Để có một trường học hạnh phúc, vai trò của người cầm lái là hiệu trưởng rất quan trọng. Ý thức được điều đó, nhiều hiệu trưởng đã luôn làm mới mình để vững vàng trong sự nghiệp trồng người.
Cửa phòng thầy luôn mở
Chúng tôi ghé phòng thầy Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6, vào giờ trưa đúng lúc thầy vừa đi họp về.
Học sinh phải thật sự hạnh phúc
TP.HCM đã có bộ tiêu chí về xây dựng trường học hạnh phúc. Đây là một hoạt động hướng đến chất lượng của việc dạy học cũng như đem đến hạnh phúc cho người học trong hoạt động của nhà trường. Lâu nay trên thế giới đã có nhiều ngôi trường hạnh phúc, UNESCO có bộ tiêu chí về vấn đề này. Tại Hà Nội đã có những trường đã xây dựng mô hình này. Tuy nhiên, chúng ta mong muốn tại TP.HCM, các trường học sẽ hướng đến việc HS có hạnh phúc thực sự hay không chứ không phải hướng đến hoạt động để được công nhận là trường học hạnh phúc.
Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM
Trước cửa phòng, có nhiều học trò đứng đợi để thông báo với thầy hiệu trưởng về những việc đã xảy ra trong trường. “Có em chia sẻ có bạn mang vật nhọn vào trường, có em tiết lộ có mấy bạn nam hút thuốc lá điện tử trong nhà vệ sinh và rất rất nhiều chuyện khác. Nhờ có sự chia sẻ của học trò, tôi mới nắm bắt hết thông tin, trường học an toàn cũng vì thế” - thầy Cường tâm sự.
Việc mở cửa phòng làm việc là chủ trương đã được thực hiện từ khi thầy về trường làm cán bộ quản lý.
“Cửa đóng then cài sẽ tạo khoảng cách. Chính sự cởi mở sẽ tạo nên sự thân thiện giữa tôi và mọi người” - thầy Cường tâm sự.
Số điện thoại cá nhân của thầy được công khai trên trang web, Zalo của trường. Phụ huynh có thể gọi điện thoại bất cứ lúc nào để phản ánh. “Nhiều khi 21, 22 giờ phụ huynh vẫn gọi phản ánh thái độ giao tiếp của giáo viên (GV)” - thầy Cường nói thêm.
Cũng tại ngôi trường này, hình ảnh thầy hiệu trưởng cùng các cô thầy trong ban giám hiệu xuất hiện tại các bữa ăn bán trú đã quá quen thuộc với HS.
Thầy Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6, đang tiếp thực phẩm cho học sinh trong bữa ăn bán trú. Theo thầy Cường, để có trường học hạnh phúc thì hiệu trưởng phải luôn mở lòng lắng nghe giáo viên và học sinh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊNCô Võ Kim Liên cho biết thầy Cường là cán bộ quản lý trẻ nên rất cởi mở, tất cả kế hoạch đều được ứng dụng công nghệ thông tin. Thầy luôn lắng nghe GV chia sẻ rồi mới đưa ra cách giải quyết trước mọi vấn đề. Vì thế, GV cảm thấy được tôn trọng.
“Chúng tôi chỉ chuyên tâm tới việc giảng dạy, ngoài ra không phải thu chi hay vận động bất cứ khoản nào” - cô Liên nói.
Cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, TP Thủ Đức, cùng các học trò của mình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊNNói rõ hơn vấn đề trên, thầy Cường cho hay trường không thực hiện vận động tài trợ hay lo kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS. Vì thế, GV đỡ áp lực, họ chỉ chú tâm vào giảng dạy.
“Hiệu trưởng không phải là người chỉ tay năm ngón”
Dù đã gần năm năm trôi qua nhưng cô Lê Thị Việt Hà vẫn nhớ mãi hình ảnh cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, TP Thủ Đức, trong ngày thứ hai về trường nhận nhiệm vụ.
“Hôm đó, tôi ở lại phụ đạo cho học trò đến 18 giờ mới về. Bước xuống sân trường, tôi khựng lại khi thấy cô Hảo đang lúi húi dọn cỏ, trồng cây ở góc nhà ăn. Ở vị trí lãnh đạo, tôi không ngờ cô vẫn làm những công việc như thế. Suốt năm năm qua, cô luôn đồng hành cùng mọi người từ việc nhỏ đến việc lớn. Hiệu trưởng không phải là người chỉ tay năm ngón” - cô Hà bộc bạch.
Theo cô Hà, cô Hảo quan tâm đến môi trường học đường. Hiểu rõ trình độ của HS, cô tạo môi trường học tập phù hợp, không đặt nặng chuyện thành tích.
Đề cập đến việc xây dựng trường học hạnh phúc, cô Hảo cho biết hiệu trưởng cởi mở mới rút ngắn khoảng cách với mỗi thành viên trong trường, không khí trường học mới vui.
Cô Đỗ Thị Mỹ Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10, chụp ảnh cùng học trò lớp 5 trong lễ tri ân. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN“Số điện thoại của tôi cũng như các thầy cô trong ban giám hiệu được công khai từ đầu năm học. Các em hay phụ huynh có thể liên hệ bất cứ lúc nào. Có những hôm đến 1 giờ đêm, tôi vẫn nhận được tin nhắn của học trò về việc bị cha mẹ bạo hành hay gặp những chuyện khó nói. Tôi luôn trong tâm thế lắng nghe và chia sẻ, vì vậy các em có thể vào phòng tôi bất cứ lúc nào để tìm kiếm sự trợ giúp. Có em mượn kim, chỉ; có em bày tỏ tâm tư khi bài kiểm tra bị điểm thấp…” - cô Hảo bộc bạch.
Trường THPT Đào Sơn Tây có điểm đầu vào thấp nhất TP Thủ Đức chỉ có 4 điểm nhưng đầu ra lên tới 7 điểm. Vì thế sự nỗ lực của thầy cô ở đây gấp nhiều lần so với GV ở các trường khác. Để GV yên tâm cho biết bản thân luôn đồng hành, lắng nghe họ.
Tổ chức tiết học mở, phạt HS bằng hình thức đọc sách
Cứ đến giờ ăn bán trú, cô Đỗ Thị Mỹ Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10, lại dạo một vòng để xem các con ăn ra sao. Những em ăn chậm hay HS hòa nhập luôn được cô quan tâm, nhắc nhở và nhờ bảo mẫu để ý thêm.
Nhiều em thấy cô hiệu trưởng ghé thăm thì chạy đến chào và không quên méc những câu chuyện vu vơ của tuổi học trò như “cô ơi, bạn kia chạy nhảy, bạn này chưa đi ngủ”. Theo cô Hòa, trường học hạnh phúc phải là ngôi trường có sự yêu thương, tôn trọng và an toàn.
Xây dựng trường học hạnh phúc là nhiệm vụ trọng tâm
Tại TP.HCM, một trong những nhiệm vụ trọng tâm lãnh đạo TP.HCM đặt ra cho ngành GD&ĐT trong năm học 2023-2024 là phải xây dựng trường học hạnh phúc.
Từ đó, Sở GD&ĐT đã ban hành bộ tiêu chí trường học hạnh phúc (gồm 18 tiêu chí).
Theo Sở GD&ĐT, trường học hạnh phúc là mô hình nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, GV, nhân viên, HS và học viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng hình ảnh con người TP.HCM “sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo”.
Việc xây dựng trường học hạnh phúc được thực hiện từng bước, cẩn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đơn vị trường học. Khi triển khai bộ tiêu chí trường học hạnh phúc, lãnh đạo ngành GD&ĐT TP đề nghị các cơ sở giáo dục quan tâm đến đối tượng cha mẹ HS, đưa vào như một trong những chủ thể quan trọng, ảnh hưởng tới quá trình xây dựng trường học hạnh phúc.
Trường học an toàn sẽ làm nên hạnh phúc. Sự an toàn đến từ việc HS được an toàn thân thể và tinh thần khi không bị trách phạt, chèn ép… “Tại trường, nếu HS vi phạm lỗi nhiều lần sẽ bị phạt bằng việc xuống thư viện đọc sách. Đây là hình thức kỷ luật tích cực” - cô Hòa nói.
Theo cô Hòa, trường học hạnh phúc khi có đội ngũ GV đoàn kết, cùng lấy sự hạnh phúc của HS làm trung tâm. Muốn làm được điều này, hiệu trưởng phải xây dựng được tập thể đồng lòng, tương trợ lẫn nhau. Phải làm sao để GV hiểu tất cả công việc đều thực hiện trên tinh thần đội nhóm, tổ khối, tập thể chứ không riêng cá nhân nào. Những lời động viên, khen ngợi đúng lúc cũng rất cần thiết để GV cảm thấy được ghi nhận.
Đặc biệt, bên cạnh công tác chuyên môn thì hiệu trưởng cũng cần quan tâm đến đời sống tinh thần để GV cảm thấy đến trường không chỉ là công việc hành chính mà giống như ngôi nhà thứ hai.
Với phụ huynh, cần tạo mối quan hệ thân thiện, cởi mở. Trường tăng cường tổ chức các hoạt động mở để phụ huynh cùng tham gia, qua đó biết và hiểu hơn công việc của GV từ tiết học mở tiếng Anh cho đến tham dự bữa ăn bán trú và nhiều hoạt động khác để cùng chung sức nuôi dạy các em nên người.•
Làm sao để xây dựng trường học hạnh phúc?
Liên quan đến việc xây dựng trường học hạnh phúc, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia - phân viện tại TP.HCM
Vai trò hiệu trưởng rất quan trọng
. Phóng viên: Để trường học hạnh phúc, hiệu trưởng đóng vai trò như thế nào, thưa bà?
TS Phạm Thị Thúy nói vai trò của hiệu trưởng trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN+ TS Phạm Thị Thúy: Có một câu nói của người xưa rằng “Một người lo bằng một kho người làm”. Trường học hạnh phúc hay không phần lớn phụ thuộc vào nhà lãnh đạo.
Hiệu trưởng giữ vai trò rất quan trọng khi phải có trách nhiệm chính và là người tạo ra cơ hội để nhà trường thay đổi.
. Để trường học hạnh phúc, hiệu trưởng cần làm gì?
+ Đầu tiên, phải bắt đầu từ chính bản thân họ. Nếu hiệu trưởng không hạnh phúc sẽ không thể có trường học hạnh phúc.
Trước khi nói đến các biện pháp cho tổ chức, cho giáo viên (GV), cho học sinh (HS), tôi muốn đề cập đến giải pháp cho hiệu trưởng.
Hiệu trưởng phải khỏe, vui, tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết với nhà trường. Họ có tâm huyết muốn xây dựng trường học hạnh phúc. Từ đó, họ sẽ thay đổi cách làm việc, thay đổi cách sắp xếp cuộc sống, kế hoạch chăm sóc bản thân… để đầu tư cho chính họ. Khi họ đến trường với tâm trạng thoải mái, vui vẻ mới lan tỏa được niềm hạnh phúc và niềm vui đến với mọi người.
Tiếp đến, hiệu trưởng phải quan tâm đến người khác, đến các thành viên trong nhà trường. Sự quan tâm của hiệu trưởng rất quan trọng vì nó tạo ra mối quan hệ tích cực giữa hiệu trưởng với GV, nhân viên.
GV, nhân viên cần nhất ở hiệu trưởng là sự lắng nghe. Lắng nghe để tôn trọng những nhu cầu của các thành viên trong trường, từ đó có sự điều chỉnh mọi việc sao cho phù hợp.
Sự tôn trọng, lắng nghe để kết nối với mọi người chính là điều mà nhà quản lý phải làm. Từ đó, hiệu trưởng sẽ có những hoạt động
để thay đổi từ những việc nhỏ trong trường như chăm lo nhà vệ sinh sạch sẽ, bữa ăn an toàn, phong phú, đa dạng, thay đổi chế độ chính sách chăm lo cho đời sống của GV, nhân viên, nâng cao chất lượng hiệu quả dạy và học. Hiệu trưởng phải là người công tâm, công bằng và không vụ lợi…
Hạnh phúc là hành trình
. TP.HCM vừa ban hành bộ tiêu chí trường học hạnh phúc. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người quan tâm là làm sao để trường học hạnh phúc đi vào thực tế chứ không phải là khẩu hiệu?
+ Trường học hạnh phúc không phải chỉ đến từ mỗi hiệu trưởng mà cần sự chung sức của nhiều người.
Thứ nhất là hiệu trưởng cùng ban giám hiệu cần phải hạnh phúc như đã nói ở trên. Thứ hai là nhóm GV hạnh phúc luôn đổi mới sáng tạo để lớp học của mình trở nên hạnh phúc. Thứ ba, phụ huynh phải phối hợp với trường để tạo ra gia đình hạnh phúc và có sự hợp tác với nhà trường trong việc dạy con. Đứa trẻ bất ổn trong gia đình thì đến lớp rất khó ổn định về cảm xúc, dễ gây ra bạo lực học đường cho nên phụ huynh cũng phải có trách nhiệm đồng hành cùng nhà trường.
thứ tư chính là HS. Tưởng rằng HS chỉ là đối tượng thụ hưởng nhưng chính các em chủ động làm nên trường học hạnh phúc. Các em yêu mến trường của mình sẽ giữ vệ sinh sạch sẽ, tuân thủ nội quy, đảm bảo nề nếp, chất lượng học của chính mình.
Trường học hạnh phúc sẽ có từ khi chúng ta bắt tay vào cùng xây dựng trường học dựa trên ba giá trị là yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Hạnh phúc là quá trình, là con đường chứ không phải đích đến. Tôi ủng hộ phải có tiêu chí trường học hạnh phúc để đánh giá, để có hướng phấn đấu. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng hạnh phúc phải có mặt trong từng giây phút chúng ta đang làm việc, dạy - học cùng với nhau.
. Xin cảm ơn bà.
NGUYỄN QUYÊN thực hiện
Mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui!
Trường học là chiếc thuyền mang sứ mệnh sư phạm chuyên chở bao nhiêu con người đến bến bờ tri thức.
Theo lý thuyết, trong hoạt động giáo dục chỉ có hai người quan trọng nhất. Một là bộ trưởng, người vạch ra kế hoạch, chính sách, đường lối theo mục tiêu chương trình do Chính phủ ban hành. Hai là hiệu trưởng, hiệu trưởng là người thực hiện, tổ chức dạy và học theo yêu cầu đào tạo con người có tri thức, có đạo đức và có đầy đủ phẩm chất văn hóa trong xã hội văn minh, hiện đại. Tất cả bộ phận khác, các cấp quản lý dưới sự điều hành, chỉ đạo của bộ trưởng giúp hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ.
Hiệu trưởng tốt nghiệp sư phạm, bước vào trường học để làm người thầy. Thầy cũng có bước đi dò dẫm bên cạnh đồng nghiệp để dạy dỗ học trò. Thầy cũng có niềm vui với học sinh (HS) ngoan, học giỏi và nhiều em đùa nghịch, lười biếng. Thầy cũng thao thức soạn từng trang giáo án, tìm phương pháp và cách thức truyền thụ dễ hiểu cho từng bài dạy. Thầy cũng từng gặp cha mẹ các em, cùng chia sẻ mỗi bước tiến bộ, mỗi sự thụt lùi và cùng tìm biện pháp cho con em học tập tốt hơn… Quá trình đó cũng thấm vào đời thầy, từng tháng, từng năm và từng chức vụ mà thầy được tin tưởng cho đến ngày thầy là hiệu trưởng.
Tôi nhớ phòng Giáo dục tiểu học mỗi năm học đều gặp gỡ toàn bộ hiệu trưởng trong TP và luôn nhắc nhở hiệu trưởng mỗi buổi sáng đứng ở cổng trường chào đón thầy cô và HS. Hiệu trưởng trên môi nở nụ cười thân thiện, ánh mắt đầm ấm. Cho dù tình huống nào xảy ra cũng nhẹ nhàng tìm hiểu, giải quyết. Giáo viên có đi trễ phải nghĩ là có bất trắc gì đó thì đến vỗ vai hỏi thăm, an ủi để họ cảm thấy ấm lòng bước vào lớp học, mỉm cười chào học trò của mình. HS không làm bài, nghịch phá không phải là đứa bé hư hỏng mà tâm lý em đang bị chấn động vì nhiều hoàn cảnh khác nhau ở gia đình, với bạn học hay vì lý do nào đó.
Thầy Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6, luôn quan tâm, động viên các em học sinh trong học tập. Ảnh: NGUYỆT NHIMột lần được đến Thụy Điển thăm trường tiểu học trong dự án quyền trẻ em. HS không ngoan, giáo viên đã hết cách giáo dục thì báo lên hiệu trưởng và HS sẽ được mời lên phòng để hiệu trưởng tiếp HS. Đây là phòng được thiết kế đẹp nhất trường. HS được hiệu trưởng mời ăn kẹo, uống nước ngọt. Hiệu trưởng cùng HS trò chuyện không liên quan gì đến chuyện học tập hay đùa nghịch, hư hỏng, lười biếng. HS cứ thoải mái nói. Hiệu trưởng chú ý lắng nghe. Có thể gặp nhau một lần, nhiều lần cho đến khi hiệu trưởng khám phá nguyên nhân hư hỏng của HS và HS cũng từ từ thay đổi khi trở về lớp phấn khởi, vui vẻ, học tập ngoan hơn. Đây là phương pháp giáo dục tâm lý khoa học sư phạm hay mà tôi đã được học. Lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ chứ không phải trách móc, quở phạt để làm chuyển biến thái độ của HS.
Hiệu trưởng phải là người có trí tuệ, mô phạm, nhân hậu. Bên cạnh một cái đầu sáng suốt, bản lĩnh còn phải có trái tim biết rung cảm theo nhịp đập của thầy và trò.
Hiệu trưởng còn là một nhà ngoại giao. Những vị nhân hào, các vị lão thành hưu trí là nguồn kinh nghiệm to lớn sẽ giúp rất nhiều cho giáo dục cả tinh thần, tri thức và vật chất. Tạo được mối quan hệ gắn bó, tình cảm với họ sẽ là một nguồn lực đóng góp cho việc giáo dục HS.
Có dịp đến Thái Lan, thăm các trường tiểu học ở vùng quê Chiang Mai, được biết ngôi chùa ở khu vực của trường học đóng góp rất lớn trong việc giáo dục văn hóa, đạo đức cho HS. Đặc biệt vị sư trưởng có uy tín, được người dân nể trọng và người hiệu trưởng đến nhận chức vụ tại trường luôn đến chùa để nhận ân phúc và xin được cùng hợp tác dạy dỗ HS.
Trường học hạnh phúc không phải là khẩu hiệu, là phong trào để tổ chức hoạt động và đánh giá tổng kết.
Trường học hạnh phúc là ngôi nhà tri thức đầy tình thương và ấm áp mà trước hết lan tỏa từ người hiệu trưởng đến thầy cô và HS. Không nhất thiết phải là ngôi trường to lớn mới có được hạnh phúc, mà hạnh phúc có mặt mỗi ngày khi thầy trò cảm nhận niềm vui khi đến trường. Mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui!
ThS LÊ NGỌC ĐIỆP, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM