Vụ đánh 2 thiếu niên: Điều đáng sợ nhất là sự "thản nhiên đánh" Featured

TS Xã hội học Phạm Thị Thúy khẳng định hành vi bảo vệ dân phố đánh 2 thiếu niên là việc lặp lại nhiều lần. Người đánh thản nhiên cho rằng đó là quyền của mình chứ không phải do bột phát, nóng giận...

TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia phân viện TPHCM) chia sẻ quan điểm của mình với Dân trí quanh clip bảo vệ dân phố đánh hai thanh thiếu niên tại phòng giám thị trường học  gây dậy sóng cộng đồng mạng. 

Vụ đánh 2 thiếu niên: Điều đáng sợ nhất là sự thản nhiên đánh - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bảo vệ dân phố đánh hai thanh thiếu niên 14 tuổi xảy ra tại trường học TPHCM gây phẫn nộ dư luận (ảnh cắt từ clip)

- Là một nhà xã hội học, bà có thể nói về cảm nghĩ của mình khi xem clip hơn 2 phút quay lại cảnh bảo vệ dân phố đánh, lên gối vào bụng, vào mặt 2 thiếu niên 14 tuổi?

- Tôi vô cùng bức xúc và đau lòng! Hành vi này đang sai quá sai. Trẻ em, dưới 16 tuổi, trong mọi trường hợp, dù các em sai đến đâu cũng phải có người giám hộ là bố mẹ, người thân hoặc thầy cô... 

Sự việc lại xảy ra trong trường học thì càng khủng khiếp. Trẻ em sai đi chăng nữa, người lớn cũng không được quyền bạo hành các em. Trong clip, người dân phòng đánh trẻ quá tàn bạo. Vừa bạo hành thể xác lẫn tinh thần của trẻ. 

Mọi hành vi sai trái của trẻ phải được xử lý dựa trên các quy định của pháp luật, quyền trẻ em chứ không phép được dùng cách hành xử giang hồ như vậy. 

- Trong clip này, người bảo vệ dân phố liên tục đánh hai đứa trẻ, nhiều người lớn xung quanh chứng kiến một cách dửng dưng. Theo bà, điều này có thể lý giải như thế nào?

- Việc đánh trẻ em là hành vi không thể chấp nhận ở người lớn bình thường chứ không nói là người đang thi hành công vụ. 

Vụ đánh 2 thiếu niên: Điều đáng sợ nhất là sự thản nhiên đánh - 2


TS xã hội học Phạm Thị Thúy.

Cách người bảo vệ dân phố đánh hai đứa trẻ, những người lớn xung quanh đứng nhìn, theo tôi, họ đã quen với thói hành hung như vậy,  quen với việc cửa quyền, cho mình có quyền đánh người, đánh trẻ. 

Nhìn vào hành vi này, tôi chắc chắn đây là việc đã lặp lại nhiều lần của người dân phòng. Anh ta đánh rất thản nhiên, cho rằng đó là quyền của mình, chứ không phải do bột phát, nóng giận... 

Những người chứng kiến không có ý kiến gì, có thể họ đã quen với việc đó, họ xem đó là chuyện hết sức bình thường. Đây là điều hết sức nguy hiểm và cũng là điều đáng sợ nhất trong clip này. 

Mong gia đình các em không bỏ qua

- Với hai thiếu niên bị bạo hành, những ảnh hưởng nào có thể tác động đến các em từ sự việc?

- Về thể chất có thể thấy rõ rồi, các em bị đánh quá tàn bạo. Nhưng không chỉ về thể chất mà các em sẽ còn bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tinh thần khi bị người lớn đánh đập như vậy. 

Điều nguy hiểm nữa là đứa trẻ sẽ học từ đó việc đánh người khác. Trẻ sẽ cho đó là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, người lớn làm thế nào, các em sẽ làm như vậy. 

Chúng ta đừng hỏi nhau, đừng đổ lỗi cho trẻ vì sao trẻ bây giờ  đánh nhau nhiều, bạo lực học đường nhiều với mức độ khủng khiếp.

- Thưa bà, gia đình các em cần làm gì trong trường hợp này?

- Trẻ luôn cần được quan tâm, dạy dỗ nhưng các con sai đến đâu sẽ chịu trách nhiệm đến đó theo quy định. Trong trường hợp này, gia đình cần lên tiếng để bảo vệ trẻ, tố cáo sự việc phải tố cáo với cơ quan chức năng cấp cao hơn.

Tôi mong gia đình các em sẽ không bỏ qua việc này. Hành vi đó để lại trên các em sự tổn thương rất nghiêm trọng đến thể xác, tinh thần, người ta còn dạy cho con cháu mình bài học rất xấu, dạy trẻ bạo lực... 

Gia đình cần lên tiếng không chỉ vì chính con mà để những người có hành vi đó không bao giờ được phép hành xử như vậy với những người đứa trẻ khác. 

- Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta phẫn nộ trước cảnh bảo vệ dân phố đánh người? 

- Những người đánh người khác, đánh người ngang bằng tuổi với mình đã là ác; việc đánh trẻ em thì ác gấp trăm lần. Đáng sợ nhất, người đánh trẻ em ở đây lại làm việc, đại diện cho cơ quan pháp luật. 

Các cơ quan quản lý cũng cần xử lý nghiêm hành vi này. Những người hành xử như vậy cần phải bị trừng phạt, không chỉ là rút kinh nghiệm. 

Kể cả trường học, để sự việc như vậy xảy ra trong trường cần kỷ luật người chịu trách nhiệm.  

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần chú ý đến đội ngũ bảo vệ dân phố ở các địa phương. Hiện nay, đội ngũ này chưa được đào tạo bài bản, có khi là những thanh niên trẻ tuổi, phải chăng họ chưa được chỉ dẫn về quyền con người, quyền công dân, không nắm về nguyên tắc làm việc, nhất là làm việc với trẻ em. 

- Trân trọng cảm ơn bà!

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 1/4, cộng đồng mạng sửng sốt trước clip   hơn 2 phút ghi lại cảnh hai thiếu niên ngồi trong phòng và bị người thanh niên mặc đồng phục của lực lượng bảo vệ dân phố đánh tới tấp.

Sự việc xảy ra vào tối 31/3, tại phòng giám thị, trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10, TPHCM. Hai thiếu niên bị đánh trong clip 14 tuổi, đã nghỉ học, một em từng là học tại một trường THCS trên địa bàn quận.

Nguyên nhân bước đầu là do hai em đột nhập vào trường THCS Nguyễn Văn Tố và bị lực lượng bảo vệ dân phố, nhân viên bảo vệ phát hiện, bắt giữ.
 
UBND Q.10 đã chỉ đạo UBND phường 14 đình chỉ công tác đối với bảo vệ dân phố đánh thô bạo 2 thiếu niên. 

Hoài Nam

Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-danh-2-thieu-nien-dieu-dang-so-nhat-la-su-than-nhien-danh-20210402132512426.htm?fbclid=IwAR0hffLNd28KDh8GLdGqKT6ILA803lZTaStaI4WF9F5O2wMbVzE5RGmpB7Q

Rate this item
(0 votes)
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.