1. Đúng là trong nguy có cơ. Nguy hay cơ cũng tùy người. Bên cạnh nỗi lo dịch bệnh, công việc, thu nhập suy giảm, con cái gián đoạn việc học… thì cũng là lúc người ta nhận thấy chưa bao giờ mình có nhiều thời gian cho bản thân, cho gia đình nhiều thế. Nhiều đến nỗi nhiều người than đi ra đi vào không biết làm gì. Có người thì quên luôn hôm nay thứ mấy. Có người biết tận hưởng thời gian này, có người đã để nó trôi qua lãng phí. Có người biến nó thành “thảm họa” vì những va chạm, tranh cãi giữa vợ và chồng, giữa những người sống chung và thậm chí cả ngày lo la mắng con cái… Có người lại biến thành cơ hội vàng để chăm sóc những người mình yêu thương, gần gũi, chơi cùng con cái, nâng cao sức khỏe và tri thức cho bản thân qua việc rèn luyện sức khỏe, học tập không ngừng để thích ứng với sự thay đổi sau dịch…
Trong thời gian nghỉ dịch này, tôi vẫn làm công việc tham vấn miễn phí cho cộng đồng qua Facebook nên được nghe rất nhiều câu chuyện sống động, thú vị. Một chị vợ phàn nàn ở cùng chồng tối ngày mệt mỏi quá, trước ai đi đường nấy đến cơ quan, chỉ đến tối có vài giờ gần nhau rồi đi ngủ đã nhiều lúc cãi vã. Nay vợ chồng cùng phải ở nhà, người không có việc làm, người cơ quan cho nghỉ vì dịch bệnh. Vợ đi ra đi vào thở ngắn than dài, âu lo về thu nhập, chi tiêu, cả ngày mệt mỏi vì lo 3 bữa cơm và lo phân xử các con tranh giành đồ chơi. Chồng thì ngủ tối ngày không giúp vợ việc nhà, không trông coi 2 con nhỏ cho vợ. Hết ngủ lại ôm điện thoại chơi game. Vậy là cãi vã to tiếng. Chị mệt mỏi không biết phải làm sao.
Nhưng cũng cùng hoàn cảnh như chị ở trên, một gia đình khác lại có cách sống mùa dịch khác hẳn. Vợ ráng làm những món phù hợp đồng tiền nhưng ngon miệng cho chồng con, bù cho những ngày trước đi làm, ít bữa nấu nướng chu đáo mà toàn nấu nhanh, ăn qua quýt. Chị lo làm sữa hạt, bánh các loại cho con… Cả nhà được ăn uống cải thiện nên bữa cơm nào cũng vui, dù đồ ăn cũng không phải cao lương mỹ vị, rất bình dân nhưng chế biến khéo nên rất ngon mắt, ngon miệng. Chồng cũng có lúc ngủ quá giờ, bù cho những ngày làm công nhân vất vả. Nhưng vợ không cằn nhằn mà còn động viên chồng tranh thủ nghỉ lại sức, mấy khi mới được nghỉ dài ngày, công việc từ từ tính. Người chồng cũng biết ý, tích cực phụ giúp vợ sắp xếp nhà cửa, sửa chữa góc bếp, chăm vài chậu cây, dạy con vài việc nhà cùng vợ. Nhờ vậy mà không khí gia đình yên ấm, an vui. Dù chưa biết khó khăn trước mắt sẽ như thế nào nhưng họ tin “đồng vợ đồng chồng” không khó khăn nào làm khó họ được. Chị vợ tâm sự xúc động: Em nghĩ dịch bệnh này chả thay đổi được, thôi thì chấp nhận đi, tìm niềm vui cho cả nhà, may ra như chị nói, tinh thần vui sẽ tăng sức đề kháng, chứ lo cũng có giải quyết được gì đâu.
2. Một nam thân chủ lại tâm sự, mùa dịch này làm trầm trọng hơn căn bệnh trầm cảm của anh. Anh bị bệnh trước khi dịch, đang uống thuốc và có người giới thiệu nên tìm đến tôi tham vấn tâm lý thêm. Anh không dám cập nhật Facebook hay nghe thời sự vì những con số người nhiễm, người chết trên thế giới tăng chóng mặt, rồi ở Việt Nam những ngày tháng 3, người nhiễm cũng tăng từng ngày nên anh lo lắng, căng thẳng hơn khi đọc tin tức.
Tôi đề nghị anh suy nghĩ, thời gian nghỉ dưỡng bệnh anh nhận ra điều gì có ích cho mình? Anh trả lời: “Nhờ thời gian bệnh tôi hiểu vợ rất yêu thương chăm sóc tôi, các con tôi luôn quan tâm đến bố. Tôi có thời gian trị bệnh ở nhà nên gần gũi các con mùa dịch, vì các cháu cũng được nghỉ ở nhà. Tôi nhận ra tôi yêu vợ con tôi rất nhiều, tôi muốn sớm hết bệnh để giúp vợ...”. Anh đã ráng trị liệu tích cực, hàng ngày anh tập thể dục cùng con, nấu ăn cho vợ con, chơi và dạy con học cho vợ đi làm. Tôi tin người đàn ông này đang có sự đồng cảm và giúp đỡ từ gia đình, bản thân anh cũng nỗ lực sống tích cực để sớm khỏi bệnh. Nhiều người khác không có may mắn như anh, họ không được gia đình hiểu và chăm sóc…
Gia đình luôn là tổ ấm nâng đỡ những ai đang cần sự quan tâm chăm sóc yêu thương. Gia đình là nơi con cái sống, nhìn và học qua quan sát hành vi của cha mẹ. Cha mẹ mùa dịch có suy nghĩ, thái độ, hành vi tích cực sẽ dạy con bài học ứng phó với biến cố. Và ngược lại, trước biến cố, họ bất an, họ căng thẳng, họ tạo xung đột sẽ chỉ làm gia đình ngày càng biến thành “tổ lạnh”, khiến tất cả những ai sống trong đó đều thấy lạnh lẽo, cô đơn… Có lẽ hậu mùa dịch sẽ còn nhiều biến cố, nhiều khó khăn, ai biết tìm về nương tựa gia đình, ai biết tạo nên một gia đình như một pháo đài vững chắc, ấm áp cho mỗi thành viên an tâm quay về, dù nghèo khó nhưng vui vầy bên nhau, chắc chắn họ sẽ cùng nhau đi qua mùa dịch, đi qua những khó khăn thử thách.
“Dù là vua hay dân cày, ai tìm được hạnh phúc gia đình, người đó mới thực sự hạnh phúc”. Câu nói của Benjamin Franklin luôn đúng, nhất là trong khó khăn thử thách như mùa dịch này. Mong cho mỗi người luôn ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dưỡng tình yêu thương, dành thời gian quý báu quay về chăm sóc yêu thương chính mình và những người thân yêu. Vì họ mới chính là những người ở bên bạn dù bạn thành công hay thất bại. Tình gia đình mùa dịch sẽ chính là loại “thần dược” tăng sức đề kháng, tăng hệ miễn dịch cho tất cả chúng ta.
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của đất nước, trường học thì đóng cửa, nhiều người mất việc làm, số ca dương tính ngày một tăng… Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, chính lúc khó khăn này, nhiều gia đình thay vì những suy nghĩ tiêu cực, hoang mang thì họ hướng về tổ ấm của mình, dành sự quan tâm cho nhau, chăm sóc nhau về sức khoẻ và tinh thần. Họ xem dịch bệnh là "sửa chữa tự nhiên" giúp các thành viên nhận ra các giá trị gia đình mà bấy lâu nay bị bỏ quên do chạy theo cơm áo gạo tiền. Từ đó, mọi người bù đắp yêu thương để cùng nắm tay vượt qua mùa Covid-19 an toàn.
Các gia đình Việt có nhiều thời gian dành cho nhau, cùng sống chậm và yêu thương nhiều hơn
Chị Đỗ Thị Lan Vy (Thủ Đức, TPHCM) cho biết, vợ chồng chị cưới nhau được gần 4 năm, nhưng số lần ăn cơm tối cùng nhau là rất ít. Bởi vì chồng chị làm bên lĩnh vực kinh doanh và giới thiệu bia nên làm ca từ 17h-23h. Từ khi có lệnh cách ly xã hội, các quán nhậu cũng đóng cửa nên chồng được nghỉ và có nhiều thời gian dành cho con hơn.
"Về kinh tế thì lương chồng tôi có giảm, nhưng đổi lại đây là thời gian chúng tôi quan tâm nhau nhiều hơn, chơi với con nhiều hơn. Vợ chồng hay nấu các món ăn yêu thích hoặc cùng con xem hoạt hình, bù đắp cho con những điều ít làm trước đây. Tranh thủ lúc rảnh, anh ấy còn phụ tôi làm hoa giấy để bán online. Giờ kinh tế khó khăn thì ai cũng bị ảnh hưởng cả, nhưng nhìn lạc quan thì sẽ thấy vui hơn".
Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Linh - Chủ tịch Hội LHPN phường 13, quận 6, TPHCM cho biết, không khí gia đình 3 thế hệ ở chung một nhà của chị những ngày này sum vầy hơn cả ngày Tết. Mọi người gặp mặt nhau thường xuyên cũng có lúc tranh luận về các vấn đề nhưng cũng dành cho nhau nhiều sự quan tâm hơn. Gia đình không còn cảnh "mạnh ai nấy lo", có nhiều hoạt động chung nên gần gũi nhau hơn. Cho dù đang khá lo lắng vì dịch, việc làm, thu nhập nhưng cuộc sống đã bớt bon chen, xô bồ.
"Bình thường, sáng sớm mạnh ai người ấy đi làm, buổi tối thì lâu lâu cả nhà mới ngồi ăn cơm chung. Từ khi có chỉ thị cách ly xã hội, một số thành viên trong gia đình tạm thời ở nhà làm việc. Thời gian ở cạnh nhau nhiều hơn nên cũng có cự cãi, tranh luận nhưng cãi xong thì bỏ qua và vui cười trở lại. Cuộc sống phải có lúc này lúc kia ấy mà. So với ngày Tết mọi người cũng ở nhà nhiều nhưng thời gian bị phân bổ, các thành viên chia nhau đi chúc Tết với các mối quan hệ bên ngoài. Còn dịch bệnh mọi người ở nhà hết, tự phân công nhau công việc, biết nghĩ cho nhau hơn, ai đi ra ngoài là nhắc đeo khẩu trang, nhắc cẩn thận. Không phải gia đình riêng của tôi mà nhiều nhà ở Sài Gòn bận rộn này cũng vậy, mọi người tự biết sống chậm hơn yêu thương nhiều hơn", chị Linh cho hay.
Một mẹ trẻ khoe khoảng thời gian hạnh phúc bên gia đình “thời Covid”
Còn trên thế giới ảo, có không ít chị em tranh thủ đăng lên dòng thời gian khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình nhỏ trong mùa dịch với các nội dung như: "Trổ tài khéo làm món ăn cho con"; "Khoảnh khắc vui chơi cùng cả gia đình"; "Góc hài hước của bố và con"; "Lớp của "Cô giáo ngoại" mùa Covid …văn thể mỹ đầy đủ cả"; "Nhật ký cách ly 14 ngày bên gia đình"…
Có thể thấy, mùa dịch sẽ tạo ra 2 khía cạnh trong góc độ tình cảm của gia đình người Việt. Khía cạnh thứ nhất, nhờ mùa dịch mà các gia đình gắn kết nhau nhiều hơn. Người ta thấy mọi thứ thật sự là vô thường, "sống nay, chết mai" không biết đâu mà lần nên người ta trân trọng nhau hơn. Nhiều người không còn quá quan trọng chuyện tiền bạc. Trong lúc này, mọi người thấy tình người mới là quan trọng. Thậm chí có những gia đình đang có mâu thuẫn nhưng nhờ mùa dịch mà họ hóa giải và tha thứ cho nhau.
Khía cạnh thứ 2, một số cặp vợ chồng đã "cơm không lành canh không ngọt" từ trước đó thì bây giờ ở nhà nhiều nên khó chịu, giữa họ dễ phát sinh xung đột, căng thẳng hơn.
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, nhận định: "Tôi thấy khía cạnh thứ nhất vẫn nhiều hơn khía cạnh thứ 2. Bởi lẽ, nhờ hạn chế ra đường mà phụ huynh ở nhà với con nhiều hơn. Bố mẹ cùng nấu cơm, chơi cùng con, dạy con được nhiều hơn. Vợ chồng thì gắn kết với nhau hơn. Ví dụ như gia đình tôi, từ khi có dịch bệnh vợ chồng tôi cũng hạn chế đi ra ngoài. Mỗi buổi sáng thì chúng tôi pha cà phê và cùng thưởng thức, lúc trước làm gì có thời gian để làm điều này hoặc chồng hay chọn cà phê với bạn. Rõ ràng là nhìn theo hướng tích cực, thì dịch bệnh sẽ giúp các gia đình gắn kết hơn".
Mùa dịch bệnh, cuộc sống gia đình có nhiều xáo trộn và bí bách vì ở nhà. Nhiều phụ huynh lúng túng trong việc gửi con, lo lắng trước các khoản thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng hoặc họ phải thay đổi thói quen trong thời gian ngắn. Nhưng có sao đâu, khi chúng ta còn được ở trong mái ấm của mình, còn có thể ôm ôm những người thân yêu, kể cho nhau nghe về những kỷ niệm, nói với nhau về những kế hoạch tương lai… Bên ngoài, đường sá vắng vẻ nhưng đổi lại bên trong ô cửa sổ của mỗi gia đình lại rộn ràng của tiếng cười trẻ thơ, là bù đắp cho nhau những yêu thương vốn bị lãng quên trước đó.
Trẻ con là trẻ con. Nhưng nhiều người lớn cư xử với trẻ như trẻ là người lớn thu nhỏ.
Cha mẹ muốn con phải gọn gàng, chỉn chu, phải biết cư xử, phải phát triển tài năng, phải thành công… tóm lại là trẻ phải phát triển toàn diện thì cha mẹ mới thấy mình nuôi dạy con tốt, mới nở mày nở mặt, mới yên tâm về tương lai của con. Nhưng rất tiếc, tưởng tốt cho con mà hại con.
Trường hợp đầu tiên tôi muốn chia sẻ là một bà mẹ đến phòng tham vấn than con nhút nhát thu mình không muốn giao tiếp với ai, hay nổi giận với mẹ. Đó là kết quả của bà mẹ hoàn hảo, cầu toàn luôn bắt con theo ý mình uốn nắn từng li từng tí, con không được phép sai sót, sai là la mắng…
Trường hợp thứ hai, mẹ ép con học đàn vì gia đình có truyền thống cha là nhạc sĩ, thấy con cũng có chút năng khiếu nên đã cho con đi học piano từ năm tuổi, luôn thúc ép con học nhiều, tập chăm để mau tiến bộ. Kết quả bé từ lúc đầu thích đàn, nhưng sau vài năm, cháu sợ và ghét đàn, luôn mệt mỏi khi bị mẹ ép tập, mất tập trung khi ngồi vào đàn.
Áp lực từ việc học đàn cùng với nỗi sợ sự thúc giục của mẹ luôn muốn con thi các cuộc thi đàn nên cháu bất mãn và chống đối.
Trường hợp thứ ba, tôi quan sát được từ một cuộc thi tài năng nhí, bé múa rất giỏi, nhưng hết giờ biểu diễn là một gương mặt mệt mỏi, trống rỗng, lúc nào cũng như thiếu ngủ hoặc dán mắt vào màn hình điện thoại. Bé thường không quan tâm đến xung quanh, không chơi với các bé khác cùng thi. Tôi không nhìn thấy sự vui vẻ hay thích thú của bé đối với môn múa.
Bé biểu diễn như một cái máy, vô hồn, dù động tác rất chuyên nghiệp. Trò chuyện với mẹ bé, chị lại rất tự hào vì bé tài năng, khoe bé học múa từ năm bốn tuổi ở nhà văn hóa thiếu nhi gần nhà. Thầy cô thấy cháu có năng khiếu nên khuyến khích chị cho bé đi học. Lúc đầu bé cũng thích, nhưng càng ngày lại càng thờ ơ với các cuộc thi.
Chị tâm sự: “Hình như nó ghét thi”, nhưng thầy cô, cha mẹ đều muốn cháu tỏa sáng nên vừa thúc vừa ép.
Trường hợp thứ tư thì ngược lại, cháu rất hào hứng với môn nhảy, tham gia hết cuộc thi này đến cuộc thi khác, đạt nhiều giải, nhưng cháu không thích bạn bè, bởi đã mắc bệnh ngôi sao, luôn cho mình giỏi nhất, thi không được giải là buồn chán, chê bai các bạn đối thủ…
Tôi tự hỏi những em bé đó có còn tuổi thơ không, đâu rồi sự hồn nhiên vô tư trong sáng, đâu rồi nhu cầu thích chơi đùa của trẻ con, đâu rồi nụ cười trẻ thơ trên gương mặt các em, đâu rồi quyền được sai, quyền được làm cái mình thích và từ chối điều không thích…?
Các em bị thúc ép làm theo ý người lớn, những điều người lớn cho là tốt. Liệu tốt cho con, hay chỉ tốt cho thành tích nuôi dạy con của cha mẹ trong mắt người thân, bạn bè?
Người Trung Quốc có câu đại ý: “Thiếu nhi đăng quang đại bất hạnh”. Rất chí lý. Phát triển toàn diện, hay giúp trẻ thành thần đồng, thiếu nhi xuất chúng là những cụm từ chúng tôi rất quan ngại khi nghe ai đó thổi phồng các dịch vụ dạy con, rèn trẻ tài năng…
Tài năng phát triển sớm nở sớm tàn, hậu quả là con đánh mất tuổi thơ, già sớm. Và quan trọng là trẻ không thể hạnh phúc khi bị tước đi quyền được sống đúng tuổi, đúng cá tính, đúng sở thích…
Cho con được là chính con, tưởng dễ mà lại quá khó với các cha mẹ đầy tham vọng.
Sau cùng, mỗi cha mẹ cũng nhận ra mình không mong gì hơn là con khỏe mạnh, hạnh phúc. Thì ra tất cả những gì gọi là tài năng, thành tích, lời khen chỉ là thứ yếu. Nó không giúp con họ vui vẻ với bạn bè, người thân, hòa đồng với mọi người xung quanh, thậm chí còn khiến chúng bất an, khổ sở, mệt mỏi…
Mong cho mỗi trẻ em luôn được là trẻ em!
(Tiến sĩ Phạm Thị Thúy)
Ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dưỡng tình yêu thương phải đến từ các thành viên trong gia đình. Ảnh: CA DAO

TTO - Tổ ấm cuối tháng 4 này có cuộc trao đổi với TS xã hội học Phạm Thị Thúy về việc vun bồi trái tim lẫn trí não cho con. TS Thúy nhấn mạnh ý thức chuẩn bị chu đáo trước khi có con của cha mẹ chính là món quà quý cho con và cho chính họ.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bước vào hành trình làm cha mẹ là món quà quý cho chính các bậc cha mẹ và con trẻ - Ảnh minh họa: T.T.D.
Theo TS Thúy, khi có sự chuẩn bị, các bậc cha mẹ sẽ có sự sẵn sàng về mọi phương diện: sức khỏe thể chất, tâm lý, kiến thức làm cha mẹ, tài chính...
Cha mẹ có sự chuẩn bị để làm cha mẹ
* Chào tiến sĩ, cụ thể các bậc cha mẹ cần chuẩn bị như thế nào trước khi bước vào lộ trình sinh và nuôi con?
- TS PHẠM THỊ THÚY: Chuẩn bị về sức khỏe thể chất của cả cha và mẹ là điều đầu tiên quan trọng. Cơ thể cha và mẹ khỏe sẽ góp phần tạo nên những thai nhi khỏe mạnh, những em bé khỏe mạnh trong tương lai. Chuẩn bị về tâm lý, tâm lý sẵn sàng làm cha mẹ, sẵn sàng đón nhận đứa trẻ bằng tình yêu thương, mong muốn có con.
Chuẩn bị kiến thức làm cha mẹ, vợ chồng cùng trao đổi những cách dạy của cha mẹ đã từng dạy mình; cùng học hỏi qua đọc sách, qua quan sát các cha mẹ khác... Việc cùng trao đổi, cùng học hỏi sẽ tạo nên sự thống nhất về phương pháp giáo dục con sau này.
Vợ chồng ý thức được vai trò quyết định của cha mẹ, ý thức được cha mẹ là người thầy đầu tiên và suốt đời góp phần tạo dựng nhân cách cho con ngay khi tượng hình trẻ từ trong bào thai. Con vào dạ mạ đi tu là lời dạy tuyệt vời của người xưa để nhắc nhở cha mẹ hoàn thiện chính mình trong hành trình làm cha mẹ.
Cuối cùng là chuẩn bị tài chính tạm đủ cho việc mang thai và sinh con theo hoàn cảnh của cha mẹ.
* Một người để lớn lên khỏe mạnh cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cần được chăm sóc thế nào, thưa chị?
- Muốn con lớn lên khỏe mạnh, điều cần nhất ở cha mẹ là tình yêu thương, sự chấp nhận và sự ổn định trong mối quan hệ với con. Trong quá trình nuôi dạy phải chú ý chấp nhận con như con là, không so sánh con với người khác, không bắt ép con làm theo ý cha mẹ mà không có sự trao đổi thỏa thuận với trẻ. Sự chấp nhận trẻ trong tình yêu thương vô điều kiện sẽ tạo nên những bậc cha mẹ ứng xử ôn hòa với con.
Nuôi dưỡng con bằng sách
* Tháng 4 có những ngày gợi nhắc về sách và việc đọc sách (Ngày sách Việt Nam và Ngày sách thế giới - PV). Tuy nhiên, theo nhiều số liệu, Việt Nam hiện có số người đọc sách khá ít. Chị có chia sẻ nào để giúp phụ huynh lẫn con em mình có thể xây dựng thói quen đọc sách?
- Cha mẹ muốn con có thói quen đọc sách thì chính cha mẹ cần là người yêu thích sách, đọc sách mỗi ngày để trong tầm mắt của trẻ luôn nhìn thấy cha mẹ học hỏi, chăm chỉ đọc sách. Thói quen này cần xây dựng từ trong bào thai, thai giáo bằng cách đọc sách cho con nghe.
Sau sinh tiếp tục duy trì thói quen này dù em bé còn rất nhỏ chưa biết nói nhưng cha mẹ đọc sách ngâm nga những đoạn thơ văn hay trong sách sẽ tạo nên sự kết nối giữa trẻ với sách. Khi trẻ lớn lên, cha mẹ đưa con đi nhà sách cho trẻ tự chọn sách, hướng dẫn trẻ cách chọn sách, cách đọc sách...
Tiếp tục duy trì thói quen đọc, trao đổi về sách giữa các thành viên trong gia đình. Thói quen sẽ dần hình thành theo năm tháng, từ chính tình yêu của cha mẹ với sách.
* Đọc sách ngoài việc giúp tăng trưởng kiến thức, mặt nào đó giúp gắn kết thành viên trong nhà lại với nhau. Tiến sĩ có xem đây là một trong những bí quyết xây dựng hạnh phúc gia đình mang lợi ích kép?
- Tôi đồng ý đây là bí quyết xây dựng hạnh phúc gia đình. Những giờ cùng đọc sách trước khi đi ngủ, những phút giây cùng nhau đi chọn sách, mua sách, những khoảnh khắc vợ chồng con cái tranh luận chia sẻ về một cuốn sách nào đó thật sự quý giá trong việc kết nối trái tim giữa các thành viên trong gia đình.
Tôi luôn cổ vũ việc đọc sách bằng cách thường xuyên giới thiệu, đọc sách hay trên kênh Facebook cá nhân của tôi. Các cha mẹ hỏi tôi nhiều về việc chọn sách cho con và chương trình chia sẻ với cha mẹ nào tôi cũng giới thiệu sách với các cha mẹ, tặng sách cho các cha mẹ. Đó là hạnh phúc của tôi. Và cũng là trả ơn sách. Có nhiều cách học, nhưng học qua sách là nhanh nhất và... rẻ nhất (cười).
* Trong bộ sách gồm hai cuốn: Chăm trái tim con ấm và Dưỡng trí não con tinh - do NXB Phụ Nữ Việt Nam ấn hành - mà chị là đồng tác giả, chị có thể chia sẻ, làm thế nào để con cái chúng ta lớn lên thành người hữu dụng, vui vẻ và hạnh phúc?
- Cuốn sách được viết chung bởi 4 tác giả: Vũ Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Thu Huyền, Tô Thị Hoàng Lan và tôi. Mục tiêu của nhóm tác giả là giúp cha mẹ cùng con lớn lên thành người hạnh phúc và hữu dụng, là người có giá trị với bản thân và xã hội.
Bộ đôi sách dưỡng trí và tâm do nhóm tác giả, trong đó có TS Phạm Thị Thúy đóng góp nội dung - Ảnh: DƯƠNG NGỌC HÂN
Khi có trái tim biết yêu thương, biết sống với giá trị đúng, con trẻ sẽ phát huy được tiềm năng trí tuệ của trẻ, từ đó trẻ thành người có đức có tài, sẽ tạo ra giá trị đóng góp cho đời và trẻ sẽ thành công hạnh phúc.

Có mặt tại cây “ATM gạo" trên đường Bạch Đằng, Q.Tân Bình, TP.HCM vào một buổi trưa 20.4, Theo quan sát, chúng tôi nhìn thấy nhiều người đi xe tay ga, mặc đồ đẹp... vẫn đứng xếp hàng chờ lấy gạo. Chị Nguyễn Thị Mỹ Thúy, 33 tuổi, quản lý cây “ATM gạo" này cho biết, ai cũng có thể lấy gạo miễn xếp hàng ngay ngắn, cách xa nhau 2 m, không chen lấn.
“Ở đây mình không phân biệt ai hết, quy định là mỗi người chỉ lấy được một lần trong ngày, muốn lấy nữa phải qua hôm sau. Cũng có trường hợp người đi xe SH, mặc đồ đẹp đến lấy gạo rồi hỏi thăm này nọ, hôm sau họ đến với tư cách là một mạnh thường quân. Cũng có một số thành phần 'tham' lấy gạo khi chưa thật sự cần, vấn đề này thuộc về ý thức của mỗi cá nhân mà thôi”, chị Mỹ Thúy chia sẻ.
Tương tự, anh Hồ.T.Long, 31 tuổi, làm truyền thông tại số 123 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM. Anh T.Long cho biết tại máy “ATM gạo” của cơ quan mình chỉ có câu khẩu hiệu "Nếu khó khăn bạn hãy lấy một phần - Nếu bạn ổn hãy nhường phần người khác" bất cứ ai khi đứng xếp hàng thì cũng sẽ nhận được quà. Còn khó khăn hay không thì phải tùy vào lòng tự trọng của họ. Chứ bên mình không có chủ trương là xem mặt tặng quà.
"Cần khéo léo tìm hiểu thực tế"
Là người đồng hành trong việc kêu gọi lắp đặt “ATM gạo” ở nhiều nơi giúp người dân khó khăn vượt qua đại dịch Covid-19, anh Phạm Thanh Tuấn, giáo viên Trường THCS-THPT Diên Hồng, TP.HCM, cho biết với những trường hợp cần lưu ý, chúng ta cần khéo léo tìm hiểu để xử lý linh động hơn. Như ghi chú những trường hợp chạy xe sang, mặc đồ hiệu đi lấy quà tự thiện, có thể vẫn cho họ nhận quà nhưng để ý, theo dõi..., sau đó đưa ra các hướng giải quyết tiếp theo.
"Quay rồi đem lên mạng chỉ để câu "like". Đó là hành động cần phải nghiêm trị để bảo vệ nhân phẩm cho người bị hại" - một người tên Lê Hào bức xúc khi được hỏi.
Không ít người có quan điểm như anh Hào.
Xem lại clip sẽ thấy, đối tượng nhiều lần tìm cách uy hiếp cô gái để thực hiện hành vi hiếp dâm có thời gian kéo dài tới 6 phút. Trong thời gian đó, cô gái luôn chống cự, van xin và tìm cách thoát ra. Còn đối tượng khi thì dụ dỗ, lúc đe dọa, đánh và dùng cả hung khí uy hiếp để mong thực hiện được mục đích của mình. "Với khoảng thời gian dài như vậy, hành động đối tượng ngày càng nguy hiểm hơn, thậm chí đe dọa cả tính mạng của cô gái mà người quay có vẻ như thản nhiên quay mà không có hành động gì để cứu giúp người bị hại là không chấp nhận được" - bà Trần Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN quận 5 (TPHCM) - có ý kiến. Bà nghi vấn: "Quay xong rồi đăng lên mạng xã hội. Đăng để làm gì? Kêu gọi sự cứu giúp của cộng đồng hay chỉ để câu "like"? Cơ quan công an cần làm rõ mục đích của anh này".
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia
"Tôi không chấp nhận hành vi ghi lại toàn bộ vụ việc của người quay!" - Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia - không ngần ngại bày tỏ quan điểm cá nhân ngay sau khi xem clip. Theo tiến sĩ Thúy, đây là tình huống gây nguy hiểm cho người phụ nữ trong hoàn cảnh không có gì để tự vệ. Chỉ cần 1, 2 phút thôi, anh ta có thể biết được, đây có thể là hành vi hiếp dâm mà anh ta vẫn quay. Như vậy là anh ta không coi trọng sự an toàn của con người, đặc biệt đây là phụ nữ. "Nếu anh ta có lương tri, có hiểu biết, thì anh ta dừng quay ngay lập tức và tìm cách cứu phụ nữ đó bằng cách tri hô hay làm thế nào để đối tượng dừng hành động lại. Nhưng anh ta lại không làm. Anh ta sai về mặt đạo đức con người. Và ở góc độ tâm lí còn cho thấy, người quay bị chi phối, thôi thúc bởi tâm lí tò mò về dục tính" – Tiến sĩ Thúy phân tích thêm.
Luật sư Võ Thanh Khương cho rằng, người quay clip không vi phạm pháp luật khi quay cảnh cô gái bị hiếp dâm
Tuy nhiên, theo luật sư Võ Thanh Khương (Hãng Luật Logic và Cộng sự, Đoàn luật sư TPHCM) có góc nhìn khác. Luật sự cho rằng, pháp luật không có quy định chế tài để xử lí người quay đối với hành vi như trong clip. Hành vi đó chỉ mới "bỏ người khác trong cảnh nguy hiểm". Trong khi pháp luật quy định, chỉ chế tài trong trường hợp "không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" quy định tại Điều 132 của Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đó là "người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm". "Như vậy chỉ có trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng và phải bao gồm 2 yếu tố là "tuy có điều kiện mà không giúp" và "dẫn đến người đó chết" thì mới xử lí hình sự" – Luật sư Khương phân tích và có ý kiến thêm, việc quay clip mặt nào đó có ích khi đã giúp cơ quan chức năng có nguồn chứng cứ, góp phần phát hiện tội phạm để xử lí theo quy định pháp luật. Còn xét về góc độ đạo đức, việc ghi hình trong tình huống chưa đến mức gây hậu quả và thiệt hại nghiêm trọng đối với người bị hại. Do đó, hành động của người quay là chấp nhận được. Trong tình huống người bị hại không còn khả năng chống cự dẫn đến hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác thì người quay mới đáng bị chỉ trích. "Xét về nhiều góc độ khác nhau, hành vi của người quay clip không có gì là quá đáng hay vô tâm hoặc vi phạm pháp luật cả" – Luật sư Khương khẳng định.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng Luật Hưng Yên, Đoàn Luật sư TPHCM) cũng đồng ý với ý kiến của luật sư Khương, đồng thời phân tích thêm: "Người quay vào thời điểm 1, 2 giờ sáng và chưa biết việc gì xảy ra, lo ngại dàn cảnh, khi người quay ra khỏi nhà để can thiệp là hợp lý. Pháp luật hiện nay cũng chỉ mới quy định phải cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có khả năng cứu giúp thôi. Do vậy, người quay clip không vi phạm pháp luật. Quay để đưa ngành chức năng làm bằng chứng thì không coi là vi phạm pháp luật".
Theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh cơ quan công an cần triệu tập người quay clip làm rõ liệu có hành vi "che giấu tội phạm" không?
Không đồng tình với 2 luật sư trên, luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Chi hội luật sư thuộc Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM, có góc nhìn khác. Vị này đặt vấn đề, có hơn 6 phút cho sự việc (theo thời lượng của clip). Như vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ, với khoảng thời gian đó, một người quay có đủ để báo gọi cho công an hay không? Trong lúc quay, ngoài người quay còn có ít nhất 1 người nữa bên cạnh khi âm thanh trong clip cho thấy tại vị trí quay có ít nhất 2 giọng người trao đổi với nhau (1 nam, 1 nữ). Vậy, cứ cho là người quay bận thu toàn bộ hình ảnh để làm bằng chứng nhưng tại sao người quay không nhờ hay yêu cầu người nhà tìm cách báo công an. Người quay có đủ thời gian và có đủ năng lực hành vi. Trong khi người bị hại đang ở trong tình huống cấp bách. "Tôi điểm ra một tình huống sẽ thấy, khi đối tượng dùng tuốc nơ vít đe dọa và trong clip cũng có tiếng nói một người nữ ở gần vị trí quay thốt lên: "Tội nghiệp cho cô ấy quá!". Như thế không đủ để người quay sực tỉnh, nghĩ tới việc cô gái sẽ bị uy hiếp đến tính mạng hay không? Hình ảnh trong clip cũng cho thấy, có người ở trong hẻm đi ngang. Lúc đó sao người quay không lợi dụng để hô hoán hay làm gì đó để can thiệp? Cơ quan cảnh sát điều tra cần phải triệu tập người này để làm rõ có "che giấu tội phạm" hay không?" - luật sư Thanh nêu ý kiến.
Dù ý kiến trái ngược nhau về hành vi quay clip có phạm tội hay có phù hợp hay không, nhưng các luật sư cũng như các chuyên gia và giới bảo vệ quyền phụ nữ đều cho rằng, hành vi tung clip lên mạng của người quay "kêu gọi sự ủng hộ để giải quyết" là hoàn toàn không chấp nhận được. Luật sư Nguyễn Văn Quynh nói: "Người quay đăng tải clip lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của người bị hại (hoặc người giám hộ). Và việc này làm tổn hại đến cô gái trong clip thì tùy mức độ bị coi là vi phạm pháp luật". "Còn theo tôi, luật An ninh mạng có hiệu lực rồi. Hành vi của người quay cần phải được xử lí bằng biện pháp chế tài đúng quy định luật pháp để tạo sự răn đe cho cộng đồng. Vì khi hình ảnh đáng thương của cô gái bị hại trong clip được phát tán nhanh chóng trên mạng như vậy, nhân phẩm của cô và tinh thần của gia đình cô bị tổn hại nghiêm trọng" - Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, Chuyên gia tham vấn tâm lý, nhận xét.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo PNVN, gia đình người bị hại rất đau lòng khi sự việc đổ ập xuống người thân. Cô gái vốn có bệnh tâm thần, qua sự việc này, bệnh của cô càng xấu hơn. Nhất là hình ảnh đáng thương của cô được phát tán nhanh chóng trên mạng xã hội trước khi ngành chức năng yêu cầu tháo gỡ đã gây tổn thương lớn về mặt tinh thần, danh dự cho gia đình. Hiện gia đình đã đưa cô gái đến một nơi yên tĩnh để chăm sóc. Trước những tổn hại cho cô gái cũng như người thân của cô, gia đình mong muốn, ngành chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ, xử lí đúng người, đúng tội.
Anh T.C.H. - người quay clip
18 giờ ngày 20/4, phóng viên báo PNVN đến khu vực cô gái bị xâm hại. Đường Lão Tử ngắn, nhỏ, có rất ít phương tiện lưu thông. Nhiều nhà đóng cửa, không ra ngoài tuân thủ biện pháp chống dịch. Khu vực hẻm số 10 và trước nhà của người quay clip không có ai hiếu kì. Anh T.C.H. (43 tuổi; người quay clip) tiếp phóng viên với tâm trạng bình tĩnh. Anh nói: "Tôi không muốn tiếp xúc với ai và trả lời bất cứ điều gì cả. Tôi muốn được yên tĩnh và không bị làm phiền".
"Anh mong bản thân được bình yên. Nhưng giá như, khi đối tượng vừa biểu hiện hành vi, cô gái phản kháng, thảng thốt trong tuyệt vọng, anh trắc ẩn đặt camera (điện thoại) xuống, rồi chỉ cần ném vật gì ra ngoài cửa sổ để có tiếng động thôi. Có khi bình yên thật sự đã đến với cô gái, với anh và với cả người có hành vi hiếp dâm như lời anh mong muốn" - một luật sư sau khi biết được ý kiến của anh T.C.H đã thốt lên như vậy.
Chương trình vui sống mỗi ngày với chủ đề: Thiền và sự chữa lành tâm hồn.
Chương trình của VTV3 với MC Lương Mạnh Hải
Hạt giống hạnh phúc và sáng tạo - Phóng sự của TFS
Đồ chơi cho bé, vừa đẹp vừa có tính giáo dục, vừa là cơ hội ba mẹ con chơi cùng nhau, hạnh phúc bên nhau!
Tại buổi giao lưu "Vai trò phụ nữ trong thời đại mới" do Báo PNVN tổ chức với sự hỗ trợ, đồng hành từ Công ty Home Credit Việt Nam ngày 19/3, các khách mời tham gia đã cùng nhau thảo luận về khía cạnh tài chính đối với nữ giới cũng như chia sẻ kinh nghiệm, lời khuyên về vấn đề này.
Các khách mời đã mang lại những thông tin bổ ích, những kinh nghiệm hay về tài chính tại chương trình
Bài học về tự chủ tài chính
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng người phụ nữ làm chủ về tài chính đó là tư duy đúng, rất nên. Không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào người đàn ông, việc gì cũng "đưa tay xin chồng" thì vô cùng phụ thuộc.
"Tôi thường dạy con là "độc lập thì mới tự do" là một câu rất kinh điển của chúng ta là "độc lập – tự do – hạnh phúc" thì 3 cái đó nó liên quan đến nhau. Bản thân người phụ nữ phải ý thức được có "độc lập" thì mới có "tự do" mà "độc lập" là đầu tiên, liên quan đến nhiều thứ và là phải có tiền. Cho nên, phụ nữ hay đàn ông, hay bất kỳ ai trong xã hội này, khi chúng ta làm chủ được đồng tiền, làm chủ được cuộc sống và từ đó chúng ta làm chủ được hạnh phúc của chính mình", nữ tiến sĩ khẳng định.
Tiến sĩ XHH Phạm Thị Thúy (ngồi giữa): Khi làm chủ được đồng tiền, làm chủ được cuộc sống và từ đó chúng ta làm chủ được hạnh phúc của chính mình.
Với diễn viên Vân Trang, từ nhỏ cô đã được mẹ dạy về bài học tài chính. Vân Trang chia sẻ: Mẹ Trang hay nói mình phải độc lập về tài chính. Vì thế Trang luôn nỗ lực cố gắng làm việc để đảm bảo mặt tài chính cho bản thân và gia đình. Thứ nhất là để mình làm những công việc mình muốn. Thí dụ, mình có con, mình muốn mua cho con cái này, cái kia thì mình cũng tự tin làm điều đó, không phải phụ thuộc vào ai. Cho nên độc lập về tài chính là vô cùng quan trọng đối với Trang, từ nhỏ luôn chứ không phải bây giờ mới nghĩ.
Nhưng làm sao để tự chủ tài chính an toàn?
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy nhận định rằng: Ngày xưa ông bà nói "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" là không xem nhẹ vai trò của phụ nữ trong việc kiếm tiền vì họ biết thế mạnh của người phụ nữ là sự mềm dẻo, sự linh hoạt. Thế mạnh của phụ nữ là yếu tố cảm xúc, yếu tố kết nối cho nên gia đình rất cần bàn tay của phụ nữ. Đây là kỹ năng của người vợ là làm sao để mình có thể chèo lái được con thuyền của gia đình và nhất là khi có những sóng gió bên ngoài ập vào.
Diễn viên Vân Trang khẳng định độc lập tài chính rất quan trọng đối với phụ nữ hiện đại.
Tại buổi giao lưu, các khách mời đều khẳng định vấn đề tự chủ tài chính là rất quan trọng đối với người phụ nữ hiện đại. Tự chủ tài chính giúp chị em tự tin, độc lập và tự chủ trong việc chăm sóc bản thân, gia đình… và sẽ hạnh phúc hơn. Tuy vậy, không phải chị em nào cũng có thể tự chủ theo cách mình mong muốn.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang – Trưởng phòng Tiếp thị sản phẩm công ty Home Credit Việt Nam - chia sẻ: ngày nay có rất nhiều hình thức hỗ trợ tài chính cho chị em, ngay cả những chị em nội trợ, không có thu nhập ổn định, để giúp các chị tự chủ hơn trong cuộc sống. Chị em khi có nhu cầu về tài chính có thể cân nhắc giữa việc vay tiền mặt hoặc tận dụng những hình thức mua hàng trả góp để tránh phải chi trả một số tiền quá lớn tại một thời điểm.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang - Trưởng phòng Tiếp thị sản phẩm Home Credit Việt Nam: Tuyệt đối không nên vay “nóng” tín dụng đen vì lãi suất cao và kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.
"Nếu có nhu cầu vay tiền mặt, chị em nên xem xét kỹ những điểm có lợi, hạn chế từ những nguồn vay: từ người thân bạn bè, từ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng uy tín. Tuyệt đối không nên vay "nóng" tín dụng đen vì lãi suất cao và kéo theo nhiều hệ lụy khó lường." – chị Huyền Trang tư vấn.
Ngoài ra, nếu lựa chọn hình thức vay ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng, chị em cần chú ý đến các thông tin như ngày thanh toán, lãi suất và số tiền hàng tháng phải trả. Đồng thời phải chú ý tính toán phương án trả nợ đúng số tiền, đúng hạn để tránh bị ghi nhận nợ xấu trên Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), sẽ ảnh hưởng đến khả năng vay sau này.