PNO - Mạng xã hội từ lâu không chỉ là nơi kết nối, giao lưu, buôn bán… mà còn là “sân khấu” để nhiều chị em khoe khoang - từ dung mạo đến bữa ăn, đồ dùng, những chuyến đi chơi… thậm chí là khoe chồng, con mỗi ngày. Chuyên gia mạng xã hội gọi hiện tượng này là “sống nhạt trên không gian mạng”.
Vụ đôi nam nữ học lớp 9 vứt bỏ thai nhi tại TP.HCM gây xôn xao dư luận, đồng thời cảnh báo thực trạng mang thai sớm ở tuổi vị thành niên khi chưa đủ nhận thức.
Hậu quả từ những ca phá thai muộn không chỉ là mất mát về mặt đạo đức, mà còn để lại tổn thương nặng nề cho trẻ gái. Ảnh: Freepik/Tạo bởi AI
Khoảng 13h ngày 5/2, người dân sống trên đường Nguyễn Hữu Dật (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) bàng hoàng phát hiện thi thể một thai nhi hơn 30 tuần tuổi bị bỏ lại tại bãi đất trống. Sự việc nhanh chóng được trình báo lên cơ quan chức năng.
Bất ngờ hơn, kết quả điều tra của Công an quận Tân Phú xác định hai học sinh lớp 9 là người liên quan đến vụ việc đau lòng này. Gia đình của hai em đang phối hợp với cơ quan chức năng để làm các thủ tục hỏa táng và hỗ trợ quá trình điều tra.
Vụ việc một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng quan hệ tình dục sớm ở lứa tuổi vị thành niên, khi nhiều em chưa trang bị đủ kiến thức về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và biện pháp phòng tránh thai.
Hệ quả của những mối quan hệ vượt quá giới hạn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các em mà còn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, gây tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.
Những tình huống đau lòng
Lắng nghe tình huống đau lòng của "cặp ba mẹ 14 tuổi" nói trên, TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 2) nhớ lại câu chuyện khó xử nhiều năm trước, khi ông tiếp nhận người mẹ U60 dắt con gái đến để nhờ tư vấn “xử lý hậu họa”.
Cô gái 15 tuổi, vô tư quan hệ với bạn trai mà không dùng biện pháp phòng tránh. Mãi đến khi bụng đã bắt đầu lớn, con gái thành thật thú nhận. Người mẹ lúc này như "chết lặng".
Bác sĩ Trung đã khuyên người mẹ đưa con gái đến 2 bệnh viện chuyên khoa phụ sản ở TP.HCM là Bệnh viện Từ Dũ hoặc Bệnh viện Hùng Vương để được tư vấn, bởi chỉ có 2 bệnh viện chuyên khoa này có thể thực hiện chấm dứt thai kỳ với thai to, thai lớn.
Nơi người dân phát hiện thai nhi bị vứt bỏ. Ảnh: HC/Vietnamnet.
"Điều ngạc nhiên là cô bé 16 tuổi biết rõ kiến thức tình dục và sức khỏe sinh sản, nhà trường cũng có dạy. Bé biết dấu hiệu của người mang thai nhưng khi test 2 vạch, bé không biết chia sẻ hay hỏi ý kiến ai để làm gì tiếp theo, vậy là phớt lờ mọi chuyện đến khi vỡ lẽ, không thể giấu được", bác sĩ Trung chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Vị chuyên gia bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng nhiều bé gái vị thành niên mang thai ngoài ý muốn nhưng không biết cách xử lý.
Dù thông tin về giáo dục giới tính, biện pháp tránh thai đã được phổ biến trên các phương tiện truyền thông và trường học, nhiều em vẫn chưa tiếp cận được đầy đủ, dẫn đến những quyết định sai lầm. Khi phát hiện mang thai, các em không biết phải làm gì, tìm ai để giúp đỡ. Đến khi thai lớn, trong tâm lý hoang mang, lo sợ, nhiều bé gái tìm cách bỏ thai trong tuyệt vọng.
Theo quy định, các cơ sở y tế chỉ được phép thực hiện thủ thuật chấm dứt thai kỳ khi thai dưới 22 tuần tuổi. Điều này khiến nhiều em tìm đến những cơ sở phá thai chui, sử dụng thuốc phá thai trôi nổi, dẫn đến những hậu quả đau lòng.
Những quyết định vội vàng có thể khiến các em mất đi khả năng làm mẹ vĩnh viễn, để lại nỗi ám ảnh suốt đời
TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 2)
Nhiều trường hợp, thai nhi bị đẩy ra ngoài trong điều kiện không đảm bảo y tế, khiến tỷ lệ tử vong rất cao. Khi đó, bé gái vừa sinh con trong nỗi hoảng loạn, vừa đối mặt với nỗi sợ hãi tột cùng, dẫn đến hành động vứt bỏ thai nhi.
"Những cơ sở y tế nhận phá thai bất hợp pháp là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, xã hội cần phải lên án", bác sĩ Trung nhấn mạnh.
Hậu quả từ những ca phá thai muộn này không chỉ là mất mát về mặt đạo đức, mà còn để lại tổn thương nặng nề cho chính bé gái. Ở độ tuổi vị thành niên, cơ thể chưa đủ sức chịu đựng các tác động nặng nề của thủ thuật y khoa, dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm như viêm nội mạc tử cung, tắc ống dẫn trứng, thậm chí vô sinh.
Những quyết định vội vàng có thể khiến các em mất đi khả năng làm mẹ vĩnh viễn, để lại nỗi ám ảnh suốt đời.
Nhìn nhận đúng về giáo dục giới tính
Theo TS Xã hội học, chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy, việc hai học sinh vị thành niên vứt bỏ thai nhi là hệ quả của tâm lý hoảng sợ, muốn giấu giếm và trốn tránh trách nhiệm. Nỗi sợ bị phát hiện, sợ trách nhiệm, sợ những lời chỉ trích từ gia đình, bạn bè đã đẩy các em đến quyết định đáng lên án.
"Nguyên nhân sâu xa là các em chưa hiểu về giá trị của mạng sống, không biết trân trọng sinh mệnh, hành động theo bản năng và thiếu suy nghĩ", TS Thúy nhấn mạnh.
Những nội dung kích dục tràn ngập trên mạng xã hội là cạm bẫy của trẻ em. Ảnh: Wired.
Đây không phải trường hợp cá biệt, mà thực tế vẫn có nhiều vụ việc tương tự xảy ra, dù giáo dục giới tính đã được quan tâm hơn trong nhiều năm gần đây. Điều này phản ánh thực trạng học sinh vẫn thiếu kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, khiến tình trạng mang thai ngoài ý muốn, quan hệ tình dục sớm vẫn tiếp diễn.
Giáo dục giới tính vẫn là yếu tố cốt lõi để giúp học sinh tránh xa những hệ lụy nghiêm trọng của quan hệ tình dục sớm. Tuy nhiên, việc chỉ đơn thuần khuyên bảo “không quan hệ tình dục” là chưa đủ. Thay vào đó, cần hướng dẫn học sinh hiểu về tình yêu, tình bạn, giá trị của tình dục và trách nhiệm đối với chính bản thân cũng như người khác.
Không thể ngăn cản trẻ tò mò về giới tính, nhưng có thể hướng dẫn các em tiếp cận kiến thức đúng đắn, để tránh những bi kịch không đáng có
TS Xã hội học, chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy
Bên cạnh thiếu hụt kiến thức về giới tính, sự bùng nổ của thông tin "đen", nội dung kích dục trên mạng xã hội cũng đang góp phần làm lệch lạc suy nghĩ của học sinh vị thành niên.
Theo TS Phạm Thị Thúy, nhiều nội dung không được gắn mác độ tuổi phù hợp, dễ dàng tiếp cận trẻ em, thúc đẩy sự tò mò và khiến các em muốn tìm hiểu nhiều hơn về tình dục mà không có sự định hướng đúng đắn.
"Phụ huynh cần quan tâm, giáo dục con cái nhiều hơn về vấn đề này, không thể phó mặc hoàn toàn cho nhà trường hay xã hội", TS Thúy nhấn mạnh. Giáo dục giới tính cần toàn diện, không chỉ dừng lại ở kiến thức sinh học, mà còn trang bị cho trẻ kỹ năng phòng tránh, ứng xử trong những tình huống xấu, chẳng hạn cách xử lý khi có thai ngoài ý muốn.
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là nhiều gia đình và nhà trường vẫn e ngại khi đề cập đến vấn đề giới tính, khiến trẻ mất đi cơ hội được giáo dục tốt nhất. "Giáo dục giới tính không nên là điều cấm kỵ hay chỉ dạy khi trẻ đến tuổi dậy thì. Ở từng giai đoạn phát triển, trẻ nên được tiếp cận kiến thức phù hợp, thậm chí có thể bắt đầu từ khi 3 tuổi", bà đề xuất.
Ngoài ra, sự thiếu kiểm soát nội dung trên mạng xã hội từ các cơ quan chức năng cũng góp phần gây ra những hậu quả tiêu cực, khiến trẻ bị tiếp cận thông tin sai lệch mà không có sự bảo vệ cần thiết.
Để hạn chế những hệ lụy đáng tiếc, TS Thúy đề xuất mở đường dây tư vấn tâm lý cho trẻ ngay tại trường học, đồng thời thiết lập tổng đài hỗ trợ miễn phí để trẻ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp phải những vấn đề nhạy cảm. Một tổng đài quốc gia về giáo dục giới tính uy tín cũng là giải pháp quan trọng giúp học sinh giải đáp thắc mắc một cách khoa học, tránh tiếp cận thông tin sai lệch từ những nguồn thiếu kiểm chứng.
"Không thể ngăn cản trẻ tò mò về giới tính, nhưng có thể hướng dẫn các em tiếp cận kiến thức đúng đắn, để tránh những bi kịch không đáng có", TS Thúy nói.
VOV1 - Cần siết lại quản lí và nâng cao văn hoá kinh doanh dịch vụ ăn uống thế nào sau vụ “nói đùa” bát bún riêu 400 nghìn ở Hà Nội và cà tím nướng mỡ hành gần 2 triệu một phần ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa?
Câu chuyện “nói đùa” giá bát bún riêu 400 nghìn đồng ở Hà Nội và một nhà hàng ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tính giá “trên trời” cho đoàn du khách Trung Quốc với cà tím nướng mỡ hành gần 2 triệu đồng một phần…và phụ thu ngày Tết gần 5 triệu đồng… đang thu hút sự chú ý của dư luận vớinhiều câu hỏi: Vì sao vấn nạn nói thách, “chặt chém” người dân và du khách vẫn tái diễn, đặc biệt trong những dịp nghỉ lễ? Điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đến hình ảnh du lịch nước nhà?

Lực lượng chức năng TP Nha Trang làm việc với chủ quán ăn bị khách nước ngoài tố bán giá cao
Cần siết lại quản lí và nâng cao văn hoá kinh doanh dịch vụ ăn uống như thế nào? Đâu là những giải pháp hiệu quả để ngăn chặn và đẩy lùi vấn đề không mới nhưng vẫn diễn ra đầy nhức nhối? Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam – người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty du lịch Vietravel và Tiến sỹ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện chính trị khu vực 2 tại TPHCM cùng bàn luận câu chuyện này.
Nhiều hoa hậu, á hậu Việt 9X đang tích cực học thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ.
"ĐỊNH VỊ" BẢN THÂN BẰNG CON ĐƯỜNG HỌC VẤN
Trong các cuộc thi nhan sắc, học vấn của người đẹp đạt danh hiệu hoa hậu, á hậu luôn được dư luận quan tâm và cũng tạo nên nhiều ồn ào, bởi không phải người đẹp nào cũng có trình độ học vấn được cho là "xứng tầm" với nhan sắc đăng quang. Thậm chí có những nàng hậu còn bị "soi" lại kết quả học tập, hoặc quá trình học từ phổ thông đến đại học, tạo nên những tranh cãi và bản thân họ cũng đối mặt với nhiều áp lực.
Có lẽ vì vậy mà các hoa hậu Việt đang tích cực "định vị" bản thân bằng con đường học vấn, như hoa hậu Lương Thùy Linh vừa trúng tuyển hệ tiến sĩ ngành Kinh tế quốc tế tại Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) ở tuổi 25 sau khi đăng quang Miss World Vietnam 2019. Theo chia sẻ của nàng hậu 10X, dù chưa học thạc sĩ nhưng chương trình học ở Trường ĐH Kinh tế cho phép cử nhân tốt nghiệp bằng giỏi trở lên cùng chuyên ngành sẽ học thẳng lên tiến sĩ, trong khi cô đã tốt nghiệp cử nhân với tấm bằng xuất sắc. Sau khi tìm hiểu, Lương Thùy Linh chọn ứng tuyển bằng đề cương luận án cá nhân và trúng tuyển với tổng điểm đánh giá đầu vào đạt 78.00, đứng thứ ba trong số các thí sinh ghi danh.
Nói về quyết định học tiến sĩ, Miss World Vietnam 2019 cho biết: "Linh nhận thức được rằng việc trau dồi tri thức luôn là mục tiêu mà mình theo đuổi suốt cuộc đời. Đây cũng là lý do chính đưa Linh đến với quyết định học tiến sĩ sau khi hoàn thành bậc đại học".
Sau khi đăng quang Hoa hậu các dân tộc VN vào tháng 7.2022, Nông Thúy Hằng tham dự thi Hoa hậu Hữu nghị quốc tế 2023 và giành ngôi vị Á hậu 2. Từng tốt nghiệp loại giỏi ngành Kinh doanh quốc tế tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), người đẹp dân tộc Tày quyết định học tiếp lên thạc sĩ vào tháng 11.2024. "Đây không phải là quyết định bột phát hay chạy theo xu hướng, mà là một phần trong kế hoạch dài hạn Hằng đã ấp ủ từ trước. Là một hoa hậu, Hằng nhận thấy trách nhiệm của mình không chỉ truyền cảm hứng mà còn phải hành động thiết thực. Một nền tảng học vấn tốt sẽ giúp Hằng đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng", Thúy Hằng chia sẻ.
"Đã là hoa hậu, muốn nâng cấp tri thức để tốt cho danh hiệu, tôi nghĩ mục đích, lý do là gì thì chung quy vẫn tốt cho bạn. Nó vừa tốt cho danh hiệu, hình ảnh của bạn, vừa tốt cho tri thức của bạn thì đó là điều nên làm", Hoa hậu Thùy Tiên chia sẻ sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành Quản trị nhà hàng - khách sạn của Trường ĐH Quản trị du lịch - khách sạn Thụy Sĩ (SHMS University Center).
Ngoài ra, Á hậu Phương Anh của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 cũng vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành Thương mại toàn cầu và cử nhân hệ thống thông tin kinh doanh tại Đại học RMIT. Hiện tại cô làm giảng viên môn Kinh doanh quốc tế, thuộc Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam. Hay người đẹp Lê Âu Ngân Anh, Hoa hậu Đại dương 2017, Á hậu 4 Miss Intercontinental 2018 (Hoa hậu Liên lục địa), đang là giảng viên của Trường ĐH Hoa Sen sau khi tốt nghiệp thạc sĩ loại ưu ngành Quản trị sự kiện quốc tế tại Đại học Salford (Anh) vào năm 2019.
VƯỢT QUA ÁP LỰC, LAN TỎA TRI THỨC
Để cân bằng giữa hoạt động nghệ thuật và việc học, Nông Thúy Hằng chia sẻ rằng bản thân phải áp dụng một số phương pháp quản lý thời gian hợp lý như lên kế hoạch cụ thể cho từng ngày và từng tuần. Mỗi công việc được ưu tiên theo mức độ quan trọng và thời hạn hoàn thành. Chẳng hạn, cô thường dành buổi sáng cho các hoạt động đòi hỏi sự sáng tạo và năng lượng như tham gia sự kiện hoặc luyện tập, còn buổi tối sẽ ưu tiên cho việc học và nghiên cứu. "Mình đã phải giảm bớt thời gian dành cho một số sở thích cá nhân như đi xem phim chiếu rạp hay những chuyến du lịch dài ngày cùng bạn bè. Dù có đôi chút tiếc nuối, nhưng mình hiểu rằng để đạt được những mục tiêu lớn, việc từ bỏ một số niềm vui trước mắt là hoàn toàn cần thiết", Thúy Hằng chia sẻ.
Còn theo Lương Thùy Linh, khó khăn lớn nhất là phải sắp xếp thời gian, lịch trình di chuyển để đảm bảo phù hợp cho công việc vì trường cô học ở Hà Nội. Song người đẹp cũng cho rằng: "Thời gian học đại học sẽ có phần "dễ thở" hơn bởi đa số các bạn, các anh chị cũng đã bắt đầu đi làm, nên đa phần các môn học sẽ được nhà trường bố trí vào cuối tuần và buổi tối là chính, rồi còn có các giờ học online, điều này khiến Linh chủ động hơn trong việc sắp xếp ổn thỏa mọi thứ".
Theo tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, Phó trưởng khoa Quản lý kinh tế xã hội, thuộc Học viện Hành chính quốc gia - phân hiệu TP.HCM: "Trong thời đại ngày nay, nhan sắc phải đi kèm với học thức là đương nhiên. Học vấn của các hoa hậu, á hậu càng cao thì họ càng có nhiều cơ hội thể hiện bản thân. Danh hiệu của họ là đại diện cho nhan sắc của phụ nữ Việt thì không thể thiếu trí tuệ, tài năng, sự thông minh, giỏi ngoại ngữ. Theo đuổi học vị, con đường học vấn cũng là cách để truyền cảm hứng cho phụ nữ, lan tỏa hình ảnh phụ nữ tri thức trong thời đại mới".
Hoa hậu Lương Thùy Linh chia sẻ thêm rằng việc học là để trau dồi, bổ sung thêm kiến thức, đó sẽ là hành trang của mình suốt đời chứ không chỉ để tồn tại vững vàng trong ngành giải trí. "Không ngành nghề nào mà không cần đến kiến thức để làm tốt cả, chẳng hạn như diễn viên sẽ cần phải học diễn xuất, ca sĩ sẽ cần học thanh học… Chính vì vậy, dù là ai, đang hay sẽ làm nghề gì cũng nên trau dồi thêm kiến thức, ngày ngày làm mới bản thân để bắt kịp với thị trường và thế giới", Thùy Linh nói.
Trước đó, nhiều người đẹp như Hoa hậu Ngọc Châu, Á hậu Kim Duyên, Hoa hậu Kỳ Duyên, Hoa hậu Bùi Quỳnh Hoa… vấp phải những ý kiến trái chiều từ cư dân mạng vì ồn ào liên quan học vấn.
Sau khi bị Trường ĐH Tôn Đức Thắng buộc thôi học do bảo lưu quá hạn đào tạo, Hoa hậu Ngọc Châu nói cô vừa trở lại giảng đường ở tuổi 29. Cô theo học ngành Quan hệ công chúng của Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM. Trong khi đó, Bùi Quỳnh Hoa ghi danh ngành Quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Còn Hoa hậu Kỳ Duyên chia sẻ trong một chương trình: "Tôi sẽ tiếp tục việc học đại học của mình, sau khi tốt nghiệp tôi sẽ tiếp tục học lên cao học".
Cùng với chậm cưới, ngại sinh con, người trẻ ngày càng đối mặt với nhiều vấn đề khác trong hôn nhân, điển hình là ly hôn.
Ly hôn là hệ quả của nhiều yếu tố
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, cả nước ghi nhận 32.060 vụ ly hôn được xét xử ở các cấp tòa, tăng mạnh so với con số 22.762 vụ của năm 2020.
Từ năm 2018 - 2023, số vụ ly hôn trên cả nước đều có xu hướng tăng, trừ năm 2021 ảnh hưởng dịch Covid-19.
Điều bất ngờ là vùng ĐBSCL có tới 10.733 vụ ly hôn vào năm 2023, gấp đôi so với Đông Nam bộ, dù dân số của ĐBSCL thấp hơn Đông Nam bộ khoảng 2 triệu người. Nói cách khác, cứ 10 vụ ly hôn trên cả nước thì có 3,35 vụ xảy ra ở miền Tây.
Nhìn từ các địa phương, năm 2023, dẫn đầu cả nước về số vụ ly hôn là TP.HCM (1.816 vụ), xếp thứ 2 là tỉnh Cà Mau (1.309 vụ), tiếp đến là Tiền Giang thứ 3 với 1.262 vụ, Nghệ An thứ 4 với 1.227 vụ. Địa phương ly hôn ít nhất là Bắc Kạn với 55 vụ.
TS Phạm Thị Thúy
ẢNH: D.T
Theo chuyên gia tâm lý - TS Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, Phân hiệu TP.HCM), ly hôn là hệ quả của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đan xen.
Về mặt khách quan, đầu tiên là khó khăn kinh tế, đặc biệt trong thời kỳ suy thoái, khiến nhiều người phải đối mặt với thất nghiệp, giảm thu nhập, áp lực công việc, từ đó gây bất ổn và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Nguyên nhân tiếp theo là khi tỷ lệ ly hôn tăng cũng tác động đến tâm lý các cặp vợ chồng theo hiệu ứng tâm lý đám đông. Có những người đang chông chênh trong hôn nhân và thấy xung quanh mình có nhiều người ly hôn thì họ cũng quyết định ly hôn. Kế đến, vấn đề sức khỏe tâm thần, như stress, trầm cảm, nếu không được quan tâm và điều trị kịp thời, cũng có thể dẫn đến mâu thuẫn và đổ vỡ.
Hơn nữa là quan điểm về chuẩn mực hạnh phúc gia đình thay đổi, nhiều người không còn coi trọng giá trị hôn nhân bền vững. Thay vào đó, họ đề cao hạnh phúc cá nhân hơn, cái tôi lớn hơn, khi hôn nhân không hạnh phúc thì họ sẽ ly hôn hơn là cùng nhau tìm cách giải quyết mâu thuẫn để chung sống hài hòa.
Năm 2023, cả nước có 680.049 cuộc kết hôn nhưng cũng có 32.060 vụ ly hôn; riêng ĐBSCL có tới 10.733 vụ ly hôn, nhiều nhất cả nước
ĐỒ HỌA: ĐÌNH TUYỂN
Về mặt chủ quan, sự thiếu hụt kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn, khiến những bất đồng nhỏ dễ dàng leo thang thành xung đột lớn. Bất đồng quan điểm trong việc nuôi dạy con cái cũng là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến ly hôn. Ngoài ra, giới trẻ ngày nay có xu hướng "lười yêu", ít quan tâm đến đời sống tình cảm vợ chồng, thêm vào đó việc lạm dụng công nghệ khiến các cặp đôi ít có thời gian dành cho nhau, ảnh hưởng đến tình cảm, sự bền chặt của gia đình.
Di dân tạo nhiều thách thức cho đời sống gia đình
Riêng về tình hình ly hôn ở các tỉnh miền Tây nhiều hơn so với các khu vực khác, TS Phạm Thị Thúy nhận định có liên quan mật thiết đến làn sóng di dân mạnh mẽ tại khu vực này. Mặc dù di dân mang lại những lợi ích kinh tế nhất định, nhưng đồng thời tạo ra nhiều thách thức cho đời sống gia đình. Sự xa cách về địa lý giữa vợ chồng, con cái, những khó khăn trong việc nuôi dạy con cái, cùng với nguy cơ ngoại tình gia tăng, đã góp phần khiến hôn nhân dễ đổ vỡ hơn.
Để hạn chế ly hôn, TS Thúy đề xuất các giải pháp như trang bị kỹ năng làm vợ, làm chồng cho giới trẻ; nâng cao nhận thức về giá trị hôn nhân và gia đình. Đặc biệt là có chính sách hỗ trợ kinh tế cho các gia đình trẻ, nhất là người đang có con nhỏ (về nhà ở, học tập, y tế); đẩy mạnh tuyên truyền về hạnh phúc gia đình và tăng cường công tác tư vấn hôn nhân, hóa giải mâu thuẫn, vun đắp cho sự bền vững của gia đình.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vi-sao-mien-tay-ly-hon-nhieu-185241130220956567.htm
Khuya tháng 9, ông Thạch bất ngờ gửi thư cho cả bốn người con, than thở chuyện "vẫn chưa thể yên lòng vì còn hai con gái chưa chồng".
"Chẳng lẽ ông trời đang đùa giỡn bố mẹ?", người cha 68 tuổi kết bức thư. 30 năm trước, vợ chồng ông mang bốn con thơ từ vùng sâu xuống một thị trấn thuộc tỉnh Nghệ An với ước mơ: cho con thoát mù chữ.
Đến nay, bốn người con của ông Thạch đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định. Hai con trai đầu lấy vợ từ chục năm trước. Hai cô con gái nay đã 34 và 31 tuổi vẫn "dửng dưng chuyện chồng con".
Ông nói giờ đã bên kia sườn dốc cuộc đời, nhà cao cửa rộng không thiết nữa chỉ mong sớm các con sớm yên bề gia thất.
Vợ ông, bà Hoa, 65 tuổi cũng vì chuyện này mà nhiều đêm trăn trở. Bà mong con kết hôn không hẳn vì sợ chúng ế mà muốn con có người để gắn bó, sẻ chia lâu dài. "Chúng tôi trước sau gì cũng chết, bốn anh em có yêu thương nhau đến đâu cũng không thể bằng người bạn đời", bà nói.
Nỗi lo con cái kết hôn muộn của vợ chồng ông Thạch cũng là cuộc chiến tâm lý của hàng triệu bậc cha mẹ Việt. Truyền thống kết hôn trước tuổi 30 và xu hướng coi nhẹ hôn nhân, đề cao tự do cá nhân va chạm ngày càng gay gắt.
Tuổi kết hôn trung bình tại Việt Nam liên tục tăng trong các năm qua. Năm 1999 là 24,1 tuổi lên 25,2 tuổi năm 2019. Đến năm 2023 tuổi kết hôn lần đầu là 27,2 tuổi. Tại TP. HCM, con số này thậm chí vượt ngưỡng 30 tuổi.
Thống kê cho thấy xu hướng độc thân, kết hôn muộn và gia đình đơn thân, lối sống DINK (vợ chồng không con) ngày càng phổ biến. Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ vẫn giữ quan niệm "Con cái chỉ hạnh phúc khi lập gia đình".
Trên tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam năm 2022, giáo sư xã hội học Nguyễn Hữu Minh cho rằng tính chất việc lựa chọn bạn đời của người Việt đã thay đổi cơ bản trong mấy thập niên qua. Quyền quyết định của cha mẹ với con cái trong việc hôn nhân ngày càng suy giảm, chỉ 4% để bố mẹ quyết; 14% bố mẹ hỏi con cái rồi quyết; 69% con cái quyết rồi hỏi bố mẹ và 13% con cái quyết định hoàn toàn.
"Thanh niên ít lệ thuộc vào gia đình nên có nhiều tự chủ hơn. Yếu tố cá nhân trong hôn nhân giờ được đề cao hơn gia đình hay dòng họ", chuyên gia trong lĩnh vực gia đình và giới nhấn mạnh.

Ảnh minh họa: P.D
Trong buổi tọa đàm hôm 11/10 tại TP HCM về chủ đề tuổi kết hôn cao, tỷ lệ sinh thấp của thành phố, nhiều bậc cha mẹ bày tỏ lo lắng vì con muộn kết hôn. Một người mẹ phàn nàn con gái 26 tuổi vừa thông báo sẽ đi du học thạc sĩ. Bà hoang mang bởi con "giờ còn đi học thì bao giờ lấy chồng, sinh con".
Theo tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, có ba nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này. Đầu tiên, văn hóa của người Việt muốn con cái yên bề gia thất mới yên lòng. Nhiều bậc cha mẹ không coi việc con chưa lập gia đình là vấn đề do con, mà là khuyết điểm của bản thân. "Hôn nhân của con trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá cha mẹ có làm tròn trách nhiệm hay không", tiến sĩ Thúy nói.
Thứ hai, cha mẹ Việt muốn có con cháu nối dõi sớm. Nhiều phụ huynh nghĩ mình đang còn sức khỏe nên muốn con cái kết hôn, sinh cháu để giúp đỡ chăm nom.
"Thực chất, việc kết hôn đáng lẽ phải theo kế hoạch của con cái nhưng lại bị ép theo 'thời gian biểu' của bố mẹ", chuyên gia nhận xét.
Thứ ba là sự khác biệt thế hệ. Trong khi cha mẹ sinh trưởng trong thời kỳ khó khăn, con cái lớn lên trong điều kiện đủ đầy, được tự do theo đuổi sự nghiệp, sở thích và mở rộng tầm nhìn. Kết hôn muộn, thậm chí không kết hôn đang là xu hướng.
Ở Thái Bình, bà Ngọc Lan, 60 tuổi, cho biết ít nhất 5 cái Tết gần đây vợ chồng bà đều nhắn nhủ con trai: "Năm tới nhất định phải mang về một nàng dâu về cho bố mẹ".
Con trai bà đã gần 40 tuổi vẫn dửng dưng chuyện vợ con. Bà từng tự hào về việc con trai đi du học và trở thành tiến sĩ, nhưng giờ đôi lúc hối tiếc vì cho con "học cao quá".
Vợ chồng bà Lan không ít lần thu xếp các buổi xem mắt cho con, nhưng luôn thất bại. Một lần, bà sắp xếp cuộc gặp với một cô gái trong xã làm việc gần cơ quan con ở Hà Nội, nhưng đến ngày hẹn, anh lại đi đá bóng và quên mất. Bà Lan tức giận mắng: "Cái tuổi này đáng lẽ bố mẹ được an nhàn, nhưng vì con mà lo bạc đầu". Người con trai nói "việc của con không khiến bố mẹ bận tâm", rồi dập máy.
Gần chục năm nay, năm nào ông Thạch cũng nuôi 50 con gà đồi và đôi lợn để dành làm đám cưới cho các con nhưng chưa được thỏa nguyện. Vợ ông không nhớ đã đi bao nhiêu chùa cầu duyên và làm bao nhiêu lễ "cắt - nối duyên âm". Có điều, chàng rể chưa xuất hiện.
Một trong hai cô con gái của ông Thạch tâm sự bố mẹ nhiều khi gây áp lực bằng những ngôn từ gây tổn thương. Điều khiến cô đau lòng hơn nữa là vì lo chuyện của mình mà bố mẹ không dám ăn tiêu, cứ gom góp làm hồi môn cho con.
Cô xác định sẽ kết hôn nếu tìm được bạn đời phù hợp. "Không kết hôn thì có lỗi với bố mẹ, mà cưới phải người không hợp, hôn nhân không hạnh phúc lại có lỗi với chính mình", cô chia sẻ.
Đi sâu vào tâm lý các bậc cha mẹ, chuyên gia Lã Linh Nga cho biết nhiều bậc phụ huynh bị bó hẹp suy nghĩ và sống với nếp văn hóa làng xã, nên thực sự họ phải chịu áp lực dư luận rất lớn.
Dù sao, số đông vẫn coi hôn nhân là một con đường dẫn đến hạnh phúc, ổn định và sự viên mãn trong cuộc đời con người. Chương tiếp theo của ổn định sự nghiệp là yên bề gia thất. Con muộn lấy vợ/chồng, cha mẹ đương nhiên sốt ruột. Họ càng sốt ruột khi nhìn ra xung quanh liên tục đi dự đám cưới, chúc phúc cho người ta, tự dưng nảy sinh tâm lý bị tụt lại phía sau, trốn tránh hòa nhập xã hội.
Một số có phản ứng cực đoan như thúc giục, soi xét, cằn nhằn con và tham gia thái quá vào cuộc sống con, đẩy không khí gia đình đến căng thẳng.
"Tệ hơn, có những người cả một cuộc đời đã lao động vất vả, nên đến tuổi đáng lý được nghỉ ngơi lại vì suy nghĩ chuyện lập gia đình của con mà sinh bệnh", nhà tâm lý nói.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho biết để thay đổi những yếu tố khác biệt giữa cha mẹ và con cái rất khó khăn. "Tranh luận về hôn nhân giữa cha mẹ và con cái có tìm ra điểm chung hay không còn tùy thuộc vào việc có bao nhiêu người nhận thức được: trao tự do cho con cái cũng là giải thoát cho mình", bà Thúy nói.
Sau cuộc "chiến tranh lạnh" dài ba tháng, mẹ con bà Lan cuối cùng đã tìm được tiếng nói chung. Hôm về ăn giỗ, anh con trai chia sẻ thẳng thắn với bố mẹ "Hôn nhân là chuyện của con, hãy cho phép con được tự định đoạt".
"Trong thời gian đó tôi cũng tỉnh ngộ. Giờ chỉ sống cho mình, chuyện vợ con kệ nó", bà nói.
Riêng ông bà Thạch vẫn chưa thể buông bỏ hoàn toàn. Mỗi lần được khuyên "sống vui khỏe, hưởng phúc bên con cháu", ông bà chỉ thở dài. "Cả đời hy sinh vì con, giờ còn mỗi việc lo xong đám cưới cho chúng mà mãi không được thành toàn", ông nói.
Phan Dương
Nguồn: https://vnexpress.net/cuoc-chien-tam-ly-cua-cha-me-viet-khi-con-ket-hon-muon-4802920.html
(Dân trí) - Từ vụ việc phụ huynh lao vào trường đánh học sinh, thậm chí đánh cả giáo viên, theo TS Phạm Thị Thúy, nhà quản lý giáo dục phải xem lại và thay đổi chứ không thể chỉ nhìn thấy mỗi lỗi từ phụ huynh.

Sự việc phụ huynh lao vào trường đánh hai học sinh vừa xảy ra tại Quảng Nam không phải là trường hợp cá biệt.
Thời gian qua đã có hàng loạt vụ việc phụ huynh lao vào trường đánh bạn học của con, đánh cả giáo viên hay thậm chí còn có cả cảnh phụ huynh vác dao "đe" hiệu trưởng.

Một vụ phụ huynh đánh bạn của con đến mức nạn nhân phải nhập viện xảy ra ở Quảng Ngãi (Ảnh cắt từ clip).
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi cùng TS xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia phân viện TPHCM trước vấn đề nhức nhối này.
Thưa bà, tại Quảng Nam vừa xảy ra sự việc phụ huynh lao vào trường đánh bạn học của con, chuyện không còn lạ gần đây. Là nhà xã hội học, bà nhìn nhận về những vụ việc này như thế nào?
- Đầu tiên phải khẳng định hành vi bạo lực với người khác, với bất kỳ ai, ngay cả bố mẹ đánh con cũng là sai trái, là hành vi vi phạm pháp luật.
Không có lý do gì để bao biện cho hành vi bạo lực với người khác, đặc biệt là hành vi lao vào trường đánh học sinh, hay đánh cả giáo viên. Những hành vi này phải được xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, từ nhiều sự việc phụ huynh xông vào trường đánh học sinh, giáo viên tôi thấy có 5 nguyên nhân chính, đều có mắt xích với nhau.
Đầu tiên phải nói đến việc khi con bị bắt nạt, bị bạo lực học đường, phụ huynh cực kỳ sợ hãi, lo lắng. Khi sợ hãi, lo lắng dẫn đến mất bình tĩnh, họ đã hành xử theo cách trút sự tức giận, lo lắng này vào người họ nghĩ là bắt nạt con họ, gây nguy hiểm cho con họ.

TS Phạm Thị Thúy (Ảnh: P.T).
Thứ hai, một vấn đề xã hội cần được nhìn nhận là chỉ số cảm xúc EQ của một bộ phận dân chúng hiện rất thấp. Đặc biệt là những người đang ở trong bối cảnh căng thẳng dễ bị mất kiểm soát, thiếu sự đồng cảm, hợp tác...
Thứ ba, trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế, nhiều người phải đối mặt với áp lực tài chính, áp lực công ăn việc làm nên mang rất nhiều bức xúc trong mình.
Những bức xúc đó có thể kéo theo những vụ bạo lực. Vấn đề này đã được dự báo từ lâu, khi xã hội có những rối loạn về kinh tế, về niềm tin, con người càng trở nên bức xúc. Tôi e rằng bạo lực sẽ tiếp tục leo thang trong bối cảnh áp lực như hiện nay.
Thứ tư là việc mất niềm tin vào tính nghiêm minh của pháp luật, ở đây là niềm tin vào sự nghiêm minh trong giáo dục. Khi mất niềm tin, người ta có xu hướng chọn cách tự xử, dùng "luật rừng".
Phụ huynh lao vào trường đánh học sinh, hay đánh cả thầy cô giáo để giải quyết vấn đề là vì họ không tin sự nghiêm minh của nhà trường.
Đây chính là yếu tố đang thúc đẩy bạo lực trong xã hội Việt Nam, không chỉ riêng trong trường học. Khi có sự việc, thay vì báo cơ quan công quyền, nhiều người chọn cách tự xử lý.
Nguyên nhân thứ 5 bao trùm tất cả và đáng lo ngại nhất là vấn đề suy thoái đạo đức. Tôi không nói suy thoái đạo đức nói chung mà ở chỗ quan điểm, nhận thức về giá trị con người đang bị sụt giảm, lung lay.
Ngày trước những đối tượng như trẻ em, giáo viên, bác sĩ rất được coi trọng, được bảo vệ. Nhưng giờ đây những đối tượng này lại cũng có thể bị tấn công, hành hung.
Những chuẩn mực, hệ thống giá trị đâu là đúng, đâu là sai, đâu là tốt, đâu là xấu đang bị đảo lộn. Hệ giá trị đang thiếu sự trân trọng đối với con người, ngay cả với những đối tượng cần được coi trọng, bảo vệ nhất.
Từ nhiều vụ việc phụ huynh lao vào trường đánh bạn học của con, dường như giờ đây không ít người đã từ chối hợp tác cùng nhà trường hay chờ đợi nhà trường giải quyết vấn đề?
- Như tôi nói ở trên, người ta có xu hướng "tự xử" khi mất niềm tin. Họ không có niềm tin vào hệ thống giáo dục, không có niềm tin vào hệ thống pháp luật áp dụng trong nhà trường.

TS Phạm Thị Thúy trong chương trình trao đổi về chủ đề trường học hạnh phúc (Ảnh: T.P).
Họ không tin rằng nếu họ phản hồi sự việc đến hiệu trưởng thì hiệu trưởng sẽ giải quyết việc này. Họ không có niềm tin con mình sẽ được bảo vệ.
Thứ phụ huynh nhìn thấy là tình trạng học đường đang cực kỳ nghiêm trọng. Trước mỗi vụ bạo lực học đường, phụ huynh sợ lắm, bất an lắm. Nên chỉ cần con chớm sưng mắt, xước tay thôi họ có thể nổi điên rồi. Vì người ta lo, vì người ta sợ đấy!
Họ sợ hậu quả của bạo lực học đường. Họ sợ nếu mình không ra tay ngăn chặn thì con sẽ là nạn nhân của bạo lực học đường.
- Như bà nói, phải chăng những sự việc này không chỉ dừng lại ở "cách hành xử cá nhân của phụ huynh" mà còn là vấn đề từ trường học?
- Phụ huynh xông vào trường đánh học sinh là dấu hiệu cho thấy nhà trường cần phải điều chỉnh, phải xem lại cách quản lý.
Trong sự việc phụ huynh lao vào trường đánh hai học sinh ở Quảng Nam, tôi thấy có chi tiết giáo viên và bảo vệ can ngăn nhưng không được. Quá nguy hiểm! Vai trò của bảo vệ trường học, vai trò của nhà trường trong việc bảo vệ học sinh ở đâu?

Phụ huynh xông vào lớp đánh học sinh xảy ra tại một trường THPT ở Bạc Liêu (Ảnh: cắt từ Clip).
Tại sao phụ huynh có thể dễ dàng bước qua cánh cổng trường để xông vào lớp đánh học sinh như vậy? Không chỉ là phụ huynh mà có thể là những kẻ đầu gấu, đòi nợ, bắt cóc bên ngoài xông vào thì sao?
Nhà trường đã có phương án bảo vệ học sinh của mình, ít nhất là trong khuôn viên trường học chưa? Sự an toàn của học sinh trong nhà trường được bảo đảm ra sao? Trường học phải xem lại quy trình và hàng rào bảo vệ học sinh, phải có những biện pháp phòng ngừa các nguy cơ có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường phải xem mình đã quản lý và xử lý, giải quyết như thế nào trước những hành vi sai trái của học trò, của giáo viên để phụ huynh yên tâm rằng đây là môi trường an toàn cho con cái họ mỗi ngày đến trường.
Trước sự việc này, trách nhiệm của người quản lý trường học là phải hỏi tại sao phụ huynh không tin mình mà lại chọn cách "tự xử". Đây là điều nhà trường phải xem lại, phải điều chỉnh chứ không chỉ nhìn thấy lỗi ở phía phụ huynh.
Sự việc phụ huynh xông vào trường đánh học trò là tiếng chuông báo động đến tất cả các trường học, không riêng gì ở nơi nào, trường nào.
Ở nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt là ở TPHCM đang xây dựng tiêu chí trường học hạnh phúc. Tiêu chí đầu tiên của trường học hạnh phúc phải là sự an toàn.
- Qua những sự việc này, chúng ta thấy các chủ thể quan trọng trong giáo dục là nhà trường - giáo viên - phụ huynh - học sinh, mối quan hệ vốn cần có sự tương hỗ, hợp tác thì dường như đang có sự đối đầu?
Bạo lực xảy ra thường là khi người ta bức xúc xuất phát từ việc thiếu hiểu nhau, thiếu thông tin, thiếu giao tiếp, thiếu kỹ năng kiểm soát…
Theo tôi nhà trường và phụ huynh cần tăng cường trao đổi, đối thoại để các bên hiểu nhau, hiểu về những nhu cầu, mong muốn, phương hướng của nhau. Tăng cường sự giao tiếp, trao đổi giữa gia đình và nhà trường, giữa phụ huynh và giáo viên, giữa học sinh và giáo viên và giữa cả phụ huynh và phụ huynh.
Qua đó giúp phụ huynh yên tâm, tránh chọn cách tự xử lý.
Không chỉ trong trường học mà ở góc độ xã hội, cũng rất cần những chương trình hỗ trợ, giải tỏa tâm lý, hướng dẫn người dân kỹ năng chuyển hóa cảm xúc; kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho văn hóa...
- Bà từng nói khi người lớn chưa dừng hành vi bạo lực thì đừng hy vọng trẻ em không hành xử bạo lực. Phụ huynh lao vào trường đánh học sinh cũng là nét vẽ tô đậm thêm cho tình trạng bạo lực học đường đang nhức nhối?
- Đúng vậy, quan điểm này đã được tôi đề cập tại nhiều chương trình, tọa đàm về bạo lực học đường, về trường học hạnh phúc. Cảm ơn bạn đã nhớ và nhắc lại.
Chúng ta nói nhiều về việc ngăn chặn nạn bạo lực học đường nhưng tôi muốn nói, khi bạo lực trong gia đình không dừng thì không bao giờ hết bạo lực học đường.
Khi người lớn, nhất là phụ huynh, giáo viên chưa dừng hành vi bạo lực thì rất khó để nói, để dạy các em "đừng đánh nhau".

Phụ huynh ở TPHCM trong một buổi trao đổi, đối thoại cùng trường học (Ảnh: Hoài Nam).
Trẻ em nhiễm tính bạo lực từ người lớn. Muốn trẻ điều chỉnh, người lớn chúng ta phải thay đổi cách hành xử với tất cả mọi người xung quanh.
Phụ huynh có hành vi bạo lực thì đừng mong con không có hành vi bạo lực. Phụ huynh lao vào trường đánh bạn của con là đang trao cho con cách giải quyết vấn đề bằng bạo lực.
Bạo lực như một bánh xe quay vòng khủng khiếp như vậy. Và ai ngoài chính mỗi người lớn chúng ta, trước hết cần có trách nhiệm trong việc dừng vòng quay của bánh xe này?
- Trân trọng cảm ơn bà về những trao đổi thẳng thắn.
Hai bạn trẻ cưới nhau về, trang bị đầy đủ các dụng cụ nấu ăn, từ nồi niêu, xoong chảo cho đến từng đôi đũa, cái bát… Thế nhưng các món này không phải phục vụ cho những bữa ăn gia đình mà là để… đối phó bố mẹ hai bên.
Câu chuyện tưởng như đùa nhưng lại là sự thật. Và thực tế coi nhẹ bữa ăn gia đình đang phổ biến ở nhiều đôi vợ chồng trẻ. Sự bận rộn đi kèm với tiện ích thời hiện đại đã cho phép những vợ chồng trẻ được… lười nấu ăn. Lâu dần, họ quên luôn hơi ấm của căn bếp và thậm chí có những gia đình rất lâu rồi bếp không đỏ lửa.
Đi làm về mệt còn phải nấu ăn là rất dễ nổi cáu
Nhắc đến câu chuyện bếp không đỏ lửa, chị Trần Hoàng Vân, ngụ tại hẻm 407 Sư Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM), kể trong một lần đi ăn tối cùng em gái, chị Vân hỏi: "Sao không đưa chồng cùng đi ăn?", cô em trả lời: "Tụi em quen rồi. Đi làm thì phần đứa nào đứa nấy ăn, trừ những hôm cả 2 về sớm mới đi ăn cùng nhau".
"Vậy là hai vợ chồng không nấu ăn?", chị Vân thắc mắc thì cô em trả lời: "Em không giỏi nấu ăn, chồng cũng bận rộn công việc, nên từ khi cưới nhau về tụi em đã thống nhất sẽ không nấu ăn. Buổi sáng hôm nào dậy sớm thì cả 2 đặt đồ về ăn cùng nhau rồi mới đi làm. Còn cả ngày theo kiểu tự lo chuyện ăn uống vì chỗ làm 2 đứa cách xa nhau".
Những bữa ăn gia đình sẽ giúp cả nhà có thêm cơ hội để trò chuyện, chia sẻ và gắn kết với nhau hơn
ẢNH: NỮ VƯƠNG
Chị Vân cho biết cũng khuyên em nên nấu ăn để giữ hơi ấm gia đình, nhưng quan điểm của cô em là: "Chỉ nghĩ đến việc đi làm về rồi lo nấu ăn, dọn dẹp, rửa chén bát các kiểu, chắc tụi em làm không nổi".
Cưới nhau đến nay đã được gần 4 năm nhưng bếp của gia đình N.T.M.D (28 tuổi), ngụ tại Q.7, TP.HCM, chưa một lần đỏ lửa. Lý giải việc này, D. nói: "Thời gian làm việc của hai vợ chồng rất nhiều. Chồng mình có khi còn làm đến khuya mới về. Nếu đi làm về rồi phải nấu ăn dọn dẹp thì vợ chồng dễ nổi quạu lắm. Mình thấy như thế càng dễ căng thẳng và mâu thuẫn với nhau hơn".
D. kể thêm: "Gia đình ba mẹ chồng trước giờ ăn sáng ở ngoài, trưa về nấu ăn. Buổi tối thì 1 tuần ba mẹ đi ăn nhà hàng 3 - 4 ngày để gia đình có thời gian ngồi nói chuyện với nhau. Nên chồng không quá ép buộc mình phải nấu ăn ở nhà. Ngược lại chồng mình thích ăn quán hơn. Tụi mình ăn ngoài nhưng cũng ăn những quán cơm gia đình để cho có không khí đoàn viên".
Dù không nấu ăn, nhưng D. cho biết căn bếp của hai vợ chồng không thiếu bất kỳ đồ gia dụng gì. Lý do D. sắm đầy đủ hết mọi thứ dù bếp chưa một lần đỏ lửa là vì: "Ba mẹ chồng hay vào nên nhà phải đầy đủ để… đối phó".
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình
Nhận xét về thực tế này, tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (Phân hiệu tại TP.HCM), cho rằng đây là vấn đề hết sức quan ngại vì các bạn trẻ hiện nay có phần xem nhẹ bữa ăn gia đình và vấn đề bếp ấm.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy, có nhiều lý do nhưng quan trọng nhất vẫn là ở nhận thức và tư duy không coi trọng bữa ăn gia đình. "Nếu coi nhẹ bữa ăn gia đình, xem nhẹ bếp ấm, về lâu về dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc", chị Thúy nhấn mạnh.
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy
Theo quan điểm của chị Thúy, gia đình là tổ ấm chỉ khi có 3 nơi ấm. Đầu tiên là bếp ấm, sau đó là phòng ngủ ấm và phòng khách ấm. Trong đó, bếp ấm được hiểu là bữa ăn chung, nấu và ăn cùng nhau. Muốn là tổ ấm thì bếp phải ấm. Đây là điều mà chị Thúy cho rằng không thể thiếu để tạo nên hạnh phúc gia đình.
Nếu bếp không ấm sẽ có những ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Ảnh hưởng đầu tiên chị Thúy đề cập đến là tình yêu thương trong gia đình. "Nếu vợ chồng, con cái cùng nấu ăn cho nhau, đó mới chính là thể hiện tình yêu thương trực tiếp và quan trọng nhất", chị Thúy nhìn nhận.
Ảnh hưởng thứ hai là vấn đề sức khỏe. Tự nấu ăn sẽ đảm bảo hơn về an toàn thực phẩm. Hơn nữa, mình biết rõ là chồng, con thích ăn gì nên khi tự nấu ăn sẽ đáp ứng được nhu cầu của từng thành viên một cách tốt nhất.
Chị Thúy muốn các gia đình trẻ cần lưu tâm rằng bữa ăn không đơn thuần chỉ là bữa ăn. Vì điều quan trọng là khi cùng nấu, cùng chuẩn bị cho bữa ăn sẽ tạo nên sự bên nhau và gắn kết.
"Cùng nhau làm việc mới có thể chia sẻ vui buồn, nói được với nhau rất nhiều chuyện, từ công việc, xã hội đến chuyện nuôi dạy con cái… Đây là cơ hội rất tốt để các thành viên trong gia đình giao tiếp, trò chuyện và chia sẻ với nhau", chị Thúy nói và khẳng định: "Một yếu tố rất quan trọng trong việc giữ bếp ấm và bữa ăn chung chính là những đứa con học được các kỹ năng như tự phục vụ bản thân, tự lập, nấu ăn, chăm sóc, yêu thương người khác… Và quan trọng là các con có cơ hội gần gũi với gia đình. Thiếu bữa ăn, các con sẽ xa dần ba mẹ, xa dần gia đình".
Cảm giác được yêu thương từ bữa ăn gia đình
Do tính chất công việc nên chị Phan Thị Hồng Châu (ngụ tại hẻm 818 Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng thừa nhận rằng không thường xuyên nấu được những bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, dù bận đến thế nào, chị Châu và chồng cũng cố gắng thu xếp để một tuần có được một vài bữa vào bếp cùng nấu ăn.
Chị Châu và các con luôn cảm nhận được tình yêu thương và hạnh phúc mỗi lần cùng nhau chuẩn bị bữa ăn gia đình
ẢNH: NVCC
Dù bận rộn, nhưng chị Châu và chồng luôn cố gắng sắp xếp thời gian để vào bếp nấu những bữa ăn gia đình
ẢNH: NVCC
Chị Châu kể: "Dù không thường xuyên nhưng mỗi khi vào bếp là vợ chồng lại có cơ hội tâm tình với nhau nhiều hơn, kiểu vừa sơ chế nguyên liệu vừa tám chuyện. Thường chồng đứng bếp chính và chủ động chọn món ăn mà vợ yêu thích hoặc bọn trẻ đề xuất. Người xưa thường hay quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", nhưng nếu cả hai cùng xây thì chắc hẳn sẽ trọn vẹn hơn. Mình thích cảm giác được thưởng thức những món ngon do chính tay chồng chuẩn bị, các con cũng vậy. Cảm giác như mình được yêu thương, rất hạnh phúc".
Chỉ ra tầm quan trọng của bữa ăn chung trong việc gắn kết gia đình, tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho biết một trong những nguyên tắc của khoa học là đồ ăn thức uống khi ăn cùng nhau sẽ chung chất dinh dưỡng và còn chung nhiều thứ khác, từ đó tạo nên dưỡng chất nuôi thân, nuôi tâm. "Nếu không ăn cùng nhau sẽ không cùng quan điểm sống, không cùng chia sẻ về cảm xúc. Lâu dần khi không ăn chung sẽ không thể hiểu nhau", chị Thúy đặc biệt lưu ý.
Rất nhiều gia đình chị Thúy tham vấn trong tình trạng không hiểu và kết nối được với con cái, hoặc thường xuyên mâu thuẫn, xung đột thì mẫu số chung của họ đều rất ít có bữa ăn chung.
Chị Thúy muốn nhắn gửi đến các gia đình trẻ rằng muốn gia đình ấm thì căn bếp cũng phải ấm. Bếp mà không hề đỏ lửa, lạnh teo, có nghĩa rằng không có sự quan tâm và thời gian chia sẻ cùng nhau. Việc nấu ăn cùng nhau mang rất nhiều ý nghĩa, nhưng trong thời buổi hiện nay, có những hoàn cảnh mà chúng ta không thể nào duy trì đều đặn được, thì cũng nên linh hoạt nhưng cần phải cân bằng.
"Có những lúc ăn ở ngoài, có lúc nên cùng nhau nấu ăn tại nhà. Điều quan trọng là ăn cùng nhau. Nhưng đừng coi nhẹ căn bếp, đừng để cho bếp của bạn lạnh ngắt. Trong suốt một tuần liền mà bếp không đỏ lửa thì nên cẩn trọng. Sau này nếu gia đình có vấn đề gì không hiểu nhau, con cái không dạy dỗ được thì có lẽ một trong những lý do là vì bạn đã để cho bếp của gia đình nguội lạnh", chị Thúy lưu ý.
Chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024, với chủ đề "Bên nhau, mình là nhà" do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chuỗi hoạt động của chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc 2024 bao gồm: Chiến dịch truyền thông Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc và Ngày hội "Gia đình trẻ hạnh phúc" trên mạng xã hội với các sản phẩm truyền thông: infographic, motion graphic, video clip...
Nguồn: https://thanhnien.vn/ben-nhau-minh-la-nha-bao-lau-roi-bep-khong-do-lua-185240926190856044.htm
Câu chuyện đào tạo bản lĩnh, tạo động lực, tăng tinh thần đoàn kết bằng những trò chơi như bắn chun sưng tay, cõng nhau giẫm lên gai hoa hồng khiến nhiều người phẫn nộ.
Bắn chun, cõng nhau giẫm lên hoa hồng đầy gai
Chương trình đào tạo kỹ năng bán hàng, nâng cao doanh số với những trò chơi trải nghiệm gây đau đớn cho người tham gia đang được dư luận quan tâm.
Trước đó, mạng xã hội xuất hiện đoạn video quay chương trình đào tạo của một thương hiệu mỹ phẩm. Nhằm tạo động lực, tăng đoàn kết, nhóm người này chơi trò kéo dây chun. 10 người cùng lúc kéo nhiều sợi dây chun cho đến khi dây đứt.
Với đội thất bại, thủ lĩnh sẽ phải chịu trừng phạt, bị sếp bắn dây chun vào cổ tay. Cổ tay của một số cô gái đã đỏ lừ, sưng tấy. Mục đích của việc này là để nhân viên thấu hiểu trách nhiệm nặng nề, sự thiệt thòi của thủ lĩnh và sức mạnh của đội nhóm.
Nữ CEO của công ty khẳng định, trò chơi đã chạm đến cảm xúc của người tham gia và những người đứng ngoài không hiểu được điều đó.
Một cô gái tham gia trải nghiệm cũng thổ lộ, bản thân đã nhận được bài học giá trị từ thử thách bắn chun. Trước đó, cô từng vượt nhiều thử thách, trải nghiệm khắc nghiệt hơn khi tham gia các khóa đào tạo bán hàng hệ thống.
Trước đó, vào cuối tháng 8, mạng xã hội từng xôn xao trước video đội nhóm tham gia thử thách cõng nhau giẫm lên gai hoa hồng.
Video này cũng là về một khóa học đào tạo dành cho người bán hàng hệ thống. Từ sếp đến nhân viên của công ty cùng tham gia thử thách cõng nhau bước qua con đường trải hoa hồng gai.
Người giẫm lên gai hoa hồng bật khóc vì đau đớn, người được cõng và cả những người chứng kiến cũng rơi nước mắt. Thử thách này nhằm mục đích đào tạo bán lĩnh cho các thành viên trong công ty.
Để phản bác ý kiến cho rằng hoa hồng không có gai, một nhân viên còn quay cận cảnh cành hồng đầy gai nhọn để chứng minh độ xác thực của thử thách. Hành động này càng khiến người xem khó hiểu.
Đa phần đều cho rằng, bắn chun và cõng nhau giẫm lên gai hoa hồng là thử thách điên rồ, lố bịch, không mang tính giáo dục.
Cách thức đào tạo phi giáo dục
Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia tâm lý, TS. Phạm Thị Thúy khẳng định, bắn dây chun là trò chơi phi giáo dục. “Mục đích tổ chức có thể tốt cho buổi đào tạo nhưng cách thực hiện lại gây tổn hại cho thể chất, tinh thần của người khác.
Tôi rất phản đối các trò chơi phản cảm như thế này. Người tổ chức thiếu hiểu biết về giáo dục và tâm lý con người, họ chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh doanh, không để ý đến tác động tiêu cực của trò chơi đến người tham gia và người chứng kiến”.
Những thử thách gây đau đớn có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất của người tham gia. Về mặt tâm lý, hậu quả cũng rất nặng nề.
TS. Phạm Thị Thúy chia sẻ, không khí sôi nổi của chương trình khiến người trong cuộc phấn khích, chấp nhận các thử thách và dễ xúc động.
“Tuy nhiên, sau này xem lại, họ có thể nghĩ ‘không ngờ lúc đó mình chịu đau và chịu nhục được như vậy’. Trong clip kia, đi kèm với động tác bắn chun là rất nhiều câu nói nặng nề. Tôi xem video mà cảm thấy kinh khủng.
Đó là sự sỉ nhục, xúc phạm nhân phẩm trước đám đông, có thể gây ra tổn thương lớn về tâm lý cho ai đó sau này. Đặc biệt, video lại được công khai trên mạng xã hội, thu hút nhiều bình luận chỉ trích, tổn thương sẽ bị nhân lên nhiều lần”.
Những người có mặt trong buổi đào tạo, chứng kiến hình phạt bắn chun cũng bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý.
Theo chuyên gia, trò chơi đã “lấy sự hối hận, mặc cảm trước cái sai, xấu, dở của người khác để thúc giục họ thay đổi”. Việc này lợi bất cập hại.
“Người tổ chức cho rằng, thử thách này tạo động lực, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân viên với công việc chung, nếu không thủ lĩnh của họ sẽ bị trừng phạt.
Đây là một dạng thao túng tâm lý tiêu cực. Người chứng kiến bật khóc vì thương, vì sợ, vì xấu hổ khi mình làm ảnh hưởng đến người khác, từ đó sinh ra tâm lý mặc cảm, tội lỗi. Đó là phi giáo dục.
Với những người có tiềm ẩn những vấn đề về tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động này càng khó dự đoán trước”, TS. Phạm Thị Thúy chia sẻ.
Những video trên cũng gây ra hậu quả tâm lý xã hội, khiến người xem cảm thấy bi quan khi thấy một số công ty vì hiệu quả kinh doanh mà bất chấp, sẵn sàng tổ chức thử thách gây đau đớn cho người tham gia.
“Cộng đồng mạng không nên chỉ trích những người tham gia trò chơi này. Trong môi trường, mục đích đào tạo như vậy, họ tham gia cũng là điều dễ hiểu, chỉ là họ không lường trước được hậu quả phía sau”, chị nói thêm.
Theo chuyên gia tâm lý, buổi đào tạo mang tính giáo giục phải đảm bảo hai yếu tố.
Thứ nhất, mục tiêu đào tạo phải vì con người, quan tâm đến sức khỏe, tâm lý, cảm xúc của con người, chứ không chỉ vì hiệu quả kinh doanh. Đó mới là tư duy của kinh doanh bền vững, kinh doanh có đạo đức.
Thứ hai, người tổ chức phải nói rõ luật chơi kèm hậu quả có thể có để người chơi quyết định có tham gia hay không.
Nghệ sĩ làm thiện nguyện trong bão lũ chính là thể hiện trách nhiệm xã hội và cái tâm của họ, nhưng với nhiều trường hợp, việc đứng ra quyên góp vật lực từ đám đông không thể thực hiện một cách tự phát.
Nghệ sĩ từng vướng lùm xùm từ thiện
Đợt bão lũ năm 2020, nhiều nghệ sĩ như Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh… vướng lùm xùm khi bị tố ăn chặn tiền từ thiện khiến hình ảnh của họ bị ảnh hưởng rất nhiều, sau đó là sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các nghệ sĩ phải tung sao kê lên trang cá nhân để minh oan.
Mới đây, khi đang thực hiện chuyến cứu trợ đến đồng bào các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, ca sĩ Thái Thùy Linh cũng bị một tài khoản trên mạng xã hội tấn công với những lời lẽ bôi nhọ, vu khống, không tin tưởng vào những gì nữ ca sĩ đang làm để cứu trợ đồng bào vùng bão lũ. Thái Thùy Linh đã bức xúc phản ứng công khai trên trang cá nhân, yêu cầu người này xin lỗi.
NSND Trịnh Kim Chi và diễn viên Lý Hùng, Lý Hương tại Ủy ban MTTQ VN TP.HCM ngày 16.9 trao số tiền đóng góp của các văn nghệ sĩ, nhà hảo tâm gửi đến đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3
Ảnh: FB Trịnh Kim Chi
Chia sẻ về chuyện này, Thái Thùy Linh cho biết: "Mấy ngày nay tôi bị tấn công, vu khống, thêu dệt những chuyện sai sự thật, người ta tìm mọi cách tấn công để làm tổn thương mà tôi không hiểu vì sao như vậy. Khi hết dịch Covid-19, tôi từng xin phép dừng các hoạt động thiện nguyện nên tài khoản thiện nguyện "Người Việt thương nhau" của tôi nằm yên từ năm 2022. Giờ đây khi chứng kiến đồng bào mình gặp thiên tai đau thương, tôi không nghĩ mình sẽ bị phiền toái, thị phi gì cả nên cứ làm những việc cần làm thôi".
Có thể thấy các nghệ sĩ từng vướng lùm xùm từ thiện là do họ tự đứng ra kêu gọi, quyên góp vào tài khoản cá nhân và nghệ sĩ sau đó thực hiện cứu trợ tự phát, không nắm rõ về quy định, tài chính - kế toán, không chủ động công khai các khoản thu chi minh bạch.
"Từ xưa đến giờ tôi không kêu gọi, mà có bao nhiêu làm bấy nhiêu và cũng chỉ vận động người thân trong gia đình. Với đợt bão lũ này, tôi chọn đến Ủy ban MTTQ VN tại TP.HCM để gửi 200 triệu đồng ủng hộ người dân", nghệ sĩ Lý Hùng chia sẻ.
Lan tỏa giá trị đẹp cần đúng cách
Sau những vụ nghệ sĩ vướng thị phi khi kêu gọi quyên góp tiền từ thiện, một số nghệ sĩ tiếp tục tham gia hoạt động thiện nguyện cá nhân, theo nhóm, chọn cách công khai số tiền thu chi minh bạch, rõ ràng trên trang cá nhân và sử dụng công cụ hỗ trợ.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, tiếp nhận biểu trưng số tiền 190 triệu đồng do diễn viên Huy Khánh (giữa) và MC Lý Chánh, đại diện RuNam Star United - Saigon Warriors và những người bạn ủng hộ tại buổi quyên góp hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ các tỉnh miền Bắc, tại tòa soạn báo chiều 16.9.2024
Ảnh: Nhật Thịnh
"Phải minh bạch số tiền thu vào là bao nhiêu, nhận từ ai và mình đã chi ra bao nhiêu tiền cho các việc gì, mua cái này hết bao nhiêu và sau khi mua những mặt hàng cứu trợ thì những thứ đó đã đi về đâu. Phải đủ 3 bước thì mới minh bạch. Hiện nay, Ngân hàng Quân đội đã xây dựng app minh bạch thiện nguyện, tài khoản chỉ 4 chữ số thôi. Tài khoản này sẽ cấp cho một tổ chức, cá nhân và nó công khai hoàn toàn phần thu chi. Cứ cài app vào thì bất cứ người nào, không cần mật khẩu cũng có thể xem được các khoản thu và chi. Giờ còn thiếu tính năng là tải lên các hóa đơn mua hàng và chi tiết hàng đi về đâu thì app minh bạch thiện nguyện này sẽ là trợ thủ đắc lực cho các hoạt động thiện nguyện", ca sĩ Thái Thùy Linh chia sẻ.
Theo thạc sĩ luật Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố… phải đảm bảo công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung này trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trước từ 1 đến 3 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện.
Để tránh thị phi và áp lực cho nghệ sĩ khi tham gia hoạt động từ thiện, theo các chuyên gia, nghệ sĩ nên kêu gọi đóng góp vào các tổ chức như Ủy ban MTTQ VN, Hội Chữ thập đỏ VN, các cơ quan báo chí có uy tín, có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thiện nguyện; và bản thân nghệ sĩ cũng có thể tham gia trực tiếp vào đoàn cứu trợ của các tổ chức này.
"Gần đây đã có những quy định rõ ràng hơn, giúp các nghệ sĩ có cách làm minh bạch hơn. Xét về khách quan, các cá nhân, nghệ sĩ nên tìm hiểu và thực hiện đúng quy định của Nhà nước, pháp luật liên quan đến công tác thiện nguyện, cùng với các cơ quan chức năng kết nối các đầu mối thu chi các nguồn tài trợ. Thậm chí họ cũng có thể làm đại sứ thiện nguyện cho các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí để dùng sức ảnh hưởng của nghệ sĩ lan tỏa đến công chúng", tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy nói.
Theo luật sư Lê Trung Phát (Hãng luật Lê Trung Phát, TP.HCM): "Pháp luật không đặt vấn đề về việc những người đứng ra kêu gọi quyên góp phải đồng hành cùng với cá nhân, tổ chức nào để thực hiện việc hỗ trợ. Bởi đây là khả năng, lương tâm và trách nhiệm của họ. Họ có thể tự làm mà sẽ không phải lo sợ trách nhiệm pháp lý nếu làm đúng lương tâm, trách nhiệm và đặc biệt là không trục lợi cho bản thân. Nếu số tiền ủng hộ mà họ nhận được quá lớn, hoặc trong quá trình triển khai việc cứu trợ gặp khó khăn trong xác định đối tượng cần hỗ trợ, phương tiện đi lại, nhân lực, thì họ có thể kết hợp cùng các cơ quan, tổ chức… để triển khai việc cứu trợ được kịp thời, hiệu quả nhất".
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, cho biết gần đây thay vì kêu gọi quyên góp vào tài khoản cá nhân, nhiều nghệ sĩ chọn trực tiếp ủng hộ hàng hóa, kinh phí và vận động dư luận ủng hộ vào các tổ chức, đơn vị xã hội uy tín như Ủy ban MTTQ VN, Hội Chữ thập đỏ các cấp, các cơ quan báo chí... mà họ tin tưởng, tín nhiệm để hỗ trợ đồng bào các tỉnh thành miền Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra.
"Tôi cho rằng đây là cách làm cần được phát huy trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp văn nghệ sĩ khắc phục được những vấn đề có liên quan đến công tác tổ chức cứu trợ và không bị ảnh hưởng sau cứu trợ. Khi gửi vào các tổ chức trên, nghệ sĩ có thể đề xuất dùng số tiền đó ủng hộ cho địa phương nào, hoạt động gì một cách cụ thể. Việc phối hợp thực hiện như vậy đúng với quy định của pháp luật, làm cho công tác cứu trợ của các tổ chức tại địa phương hoặc đơn vị tiếp nhận sẽ dễ dàng, thuận lợi và minh bạch hơn. Số tiền đóng góp khi phân phát cũng được công bằng, tránh được câu chuyện nơi thì thừa, còn nơi lại không có gì. Tôi tin với những điểm sáng đó, các văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tổ chức uy tín để thực hiện hoạt động thiện nguyện của mình", ông Trần Trường Sơn nói.
Lạc Xuân
Đạo diễn Việt Tú cùng những người bạn vừa tổ chức đêm nhạc Tiếng gọi yêu thương (tối 15.9, quỹ Hạt Vừng đại diện) gây quỹ giúp đỡ bà con bị thiệt hại vì bão lũ, với sự tham gia của các nghệ sĩ như Tùng Dương, Trung Quân, Mỹ Anh… Đạo diễn cho biết, dù có những "nghi vấn" trước đây nhưng các nghệ sĩ không e ngại việc kêu gọi từ thiện và vẫn đang làm thiện nguyện cùng toàn xã hội. "Về sự nghi vấn, tôi nghĩ là điểm tích cực để tăng cường giám sát xã hội trong công tác từ thiện, không chỉ riêng với giới nghệ sĩ mà bất kỳ đối tượng nào để đảm bảo tấm lòng của các nhà hảo tâm đến được đúng và đủ với bà con hoạn nạn", đạo diễn Việt Tú chia sẻ. Đạo diễn Việt Tú cho rằng, nhìn từ bên ngoài, chúng ta chỉ thấy kết quả cuối cùng là tấm lòng, tình yêu thương và sự lan tỏa. Tuy nhiên, để điều đó được trọn vẹn, đó là một hành trình đòi hỏi kỹ năng quản lý chuyên nghiệp, sự kết nối hệ thống, các quy trình vận hành.
Trinh Nguyễn