Kẻ xấu chỉ mạnh trong bóng tối
Qua nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại gần đây, nhất là bị xâm hại bởi chính thầy cô của mình như vụ việc tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ), nhiều bậc phụ huynh vô cùng hoang mang và trăn trở về việc dạy con thời nay.
Chị Nguyễn Lê Cẩm Tú, có con học lớp 4, Trường tiểu học Hồ Văn Cường, Q.Tân Phú, TP.HCM băn khoăn: “Thực sự là dạy con trong thời đại này quá khó. Lâu nay chúng ta có chuẩn mực 'con ngoan, trò giỏi', con càng biết nghe lời lại càng được khen ngợi. Nhưng liệu việc 'biết nghe lời' đó có phải là nguyên nhân dẫn đến chuyện những học sinh nam ở trường phổ thông dân tộc nội trú kia trở thành nạn nhân của thầy hiệu trưởng hay không?”.
“Đừng nói cho ai biết nhé”, “Cấm không được nói với ai”..., theo phụ huynh Hoàng Anh Tú (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), luôn là những câu “bùa chú” hắc ám của kẻ xấu thường dùng với các nạn nhân. “Tôi thường dạy các con của mình rằng trước kẻ xấu, đừng sợ! Kẻ xấu mới sợ chúng ta. Bằng chứng là chúng ngăn cản ta nếu ta đưa ra ánh sáng những việc chúng làm. Rằng bóng tối mới là nơi kẻ xấu có sức mạnh. Khi đưa chúng ra ngoài ánh sáng chúng sẽ chết ngay!...”, ông Hoàng Anh Tú khẳng định.
Vậy nên, ông Tú cho rằng cha mẹ hãy bắt đầu bằng việc huấn luyện con mình việc lên tiếng. Bằng việc lắng nghe con thay vì thờ ơ, hoặc thể hiện sự không tin vào những gì con nói, phán xét những gì con nói, châm chọc, chê bai, bỏ qua những điều con nói.
“Bên cạnh đó, hãy truyền cho con lòng dũng cảm. Không thể có một đứa trẻ dũng cảm nếu như cha mẹ chúng hèn nhát, sợ sệt. Con cái luôn nhìn vào chúng ta mà sống. Hãy cho con lòng tin rằng cha mẹ không sợ kẻ xấu...”, ông Tú chia sẻ thêm.
Cho con quyền được cãi
Chị Nguyễn Thúy Nga, phụ huynh có con học lớp 3, Trường tiểu học Cửu Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nói về quan điểm của mình: “Trẻ em như tờ giấy trắng rất dễ bị xâm hại và tổn thương. Trước khi chờ pháp luật và công lý bảo vệ các con thì chúng ta phải bảo vệ các con trước. Tôi không dạy con phải nhẫn nhịn, phải cúi đầu câm lặng khi bị bắt nạt dù nhẫn nhịn trong nhiều trường hợp là tốt. Tôi dặn con, nếu ai có hành vi xâm hại mình thì lập tức về kể cho ba mẹ nghe”.
Để có được những kỹ năng đó, tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tham vấn tâm lý, cho rằng: “Người lớn cần học cách tôn trọng, lắng nghe trẻ, coi những dịp trẻ phản kháng là cơ hội để dạy trẻ cách suy nghĩ độc lập, cách phản ứng có văn hóa. Muốn vậy, người lớn rất cần tâm thế bình đẳng với trẻ, đừng coi điều gì mình nói ra cũng đúng. Thầy cô cũng cần nhìn nhận lại thế nào là con hư, trò hỗn, để học cách tôn trọng trẻ hơn, cho trẻ cơ hội được suy nghĩ khác, được nói khác những gì chúng được truyền dạy”.
Theo tiến sĩ Thúy, nếu chúng ta giáo dục trẻ theo cách “cấm cãi, cha mẹ thầy cô luôn đúng” thì không có gì ngạc nhiên khi có những em 18 tuổi đi thi bị cán bộ coi thi ký nhầm trên giấy thi cũng không dám nói.
“Vì thế, cha mẹ, thầy cô nên cho trẻ cơ hội nói lên ý kiến khác, dạy trẻ biết cách cãi, nói đúng hơn là biết tranh luận, phản biện ngay từ khi còn bé. Trẻ cần được người lớn lắng nghe khi các em có những cách nghĩ, cách làm khác người lớn. Có thể suy nghĩ đó chưa đủ chín chắn, chưa cân nhắc mọi dữ kiện nhưng khi được lắng nghe, các em mới có cơ hội bày tỏ và từ đó sẽ lắng nghe người lớn hơn”, tiến sĩ Thúy nêu quan điểm.