Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của đất nước, trường học thì đóng cửa, nhiều người mất việc làm, số ca dương tính ngày một tăng… Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, chính lúc khó khăn này, nhiều gia đình thay vì những suy nghĩ tiêu cực, hoang mang thì họ hướng về tổ ấm của mình, dành sự quan tâm cho nhau, chăm sóc nhau về sức khoẻ và tinh thần. Họ xem dịch bệnh là "sửa chữa tự nhiên" giúp các thành viên nhận ra các giá trị gia đình mà bấy lâu nay bị bỏ quên do chạy theo cơm áo gạo tiền. Từ đó, mọi người bù đắp yêu thương để cùng nắm tay vượt qua mùa Covid-19 an toàn.
Các gia đình Việt có nhiều thời gian dành cho nhau, cùng sống chậm và yêu thương nhiều hơn
Chị Đỗ Thị Lan Vy (Thủ Đức, TPHCM) cho biết, vợ chồng chị cưới nhau được gần 4 năm, nhưng số lần ăn cơm tối cùng nhau là rất ít. Bởi vì chồng chị làm bên lĩnh vực kinh doanh và giới thiệu bia nên làm ca từ 17h-23h. Từ khi có lệnh cách ly xã hội, các quán nhậu cũng đóng cửa nên chồng được nghỉ và có nhiều thời gian dành cho con hơn.
"Về kinh tế thì lương chồng tôi có giảm, nhưng đổi lại đây là thời gian chúng tôi quan tâm nhau nhiều hơn, chơi với con nhiều hơn. Vợ chồng hay nấu các món ăn yêu thích hoặc cùng con xem hoạt hình, bù đắp cho con những điều ít làm trước đây. Tranh thủ lúc rảnh, anh ấy còn phụ tôi làm hoa giấy để bán online. Giờ kinh tế khó khăn thì ai cũng bị ảnh hưởng cả, nhưng nhìn lạc quan thì sẽ thấy vui hơn".
Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Linh - Chủ tịch Hội LHPN phường 13, quận 6, TPHCM cho biết, không khí gia đình 3 thế hệ ở chung một nhà của chị những ngày này sum vầy hơn cả ngày Tết. Mọi người gặp mặt nhau thường xuyên cũng có lúc tranh luận về các vấn đề nhưng cũng dành cho nhau nhiều sự quan tâm hơn. Gia đình không còn cảnh "mạnh ai nấy lo", có nhiều hoạt động chung nên gần gũi nhau hơn. Cho dù đang khá lo lắng vì dịch, việc làm, thu nhập nhưng cuộc sống đã bớt bon chen, xô bồ.
"Bình thường, sáng sớm mạnh ai người ấy đi làm, buổi tối thì lâu lâu cả nhà mới ngồi ăn cơm chung. Từ khi có chỉ thị cách ly xã hội, một số thành viên trong gia đình tạm thời ở nhà làm việc. Thời gian ở cạnh nhau nhiều hơn nên cũng có cự cãi, tranh luận nhưng cãi xong thì bỏ qua và vui cười trở lại. Cuộc sống phải có lúc này lúc kia ấy mà. So với ngày Tết mọi người cũng ở nhà nhiều nhưng thời gian bị phân bổ, các thành viên chia nhau đi chúc Tết với các mối quan hệ bên ngoài. Còn dịch bệnh mọi người ở nhà hết, tự phân công nhau công việc, biết nghĩ cho nhau hơn, ai đi ra ngoài là nhắc đeo khẩu trang, nhắc cẩn thận. Không phải gia đình riêng của tôi mà nhiều nhà ở Sài Gòn bận rộn này cũng vậy, mọi người tự biết sống chậm hơn yêu thương nhiều hơn", chị Linh cho hay.
Một mẹ trẻ khoe khoảng thời gian hạnh phúc bên gia đình “thời Covid”
Còn trên thế giới ảo, có không ít chị em tranh thủ đăng lên dòng thời gian khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình nhỏ trong mùa dịch với các nội dung như: "Trổ tài khéo làm món ăn cho con"; "Khoảnh khắc vui chơi cùng cả gia đình"; "Góc hài hước của bố và con"; "Lớp của "Cô giáo ngoại" mùa Covid …văn thể mỹ đầy đủ cả"; "Nhật ký cách ly 14 ngày bên gia đình"…
Có thể thấy, mùa dịch sẽ tạo ra 2 khía cạnh trong góc độ tình cảm của gia đình người Việt. Khía cạnh thứ nhất, nhờ mùa dịch mà các gia đình gắn kết nhau nhiều hơn. Người ta thấy mọi thứ thật sự là vô thường, "sống nay, chết mai" không biết đâu mà lần nên người ta trân trọng nhau hơn. Nhiều người không còn quá quan trọng chuyện tiền bạc. Trong lúc này, mọi người thấy tình người mới là quan trọng. Thậm chí có những gia đình đang có mâu thuẫn nhưng nhờ mùa dịch mà họ hóa giải và tha thứ cho nhau.
Khía cạnh thứ 2, một số cặp vợ chồng đã "cơm không lành canh không ngọt" từ trước đó thì bây giờ ở nhà nhiều nên khó chịu, giữa họ dễ phát sinh xung đột, căng thẳng hơn.
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, nhận định: "Tôi thấy khía cạnh thứ nhất vẫn nhiều hơn khía cạnh thứ 2. Bởi lẽ, nhờ hạn chế ra đường mà phụ huynh ở nhà với con nhiều hơn. Bố mẹ cùng nấu cơm, chơi cùng con, dạy con được nhiều hơn. Vợ chồng thì gắn kết với nhau hơn. Ví dụ như gia đình tôi, từ khi có dịch bệnh vợ chồng tôi cũng hạn chế đi ra ngoài. Mỗi buổi sáng thì chúng tôi pha cà phê và cùng thưởng thức, lúc trước làm gì có thời gian để làm điều này hoặc chồng hay chọn cà phê với bạn. Rõ ràng là nhìn theo hướng tích cực, thì dịch bệnh sẽ giúp các gia đình gắn kết hơn".
Mùa dịch bệnh, cuộc sống gia đình có nhiều xáo trộn và bí bách vì ở nhà. Nhiều phụ huynh lúng túng trong việc gửi con, lo lắng trước các khoản thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng hoặc họ phải thay đổi thói quen trong thời gian ngắn. Nhưng có sao đâu, khi chúng ta còn được ở trong mái ấm của mình, còn có thể ôm ôm những người thân yêu, kể cho nhau nghe về những kỷ niệm, nói với nhau về những kế hoạch tương lai… Bên ngoài, đường sá vắng vẻ nhưng đổi lại bên trong ô cửa sổ của mỗi gia đình lại rộn ràng của tiếng cười trẻ thơ, là bù đắp cho nhau những yêu thương vốn bị lãng quên trước đó.