Học làm gì?
Kỳ thi học kỳ I đã cận kề nhưng con tôi, học lớp 9, vẫn không hăng hái với bài vở. Ở phòng riêng, tiếng điện thoại của cháu luôn vọng ra.
Bài vở của cháu thường dồn đống vì đợi “nước tới chân mới nhảy”. Cháu thường học “tủ”, qua loa, đối phó với thầy cô. Tôi hỏi vì sao không giải quyết rốt ráo bài vở mỗi ngày, cháu đáp gọn: “ngán”. Ngày cuối tuần, cháu rủ nhỏ bạn đến học cùng, nào ngờ hai đứa nằm ngủ hoặc vô tư tám chuyện, đi hái trứng cá ăn.
Có lần tôi nghe cháu nói với bạn: “Học làm quái gì? Cũng chỉ để kiếm tiền, mà nhà mình đâu cần kiếm tiền nữa”. Tôi rất lo lắng, bực bội khi đầu tư nhiều cho con nhưng cháu ngày càng chán học và kết quả sa sút. Tôi không biết cách nào để thúc đẩy tinh thần học tập của cháu?
Nguyễn Quang Mai (Q.6, TP.HCM)
Anh Quang Mai mến,
Nỗi lòng của anh cũng là tâm trạng của nhiều phụ huynh mà chúng tôi có dịp gặp gỡ chia sẻ, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Cha mẹ càng có điều kiện càng muốn đầu tư mọi thứ tốt nhất cho con, nhưng tiếc thay các cháu lại chán học, không có động lực cho tương lai.
Một bộ phận thế hệ trẻ đang có điều kiện tốt hơn trước đây rất nhiều nhưng lại không tìm thấy niềm vui sống, lý tưởng sống để vươn lên chăm chỉ học hành, các em sa vào những thú vui nhất thời như tám chuyện, ăn vặt hay chạy theo thời trang, game, ma túy...
Nguyên nhân do đâu? Trong nghịch cảnh, tinh thần vươn lên luôn mạnh mẽ. Trong thuận cảnh, người ta lại dễ thỏa mãn, không có nhu cầu vươn lên. Điều kiện sống quá đủ đầy mà cha mẹ tạo ra cho các con với mong muốn chúng không phải khổ như mình ngày xưa, là cái bẫy khiến con tự nguyện nhốt mình trong đó mà quên bầu trời tự do nhưng đầy thử thách ngoài xã hội.
Cha mẹ hiểu tiền bạc không làm nên hạnh phúc bền vững, chỉ có năng lực, bản lĩnh của con người mới có thể luôn tạo ra tiền và cuộc sống đủ đầy về mặt tinh thần; nhưng các con còn nhỏ, chỉ hiểu nhà mình đủ tiền tiêu thoải mái, đâu cần học để làm gì? Cũng là vì trẻ chưa được dạy “Học để làm gì?”. Trẻ không biết học còn để thêm hiểu biết, học để biết chung sống với mọi người, học để tự khẳng định bản thân (theo UNESCO).
Chúng ta không trách trẻ được. Lỗi do người lớn không truyền đạt cho trẻ những mục đích cao quý, hữu ích của việc học ngay từ bé, thậm chí cha mẹ đã không quan tâm dạy trẻ ngay từ trong bào thai. Thai nhi được thai giáo bằng những câu chuyện hay, lời ru ý nghĩa, những kiến thức dạy làm người sau này sẽ ham học hỏi hơn.
Có quá muộn để dạy con tinh thần ham học hỏi khi các con đã lớn? Không! Con anh mới học lớp 9, lớp cuối cấp II, cháu sắp bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời.
Nếu cháu có đủ năng lực nhận thức học tiếp những năm cấp III, anh chị động viên cháu học để có hiểu biết, sau này có kiến thức cơ bản của 12 năm phổ thông để sống tốt hơn, có cơ hội học lên cao hơn nếu cháu muốn. Còn nếu cháu không có khả năng học lên, anh chị có thể hướng con học nghề mà cháu yêu thích, có năng lực.
Học nghề cũng là một con đường tốt giúp trẻ được làm điều mình thích, tìm thấy niềm vui trong công việc, cuộc sống. Không phải chỉ là để kiếm tiền, khi theo đuổi đam mê, thành công sẽ đến với con. Điều này rất cần cha mẹ thông suốt trước rồi mới định hướng nghề nghiệp cho con được. Nếu cha mẹ nghĩ nhà có điều kiện cháu phải học đại học, phải trở thành cử nhân, kỹ sư... thì sẽ giống như ép con vào khuôn và cháu sẽ phản ứng, chán học, ham chơi.
Cháu đang cần cha mẹ quan tâm, tạo động lực. Anh chị trò chuyện với cháu về tương lai, về ước mơ để hiểu con hơn, từ đó định hướng con nên học như thế nào. Cháu biết tương lai mình muốn gì, sẽ có kế hoạch cho bản thân tốt hơn.
Cha mẹ cho sử dụng điện thoại mà không kiểm soát cũng sẽ rất khó để cháu tập trung học. Anh có thể giúp con lên kế hoạch sử dụng thời gian hợp lý, giờ nào học, giờ nào chơi, giờ nào dùng điện thoại cho quan hệ bạn bè, vào mạng thư giãn...
Chúc anh sẽ là người bạn lớn định hướng cho con hướng đi cho cuộc đời để con tìm thấy niềm vui sống, ý nghĩa của việc học dù con học ở đâu, trong trường hay ngoài đời.
Ts. Phạm Thị Thúy