Sau 2 tuần đọc sách vào giờ ra chơi, em T.V. học sinh lớp 8 trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Q.Gò Vấp, TP.HCM), đã kể chuyện trước toàn trường do vi phạm bạo lực học đường.
Trước đó, trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp, TP.HCM, đã quyết định kỷ luật 7 nữ sinh tham gia đánh nhau và quay video, bằng việc đọc sách vào giờ ra chơi sáng và chiều, dưới sự giám sát của giáo viên trong 2 tuần. Đọc xong, các em ghi lại cảm nhận rồi luân phiên đứng trước trường chia sẻ về bài học rút ra.
Kể chuyện trước toàn trường vì… bạo lực học đường
T.V. học sinh lớp 8 trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Q.Gò Vấp, TP.HCM) kể chuyện trước toàn trường do vi phạm bạo lực học đường.
Sau 2 tuần đọc sách tại thư viện, em T.V. (nữ sinh bị đánh, nhưng là người gây chuyện trước) đã kể chuyện trước toàn trường, trong chuyên đề kỹ năng sống “Suối nguồn yêu thương", ngày 4/11. Tại đây, em kể câu chuyện “Sự tích cây trứng gà” của Nhà văn, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký.
“Em lựa chọn câu chuyện này vì nó có ý nghĩa rất hay, thể hiện tình yêu thương của người mẹ dành cho con và ngược lại. Qua câu chuyện này, em mong các bạn học sẽ yêu quý bố mẹ hơn và cố gắng học tập thật tốt để không làm bố mẹ buồn", T.V. chia sẻ.
Được biết, trong 2 tuần đọc sách tại thư viện, T.V. thường chọn những cuốn về đạo đức, như: “Quà tặng của cuộc sống”, “Tình thầy trò”, “Mẹ không phải là người giúp việc”… vì em thấy được mình trong đó, như trong “Tình thầy trò” có nói về lỗi lầm và tha thứ. “Sau 2 tuần đọc sách, em cảm thấy tính cách mình trầm ổn hơn và nhận ra nhiều lỗi sai trong quá khứ", T.V. bộc bạch.
Chia sẻ về lý do chọn cách kỷ luật bằng việc đọc sách, cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, cho biết, các em vẫn còn nhỏ, nên cần có cơ hội để nhìn ra cái sai của mình và sửa sai. Việc đọc sách sẽ giúp các em có thêm thời gian, không gian riêng trong giờ ra chơi để đọc sách và suy nghĩ về những lỗi lầm của mình và tự sửa chữa chứ không phải kỷ luật để khiến học sinh khiếp sợ, hoặc tiếp tục lún sâu vào vi phạm.
Cô Ánh chia sẻ thêm: “Việc kể chuyện trước toàn trường sẽ tạo điều kiện cho các em được chia sẻ quá trình đọc sách. Đồng thời, để các em học sinh khác thấy được sự thay đổi về nhận thức của học sinh vi phạm sau một thời gian đọc sách, từ đó làm cơ sở giáo dục cho học sinh và nâng cao văn hóa đọc tại trường".
Dùng kỷ luật tích cực để cảm hóa học sinh
Không chỉ riêng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, việc kỷ luật học sinh theo hướng nhân văn như đọc sách, đã được Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) áp dụng. Học sinh vi phạm sẽ phải đọc các loại sách, như: “Hạt giống tâm hồn”, “Người con hiếu thảo”… và viết lại bài cảm nhận sau khi đọc và được thầy cô nhận xét.
Hay tại Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5, TP.HCM), sẽ phạt học sinh vi phạm bằng một việc tốt để chuộc lỗi. Việc tốt đó có thể là các hoạt động công tác xã hội, như nấu ăn tặng người khó khăn, dọn dẹp vệ sinh, hoặc tham gia các hoạt động thiện nguyện… dưới sự chứng kiến của phụ huynh, đảm bảo rằng các em làm đúng và thực chất.
TS. Xã hội học Phạm Thị Thuý chia sẻ quan điểm về hình thức kỷ luật đọc sách.
TS. Xã hội học Phạm Thị Thuý, cho biết, xử phạt truyền thống sẽ khiến học sinh mệt mỏi, khó chịu và mang tính trừng phạt nhiều hơn chứ không có giá trị giúp học sinh thay đổi nhận thức, hành vi. Còn việc đọc sách là một trong các hình thức kỷ luật tích cực, hướng tới giáo dục thay đổi nhận thức, hành vi của học sinh.
“Sách là tri thức, là người bạn đồng hành giúp chữa lành tâm hồn tốt nhất, đặc biệt ở tuổi dậy thì, lứa tuổi rất khó khăn trong việc phát triển tâm sinh lý”, vị TS. Xã hội học này nhấn mạnh.
Nhưng phương pháp kỷ luật này có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào cách áp dụng của nhà trường và thái độ của phụ huynh học sinh.
Theo TS. Xã hội học Phạm Thị Thuý, hình thức kỷ luật này phải được thực hiện một cách bài bản, dựa trên sự tự giác và khơi gợi hứng thú về sách cho học sinh. Cụ thể, nhà trường nên khuyến khích không ép buộc, cho phép học sinh lựa chọn hình thức để chịu trách nhiệm về hành vi sai của mình, như: đọc sách, lao động công ích, tham gia hoạt động thiện nguyện…; tạo ra một môi trường cho học sinh đọc sách với nhiều loại sách hay, phù hợp với lứa tuổi học trò cho các con chọn; tạo nhiều góc đọc sách dễ thương trong trường học, như: lớp học, thư viện, góc cầu thang, trên sân trường, thậm chí trên cây như một số trường đã làm… để khơi gợi văn hoá đọc cho tất cả học sinh chứ không chỉ các em bị phạt.
Tủ sách của Nhà văn, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký tại trường THCS Nguyễn Văn Trỗi.
Nhà trường không nên bắt học sinh đọc sách quá lâu, chỉ cần khoảng 30 - 45 phút. Đọc xong, học sinh sẽ có thời gian để cảm thụ quyển sách đó bằng cách viết lại cảm nhận và trình bày quan điểm, thảo luận với thầy cô, bạn bè trước lớp, trước sân trường. Đặc biệt, những bài cảm nghĩ hay sẽ được tuyên dương, thậm chí đưa vào tuyển tập của nhà trường.
Ngoài ra, phụ huynh học sinh có vai trò rất quan trọng để hình thức kỷ luật này thành công, họ cần phải đồng hành, ủng hộ nhà trường và khuyến khích, động viên, khen ngợi con cái trong quá trình đọc sách.
“Phụ huynh phải đọc sách nhiều hơn để làm gương, vì nếu muốn lan toả văn hóa đọc sách cho con thì phải tự mình đọc sách trước. Phụ huynh nên tìm đọc những quyển sách con đang đọc để có thể cùng nhau trao đổi và bàn luận. Như vậy, các con sẽ vui vẻ đọc sách hơn và dần tránh xa các thiết bị công nghệ, một sự thay đổi tích cực, rất tốt trong xã hội hiện nay", TS. Xã hội học Phạm Thị Thuý chia sẻ.
TS. Xã hội học Phạm Thị Thuý nói thêm: “Thay vì gọi phụ huynh lên mắng vốn, bắt các con viết bảng kiểm điểm, thì nên cảm hóa các con bằng các hình thức kỷ luật tích cực. Tôi mong sẽ có thêm nhiều trường học áp dụng hình thức kỷ luật này và có thêm nhiều hình thức sáng tạo hơn để lan tỏa văn hóa đọc đến tất cả học sinh, chứ không riêng gì các em bị phạt".
Nguồn: https://khoahocphothong.vn/cam-hoa-hoc-sinh-vi-pham-bang-hinh-thuc-ky-luat-tich-cuc-251194.html