Điểm số quyết định thành bại tương lai? Bớt nhìn vào điểm là bớt làm khổ con Featured

Vậy, nên nhìn nhận vấn đề này thế nào? 

Ảnh mang tính minh hoa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh hoa - SHUTTERSTOCK

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Học viện hành chính quốc gia, Phân viện tại TP.HCM): Bớt nhìn vào điểm là bớt làm khổ con

Ở phòng tham vấn tâm lý, tôi gặp nhiều chuyện đau lòng liên quan tới áp lực học tập. Các con trầm cảm, rối loạn cảm xúc, hành vi… vì áp lực điểm số từ thầy cô, cha mẹ, từ chính nhu cầu các con muốn mình giỏi giang, đứng đầu...

 

Tôi đã đi dạy 21 năm và thấm thía: điểm số của học trò không nói lên năng lực của trò. Điểm số chỉ là một thang đo nhỏ cho biết kết quả của bài làm trong vài giờ các con làm bài mà thôi. Nhiều em học tốt nhưng do sức khỏe hay tâm trạng không tốt nên điểm không cao. Nhiều đề thi bắt học sinh học thuộc máy móc, không đánh giá được kiến thức tổng hợp, sự sáng tạo của học sinh nên không giúp các em giỏi ghi điểm cao. 

Vậy, điểm cao của các em mà nhà trường, thầy cô, cha mẹ khoe có nói lên năng lực thực sự của các con đâu. Điểm số đó càng không có ý nghĩa gì với sự phong phú của cuộc sống mà các con sẽ sống. 

Con trẻ chỉ có thể phát triển tốt nhất về nhân cách, trí tuệ, cảm xúc khi các con được tự do trong yêu thương. Hãy dạy các con sống yêu thương, sống tự do, là chính mình. Đó là giá trị sống đáng giá nhất, giúp con trẻ có cuộc đời đáng sống, vậy là các con thành công rồi!

Mong mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo, mỗi cha mẹ cùng nhau nhận thức lại để giải phóng các con khỏi nỗi khổ của việc học… vì điểm hiện nay!

TS Phạm Thị Thuý
TS Phạm Thị Thuý

Tuấn Ly:  Tôi giúp con chấm điểm tâm trạng 

Cách đây hai năm, tôi tham dự khóa “Sống không stress”, tại Trung tâm Inner Space, tôi rất tâm đắc với phần tự chấm điểm tâm trạng, nên về nhà chia sẻ ngay với vợ con.

Thang điểm tâm trạng từ 1 đến 10. Vui và rất vui được coi là 7 điểm đến 10 điểm; buồn buồn là 5 điểm hoặc 6 điểm. Dưới 5 điểm thì được xem là tâm trạng có vấn đề, nên ngồi lại với mình, nâng mình lên bằng cách thay đổi suy nghĩ. 

Con gái tôi lúc đó học lớp Bốn. Tan học tôi đón con bao giờ cũng hỏi: “Hôm nay, con thế nào?” , “7 điểm”, “9 điểm”... là tôi biết con vui. Hôm nào con báo 
“4 điểm” , “3 điểm”, là tôi biết ngay: “Con bị bạn nói xấu”, “Con bị cô la oan”… Tôi lắng nghe, an ủi động viên con. Thật ra, con trẻ chưa cần đến giải pháp gì ghê gớm, mà chỉ mong ba mẹ hiểu và tin con. 

Giờ con gái tôi lên lớp Sáu, ngày nào đi học về cũng tự chấm và báo điểm tâm trạng cho ba mẹ. Khác là năm nay, con gái có thể tự nâng điểm lên luôn. “Thấy trời mưa con buồn quá, vì không đi sinh nhật bạn được, nhưng con nghĩ mưa cây cỏ sẽ tươi tốt, đỡ hỏa hoạn… nên từ 6 điểm con tăng lên 9 điểm”.

Tôi quan tâm đến điểm số để nhắc con học, nhưng tôi rất mừng khi con bị điểm kém tự con biết rút kinh nghiệm, biết suy nghĩ tích cực để sống hạnh phúc. 

Nguyễn Ngọc Yến Vy (lớp Mười, Q.6, TP.HCM): Điểm số chỉ là tiêu chuẩn rập khuôn

Theo em, điểm số là một tiêu chuẩn rập khuôn để đánh giá học sinh. Khi nhà trường dùng điểm số để đánh giá năng lực của một học sinh thì nó không mang lại tính tích cực, cũng chẳng giúp học sinh cố gắng học tập tốt hơn. Trái lại, sẽ làm cho học sinh rơi vào trạng thái tự ti, lo sợ, ganh tỵ, ghen ghét, hơn thua khi bị cha mẹ so sánh với "con nhà người ta". 

Chúng em có thể không giỏi học tập nhưng chúng em giỏi trong thể thao, ca hát, nhảy múa... Chúng em có tấm lòng yêu thương, biết giúp đỡ người khác, biết lắng nghe những người xung quanh. 

Mỗi người sinh ra đều có sứ mệnh, sở trường, tính cách khác nhau nên em mong nhà trường đừng lấy điểm số làm thước đo của sự siêng năng, cố gắng, giỏi giang vì ngoài điểm số trong học tập ra chúng em còn nhiều thứ khác nữa. Điểm số suy cho cùng cũng chỉ là thứ để mọi người đánh giá một mặt của học sinh chứ không đánh giá toàn diện một con người!

Giang Triều Thanh (Lớp Bảy, Q.4, TP.HCM): Thực hành là dễ “đo” nhất

Em mong nhà trường giảm những bài kiểm tra trên giấy hoặc kiểm tra miệng và cho học sinh thực hành nhiều hơn. Thực hành giúp chúng em nắm bắt kiến thức và hiểu sâu về bài học đó. Có tình trạng một bài tập đơn giản, tương đương cấp tiểu học, nhưng bạn học sinh cấp II vẫn không biết làm. Em nghĩ, nếu không chấm điểm mà muốn biết học sinh có hiểu bài hay không thì thông qua việc thực hành là rõ.

Nhiều phụ huynh nói tuổi học trò là tuổi ăn tuổi học, nhưng theo em hiểu thì tuổi này còn là tuổi để phát triển toàn diện: kỹ năng sinh tồn, kỹ năng giao tiếp, vui chơi, chia sẻ với bạn bè...  

Tô Diệu Hiền - T.S (thực hiện)

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/bot-nhin-vao-diem-la-bot-lam-kho-con-a1433495.html

 
Rate this item
(0 votes)
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.