'Khi nhớ về mục tiêu chung, cả vợ lẫn chồng mới có thể cùng tìm giải pháp giải quyết vấn đề, không mất thời gian tranh cãi thắng thua', TS xã hội học Phạm Thị Thúy chia sẻ.
Trò chuyện với Tổ ấm dịp đầu năm 2021 về chủ đề để giữ gia đình trong ấm ngoài êm, TS xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng đây là nhu cầu mọi người đều hướng đến. Nếu có niềm tin như thế thì khi xảy ra mâu thuẫn, vợ chồng sẽ nhớ về mục tiêu chung: xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đừng sợ mâu thuẫn
* Thưa chị, vậy làm sao cho gia đình luôn "trong ấm ngoài êm"?
- Theo tôi, để giữ "trong ấm ngoài êm" phải tuân thủ những điều sau:
Đầu tiên là hiểu nhau. Nếu mình hiểu thì có thể thương, có thể bao dung, tha thứ... cho bạn đời của mình.
Thứ hai là học cách tôn trọng nhau. Tôi thấy trong các cặp vợ chồng, khi hai người không còn tôn trọng nhau cũng là lúc người thứ ba xuất hiện, vì chỉ nhìn thấy cái xấu của nhau cho nên ai cũng đổ lỗi, phán xét nhau.
Việc thống nhất trong chăm con, dạy con cũng giúp cho trong ấm ngoài êm. Có nhiều cặp vợ chồng không cùng quan điểm trong việc này đã lục đục với nhau.
Thêm nữa, mối quan hệ xung quanh vợ và chồng, như ông bà, cha mẹ, anh chị em... cũng tác động ít nhiều đến hôn nhân hai người.
* Vậy theo chị, vợ chồng cần làm gì khi đối mặt với những khó khăn của hôn nhân?
- Mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng là tất yếu. Nhưng khi tham vấn, tôi hay nói đừng sợ mâu thuẫn, đừng ngại cãi nhau. Cái chính là khi có mâu thuẫn, dẫn tới cãi nhau, cả hai cần tìm ra hướng giải quyết, đồng thời tránh nói những điều nặng nề gây tổn thương cho người kia.
Cần chấp nhận mâu thuẫn, xem đó là cơ hội đối thoại, để vợ chồng ngồi lại cùng nhau, nói ra bức xúc, mong muốn trong tinh thần không chỉ trích, phán xét nhau. Ở đây cần lưu ý, nói ra cảm xúc là để giải quyết vấn đề, không phải giải quyết cái tôi và không ngoài mục đích xây dựng hạnh phúc gia đình, từng bước hiểu nhau, chấp nhận nhau, cho "trong ấm ngoài êm" như chúng ta vừa trao đổi ở trên.
Bình tĩnh dạy con
* Dạy con trong thời hiện đại cũng là thách thức của nhiều gia đình. Chị có thể chia sẻ cách giáo dục để trẻ được là chính mình?
- Thời nay nhiều phụ huynh dạy con trong hoang mang, vì hoàn cảnh sống có quá nhiều áp lực, đôi khi khiến phụ huynh không làm chủ được mình, đem những khó khăn, mệt mỏi bên ngoài về trút đổ lên con cái.
Một vấn đề khác, con cái chúng ta sinh ra trong điều kiện khác xa cha mẹ. Trẻ bị cuốn vào mạng xã hội, các trò chơi trực tuyến, khiến cha mẹ - con cái không còn nhiều thời gian chơi với nhau. Thêm nữa, nhiều cha mẹ, nhất là ở nông thôn không rành công nghệ, tạo ra khoảng cách với trẻ.
Chuyện học hành của con trẻ cũng là vấn đề khiến phụ huynh đau đầu. Ngay cả tôi, đang làm trong lĩnh vực giáo dục mà đôi khi không thể học cùng con.
Bản thân trẻ ngày nay phát triển tâm lý cũng nhanh hơn, trẻ trưởng thành nhanh hơn chúng ta, tạo ra mâu thuẫn khi cha mẹ định hình, tuổi đó con phải thế này thế kia mới... giống ba mẹ; dẫn đến ứng xử không phù hợp, khiến mối quan hệ cha mẹ - con cái căng thẳng.
Khi hiểu được các nguyên nhân, các bậc phụ huynh có thể điều chỉnh để gần con hơn, không hoang mang khi thấy "con cái khác xa chúng mình".
Tôn trọng sự khác biệt của trẻ (ở mỗi trẻ, mỗi giai đoạn) là cách giúp trẻ được là chính mình. Để được như vậy, cha mẹ cũng cần học hỏi từ sách, từ những người có chuyên môn...
Muốn trẻ như thế nào, cha mẹ phải sống như thế ấy. Trẻ sống trong bầu không khí yêu thương thì đâu cần dạy trẻ yêu thương là gì nữa, bởi thực tế đã là câu trả lời, là bài học rồi.
TS Phạm Thị Thuý
* Vậy thế nào là trẻ ngoan? Chị có bí quyết gì trong quá trình dạy con mình?
- Tôi không quan niệm trẻ ngoan là nói gì nghe nấy. Người lớn không phải lúc nào cũng đúng, do vậy không lý do gì trẻ phải răm rắp nghe theo. Tôi cho phép con phản biện, chỉ nghe lời hoặc làm theo khi điều đó con cho rằng đúng. Và đúng ở đây là những việc không tổn thương con, người khác, môi trường; không vi phạm đạo đức xã hội và pháp luật...