TTO - Người cha luôn được gắn với việc kiếm tiền, "xây nhà". Còn người mẹ mang trách nhiệm vun vén gia đình, chăm sóc, giáo dục con cái. Thế nhưng hiện nay hình ảnh các ông bố chăm con, nấu cơm... ngày càng phổ biến.
Nhiều ý kiến cho rằng thật ra việc chăm sóc, giáo dục từ phía người cha rất quan trọng đối với con trẻ.
Cần sự chăm sóc của cả cha, mẹ
Sáng nào cũng vậy, cứ đúng 6h là anh Mạnh Cường (quận 9, TP.HCM) lại mở nhạc rồi làm "người mẫu" cho cả nhà cùng tập thể dục. Tiếp theo, họ chộn rộn rửa mặt, đánh răng, thay trang phục. Sau khi đưa con đến lớp, anh tranh thủ làm hết việc trong ngày ở công ty riêng để kịp đón con tan trường. Trong lúc hai con chơi đùa với nhau thì anh nấu bữa chiều. Đến khi vợ đi làm về, cả nhà quây quần vui vẻ bên mâm cơm. Rồi chị dọn dẹp nhà cửa, còn ba cha con cùng chơi đùa, giải trí, phụ việc nhà và cùng học. Cuối tuần, anh dắt con đi chơi công viên, học năng khiếu, đi bơi...
Không riêng gì anh Cường, ngày nay có không ít ông bố dành thời gian chăm sóc khi con còn nhỏ và "theo" con đến lớn. Theo TS Phạm Thị Thúy, giáo dục con những năm đầu đời đặt nền móng hình thành nhân cách đứa trẻ và ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời trẻ. Và hành trình chăm sóc, "sống cùng" con cũng chính là quá trình giáo dục con qua việc nêu gương, giải thích, hướng dẫn cho con làm. Chẳng hạn cho con ăn cũng đồng thời dạy con cách ăn, thói quen ăn uống, kiến thức về thức ăn và chăm sóc sức khỏe...
Còn TS tâm lý Bùi Hồng Quân, cũng là một "quý ông" mê chăm con, cho rằng trong giai đoạn sơ sinh, do chức năng giới mà người mẹ có thuận lợi hơn hẳn trong việc chăm sóc con. Và nếu khi đó có sự tham gia của người cha nữa thì bé sẽ thêm cảm giác yên tâm. Sau đó, nếu người cha vẫn tiếp tục "đắm đuối vì con" thì đứa trẻ sẽ mau chóng lớn khôn do lĩnh hội được tri thức lẫn kinh nghiệm sống từ cả cha và mẹ. Ngoài ra các con còn luôn tự tin khi có được điểm tựa tinh thần vững chãi, cũng như cảm thấy hạnh phúc khi được đầm mình trong bầu không khí gia đình thấm đẫm yêu thương của cả cha lẫn mẹ.
"Chính quá trình đó đã tạo nên mối quan hệ tình cảm cha - con sâu sắc và gần gũi, từ đó tạo thuận lợi cho người cha tham gia giáo dục con trong các giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là khi trẻ trai bước vào tuổi dậy thì" - ông Quân phân tích. Một ông bố nói chuyện với con trai về giới tính tuổi mới lớn, về sự nghiệp và vai trò của người đàn ông tương lai trong gia đình... sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn hẳn so với người mẹ.
Theo TS Quân, đặc tính về giới của đàn ông là mạnh mẽ, cứng rắn, nghị lực, cương nghị. Vì thế giáo dục từ người cha vừa yêu thương vừa nghiêm khắc, còn mẹ thì mềm mại, nhẹ nhàng. Cha có tư duy khái quát, mẹ thì tư duy cụ thể, nên con có thể học ở cha cách nhìn xa trông rộng, học ở mẹ sự tỉ mỉ, chi tiết. Do đó giáo dục của cha và mẹ có sự bổ sung mà nếu thiếu hụt một trong hai đều bất ổn.
Cùng "bới thóc" và chăm con
Nói thêm về những khó khăn của người cha khi chăm con, TS Bùi Hồng Quân chia sẻ: Đầu tiên là khó khăn về mặt dư luận xã hội. Quan niệm truyền thống "đàn ông xây nhà" gán cho người cha hình tượng chú ong thợ miệt mài đi kiếm tiền. Vì thế nhiều ông bố nghĩ rằng cứ lo đủ kinh tế cho gia đình là xong trách nhiệm, còn chăm con là việc của "người khác". Trên thực tế, quan điểm trên giờ cũng đã ít nhiều thay đổi. Hơn nữa, dẫu sao đó cũng chỉ là dư luận xã hội, điều quyết định vẫn là sự lựa chọn của ông bố.
Thứ hai, do người cha thường lãnh phần gánh vác tài chính gia đình nên cũng ít có thời gian dành cho con. Thứ ba, họ rất yêu con nhưng do đặc tính giới mà nhiều đàn ông không dễ có những hành động ôm ấp, cưng nựng, nói lời yêu con. Hai điều này dẫn tới sự kết nối, gần gũi về mặt tâm lý với con có thể sẽ không thuận lợi như người mẹ.
Và thứ tư, khác với bà mẹ, các ông bố rất ít khi được dạy... làm bố và nuôi dạy con. Do vậy cả về kiến thức lẫn kinh nghiệm họ đều thiếu, từ đó ảnh hưởng hiệu quả chăm sóc và giáo dục con.
Để khắc phục những hạn chế trên, TS Quân cho rằng cần có sự phối hợp giữa cha và mẹ trong giáo dục con cái. Cả hai vợ chồng phải cùng "xây nhà" và cùng "xây tổ ấm". Người cha cần nhận thức được vai trò không thể thiếu của mình trong việc giáo dục con cái. Từ đó, những ông bố sẽ tìm cách trang bị kiến thức, kỹ năng liên quan để dạy con tốt nhất.
"Tôi cho rằng có ba "chìa khóa" mà người cha muốn nuôi dạy con hiệu quả cần sở hữu là thấu hiểu tâm lý trẻ theo từng lứa tuổi và những đặc điểm tâm lý riêng có ở con mình; làm người bạn tin cậy của con bằng cách giao tiếp hiệu quả với con trên nguyên tắc tôn trọng - đối thoại; luôn quản lý tốt cảm xúc trong quá trình tương tác với con", TS Quân bày tỏ.
Nhiều nhà tâm lý giáo dục cho rằng việc dạy dỗ con cái quan trọng nhất là giáo dục về giá trị sống. Cha mẹ hãy trang bị cho con những giá trị làm người như lòng nhân ái, vị tha, biết ơn... cùng với những giá trị thời đại (thấu hiểu, tôn trọng, hợp tác...). Để từ đó con có được cái nhìn phù hợp về cuộc sống, dẫn tới hành động chuẩn mực trong mọi trường hợp. Và phương pháp giáo dục hiệu quả, đơn giản nhất chính là sự nêu gương. Bởi chỉ khi cha mẹ làm gương tốt thì con cái mới có hình mẫu để noi theo.
Theo kết quả khảo sát trên 467 cha/mẹ tại TP.HCM mới đây trong luận án tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Thúy, có tới 91,2% người được hỏi cho rằng cả cha và mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái. Và chỉ có 7,9% cha/mẹ coi việc giáo dục con cái là trách nhiệm của người mẹ và gần 1% cha/mẹ cho rằng đó là trách nhiệm của người cha.