Chuyên viên tham vấn tâm lý chỉ ra các dấu hiệu nhận biết những kẻ ấu dâm đội lốt người bình thường Featured

"Khi bị xâm hại tình dục, đứa bé rất sợ phải nhớ đến những chuyện kinh khủng đó. Chính vì trẻ em sợ phải nhớ nên không dám nhắc lại chuyện mình bị xâm hại. Có rất nhiều đứa bé sợ hãi nếu bản thân chia sẻ cho bố mẹ, người khác thì sẽ không còn được yêu thương, chăm sóc nữa..." - TS Phạm Thị Thúy.

Những vụ nghi vấn xâm hại trẻ em liên tiếp xảy ra khiến các bậc cha mẹ vô cùng hoang mang. Chúng tôi đã trò chuyện với TS xã hội học Phạm Thị Thúy - Chuyên viên tham vấn tâm lý NVH Phụ nữ TP.HCM, để hiểu rõ hơn về hành vi, tâm lý của những kẻ biến thái cũng như cách giúp con trẻ vượt qua nỗi sợ hãi khi bị xâm hại.

PV: Chào Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, xin Tiến sĩ cho biết làm thế nào để có thể nhận diện được những kẻ biến thái xâm hại tình dục trẻ em?

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Việc xâm hại tình dục ở trẻ em có thể xảy ra ở bất kỳ thời gian nào, ở bất kỳ địa điểm nào, đối tượng xâm hại có thể có cả nam và nữ. Nhưng theo số liệu của tổ chức UNFPA có đến 93% các vụ xâm hại tình dục trẻ em diễn ra từ phía những người thân quen (chú, cậu, anh ruột, hàng xóm…) nên rất khó nhận biết. Nếu việc xâm hại là những người quen thì nó sẽ diễn ra rất nhiều lần cùng một đối tượng, hoặc có thể nhiều hơn. Còn đối với người lạ, chỉ diễn ra một lần nhưng đối tượng này sẽ thực hiện việc xâm hại với nhiều trẻ em khác nhau.

Đặc điểm chung của những kẻ ấu dâm, biến thái là họ thường có ánh mắt nhìn cơ thể trẻ không được đàng hoàng, ánh mắt láo liên, nhìn chằm chằm vào đồ lót, vùng kín của trẻ hoặc tìm cơ hội để được đụng chạm, sờ mó trên thân thể của trẻ em.

Tuy nhiên, việc đụng chạm, sờ mó cơ thể trẻ cũng rất khó để phân biệt đâu là kẻ ấu dâm, đâu không phải khi văn hóa Việt Nam, những người thân trong gia đình cũng thường có những biểu hiện yêu thương trẻ bằng cách ôm ấp, sờ soạng thân thể, bộ phận sinh dục trẻ nhỏ. Chính vì văn hóa này mà đa phần các vụ lạm dụng tình dục, xâm hại trẻ em ở Việt Nam phần lớn là những người thân quen, gần gũi với trẻ em.

PV: Việc phân biệt những kẻ biến thái rất khó, vậy thưa Tiến sĩ, đâu là điểm mấu chốt để các bậc phụ huynh có thể phát hiện nguy cơ con trẻ bị xâm hại để phòng tránh?

Tiến sĩ  Phạm Thị Thúy:

Thông thường, những kẻ ấu dâm thường có những biểu hiện tâm lý khác biệt mà chúng ta có thể nhận ra như ánh mắt cử chỉ không đàng hoàng, hay tìm cách tiếp cận trẻ em khi ở một mình. Có những biểu hiện nựng trẻ, âu yếm và đòi trẻ cho sờ mó bộ phận sinh dục hoặc bảo trẻ sờ mò vào bộ phận sinh dục của họ... Sự chăm sóc và đụng chạm của người lớn mang lại cho trẻ cảm giác được yêu thương nên kẻ xâm hại sẽ sử dụng những hình thức này để tiếp cận và làm mất đi sự cảnh giác của trẻ và gia đình trẻ. Bình thường, những kẻ ấu dâm vẫn tỏ ra đàng hoàng, tử tế nhưng khi có cơ hội như trẻ ở một mình, hay kẻ ấu dâm bị kích thích bởi xem phim sex sẽ khiến kẻ ấu dâm tiến hành làm việc xấu. Chính vì việc xâm hại có thể diễn ra bất kỳ nơi nào, thời gian, đối tượng nào nên cha mẹ cẩn phải cẩn trọng hết sức để tránh những việc đáng tiếc xảy ra. 

Chuyên viên tham vấn tâm lý chỉ ra các dấu hiệu nhận biết những kẻ ấu dâm đội lốt người bình thường - Ảnh 1.

Tiến sĩ XHH Phạm Thị Thúy - Chuyên viên tham vấn tâm lý NVH Phụ nữ, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM (Ảnh NVCC)

PV: Tại sao những kẻ biến thái khi bình thường thì tỏ ra rất đàng hoàng nhưng ở nơi kín đáo lại có những hành vi xâm hại đến cơ thể trẻ em, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy:

Trong tâm lý tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, nó rất phức tạp vì tùy theo trường hợp cụ thể mà những đối tượng đó biến thành kẻ xấu. Đa phần những kẻ biến thái thường có vấn đề về tâm sinh lý, không được bình thường trong cách suy nghĩ. Có thể những đối tượng này đã từng bị tổn thương to lớn về mặt tâm lý trong quá khứ, thiếu thốn tình cảm, có những nỗi đau không thể nào quên được trong kí ức khiến họ cảm thấy căm phẫn, chán ghét cuộc sống để từ đó dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc về đạo đức, trở thành những kẻ bệnh hoạn, ham muốn xâm hại tình dục trẻ em.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp kẻ biến thái nhận thức được việc xâm hại tình dục trẻ em là xấu xa, là bệnh hoạn nhưng lại không kiềm chế được bản thân mình. Tất nhiên, tùy vào mỗi trường hợp cụ thể, khi điều tra, nghiên cứu mới biết được chính xác.

PV: Thưa Tiến sĩ, làm thế nào để các bậc phụ huynh phát hiện con mình có những dấu hiệu đã bị xâm hại tình dục?

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy:

Đầu tiên, về tâm lý của trẻ khi bị xâm hại tình dục thường có những biểu hiện sống khép mình, hay cáu gắt, sợ hãi, sa sút trong học tập, thường gặp những cơn ác mộng hoặc sợ hãi một điều gì đó. Nếu kẻ xâm hại tình dục là người thân quen trong gia đình thì trẻ em rất sợ sệt khi nhắc đến kẻ đó hoặc thường khép mình, sợ hãi khi gặp trực tiếp kẻ đã xâm hại tình dục.

Thứ hai, trẻ em sẽ có những tổn thương về cơ thể khi bị xâm hại như chảy máu, vết bầm, quần áo bị rách hoặc vùng kín có những bất thường.

Khi phát hiện con cái có những biểu hiện bất thường như vậy, điều đầu tiên là các bậc phụ huynh phải hết sức bình tĩnh, không được hoảng loạn vì nếu phụ huynh hoảng loạn thì đứa bé bị xâm hại sẽ rất hoang mang, lo sợ theo.

Lúc này, người làm cha mẹ phải hết sức nhẹ nhàng, ôm con thật chặt vào lòng, cố giữ bình tĩnh cho cho cái của mình và nói những lời yêu thương. Các bậc cha mẹ phải cho con trẻ hiểu là con không có lỗi trong vấn đề này, người kia là người xấu, bố mẹ luôn bên con, yêu thương con để giúp con vượt qua nỗi sợ hãi này…

Sau đó, các bậc phụ huynh cần phải nhanh chóng đưa con trẻ đi đến các bệnh viện để khám bệnh, xem tình hình bị xâm hại của đứa bé để tiếp tục có những bước tiếp theo, điều trị sức khỏe cho trẻ cũng như báo cáo lên các cấp chính quyền để nhận được sự hỗ trợ.

 
Chuyên viên tham vấn tâm lý chỉ ra các dấu hiệu nhận biết những kẻ ấu dâm đội lốt người bình thường - Ảnh 2.

Những lý do khiến trẻ em dễ theo người lạ

PV: Tại sao những đứa trẻ bị xâm hại tình dục thường giấu kín bố mẹ, không dám chia sẻ, đến khi phát hiện ra thì rất có thể đứa bé đã bị xâm hại nhiều lần?

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy:

Trong tâm lý con trẻ khi xảy ra việc bị xâm hại tình dục, đứa bé rất sợ phải nhớ đến những chuyện kinh khủng đó. Chính vì trẻ em sợ phải nhớ nên không dám nhắc lại chuyện mình bị xâm hại.

Có rất nhiều đứa bé sợ hãi nếu bản thân chia sẻ cho bố mẹ, người khác thì sẽ không còn được yêu thương, chăm sóc nữa. Vì bản thân đứa trẻ nghĩ đây là một việc xấu xa, cảm thấy rất xấu hổ và tội lỗi vì mình bị xâm hại.

Đặc biệt, thường thì tâm lý trẻ em rất sợ bị bố mẹ khiển trách khi cho bố mẹ biết. Chính điều này sẽ giúp những kẻ ấu dâm lợi dụng tâm lý đó để xâm hại, đe dọa trẻ em, buộc phải im lặng mà chịu đựng.

Chính vì vậy, bố mẹ phải là những người luôn yêu thương, quan tâm lo lắng, không để con cái sống thiếu thốn tình thương. Đối với những đứa trẻ còn rất nhỏ, bố mẹ phải dạy con tránh xa những nơi vắng người, không được ở một mình cũng như không được cho bất kì ai tiếp cận, đụng chạm cơ thể. Cần phải thường xuyên theo dõi tâm lý, biểu hiện, kiểm tra quần áo, thân thể con cái để tránh được được nguy cơ bị xâm hại tình dục. Con trẻ rất cần sự yêu thương từ gia đình.

PV: Cảm ơn Tiến sĩ Phạm Thị Thúy về những chia sẻ bổ ích này!

Nguồn: http://afamily.vn/chuyen-vien-tham-van-tam-ly-chi-ra-cac-dau-hieu-nhan-biet-nhung-ke-au-dam-doi-lot-nguoi-binh-thuong-20170314112513065.chn

Rate this item
(0 votes)

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.