TTO - Đó là nhận định của TS PHẠM THỊ THÚY - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM - sau gần 20 năm lắng nghe chuyện từ các bậc cha mẹ trong cách dạy con.
TS Thúy nói: "Tôi theo nghề tham vấn tâm lý và giảng dạy nên thường được gặp và nghe nhiều tâm tư, vướng mắc của các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy con".
“Thương con đúng cách là dạy con dựa trên sự hiểu biết về tâm sinh lý của trẻ, đáp ứng nhu cầu của trẻ trên quyền lợi lâu dài cho trẻ chứ không phải quyền lợi trước mắt, giúp trẻ nhận ra những điều đúng và sai, điều nên làm và không nên làm dựa trên sự tôn trọng trẻ chứ không áp đặt.
Ranh giới giữa thương và chiều con
* Một thực tế thường thấy trong các gia đình hiện nay là việc xác định ranh giới giữa thương con và chiều con. Chị chia sẻ gì với những bậc phụ huynh về chuyện này?
- Có thể nói cha mẹ nào cũng thương con. Mỗi cha mẹ lại thương con theo mỗi cách khác nhau tùy thuộc vào hiểu biết, tính cách, hoàn cảnh sống và trải nghiệm thời thơ ấu... của cha mẹ. Nhiều cha mẹ thương con chưa đúng cách nên sa vào chiều con và vô tình làm hư con. Hoặc có nhóm cha mẹ thì ngược lại, thương con một cách nghiêm khắc, độc đoán cũng khiến con bị tổn thương.
* Vậy thương con đúng cách là như thế nào, thưa chị?
- Thương con đúng cách là dạy con dựa trên sự hiểu biết về tâm sinh lý của trẻ, đáp ứng nhu cầu của trẻ trên quyền lợi lâu dài cho trẻ chứ không phải quyền lợi trước mắt, giúp trẻ nhận ra những điều đúng và sai, điều nên làm và không nên làm dựa trên sự tôn trọng trẻ chứ không áp đặt.
Còn chiều con là đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ theo đòi hỏi của trẻ, vì lợi ích trước mắt của trẻ và của cả cha mẹ mà không cân nhắc hậu quả lâu dài.
Ví dụ khi trẻ đòi xem tivi quá giờ quy định, cha mẹ đã nhân nhượng khi trẻ tỏ ra khổ sở vì không được xem, la lối ăn vạ khi không được xem, hay bản thân cha mẹ cũng vì bận việc riêng mà dễ dàng nhân nhượng cho con xem tivi/thiết bị điện tử nhiều.
Đôi khi chỉ vì cha mẹ đang bận "tám" với bạn trên mạng... Các phụ huynh chiều con hiếm khi dạy kỷ luật cho con, đáp ứng nhiều hơn đòi hỏi.
Trong Bạch vân gia huấn có câu "Chiều con lắm con hư, của cải dư con hỏng" để nói về tác hại của việc chiều con.
Những đứa trẻ được nuông chiều sẽ không có nề nếp, thiếu kỷ luật, ích kỷ... thường được xếp hạng thấp về hạnh phúc và tự điều hòa, kiềm chế cảm xúc kém. Các trẻ này không có kinh nghiệm với các vấn đề về thẩm quyền và có khuynh hướng học kém ở trường.
* Thương con và chiều con trong gia đình chị ra sao?
- Gia đình tôi luôn có sự điều chỉnh lẫn nhau giữa vợ và chồng để nhắc nhau không chiều con. Khi tôi chiều không đúng, chồng sẽ nhắc tôi và ngược lại.
Nhưng quả thật ranh giới giữa thương và chiều không dễ phân biệt và cha mẹ thường có khuynh hướng dễ dãi với con, nhất là khi con còn bé. Cha thường dễ chiều con gái, mẹ thường dễ chiều con trai. Gia đình tôi cũng nhiều lúc còn chiều con (cười).
Làm gương cho trẻ
* Vấn đề khiến nhiều phụ huynh "đau đầu" hiện nay là trẻ đòi xem điện thoại và máy tính quá mức...
- Trẻ xem các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy tính nhiều phần lớn có nguyên nhân từ cha mẹ. Bản thân cha mẹ không làm gương, xem nhiều nên con bắt chước. Hoặc do cha mẹ từ bé đã cho con dùng các thiết bị điện tử này như một trò chơi giải trí của con, như một người trông coi con giùm để cha mẹ rảnh rang làm việc...
Nhiều cha mẹ nhầm tưởng trẻ sử dụng thành thạo các thiết bị này là trẻ thông minh nên đã khuyến khích, thậm chí khen ngợi trẻ khi trẻ sử dụng tốt...
Hoặc nhiều cha mẹ dùng các thiết bị này như một phương tiện dạy trẻ học ngoại ngữ, học hát hay học nhiều thông tin khác trên mạng. Nhưng không may, phần lớn trẻ dùng nhiều dễ bị phụ thuộc vào các thiết bị này nên thường đòi sử dụng quá mức cần thiết gây nhiều tác hại cho trẻ.
* Khi có phụ huynh nhờ tham vấn việc này, chị sẽ nói gì?
- Tôi thường cùng cha mẹ phân tích nguyên nhân và đánh giá mức độ phụ thuộc của trẻ vào các thiết bị điện tử. Cha mẹ hiểu rõ vấn đề của chính con mình sẽ cùng thống nhất cách giảm dần sự phụ thuộc này. Hầu hết các giải pháp phải bắt đầu từ chính cha mẹ.
Cha mẹ thay đổi hành vi sử dụng thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng tích cực lên các con. Ngoài ra, cha mẹ cần có những trò chơi thú vị thay thế sức hấp dẫn của điện thoại, máy tính...
Tôi thường khuyến khích cha mẹ đưa con đi chơi ngoài trời, nơi đông người để vừa tách trẻ khỏi các thiết bị điện tử, vừa rèn luyện nhiều kỹ năng sống cho trẻ, tăng cơ hội giao tiếp, gần gũi với con.
* Từ kinh nghiệm của mình, chị thấy có những cách dạy con nào của cha mẹ Việt cần phải thay đổi để phù hợp hơn?
- Cách dạy con cần thay đổi đó là nuông chiều và độc đoán. Cả hai cách này gây hại cho trẻ. Cách nuông chiều tôi đã phân tích ở trên. Cách dạy con của phụ huynh độc đoán là yêu cầu trẻ phải tuân theo các nội quy chặt chẽ do phụ huynh đề ra, không giải thích các nội quy.
Những phụ huynh đó có những đòi hỏi cao nhưng không đáp ứng nhu cầu của trẻ, không quan tâm đến cảm xúc của trẻ. Nhiều cha mẹ vẫn nghĩ cách dạy độc đoán sẽ tốt cho con, giúp con nên người. Họ đánh con nhân danh tình yêu.
Tuy nhiên, kiểu nuôi độc đoán thường dẫn đến những trẻ vâng lời và thành đạt, nhưng lớn lên trẻ xếp hạng thấp hơn về hạnh phúc, năng lực xã hội và tự tin.
Kỹ năng yêu thương con đúng cách
* Theo chị, đâu là những kỹ năng cha mẹ cần chuẩn bị tốt để giáo dục con cái cách tốt hơn trong thời đại ngày nay?
- Kỹ năng cần có để cha mẹ dạy con trong thời đại ngày nay quan trọng nhất là kỹ năng yêu thương con đúng cách. Cha mẹ yêu đúng cách sẽ dạy con kiểu dân chủ, là cha mẹ có thẩm quyền, sửa lỗi cho con theo kỷ luật tích cực với tấm lòng bao dung, độ lượng... Cha mẹ yêu con sai cách sẽ nuông chiều hay độc đoán.
Bên cạnh kỹ năng yêu con còn cần nhiều kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng chơi cùng con, kỹ năng làm bạn với con...
Và trên hết là kỹ năng sửa mình của chính cha mẹ. Sinh con rồi mới sinh cha! Nhờ có con, ta tự điều chỉnh chính mình để làm gương. Muốn dạy con điều gì thì chính cha mẹ phải làm được điều đó thì việc dạy mới thực sự có hiệu quả. Đó chính là THÂN GIÁO.