ĐÂU RỒI QUYỀN ĐƯỢC SAI? Featured

Trẻ con là trẻ con. Nhưng nhiều người lớn cư xử với trẻ như trẻ là người lớn thu nhỏ.

Cha mẹ muốn con phải gọn gàng, chỉn chu, phải biết cư xử, phải phát triển tài năng, phải thành công… tóm lại là trẻ phải phát triển toàn diện thì cha mẹ mới thấy mình nuôi dạy con tốt, mới nở mày nở mặt, mới yên tâm về tương lai của con. Nhưng rất tiếc, tưởng tốt cho con mà hại con.

Trường hợp đầu tiên tôi muốn chia sẻ là một bà mẹ đến phòng tham vấn than con nhút nhát thu mình không muốn giao tiếp với ai, hay nổi giận với mẹ. Đó là kết quả của bà mẹ hoàn hảo, cầu toàn luôn bắt con theo ý mình uốn nắn từng li từng tí, con không được phép sai sót, sai là la mắng…

Trường hợp thứ hai, mẹ ép con học đàn vì gia đình có truyền thống cha là nhạc sĩ, thấy con cũng có chút năng khiếu nên đã cho con đi học piano từ năm tuổi, luôn thúc ép con học nhiều, tập chăm để mau tiến bộ. Kết quả bé từ lúc đầu thích đàn, nhưng sau vài năm, cháu sợ và ghét đàn, luôn mệt mỏi khi bị mẹ ép tập, mất tập trung khi ngồi vào đàn.

Áp lực từ việc học đàn cùng với nỗi sợ sự thúc giục của mẹ luôn muốn con thi các cuộc thi đàn nên cháu bất mãn và chống đối.

Trường hợp thứ ba, tôi quan sát được từ một cuộc thi tài năng nhí, bé múa rất giỏi, nhưng hết giờ biểu diễn là một gương mặt mệt mỏi, trống rỗng, lúc nào cũng như thiếu ngủ hoặc dán mắt vào màn hình điện thoại. Bé thường không quan tâm đến xung quanh, không chơi với các bé khác cùng thi. Tôi không nhìn thấy sự vui vẻ hay thích thú của bé đối với môn múa.

Bé biểu diễn như một cái máy, vô hồn, dù động tác rất chuyên nghiệp. Trò chuyện với mẹ bé, chị lại rất tự hào vì bé tài năng, khoe bé học múa từ năm bốn tuổi ở nhà văn hóa thiếu nhi gần nhà. Thầy cô thấy cháu có năng khiếu nên khuyến khích chị cho bé đi học. Lúc đầu bé cũng thích, nhưng càng ngày lại càng thờ ơ với các cuộc thi.

Chị tâm sự: “Hình như nó ghét thi”, nhưng thầy cô, cha mẹ đều muốn cháu tỏa sáng nên vừa thúc vừa ép.

Trường hợp thứ tư thì ngược lại, cháu rất hào hứng với môn nhảy, tham gia hết cuộc thi này đến cuộc thi khác, đạt nhiều giải, nhưng cháu không thích bạn bè, bởi đã mắc bệnh ngôi sao, luôn cho mình giỏi nhất, thi không được giải là buồn chán, chê bai các bạn đối thủ…

Tôi tự hỏi những em bé đó có còn tuổi thơ không, đâu rồi sự hồn nhiên vô tư trong sáng, đâu rồi nhu cầu thích chơi đùa của trẻ con, đâu rồi nụ cười trẻ thơ trên gương mặt các em, đâu rồi quyền được sai, quyền được làm cái mình thích và từ chối điều không thích…?

Các em bị thúc ép làm theo ý người lớn, những điều người lớn cho là tốt. Liệu tốt cho con, hay chỉ tốt cho thành tích nuôi dạy con của cha mẹ trong mắt người thân, bạn bè?

Người Trung Quốc có câu đại ý: “Thiếu nhi đăng quang đại bất hạnh”. Rất chí lý. Phát triển toàn diện, hay giúp trẻ thành thần đồng, thiếu nhi xuất chúng là những cụm từ chúng tôi rất quan ngại khi nghe ai đó thổi phồng các dịch vụ dạy con, rèn trẻ tài năng…

Tài năng phát triển sớm nở sớm tàn, hậu quả là con đánh mất tuổi thơ, già sớm. Và quan trọng là trẻ không thể hạnh phúc khi bị tước đi quyền được sống đúng tuổi, đúng cá tính, đúng sở thích…

Cho con được là chính con, tưởng dễ mà lại quá khó với các cha mẹ đầy tham vọng.

Sau cùng, mỗi cha mẹ cũng nhận ra mình không mong gì hơn là con khỏe mạnh, hạnh phúc. Thì ra tất cả những gì gọi là tài năng, thành tích, lời khen chỉ là thứ yếu. Nó không giúp con họ vui vẻ với bạn bè, người thân, hòa đồng với mọi người xung quanh, thậm chí còn khiến chúng bất an, khổ sở, mệt mỏi…

Mong cho mỗi trẻ em luôn được là trẻ em!

(Tiến sĩ Phạm Thị Thúy)

 

Nguồn: https://www.facebook.com/phunuonline.com.vn/photos/a.588081344548367/3138131759543300/?type=3&theater

Rate this item
(0 votes)
  • Last modified on Thứ ba, 09 Tháng 6 2020 15:03
  • font size
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.