Viết sách, giảng dạy, nghiên cứu và liên tục tham gia các hoạt động truyền thông chống bạo lực học đường và bảo vệ bà mẹ trẻ em, chia sẻ với phóng viên báo TGTT, Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thuý cho rằng chưa bao giờ việc học làm cha mẹ lại cấp thiết như lúc này.
– Một trong những vấn đề giáo dục nổi cộm hiện nay là vấn đề đạo đức. Môi trường giáo dục từ gia đình đến nhà trường dường như đã đánh mất dần những chuẩn mực về việc giáo dưỡng trẻ em thành người. Cô nghĩ sao về điều này?
– Ở đâu cũng có câu khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn”, nhưng bài học làm người như học cách yêu thương con người, học cách tôn trọng con người dường như bị bỏ quên quá lâu rồi. Vì thành tích hay vì cái gì mà người lớn: nhà quản lý giáo dục, thầy cô, cha mẹ sẵn sàng nhồi nhét, bắt trẻ học đủ mọi thứ, đối xử với trẻ như những robot… Và khi những người lớn nhân danh giáo dục để dùng bạo lực với trẻ, thì đâu còn tính nhân văn trong cách hành xử của chính người lớn.
Trẻ học qua tấm gương từ người lớn, thầy cô giáo.Làm gương mới là cách dạy tốt nhất, nhưng trẻ học được gì từ những hành xử bạo lực bởi chính cha mẹ, thầy cô? Và rất nhiều người trong xã hội cũng đang kêu gọi sự nhân văn, giáo dục đạo đức bằng hình thức ném đá trên mạng, chửi bới nhục mạ những hành vi, những người thầy cô phạm lỗi mà quên đi cách hành xử nhân văn trước cái sai, cái xấu. Nói về giáo dục đạo đức bằng chính thái độ, hành vi đầy bạo lực thì có hợp lẽ không?
– Cũng chỉ vài năm vừa qua, đã có những cha mẹ và thầy cô với nỗ lực hết sức mình, nghĩ rằng “gieo mầm thiện, sống thân giáo” sẽ giúp cho con cái họ vượt qua những hoàn cảnh xã hội hiện tại. Xin cô cho biết những bước tiếp theo của quá trình làm thay đổi tiêu cực xã hội của chính cô và những đồng nghiệp?
– Cá nhân tôi cũng nhìn thấy rất nhiều người tốt, nhiều đồng nghiệp, thầy cô, cha mẹ đang nỗ lực hết sức mình “gieo mầm thiện, sống thân giáo” để mong giúp cho con trẻ vượt qua những tiêu cực, những thử thách của hoàn cảnh xã hội hiện tại. Tôi biết vài nhóm như nhóm triết học của thầy Bùi Văn Nam Sơn, thầy Trần Hữu Quang, nhóm cô Nguyễn Thuý Uyên Phương trường Tomato với dự án Design for Change, nhóm ALL của bạn tôi cô Nguyễn Hoàng Chiêu Anh với dự án Trường học hạnh phúc, nhóm Không gian đọc của bạn Trần Thiện Tùng với vài chục thư viện miễn phí khắp các tỉnh, thành, gieo mầm văn hoá đọc trong dân và nhóm chúng tôi – nhóm AN – gồm có cô Nguyễn Thị Thu Huyền, cô Tô Thị Hoàng Lan và tôi, với dự án giúp giáo viên hạnh phúc để học sinh được hạnh phúc.
Cá nhân tôi đã và đang kiên trì hơn mười năm nay với công việc tập huấn phương pháp sư phạm tích cực cho giáo viên các cấp, để giúp giáo viên tạo nên lớp học sinh động, hấp dẫn giúp người học được học chủ động, sáng tạo và được thực hành. Và với công việc thứ hai của tôi song song với nghề giáo là tham vấn tâm lý, tôi đang đến với các cha mẹ ở nhiều tỉnh, thành qua các khoá học Kỹ năng làm cha mẹ, qua các buổi nói chuyện chuyên đề về tâm lý trẻ, về phòng tránh bạo lực và xâm hại trẻ… để giúp các cha mẹ nuôi dạy con trong sự tôn trọng và yêu thương trẻ.
Tôi quan niệm muốn trẻ hạnh phúc phải bắt đầu từ chính người lớn. Thầy cô cha mẹ sống hạnh phúc, hành xử đúng như những giá trị họ đang dạy trẻ, với cách dạy trẻ dựa trên sự thấu hiểu trẻ và cùng hợp tác trẻ sẽ tự do được là chính mình, và từ đó chúng ta dần vun trồng những tâm hồn trẻ sống hạnh phúc và biết yêu thương.
– Thưa cô, vậy cô muốn con mình sau này sẽ trở thành người thế nào và cách nào để đạt được điều đó?
– Tôi có hai con, và điều tôi mong muốn nhất con tôi được hạnh phúc, được tự do là chính mình và biết sống tử tế, sống có ích. Tôi dạy con từ trong thai với phương pháp thai giáo bằng những câu hát ru, bằng những câu chuyện kể giáo dục đạo đức, bằng âm nhạc thiện lành, bằng tâm trạng bình an… Và khi cùng con lớn lên tôi học cách làm bạn cùng con, tôn trọng cá tính, con người bên trong của con… Tôi học cách chuyển hoá chính mình để hạn chế tối đa những cảm xúc xấu, những hành vi bạo lực với con… Quan trọng nhất, tôi hiểu tôi cần dạy con bằng thân giáo. Tôi muốn con tôi sống hạnh phúc tự do là chính mình, tôi cần tập mỗi ngày tự tin sống bình an. Tôi muốn con tôi sống tử tế, sống có ích, thì tôi và chồng cần nỗ lực sống tử tế với chính mình, với gia đình, hàng xóm, cộng đồng, cơ quan…
Dạy con chính là hành trình dạy mình, hoàn thiện bản thân mình. Thực sự nhờ con mà tôi đang tập vượt qua những yếu đuối, những sai lầm, những hạn chế để sống tốt hơn mỗi ngày, điều này có ý nghĩa với chính tôi và với các con. Tôi cảm ơn chồng và các con tôi nhiều lắm vì nhờ họ mà tôi được sống an vui.
Ngân Hà thực hiện (theo TGTT)