Không chờ quà, phụ nữ hiện đại cần tôn vinh chính mình Featured

Đó là một trong những chia sẻ mà tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online trước ngày 8-3, trong diễn đàn tặng quà cho phụ nữ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ.

 
Phụ nữ tự tin sẽ tự quyết định mình muốn gì và cố gắng chinh phục mục tiêu mình mong muốn - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Phụ nữ tự tin sẽ tự quyết định mình muốn gì và cố gắng chinh phục mục tiêu mình mong muốn - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

"Ngày 8-3 nhiều nơi đang làm cho có hình thức"

* Những ngày dành riêng để tôn vinh phụ nữ như 8-3 (Quốc tế Phụ nữ) hay 20-10 (Ngày Phụ nữ Việt Nam) có ý nghĩa như thế nào, thưa chị?

- Những ngày dành riêng cho phụ nữ vừa có ý nghĩa cho phụ nữ và cả những người yêu thương phụ nữ. Bất cứ ai cũng mong được quan tâm và yêu thương, do vậy, nếu có một ngày để quan tâm và yêu thương sẽ có giá trị cho cả hai.

Tôn vinh ai đó nhân một dịp nào đó là việc nên làm. Tuy nhiên, sự tôn vinh chỉ có ý nghĩa khi ngày đó là cơ hội để họ trân trọng nhau hơn, không chỉ trong ngày đó mà trong suốt những ngày còn lại. Việc tôn vinh sẽ trở nên hình thức nếu chỉ diễn ra trong ngày 8-3 hay 20-10, các ngày khác lại coi thường phụ nữ, xem nhẹ phụ nữ. 

TS Phạm Thị Thúy - Ảnh: NVCC

TS Phạm Thị Thúy - Ảnh: NVCC

Theo tôi, ngày tôn vinh phụ nữ dù làm gì cũng không quan trọng. Có người tặng hoa, có người tặng quà, có người không làm gì cả - chỉ bên nhau là đủ. 

Hay có gia đình, người chồng vào bếp nấu cho vợ một bữa cơm, không cần cầu kỳ, không cần bắt chước ai đó. 

Hình thức tôn vinh không quan trọng, thái độ trong ngày đó và thái độ trong những ngày khác nữa mới là điều người ta hướng tới.

Tôn vinh người phụ nữ trong ngày 8-3 là để nhắc nhớ mọi người trân quý giá trị của họ trong gia đình, ngoài xã hội. 

Mọi giá trị quà tặng trong ngày đó cũng không nói lên gì nhiều, nó chỉ là cách thức quan tâm, cách thức yêu thương mà mỗi gia đình, mỗi cơ quan đoàn thể có sự thể hiện khác nhau, không có thước đo chung.

* Khái niệm về tôn vinh được hiểu như thế nào trong khi ngày 8-3 để ghi nhớ về bình đẳng giới trong lao động?

- Tôn vinh là đề cao một ai hay một điều gì đó. Không chỉ mỗi phụ nữ mới cần được tôn vinh, mà mỗi giới, mỗi ngành, nghề đều nên được tôn vinh - ghi nhận giá trị. 

Thực ra, bản chất của sự tôn vinh là một giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Nhưng có điều đáng nói, thực tế hiện nay, ngày 8-3 ở ta nhiều nơi đang làm cho có hình thức. 

 

Tôi có cảm giác ngày 8-3 hiện nay là dịp kích thích mua sắm, tiêu dùng thông qua hình thức tặng quà cho phụ nữ.

Chị em phụ nữ hiện đại ngày càng tự chủ, họ không quá coi trọng được nhận quà trong dịp này, thậm chí nếu cần họ tự mua quà tặng cho chính mình.

Họ không buồn khi không được tặng, cũng không đòi hỏi, do họ hiểu giá trị của họ đó là sự bình đẳng bên trong họ với người khác, thái độ tôn trọng của họ với chính mình và thái độ người khác đối với họ.

Những người phụ nữ hiện đại, những phụ nữ tự tin, biết trân quý chính mình sẽ không mong chờ món quà mang tính hình thức, chỉ có tính vật chất bề ngoài.

Cách tôn vinh thực sự là thái độ ứng xử tôn trọng lẫn nhau trong quá trình cùng chung sống, cùng làm việc, chứ không phải chỉ trong một ngày, cũng không nên chạy theo xu hướng, nhà khác tặng nhà mình cũng tặng, cơ quan này tặng quà cơ quan mình cũng đua theo.

Phụ nữ cần tôn vinh chính mình

* Vai trò của người phụ nữ ngày nay đã được nâng lên rất nhiều. Theo chị, cần làm gì để sự bình đẳng giới không chỉ là hình thức trong một hai ngày?

- Bình đẳng là sự ngang bằng về cơ hội và lợi ích. Bình đẳng giới là sự ngang bằng về cơ hội và lợi ích giữa nam và nữ cùng những giới tính khác. Đối xử bình đẳng là mọi giới có được cơ hội ngang nhau, từ cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, cơ hội học tập, cơ hội nghề nghiệp... Khi ấy, tùy năng lực và nhu cầu của họ đến đâu mà họ có cơ hội phấn đấu đến đó.

Bây giờ phụ nữ đã bước ra ngoài xã hội nhiều, vai trò của họ không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ gia đình, mà còn ở cấp quốc gia, thế giới. Tuy nhiên, về mặt ứng xử, đâu đó vẫn còn hiện tượng coi thường năng lực phụ nữ, đặc biệt ở đâu đó cũng còn hiện tượng bạo lực với phụ nữ, chúng ta cần lên tiếng để xã hội thực sự tôn trọng và bảo vệ phụ nữ.

Những phụ nữ có nhận thức tốt về bản thân thì họ sẽ không trông chờ quà từ người khác. Nếu họ muốn họ sẽ tặng quà cho mình, đầu tư cho bản thân và không nhất thiết coi trọng ngày 8-3. Đó là những người phụ nữ biết trân quý chính mình, biết giá trị của mình ở đâu, tôn vinh chính mình mọi lúc mọi nơi, họ thể hiện giá trị của họ trong hành động.
TS Phạm Thị Thúy

Tôi quan niệm phụ nữ cần tôn vinh chính mình. Tôi đang đọc cuốn sách "Phẩm cách phụ nữ", được bán 3 triệu bản ở Nhật, nói về việc coi trọng và rèn luyện đức tính tốt đẹp của phụ nữ nói riêng và con người nói chung.

Phẩm cách phụ nữ là những phẩm hạnh bên trong như tinh thần trách nhiệm, sự trung thực, dũng cảm, nhân hậu, biết yêu thương, quan tâm người khác…

Người phụ nữ biết tôn vinh chính mình thì họ sẽ biết luôn trau dồi, nâng cao phẩm cách của mình. Khi đó phụ nữ sẽ tự khẳng định giá trị mà không cần ai công nhận, giá trị của họ thể hiện qua những đóng góp cho gia đình và xã hội.

 

Nguồn: https://tuoitre.vn/khong-cho-qua-phu-nu-hien-dai-can-ton-vinh-chinh-minh-2024030711453631.htm?fbclid=IwAR21L26iVac1R-rv0N0O-8EXRHFV9L8ILGwBAxiekrO2c1xOBlwOPsR-4t4

Rate this item
(0 votes)
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.