Tiếp tục tham gia diễn đàn “Có niềm tin, có sức mạnh”, Tuổi Trẻ giới thiệu các ý kiến về việc xây dựng lòng tin trong dân, khơi gợi niềm tin tạo sức mạnh từ người trẻ và trao cơ hội cho người tài.
Niềm tin đã giúp Việt Nam vượt qua rất nhiều thử thách và gặt hái thắng lợi. Trong ảnh: người dân đón chào đội tuyển U-23 VN tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội - Ảnh: NG.KHÔI
TS Nguyễn Minh Thuyết
GS.TS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Chống tham nhũng có kết quả, dân thêm tin
Ở mọi quốc gia, niềm tin tạo nên sức mạnh rất lớn, động viên con người phấn đấu, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách để đạt mục tiêu của cuộc sống.
Chính niềm tin đã giúp dân tộc Việt Nam vượt qua rất nhiều thử thách khắc nghiệt của lịch sử để bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền của Tổ quốc. Không có niềm tin, người ta sẽ mất ý chí phấn đấu, mất hào hứng để phát triển.
Rất may, nhờ quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời gian qua phần nào khôi phục niềm tin cho người dân.
Người dân nhận thấy những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trái với đường lối chung, từ đó phấn khởi lao động, cùng chung tay vào xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Niềm tin có hai loại là niềm tin không có căn cứ (mơ hồ) và niềm tin có căn cứ. Tuy nhiên, nhìn chung niềm tin phải có căn cứ mới có thể bền vững. Chính vì vậy, người lãnh đạo đất nước cần tạo một niềm tin có căn cứ hơn cho người dân.
Căn cứ ấy không chỉ ở những động thái trong sự việc cụ thể, mà phải là ở thể chế, quy luật phát triển.
Lấy ví dụ như công cuộc phòng chống tham nhũng hiện đang đạt được kết quả rất tốt, làm cho người dân thêm tin tưởng. Thế nhưng cần phải tạo ra cơ chế đảm bảo phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh đến nơi đến chốn tệ nạn tham nhũng.
Hay như nền kinh tế năm qua hồi phục tốt, đạt được tất cả chỉ tiêu Quốc hội đề ra, tuy vậy cần phải tạo một cơ chế để phát triển kinh tế bền vững, chứ không phải là may thì lên, không may thì xuống.
Có như vậy mới tạo niềm tin mạnh mẽ, có căn cứ hơn để biến thành sức mạnh giúp chúng ta đạt được những thành tựu trong phát triển đất nước.
TS Phạm Thị Thúy
TS PHẠM THỊ THÚY (phó trưởng bộ môn quản lý nhà nước về xã hội, Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM):
Quyết tâm làm trong sạch đội ngũ
Niềm tin của người dân với các nhà lãnh đạo quản lý đất nước có vai trò vô cùng quan trọng. Nguyễn Trãi từng nói: "Lật thuyền cũng là dân, đẩy thuyền cũng là dân".
Dân tin thì dân sẽ ủng hộ các nhà lãnh đạo. Dân mất niềm tin sẽ mất chế độ. Nhiều thế hệ lãnh đạo tâm huyết với đất nước từng cảnh báo điều này.
Gần đây, những vụ trọng án tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng của một số lãnh đạo cấp cao và những bê bối khác liên quan đến trình độ, bằng cấp, phát ngôn... của nhiều nhà lãnh đạo quản lý khiến dân mất niềm tin vào trình độ lãnh đạo và quản lý đất nước của một bộ phận cán bộ.
Tuy con sâu làm rầu nồi canh nhưng "sâu" ngày càng nhiều, nếu Đảng và Nhà nước không có biện pháp kịp thời sẽ nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ.
Việc xét xử những vụ trọng án vừa qua đã phần nào khiến người dân tạm yên lòng vào sự quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Nếu muốn giữ niềm tin của dân với Đảng và Nhà nước thì rất cần các nhà lãnh đạo tiếp tục quyết tâm làm trong sạch đội ngũ, loại bỏ những "sâu" tham lam làm hại dân hại nước hại Đảng.
Và quan trọng hơn là cần nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý ở mọi cấp mọi ngành mới có thể vực dậy tình hình kinh tế, khắc phục nợ công. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa. Hai lĩnh vực lớn này là sức mạnh thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững ở hiện tại và tương lai.
Khi cùng chung niềm tin, chúng ta sẽ có sức mạnh giúp đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn thử thách này.
Ông Huỳnh Văn Xưng
Ông HUỲNH VĂN XƯNG (72 tuổi, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM):
Có niềm tin sẽ hiểu về trách nhiệm
Thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ chỉ mới 14 - 15 tuổi đã tham gia cách mạng. Những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, chiến tranh, "ăn không đủ no, học không đến chốn" nhưng sắt son trong mình một niềm tin độc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc, cho nhân dân Việt Nam.
Chính niềm tin đó cho chúng tôi sức mạnh, động lực rất lớn. Khổ sở, chết chóc, vào tù ra khám... cũng không làm chúng tôi khuất phục, nản lòng, vẫn kiên định một niềm tin phía trước.
Tới giờ này, chiến tranh kết thúc đã lâu, tuổi chúng tôi đã già nhưng ký ức về những năm tháng sống cho lý tưởng, sống cho một niềm tin cao cả vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc.
Ngày nay, niềm tin về tương lai, vận mệnh dân tộc được đặt lên vai những người trẻ, là con là cháu của chúng tôi. Những thế hệ có đủ điều kiện học tập, tiếp cận tri thức nhân loại để sáng tạo, vươn mình ra với "biển lớn" cùng thế giới.
Chính những người trẻ này phải vun đắp cho mình một niềm tin về sức mạnh dân tộc, niềm tin về một ước mơ dân giàu, nước mạnh cho dân tộc Việt Nam.
Có niềm tin đó, mỗi người mới soi chiếu vai trò, trách nhiệm của bản thân mình. Mỗi người mỗi lĩnh vực, mỗi ngành nghề nhưng tất cả đều có thể phục vụ xã hội, đóng góp những kỳ tích, thành quả để kiến tạo nên sức mạnh của dân tộc.
Có niềm tin, dám nghĩ dám làm, dám vượt qua thách thức vươn ra "biển lớn" hay không là ở nhận thức, trách nhiệm mà những người trẻ cần suy ngẫm.
Trao niềm tin và cơ hội cho người tài
Trao niềm tin đúng người, đừng phân biệt thân sơ hay giai cấp hẳn sẽ đem lại thành công. Nước ta từng thu hút trọng dụng nhân tài, bổ nhiệm người ngoài Đảng giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước.
Bác Hồ đã mời và trọng dụng trí thức ở nước ngoài về phục vụ đất nước như các ông Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng...
Đồng thời quy tụ các nhân sĩ và trí thức, kể cả của chế độ cũ, phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc, điển hình là các ông Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại...
Ở đâu đội ngũ nhân tài cũng luôn là lực lượng lao động quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Trao niềm tin và cơ hội cho người tài cũng là trực tiếp nâng tầm sức mạnh đất nước, bộ máy công quyền và các tổ chức xã hội, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đáng buồn là ở nhiều đơn vị nhà nước khi xem xét bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành lại đòi hỏi điều kiện người được bổ nhiệm phải có lý lịch tốt, tham gia ban chấp hành hay cấp ủy, bằng cấp về lý luận chính trị...
Đã tới lúc dỡ bỏ các rào cản để người tài tham gia giữ chức vụ quan trọng ở cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, hãy ban hành chủ trương và tổ chức thi tuyển cạnh tranh chọn người để bổ nhiệm làm quản lý, điều hành.
Có thể mở rộng cho người ngoài Đảng, Việt kiều... Tùy theo lĩnh vực mà có thể mời gọi để trọng dụng cả người nước ngoài, ví dụ như lĩnh vực giáo dục và đào tạo...
Thu hút nhân tài không chỉ ở sự kêu gọi, mà đòi hỏi phải có hành động cụ thể theo hướng tích cực đảm bảo cuộc sống gia đình, điều kiện làm việc, môi trường cạnh tranh bình đẳng, trao cơ hội thăng tiến và giúp họ thực hiện thành công các ý tưởng phù hợp với mục tiêu xây dựng phát triển đất nước.
Người sử dụng nhân tài phải vì lợi ích chung, có toàn quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm mà không bị ràng buộc bởi ý kiến chỉ đạo hay những quy định chồng chéo, biết thuyết phục, bản lĩnh chấp nhận thử nghiệm ý tưởng mới, trao niềm tin mới sử dụng được đội ngũ nhân tài.
Được vậy, chúng ta sẽ giành những thắng lợi không chỉ trong bóng đá như U-23 Việt Nam, mà ở các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, ngoại giao...
ĐỖ NGÔ TRẦN (TP.HCM)
Nguồn: https://tuoitre.vn/niem-tin-co-can-cu-moi-ben-20180225091200198.htm