Đồng hành cùng cảm xúc của con
Ở lứa tuổi tiểu học, thế giới cảm xúc của các em dần mở rộng. Trẻ bắt đầu bộc lộ xúc cảm để “phản ứng” lại những va chạm nảy sinh. Sợ hãi, lo lắng, nổi giận, cáu gắt… quá mức được coi là phản ứng tiêu cực trẻ hay mắc phải trước một vấn đề không thể tự giải quyết. Theo các chuyên gia, tâm lý tiêu cực này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhận thức, nhân cách của trẻ; cha mẹ cần quan sát để kịp thời đồng hành cùng con. Buổi trao đổi giữa chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy và các bậc cha mẹ đã gợi mở nhiều vấn đề đáng lưu tâm.
● Chị Tố Nhi (Q.Tân Phú, TP.HCM): Con tôi dễ nổi nóng, cáu gắt nếu thấy phật lòng hoặc đòi hỏi mà không được đáp ứng. Đang ăn cơm, con bỗng nói thèm phở, chúng tôi không đi mua, con sẽ giãy nảy, hất luôn chén cơm. Chơi với bạn, con luôn muốn mọi người phải nghe lời, nếu không sẽ nổi cáu, đòi nghỉ chơi hoặc… đánh bạn. Khi giận, bất kể là ai, con đều tìm cách đáp trả cho hả dạ. Hay khi chuẩn bị đi đâu, nếu không thích bộ đồ đang mặc, con sẽ ngồi lì, không chịu đi. Con còn có tật xấu là nếu không thích thứ gì sẽ tìm cách phá bỏ. Muốn mua dép mới, con lén lấy đôi dép cũ ra cắt quai; xấu hổ với chiếc áo cũ, con tìm cách giấu đi…
* Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy: Cháu đang thể hiện sự giận dữ, không hài lòng với mọi người, mọi việc. Có lẽ cháu cũng đang không hài lòng với chính mình. Chị thử xem xét xem cháu đang gặp điều gì khó khăn hay có được nuông chiều quá nên tự cho mình là “ông trời con”? Dù lý do gì thì gia đình cũng cần điều chỉnh thái độ tiêu cực này của cháu. Khi cháu giận, người lớn cần giúp cháu điều chỉnh cảm xúc bằng cách yêu cầu cháu dừng ngay hành vi xấu và cho cháu tách khỏi môi trường hiện tại. Đợi cháu bình tĩnh, chị hãy phân tích để cháu hiểu khi giận ta nên làm gì và không nên làm gì, hậu quả của cơn giận ra sao. Người lớn trong nhà cũng cần làm gương cho cháu khi có cảm xúc nóng giận. Ngoài ra, chị nên gần gũi, trò chuyện nhiều hơn với cháu để giúp cháu nói ra những suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu bên trong khi cháu có hành động che giấu hay làm việc xấu để đạt mục đích (như cắt dép, vứt áo…).
● Chị Mỹ Hạnh (Q.Bình Tân, TP.HCM): Con gái tôi hiện đang học lớp 2, hay suy nghĩ, cả lo. Đôi khi, chỉ một lời nói đùa cũng khiến con mất ăn mất ngủ. Có lần, tôi đùa rằng sắp tới nhà hết gạo, không biết sống sao đây thì lập tức con… không dám ăn cơm, kèm theo là thái độ bất an. Mới đây, nghe được cuộc nói chuyện giữa tôi với chồng là sẽ bán nhà (để mua căn khác rộng hơn), con rất lo lắng, hỏi chúng tôi rằng bán nhà thì sẽ ở đâu, làm gì, chỗ ở mới liệu có được như hiện tại? Chúng tôi chưa bao giờ đánh con, nhưng hễ bị điểm xấu hay làm điều gì sai con liền tìm cách trốn vào góc nhà ngồi khóc, sợ mọi người biết chuyện.
* Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy: Cảm xúc hay lo là khá phổ biến. Điều cháu cần là được an ủi, động viên. Trong những tình huống thấy con bộc lộ sự lo lắng thái quá, chị hãy giải thích rõ ràng, cụ thể để cháu hiểu. Cháu sẽ bớt lo nghĩ nếu nhận được đầy đủ thông tin từ người lớn giải đáp cho nỗi lo của mình. Chị có thể ôm cháu vào lòng, hát cho cháu nghe, hoặc đưa cháu đi chơi đâu đó… nỗi lo sẽ dần tan biến.
Em Dương Tấn Lộc: "Con sợ ma lắm!"
● Dương Tấn Lộc (học sinh lớp 2, Q.Tân Phú, TP.HCM): Con rất sợ ma, sợ đi một mình vào khúc đường tối dù chỉ mấy bước chân. Nhiều lần đi học về buổi chiều mà nhà không có ai, con không dám vô nhà vì nghĩ “có con ma” đứng đâu đó chờ sẵn. Buổi tối, mẹ đi đâu con cũng theo vì sợ phải một mình. Có lần, mẹ hỏi con đã nhìn thấy “con ma” chưa? Hình dáng nó như thế nào mà khiến con sợ? Mẹ còn bắt con tập đi vào chỗ tối nhưng con không chịu. Con không biết “con ma” ra sao, nhưng hễ trời tối là con có cảm giác sợ. Nhiều bạn bè của con cũng sợ ma như con.
* Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy: Hầu như ai cũng từng sợ ma. Cô cũng vậy. Điều đó là bình thường ở lứa tuổi của con. Kinh nghiệm vượt qua nỗi sợ của cô là: khi đi vào bóng tối cô luôn tự nhắc mình cố lên, không có ma đâu, mà nếu có ma thì ma chỉ nhát người xấu, mình không xấu nên không… phải lo. Con còn nhỏ, không nên đi đâu một mình, nhất là khi trời tối. Không phải để khỏi sợ ma mà để người xấu không bắt nạt con.
Có được sự tự tin, con trai của chị Tuyết Hằng sẽ không nhút nhát, tự ti nữa
● Chị Tuyết Hằng (tỉnh Phú Yên): Con trai tôi đang học lớp 5, là đứa trẻ rất hiền, chưa từng gây gổ với ai. Thế nhưng, con lại hay có suy nghĩ tiêu cực, dễ… nản lòng và luôn tự trách mình trong mọi chuyện. So với bạn bè, thể chất con có phần vượt trội, hay bị trêu chọc nên con rất tự ti. Bị ai chê mập thì thể nào con cũng bỏ ăn, tâm trạng rất buồn và tìm cách tránh xa người trêu chọc. Đi học, ngày trời nóng, con đổ mồ hôi nhiều, chỉ cần ai đó nói “tại mập nên đổ mồ hôi”, con sẽ lén cô giáo bỏ về. Một lần đùa với bạn, con vô ý giẫm lên chân khiến bạn nổi quạu. Từ đó, con không thích chơi với bạn trang lứa mà tìm những người lớn tuổi hơn, cùng thể trạng với mình để chơi. Nhưng những “người lớn” ấy lại không thích chơi với con nên con chỉ dám đứng từ xa nhìn mọi người.
* Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy: Những biểu hiện chị kể cho thấy cháu đang thiếu sự tự tin. Người có thể giúp cháu tốt nhất chính là cha mẹ. Cháu cần sự động viên, khích lệ để nhận ra những ưu điểm của bản thân, nhìn nhận tích cực về mọi việc… Cha mẹ có thể khen ngợi mỗi khi con làm tốt một công việc nào đó. Cháu đã học lớp 5, chị nên cho cháu tham gia làm việc nhà để có cơ hội bộc lộ và thêm hiểu năng lực bản thân. Trẻ được làm việc sẽ thêm tự tin vào giá trị bản thân mình. Nếu cháu bị dư cân, chị cùng cháu lập kế hoạch tập luyện thể dục thể thao, cân bằng chế độ ăn uống… Với trẻ, vẻ bề ngoài trong mắt bạn bè thường rất quan trọng.