Hiện nay, Ngân hàng Quân đội đã xây dựng app minh bạch thiện nguyện, tài khoản chỉ 4 chữ số thôi. Tài khoản này sẽ cấp cho một tổ chức, cá nhân và nó công khai hoàn toàn phần thu chi. Cứ cài app vào thì bất cứ người nào, không cần mật khẩu cũng có thể xem được các khoản thu và chi. Giờ còn thiếu tính năng là tải lên các hóa đơn mua hàng và chi tiết hàng đi về đâu thì app minh bạch thiện nguyện này sẽ là trợ thủ đắc lực cho các hoạt động thiện nguyện", ca sĩ Thái Thùy Linh chia sẻ.
Theo thạc sĩ luật Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố… phải đảm bảo công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung này trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trước từ 1 đến 3 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện.
Để tránh thị phi và áp lực cho nghệ sĩ khi tham gia hoạt động từ thiện, theo các chuyên gia, nghệ sĩ nên kêu gọi đóng góp vào các tổ chức như Ủy ban MTTQ VN, Hội Chữ thập đỏ VN, các cơ quan báo chí có uy tín, có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thiện nguyện; và bản thân nghệ sĩ cũng có thể tham gia trực tiếp vào đoàn cứu trợ của các tổ chức này.
"Gần đây đã có những quy định rõ ràng hơn, giúp các nghệ sĩ có cách làm minh bạch hơn. Xét về khách quan, các cá nhân, nghệ sĩ nên tìm hiểu và thực hiện đúng quy định của Nhà nước, pháp luật liên quan đến công tác thiện nguyện, cùng với các cơ quan chức năng kết nối các đầu mối thu chi các nguồn tài trợ. Thậm chí họ cũng có thể làm đại sứ thiện nguyện cho các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí để dùng sức ảnh hưởng của nghệ sĩ lan tỏa đến công chúng", tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy nói.
Theo luật sư Lê Trung Phát (Hãng luật Lê Trung Phát, TP.HCM): "Pháp luật không đặt vấn đề về việc những người đứng ra kêu gọi quyên góp phải đồng hành cùng với cá nhân, tổ chức nào để thực hiện việc hỗ trợ. Bởi đây là khả năng, lương tâm và trách nhiệm của họ. Họ có thể tự làm mà sẽ không phải lo sợ trách nhiệm pháp lý nếu làm đúng lương tâm, trách nhiệm và đặc biệt là không trục lợi cho bản thân. Nếu số tiền ủng hộ mà họ nhận được quá lớn, hoặc trong quá trình triển khai việc cứu trợ gặp khó khăn trong xác định đối tượng cần hỗ trợ, phương tiện đi lại, nhân lực, thì họ có thể kết hợp cùng các cơ quan, tổ chức… để triển khai việc cứu trợ được kịp thời, hiệu quả nhất".
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, cho biết gần đây thay vì kêu gọi quyên góp vào tài khoản cá nhân, nhiều nghệ sĩ chọn trực tiếp ủng hộ hàng hóa, kinh phí và vận động dư luận ủng hộ vào các tổ chức, đơn vị xã hội uy tín như Ủy ban MTTQ VN, Hội Chữ thập đỏ các cấp, các cơ quan báo chí... mà họ tin tưởng, tín nhiệm để hỗ trợ đồng bào các tỉnh thành miền Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra.
"Tôi cho rằng đây là cách làm cần được phát huy trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp văn nghệ sĩ khắc phục được những vấn đề có liên quan đến công tác tổ chức cứu trợ và không bị ảnh hưởng sau cứu trợ. Khi gửi vào các tổ chức trên, nghệ sĩ có thể đề xuất dùng số tiền đó ủng hộ cho địa phương nào, hoạt động gì một cách cụ thể. Việc phối hợp thực hiện như vậy đúng với quy định của pháp luật, làm cho công tác cứu trợ của các tổ chức tại địa phương hoặc đơn vị tiếp nhận sẽ dễ dàng, thuận lợi và minh bạch hơn. Số tiền đóng góp khi phân phát cũng được công bằng, tránh được câu chuyện nơi thì thừa, còn nơi lại không có gì. Tôi tin với những điểm sáng đó, các văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tổ chức uy tín để thực hiện hoạt động thiện nguyện của mình", ông Trần Trường Sơn nói.
Lạc Xuân
Đạo diễn Việt Tú cùng những người bạn vừa tổ chức đêm nhạc Tiếng gọi yêu thương (tối 15.9, quỹ Hạt Vừng đại diện) gây quỹ giúp đỡ bà con bị thiệt hại vì bão lũ, với sự tham gia của các nghệ sĩ như Tùng Dương, Trung Quân, Mỹ Anh… Đạo diễn cho biết, dù có những "nghi vấn" trước đây nhưng các nghệ sĩ không e ngại việc kêu gọi từ thiện và vẫn đang làm thiện nguyện cùng toàn xã hội. "Về sự nghi vấn, tôi nghĩ là điểm tích cực để tăng cường giám sát xã hội trong công tác từ thiện, không chỉ riêng với giới nghệ sĩ mà bất kỳ đối tượng nào để đảm bảo tấm lòng của các nhà hảo tâm đến được đúng và đủ với bà con hoạn nạn", đạo diễn Việt Tú chia sẻ. Đạo diễn Việt Tú cho rằng, nhìn từ bên ngoài, chúng ta chỉ thấy kết quả cuối cùng là tấm lòng, tình yêu thương và sự lan tỏa. Tuy nhiên, để điều đó được trọn vẹn, đó là một hành trình đòi hỏi kỹ năng quản lý chuyên nghiệp, sự kết nối hệ thống, các quy trình vận hành.
Trinh Nguyễn
Những ngày qua, khi cơn bão số 3 (Yagi) gây tang thương cho các tỉnh phía bắc thì đội ngũ nghệ sĩ cũng góp sức người, sức của cùng cả nước xoa dịu nỗi đau của đồng bào.
Còn nhớ mùa bão lũ trước ở miền Trung, những nghệ sĩ như Thủy Tiên, Trấn Thành, MC Đại Nghĩa, Quyền Linh, Thái Thùy Linh… luôn chủ động đứng ra quyên góp, trực tiếp đi các chuyến cứu trợ.
Đại diện Ban tổ chức đêm nhạc của Tuấn Hưng - Duy Mạnh đến Ủy ban MTTQ VN trao số tiền 3 tỉ đồng giúp đồng bào bị lũ lụt
Ảnh: FB Tuấn Hưng
Ca sĩ Thủy Tiên từng trở thành một hiện tượng khi quyên góp được 178 tỉ đồng và trực tiếp thực hiện các chuyến cứu trợ đến đồng bào miền Trung trong mùa bão lũ năm 2020. Cùng thời điểm MC Trấn Thành kêu gọi được 9 tỉ đồng, Lý Hải - Minh Hà cũng kêu gọi được hơn 5 tỉ đồng… Bên cạnh đó còn có những ca sĩ quyên góp tiền giúp đỡ bà con vùng lũ thông qua các đêm nhạc riêng, như Quang Dũng quyên góp được hơn 2 tỉ đồng, Lệ Quyên quyên góp được 300 triệu đồng... Chỉ sau 10 phút kêu gọi quyên góp, tài khoản của nghệ sĩ, MC Quyền Linh trong đợt bão lũ 2020 cũng đã nhận về hơn 2 tỉ đồng (sau đó Quyền Linh phải lập tức đóng tài khoản để nhanh chóng đi cứu trợ, vì anh sợ nếu số tiền ủng hộ tăng lên quá nhiều thì bản thân anh không đủ sức để làm).
Nhiều cách làm, lan tỏa
Những ngày vừa qua, khi đồng bào các tỉnh phía bắc chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3, cũng có rất nhiều nghệ sĩ nhanh chóng thể hiện tinh thần "tương thân tương ái" qua số tiền chuyển vào tài khoản các tổ chức từ thiện xã hội như Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và vài tổ chức chính trị - xã hội uy tín khác, các cơ quan báo chí… Có người đóng góp vài chục triệu, vài trăm triệu và cũng có những nghệ sĩ ủng hộ cả tỉ đồng. Trong đó, Hà Anh Tuấn ủng hộ 1 tỉ đồng trong đợt phát động của T.Ư Đoàn, Mỹ Tâm 200 triệu đồng, Hòa Minzy 500 triệu đồng, Tùng Dương và những người bạn 500 triệu đồng, vợ chồng Lý Hải 200 triệu đồng, vợ chồng Phương Oanh - Shark Bình 500 triệu đồng… Bên cạnh ủng hộ tiền mặt, một số nghệ sĩ còn có những chuyến đi cứu trợ các nhu yếu phẩm đến bà con như ca sĩ Bằng Kiều, ca sĩ Diệp Lâm Anh, diễn viên Kiều Anh, MC Đại Nghĩa, hoa hậu H'Hen Niê, ca sĩ Thái Thùy Linh… Ca sĩ Tuấn Hưng - Duy Mạnh thì tổ chức đêm nhạc và nhận từ đơn vị tổ chức ca nhạc ở Tam Đảo 3 tỉ đồng chuyển tới Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.
Ca sĩ Thủy Tiên từng quyên góp được 178 tỉ đồng trong mùa bão lũ 2020
Ảnh: Tư liệu
Có thể thấy so với những mùa bão lũ trước, năm nay các nghệ sĩ hầu như rất ít đứng ra kêu gọi quyên góp từ cộng đồng mà phần lớn tự bỏ tiền túi hoặc chỉ quyên góp trong nhóm bạn bè thân thiết. Chia sẻ về việc chọn các tổ chức uy tín để đồng hành trong hoạt động thiện nguyện, hoa hậu H'Hen Niê cho rằng: "Hiện nay có rất nhiều cơ quan, ban, ngành uy tín và làm việc có hệ thống, quy trình cụ thể, rõ ràng. Cá nhân tôi nghĩ nên kết hợp cùng các cơ quan, ban, ngành để công việc được thực hiện đúng và có kế hoạch chi tiết, phối hợp cùng nhiều cấp địa phương tại những khu vực dự định thực hiện dự án cộng đồng, công tác thiện nguyện. Mình có lòng nhưng cũng cần phải thực hiện đúng để ý nghĩa hành động được trọn vẹn hơn".
Cũng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cùng nhiều nghệ sĩ đã đến Ủy ban MTTQ TP.HCM chia sẻ với bà con đang chịu bão lũ. Anh cho biết: "Tôi không giữ một tài khoản nào để tự quyên góp mà kết nối đến tổ chức để họ tiếp nhận phần đóng góp của mình. Song song đó mình vẫn có thể đồng hành với tổ chức ấy đi trao quà trực tiếp đến người cần giúp".
Ảnh hưởng từ "người của công chúng"
Trong nhiều năm qua, những nghệ sĩ như Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm, Đen Vâu, Quyền Linh… luôn có các hoạt động thiện nguyện thiết thực, hiệu quả nên truyền cảm hứng và khuyến khích nhiều người cùng chung tay giúp đỡ nhiều trường hợp khó khăn, không chỉ trong bão lũ.
Họa sĩ Lê Thiết Cương (trái) và nhà văn Nguyễn Việt Hà tại triển lãm Mặt khác gây quỹ giúp đồng bào bị lũ lụt
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chia sẻ về chuyện quyên góp, trực tiếp cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 ở các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái… những ngày này, ca sĩ Thái Thùy Linh cho rằng: "Mình là người của công chúng nên tiếng nói, lời kêu gọi của mình sẽ lan tỏa mạnh hơn, đến với nhiều người hơn. Ban đầu tôi cũng chịu bao nhiêu thị phi, kiểu như "mấy bà ca sĩ biết gì mà vào vùng lũ cứu trợ, tổ chức các đội thuyền này kia…". Và trước khi thực hiện những chuyến đi, tôi không mong đợi mọi người sẽ góp vào bao nhiêu, có được tới đâu mình làm tới đó. Số tiền tôi quyên góp được đến giờ là hơn 2 tỉ đồng cũng nằm ngoài hình dung của tôi. Và ngay trong ngày đầu tiên tôi đã dùng một phần để lập tức mua vài ngàn đèn pin, vài ngàn cục sạc dự phòng, lương khô, thuốc men trị các bệnh thông thường... để đưa đến những nơi khó khăn nhất".
Nói về việc nghệ sĩ tham gia các hoạt động từ thiện, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (Phó trưởng khoa Quản lý kinh tế xã hội, thuộc Học viện Hành chính quốc gia - Phân hiệu TP.HCM) cho rằng: "Trong một xã hội đang trên đà phát triển, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, những thông điệp, việc làm của nghệ sĩ sẽ được chia sẻ rất nhanh chóng và ảnh hưởng rất mạnh đến công chúng. Như ca sĩ Hà Anh Tuấn với những đóng góp từ thiện luôn truyền cảm hứng mạnh mẽ. Sự chính trực, đàng hoàng của chính người nghệ sĩ sẽ có sức lan tỏa và ảnh hưởng bền vững trong xã hội, kéo theo nhiều tầng lớp công chúng tham gia, lòng tốt được nhân lên trong xã hội, tiền ủng hộ sẽ tăng lên rất nhanh. Và chắc chắn công chúng cũng cho các nghệ sĩ biết rằng, họ làm tốt thì bản thân họ cũng được ủng hộ và ghi nhận". (còn tiếp)
Nhóm 3 nghệ sĩ gồm họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, nhà văn Nguyễn Việt Hà đã quyết định tặng toàn bộ tiền bán tác phẩm triển lãm Mặt khác (Trung tâm văn hóa 22 Hàng Buồm, Hà Nội) để góp quỹ Bầu ơi thương lấy bí cùng. Đây là một triển lãm các mặt nạ giấy bồi, mặt nạ gốm do nhóm bạn thân này sáng tác để kể câu chuyện phố Hà Nội, chợ Hà Nội, người Hà Nội. Hiện tại đã có 70% số mặt nạ trong triển lãm được bán.
Cặp bạn thân NSND Xuân Bắc - NSND Tự Long cùng các nghệ sĩ Nhà hát Kịch VN cũng tổ chức một chương trình nghệ thuật trung thu phục vụ thiếu nhi. Chương trình Trung thu không xa cách, dự kiến diễn ra vào tối 17.9 tại Nhà hát Hồ Gươm, cũng sẽ dùng tiền bán vé để hỗ trợ đồng bào, đặc biệt là các em nhỏ chịu ảnh hưởng của bão lụt. "Mùa trung thu đương nhiên khi chịu ảnh hưởng bão, lũ lụt thì sẽ thành thứ yếu. Nhưng được vui chơi, được múa hát, được giáo dục đó là quyền của trẻ em. Muốn gì thì gì trẻ em không được vui chơi cũng là thiệt thòi bên cạnh việc thiệt thòi vì ngập nước, trường và nhà cửa bị cuốn trôi, sách vở bị ướt, đặc biệt là thiệt thòi về người thân bị mất, rồi chính trẻ em là nạn nhân của bão lụt", NSND Xuân Bắc nói.
PNO - Bộ sách 2 cuốn "Hòa hợp hôn nhân: Bí mật chuyện phòng the" và "Buông hay giữ" giúp các cặp đôi thấu hiểu nhau và thăng hoa trong "chuyện ấy".
Đầu tháng 6, trên tài khoản mạng xã hội gần một triệu người theo dõi, Nguyễn Phương Ly đăng video kể về người mẹ đơn thân 12 năm, thông báo mẹ vẫn ế.
"Năm 17,18 tuổi mẹ là hotgirl tỉnh Yên Bái. Trai đuổi về đến tận nhà là chuyện như cơm bữa. Giờ mẹ cháu đang ế, có chú nào theo đuổi hồi đó giờ vẫn còn cơ hội nhé'', Ly, 21 tuổi, ở Hà Nội nói.
Năm 2012, mẹ Ly dắt hai chị em cô dọn ra nhà trọ, chính thức làm mẹ đơn thân. Nhìn mẹ một mình lo toan cho gia đình, căng thẳng nhưng không ai bầu bạn, cô con gái lớn khi đó đã giục mẹ có người yêu.
"Tôi nghĩ có thêm một người bạn đồng hành, cùng chia sẻ với mẹ khi khó khăn sẽ tốt hơn'', Ly nói.
Nhưng sợ không ai yêu con mình đủ nhiều, mẹ Ly không có ý định đi bước nữa. Một mình chị gồng gánh làm nhiều việc cùng lúc, có khi nửa đêm mới về, để nuôi hai con trưởng thành.
Khi cuộc sống ổn định, Ly càng muốn mẹ có người bầu bạn. "Nhìn bạn bè mẹ mỗi lần đi cà phê ai cũng có đôi, tôi lại càng thương, càng muốn mẹ có người chiều chuộng, chăm sóc", cô gái đang du học châu Âu nói.
Lần nào hai mẹ con đi chơi, thấy có vệ tinh vây quanh mẹ, Ly cũng bảo "để con bắt chuyện làm quen''. "Mẹ đẹp mà ở không cũng phí, có người chở đi spa, cùng đi ăn vẫn vui hơn'', cô hay thuyết phục như thế.
Khi bài đăng của Ly xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều nam giới trạc tuổi mẹ cô xin liên hệ, có người nói muốn gửi "CV" của bố mình sang cho Ly để mai mối hai người cho nhau. Dù chưa ai ''lọt vào mắt xanh'' của mẹ, nhưng Ly tin, khi tìm được đúng người, mẹ chắc chắn sẽ đón nhận hạnh phúc.
Phương Ly (phải) và mẹ chụp ảnh lưu niệm đầu năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Vũ Cầm Thi, 45 tuổi, con gái bà Phạm Thị Ngọc Cầm, 80 tuổi, Hà Nội cũng chủ động tạo tài khoản, sử dụng tính năng hẹn hò của Facebook tìm bạn trai cho mẹ.
Bà Cầm làm mẹ đơn thân hơn 40 năm, một mình vừa làm nghề giáo, vừa làm nghề may nuôi con khôn lớn. Nhưng khi các con trưởng thành, có gia đình riêng, chị Thi phát hiện mẹ có biểu hiện trầm cảm. ''Tôi nghĩ nên tạo tài khoản mạng xã hội để mẹ giao lưu'', chị nói. Chị chọn bức ảnh đẹp nhất của mẹ đăng lên tính năng hẹn hò, viết lời giới thiệu.
Bốn năm trước, trong lúc dùng điện thoại của bà Cầm, chị Thi thấy tài khoản của ông Lưu Bách Chế. "Bác trông rất đạo mạo, hiền lành, có vẻ hợp với mẹ nên tôi gửi kết bạn", chị kể.
Bữa đó, ông Chế, nhà cách bà Cầm khoảng 5 km, đang ngồi xem điện thoại cùng con gái. Thấy có người gửi kết bạn cho bố, người con thúc giục nhận lời. Ông Chế cũng có cảm tình với người phụ nữ ôm bó hoa trong bức ảnh nhưng rụt rè chưa biết bắt chuyện thế nào. Con gái lại giục "Bố nhắn tin khen cô ấy đi". Người cha đang bối rối thì con đã cầm máy gửi tin nhắn.
Nhờ con, ông bà bắt chuyện làm quen. Vài ngày sau, họ lần đầu gặp mặt, cùng uống nước, đi dạo phố. Từ đó, hai người cô đơn có đôi, được chia sẻ đủ điều, nhớ nhung, hờn giận như muôn cặp tình nhân.
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia, phân viện TP HCM cho biết xu hướng ủng hộ, thậm chí tìm người yêu cho bố mẹ như chị Thi hay Ly, đang hình thành trong lòng xã hội Việt Nam hiện đại. Khảo sát của VnExpress với hơn 1.000 độc giả, 91% ủng hộ bố (mẹ) đơn thân tìm hạnh phúc mới, vì cho rằng người già hay trẻ đều có nhu cầu tình cảm, cần người yêu thương, chăm sóc.
Kết quả điều tra của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam năm 2020, ghi nhận thực trạng cứ 2,2 người cao tuổi có một người không hạnh phúc khi chung sống với con cháu.
Về mặt tâm lý học, bà Thúy đánh giá cao những người có quan điểm này. ''Có những đứa con hiểu được cảm xúc, tâm sinh lý của cha mẹ, họ sẽ rất vui và hạnh phúc", bà Thúy nói.
Khi ông Chế và bà Cầm thành đôi, các con ông bà thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt. Thi thoảng chị Thi lại tài trợ kinh phí để mẹ và bạn trai đi du lịch đây đó, tạo không gian riêng cho ông bà hẹn hò.
''Các con yêu thương chúng tôi nên cũng quý mến và tôn trọng người bạn mới của bố mẹ, giúp chúng tôi thoải mái thể hiện tình cảm của mình, không ngại định kiến'', ông Chế nói.
Hai ông bà thấy mình trẻ, khỏe và yêu đời hẳn. "Mẹ không còn để tâm những điều nhỏ nhặt rồi giận dỗi, tủi thân như trước", chị Thi kể. Con trai ông Chế cũng kể với họ hàng, ngày mẹ mất, anh thấy bố đau buồn như muốn đi theo, nhưng từ ngày có bà Cầm làm bạn, ông vui vẻ, trẻ trung hơn hẳn.
Ông Chế và bà Cầm tại nhà bà ở Đống Đa, hôm 1/3. Ảnh: Phạm Nga
Tuy nhiên, theo bà Thúy, bên cạnh những người con hiếu thảo, cởi mở, thực tế xã hội vẫn còn những người con không muốn bố mẹ mình đi thêm bước nữa. "Một số người sống ích kỷ, muốn sở hữu bố mẹ'', bà nói.
Trong phòng tham vấn tâm lý, bà Thúy gặp hai đối tượng, một là nhóm các ông bố, bà mẹ muốn tìm một nửa nhưng bị con cái phản đối. "Họ nói trong nước mắt vì buồn phiền. Họ cũng hoang mang tự hỏi liệu có phải mình ích kỷ, xấu xa khi có người yêu'', bà kể.
Nhóm thứ hai tìm đến phòng tham vấn của bà Thúy là những đứa con. Họ không biết nên ủng hộ hay phản đối, không biết phải cư xử với người mới của bố mẹ mình như thế nào.
Những người già chủ động tài chính thường không chịu áp lực từ con cháu, nhưng những người sống phụ thuộc thường vật lộn để đấu tranh giữa cảm xúc và đòi hỏi của con cháu.
Nhưng không phải ai người con nào phản đối bố mẹ cũng vì nghĩ cho lợi ích của mình. Có những trường hợp con không muốn bố (mẹ) có bạn không phải vì muốn cấm đoán, mà sợ người thân của mình bị lợi dụng, nhất là những người già có tài sản.
Vì vậy, chuyên gia khuyên con cái nếu nghi ngờ người yêu của phụ huynh không tốt thì nên tìm hiểu rõ, không phán xét, chỉ trích. Khi có bằng chứng, mới nói để bố (mẹ) hiểu.
Những người bị con cháu phản đối chuyện có mối quan hệ yêu đương nên xem xét nghiêm túc, xem đối tượng mình muốn tiến đến là ai, vì mục đích gì. Nếu chắc chắn vào tình cảm đối phương dành cho mình và ngược lại, họ sẽ đủ tự tin để thuyết phục con.
''Cha mẹ và con đừng bao giờ đối đầu với nhau. Hãy trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm. Nhưng cuối cùng thì vẫn là việc ai người đó quyết và phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình'', bà nói.
Bà Thúy cũng lưu ý với những người đơn thân, không nhất thiết phải có người yêu mới có hạnh phúc. Tùy hoàn cảnh, có thể kết bạn, tham gia các câu lạc bộ, hay bận rộn với việc theo đuổi một đam mê, sở thích để luôn vui vẻ.
Mẹ Ly đang tìm niềm vui bằng cách đó. Sau giờ làm, mẹ cô thường chơi với mèo, nấu ăn, dọn nhà cửa, đi cà phê, đi du lịch với bạn bè. ''Dù mẹ sống một mình hay đi bước nữa, tôi vẫn luôn ủng hộ và tôn trọng. Tôi nghĩ đấy mới là điều một người con nên làm với mẹ mình'', cô nói.
Phạm Nga
Nguồn: https://vnexpress.net/nhung-dua-con-tim-nguoi-yeu-cho-bo-me-4773723.html
Là con một nên khi gia đình gặp biến cố, người trẻ bắt buộc phải tạm gác lại đam mê để hỗ trợ. Hay cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng khiến cho đứa con duy nhất bị phụ thuộc, không dám bước ra khỏi "vùng an toàn"...
Có những ước mơ dang dở
Năm 2019, khi đang là sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, N.T.Q (26 tuổi) đã phải tạm dừng việc học vì cha mắc ung thư phổi. Ban đầu Q. chỉ muốn bảo lưu kết quả học tập, về phụ mẹ chăm sóc cha, vì Q. là con một. Tuy nhiên, bệnh tình của cha ngày càng chuyển biến nặng. Hai tháng ở trong bệnh viện, nhìn cha xanh xao, mẹ thì héo mòn vì lo lắng đã khiến Q. nhận ra bản thân phải là trụ cột của gia đình.
Cha mẹ nên chia sẻ và thông cảm hơn cho người con duy nhất
KIM NGỌC NGHIÊN
Cầm cự được hơn 3 tháng thì cha mất, mẹ Q. gần như gục ngã. Lo đám tang cho cha xong, Q. quyết định ở lại quê (Lâm Đồng) để an ủi và làm chỗ dựa cho mẹ. Một năm sau, Q. lập gia đình để "yên bề gia thất" theo nguyện vọng của mẹ.
"Với mình, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ là việc mà một người con phải làm. Mình cũng có chút tiếc nuối, vì biến cố lớn ập đến nên phải gác lại đam mê của bản thân và về nhà làm tròn trách nhiệm. Nhà mình đơn chiếc, mẹ thì tâm lý yếu, không thể để bà cô đơn được", Q. chia sẻ. Hiện tại, Q. cùng vợ trồng rau để bán, cuộc sống tuy không mấy dư dả nhưng cơ bản là ổn định. Khi nhắc về giấc mơ còn dang dở, Q. chỉ thấy hơi tiếc nhưng không trách móc số phận.
Đã 25 tuổi nhưng Nguyễn Thị Kim Anh, làm việc tại khu phố 1B, P.An Phú, TP.Thuận An (Bình Dương), vẫn chưa dám yêu đương, hay nghĩ đến những chuyến du lịch…, vì muốn tập trung đi làm để trả nợ cho gia đình. Ba năm trước, gia đình Kim Anh có vay một công ty tài chính số tiền hơn 40 triệu đồng để xây nhà. Thời gian dịch Covid-19 bùng phát, cha mẹ Kim Anh bị mất việc nên không có tiền trả góp hằng tháng.
Chỗ cho vay trên liên tục tạo áp lực. Thấy gia đình khó khăn, Kim Anh khi đó mới ra trường, chưa tìm được việc làm đã đứng ra mượn chú họ số tiền hơn 40 triệu đồng để trả cho công ty tài chính. Sau dịch, Kim Anh lên Bình Dương làm kiểm toán cho một công ty gỗ. Thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, sau khi chi tiêu cho việc ăn uống, trả tiền nhà trọ..., Kim Anh dành từ 2 - 5 triệu đồng để trả nợ và gửi về cho gia đình.
Là con gái nhưng Kim Anh luôn tối giản việc chăm sóc bản thân. Chiếc xe máy Kim Anh đang chạy cũng phải trả góp hằng tháng.
"Có những ngày mình thấy tủi thân và khóc tại phòng trọ khi nhìn thấy những bạn gái khác được mặc đồ đẹp hay đi hẹn hò. Mình không trách gia đình nhưng gánh nặng này quá lớn. Mình mong nửa năm sau sẽ trả hết số nợ, rồi mới tiết kiệm tiền và nghĩ cho bản thân. Mình ước có thêm một người anh trai hay chị gái, đỡ đần trong việc giúp gia đình khi có biến cố xảy ra", Kim Anh nói.
Biết hy sinh, nghĩ cho gia đình là vậy, nhưng dường như Kim Anh chưa bao giờ làm hài lòng được những người họ hàng, hàng xóm. Họ luôn dè bỉu Kim Anh: "Sao lớn rồi mà không chịu lấy chồng?", hay: "Sao không tìm chồng nước ngoài để khỏe tấm thân?"… Nghe hàng xóm, họ hàng "lời ra tiếng vào", cha mẹ của Kim Anh cũng đã nhiều lần hối thúc cô gái này làm theo.
Con cái không cần nhiều sự bao bọc như cha mẹ nghĩ !
Cha anh N.N.Q (31 tuổi, đang sinh sống tại Q.Tân Phú, TP.HCM) mất từ khi anh 14 tuổi. Hai mẹ con anh Q. chuyển từ TP.Nha Trang (Khánh Hòa) vào TP.HCM làm việc và sinh sống đã hơn 16 năm. Từ nhỏ, sợ con thiếu thốn nên mẹ anh Q. luôn bao bọc hết mức.
Hiện tại, dù đã 31 tuổi, nhưng anh Q. phải về nhà đúng giờ để ăn cơm mẹ nấu, không được đi chơi khuya. Từ quần áo, giày dép... đến lựa chọn công việc, mẹ anh đều chăm chút cho con trai. Vì nhận được quá nhiều sự chăm sóc, yêu thương, bảo bọc từ mẹ mà anh Q. mất đi sự tự do, dù đã trưởng thành nhưng không thể quyết định cuộc sống.
"Cuộc sống của mẹ gắn liền với mình, mẹ ít chăm sóc cho bản thân. Có những lúc mình muốn mẹ bớt đi sự quan tâm, bao bọc để mình tận hưởng cuộc sống như đi chơi với bạn bè…, nhưng mình thấy rất khó. Công việc của mình ở công ty dược cũng là nghe theo nguyện vọng của mẹ. Mình ước một lần được thất bại trong chính giấc mơ của bản thân", Q. chia sẻ.
Cũng là con một, N.T.N, sinh viên Trường ĐH RMIT, cho biết bản thân muốn trở thành một tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, cha mẹ của N. muốn con trai duy nhất tiếp quản công ty gia đình nên từ nhỏ đã hướng cho N. học kinh doanh quốc tế. Vì là con một nên từ nhỏ N. được cha mẹ chăm sóc rất kỹ.
"Từ nhỏ đến lớn, mình được cha mẹ chăm lo không thiếu thứ gì, học ở những trường tốt nhất. Mình chỉ thiếu những ngày tháng được sống đúng với ước mơ và quyết định cuộc đời. Không cần cuộc sống quá tiện nghi, chỉ cần cha mẹ lắng nghe mình một lần", N. chia sẻ.
Phải thành công sớm hơn
Mới ra trường và đang làm việc tại công ty truyền thông, Nguyễn Hoàng Nhân, ngụ đường Hồng Lạc, Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết: "Cha mẹ mình sống tại tỉnh Hậu Giang, cũng đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe yếu lại không biết tự lái xe máy. Mỗi lần cha mẹ có nhu cầu khám bệnh, đi chợ… đều nhờ họ hàng, hay đi phương tiện công cộng. Không sống gần cha mẹ để hỗ trợ, mình cảm thấy áy náy và muốn thành công sớm hơn để trở về nhà".
Sau giờ làm việc ở văn phòng, Nhân ăn vội bữa cơm bình dân, rồi chạy đi làm gia sư đến 22 giờ. Về đến phòng trọ còn phải nấu cơm để mang đi làm vào ngày hôm sau. Nhân cho biết bản thân phải cố gắng kiếm thật nhiều tiền, nhanh chóng thành công để trở về quê sống cùng cha mẹ.
Cũng là con một trong gia đình, nên sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, Nguyễn Huỳnh Thanh Huy (23 tuổi) cũng gặp áp lực phải sớm thành công. Có lần cha Huy (quê ở tỉnh Sóc Trăng) gọi điện thoại nói với con trai: "Huy ơi phải cố gắng, cha chỉ hy vọng vào con". Câu nói của cha khiến Huy chạnh lòng, vì hiện tại chưa thể nổi tiếng dù theo ngành nghệ thuật.
Thanh Huy luôn mang áp lực phải thành công sớm hơn để giúp đỡ gia đình
KIM NGỌC NGHIÊN
Gia đình không khá giả, cha lại hay bị bệnh nên Huy luôn ý thức bản thân phải cố gắng làm việc. Hằng ngày, Huy nhận rất nhiều công việc từ livestream hay dạy bán hàng trực tuyến, làm MC, ca sĩ… Dù chương trình nhỏ hay lớn, Huy đều cố gắng tham gia để kiếm tiền trang trải cuộc sống và gửi về quê cho cha chữa bệnh.
"Nhìn sự già đi của cha khiến mình chạnh lòng, tự nhủ bản thân không được mơ mộng, mặc dù làm nghệ thuật. Mình không ngại vất vả, làm việc thật nhiều để cho bản thân và gia đình có cuộc sống tốt hơn", Huy nói.
Áp lực rất lớn
Áp lực của người con một ở độ tuổi trưởng thành là rất lớn, như phải mang nhiều kỳ vọng của cha mẹ về việc thành công, kết hôn, sinh con…; hay trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già yếu. Để giải tỏa những áp lực này, phải giải quyết vấn đề từ nhiều phía.
Trong trường hợp người trẻ là con một đang đi làm, hay theo đuổi đam mê nào đó ở xa, mà nhận được lời đề nghị của cha mẹ nên về gần nhà, người trẻ phải lắng nghe cha mẹ. Đôi khi không đơn giản là cha mẹ cô đơn, muốn sống gần con cái, mà vì có ý định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bạn. Trong trường hợp người trẻ lắng nghe và thấy ý kiến của cha mẹ hợp lý thì quá lý tưởng.
Tuy nhiên, vì phải chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ mà bạn phải hy sinh ước mơ, hoài bão thì nên cân nhắc kỹ. Con một nên bày tỏ nguyện vọng của bản thân và đưa ra những giải pháp khác, hãy làm như thế nào dù có ở xa vẫn quan tâm, chăm lo được cho cha mẹ, để họ bớt cô đơn…
Nếu con một phải hy sinh hạnh phúc, sự nghiệp để chăm lo cho cha mẹ, thì sau này người hối tiếc nhất lại là phụ huynh. Cần nhìn nhận, có những áp lực không phải là trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc. Nếu cha mẹ mong muốn đứa con duy nhất của mình hạnh phúc thì phải luôn chia sẻ, lắng nghe mong muốn, từ đó tạo ra sự đồng thuận chứ không nên áp đặt. Khi chỉ có một đứa con, cha mẹ sẽ dành hết tình yêu thương, sự kỳ vọng, thậm chí là che chở một cách thái quá…
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (Phân viện tại TP.HCM)
Cha mẹ nào cũng không muốn con mình phải đau khổ
Cha mẹ cần động viên và đồng hành cùng con trong mọi hoạt động, thay vì tạo áp lực. Tránh so sánh con mình với người khác, điều này sẽ làm giảm động lực cố gắng trong học tập và làm việc. Cha mẹ nên chuẩn bị kinh tế vững vàng, tiền tiết kiệm khi về già để tự lo cho mình, hay có thể dạy con theo nghề truyền thống của gia đình (nếu nhận được sự đồng thuận của con), sẽ giúp giảm tải được áp lực cho đứa con duy nhất.
Hãy tạo cảm giác an toàn, thoải mái để cho đứa con duy nhất chia sẻ. Chắc chắn, bậc làm cha mẹ nào cũng không muốn con mình phải đau khổ và chịu áp lực một mình mà không có ai sẻ chia, cùng gỡ rối.
Các bạn trẻ phải học cách sống trọn vẹn trong từng giai đoạn. Nếu đang học tập thì hãy hết mình, trau dồi kỹ năng, học thêm những môn yêu thích... nhân lúc chưa phải thực hiện nhiệm vụ phụng dưỡng cha mẹ. Việc phát triển bản thân thật tốt cũng là cách đáp trả lại sự yêu thương mà cha mẹ dành cho mình. Người trẻ phải biết quý trọng mạng sống của mình và lựa chọn những mối quan hệ tích cực, tránh xa hoạt động độc hại. Cần sắp xếp thời gian về thăm gia đình, thường xuyên gọi điện, lắp đặt camera quan sát từ xa, hỗ trợ kinh phí để cha mẹ giải quyết các vấn đề cuộc sống.
Thạc sĩ Đinh Văn Thịnh, giảng viên kỹ năng mềm tại
Công ty giáo dục kỹ năng Angel, Q.Tân Phú, TP.HCM
Nguồn: https://thanhnien.vn/noi-kho-cua-con-mot-185240720193710732.htm