Vài năm trở lại đây, “giang hồ mạng” nổi lên như một hiện tượng thu hút giới trẻ, đặc biệt là con trai ở lứa tuổi vị thành niên. Những cái tên như K.B., Ngọc R., Khánh S… không mấy xa lạ, được xem như những “đại ca mạng xã hội” có kênh YouTube riêng, với hàng trăm ngàn người theo dõi. Các kênh này thường xuyên tạo các clip trò chuyện hoặc quay lại các hoạt động thực tế như kéo một nhóm đi đòi lại công bằng cho một ai đó... Hình ảnh của họ được xây dựng như những anh hùng “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” nên tạo được sự thu hút cực lớn, gây thích thú và không tránh khỏi việc trở thành hình mẫu trong một bộ phận trẻ vị thành niên.
Không chỉ tràn lan những clip của “giang hồ mạng” mà trên YouTube còn xuất hiện hàng loạt “giang hồ phim ảnh”, với nội dung là các băng nhóm giang hồ tranh giành quyền lực, đánh giết lẫn nhau…
Video độc hại tràn lan trên mạng, thu hút hàng triệu lượt xem
|
Người xem dễ bị tác động tiêu cực
Phân tích về các video clip này, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Minh Khuyên (chuyên khoa Tâm thần kinh - Trị liệu tâm lý, phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược 1) cho biết trẻ em đang trong giai đoạn phát triển chịu tác động rất nhiều từ môi trường sống và thói quen hằng ngày trong việc hình thành thói quen, tính cách, lớn lên sẽ tạo thành nhân cách.
Tương tự, trẻ xem video, hình ảnh và nội dung trên các kênh cũng chịu tác động theo cơ chế này. Những em thuộc týp thần kinh trung bình và yếu dễ bị căng thẳng, lo âu… khiến khả năng học tập giảm sút. Cũng có những em trong lứa tuổi thanh thiếu niên bị thất bại trong học tập, cuộc sống nếu được tiếp xúc với game, mạng xã hội, video về những trào lưu bạo lực thì rất dễ bị thu hút.
“Khi tiếp xúc nhiều với những video, trò chơi và những thử thách độc hại trên mạng xã hội lâu ngày, các em có thể bị rối loạn về tính cách, lối hành xử không phù hợp với thực tế. Hơn nữa, khi tiếp xúc nhiều với những video này, trẻ có thể bị nghiện và bị nội dung của những video độc hại ăn sâu vào suy nghĩ nên rất khó để thành công ngoài đời thực”, bác sĩ Khuyên phân tích.
Lý giải tại sao những video trên mạng lại có sức mạnh sai khiến trẻ đến vậy, bác sĩ Trần Minh Khuyên cho rằng những video được sản xuất bởi các YouTuber đa phần là để câu view, rất dễ dàng dẫn dụ người xem vì nội dung hình ảnh bắt mắt, những câu chuyện kinh dị khiến người xem tò mò. Vì sự tò mò, trẻ sẽ bị cuốn theo những video này, lâu ngày sẽ tạo thành thói quen và trẻ dễ bị nghiện lúc nào không hay.
Bà Nguyễn Thị Diệu Anh, nghiên cứu sinh tâm lý Khoa Tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng những video tồn tại được trên mạng và thu hút được thị hiếu vì đánh trúng tâm lý từng độ tuổi. Ngoài ra, việc tiếp cận những video này cũng rất dễ khi cha mẹ thả điện thoại, thiết bị điện tử cho con.
Theo Thạc sĩ Lê Minh Tiến, giảng viên Khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM, đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng bạo lực trong giới trẻ, đặc biệt tuổi vị thành niên, ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Thạc sĩ Tiến nhìn nhận: “Những cảnh bạo lực xuất hiện tràn lan trên YouTube, Facebook mà ở đó giang hồ xuất hiện như những anh hùng, một người thành đạt, có chí khí là một món ăn độc hại đối với những đứa trẻ của thời mạng xã hội lên ngôi”.
Thật vậy, dư luận gần đây không khỏi bàng hoàng, sửng sốt bởi hàng loạt vụ việc học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực rồi tung lên mạng xã hội. Đáng sợ hơn, không ít vụ giết người mà tội phạm còn đang ở tuổi vị thành niên.
Đừng quên tạo giá trị cho xã hội
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia phân viện tại TP.HCM, đánh giá nhiều người sáng tạo nội dung trên YouTube (YouTuber) đều chạy theo thị hiếu để câu view, tạo like để kiếm quảng cáo.
“Càng giật gân, càng khác người thì lại càng thu hút, nên rất nhiều người vì lòng tham mà bất chấp pháp luật và quên đi các giá trị đạo đức, tinh thần, nhân văn để kiếm tiền. Mỗi lần tạo sản phẩm đưa lên mạng, các bạn hãy nghĩ những đứa trẻ đang xem mình giống như là con của mình vậy. Nếu xem chúng như con mình thì hãy làm những nội dung phù hợp, hấp dẫn nhưng phải có giá trị giáo dục. Một kênh như vậy thì sẽ rất bền vững”, tiến sĩ Thúy nhìn nhận.
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và giao lưu quốc tế (ĐH Huế), cũng cho rằng các YouTuber không nên kiếm tiền bằng mọi giá, hãy đặt cái tâm của mình lên trước và khi đã tạo được giá trị cho xã hội từ cái tâm thì sẽ tồn tại lâu bền.