Thủ thỉ chuyện gia đình: Ở với ba hay ở với mẹ ? Featured

img

Thủ thỉ chuyện gia đình: Ở với ba hay ở với mẹ? - Ảnh 1.

Lúc này, hai chị em Hùng chới với nhìn nhau. Hùng cảm giác lồng ngực sắp nổ tung, còn chị hai hốt hoảng: "Mẹ ơi, có chuyện gì ạ?".

Hít một hơi thở dài như lấy lại can đảm, mẹ cho biết ba mẹ không còn hợp nhau và sẽ ly dị. Đáng lẽ mẹ phải quyết định chia tay ba từ nhiều năm trước nhưng nghĩ đến hai chị em Hùng, mẹ cứ cố gắng nhẫn nhịn và cho ba thêm cơ hội.

Tuy nhiên, càng kéo dài, mọi chuyện càng tồi tệ hơn… Mẹ im lặng, không kể tiếp nhưng Hùng biết "cơn bão" này rồi sẽ xảy ra.

Ba mẹ Hùng quen nhau khá lâu rồi mới đám cưới. Tuy nhiên, từ ngày lấy nhau, ba không đi làm mà chỉ ở nhà chơi game, mọi gánh nặng kinh tế đều dồn lên vai mẹ từ tiền chợ, điện nước, học phí, quần áo…

Thủ thỉ chuyện gia đình: Ở với ba hay ở với mẹ? - Ảnh 2.

Minh họa: FREEPIK

 

Nhiều hôm mẹ bận việc, đi làm tối mịt mới về đến nhà vẫn thấy ba ngồi máy tính "chiến" với các game thủ khác trong khi ba chưa nấu cơm, nhà cửa bề bộn quần áo, chén bát. Thậm chí có lúc ba vừa chơi vừa nốc bia, xỉn nằm ngủ đến nỗi quên đón hai chị em Hùng.

Chuyện cứ thế lặp đi lặp lại mười mấy năm nay. Đỉnh điểm gần đây, ba đã bạo hành mẹ. Hùng nhìn thấy và hoảng loạn, không dám ở chung nhà với ba. Mỗi lần nhắm mắt ngủ, Hùng lại mơ thấy cảnh khủng khiếp ấy và bật dậy. Như giọt nước tràn ly, mẹ dứt khoát chia tay ba.

Do vậy khi mẹ hỏi "Tụi con chọn ở với ba hay với mẹ?", Hùng quyết định ở với mẹ ngay. Bởi mẹ luôn bảo vệ hai chị em Hùng, lo cho hai chị em đầy đủ và luôn quan tâm đến chuyện học hành, ăn uống, vui chơi của hai chị em.

Đặc biệt, mẹ có thể lo cho cả hai chị em Hùng. Ở với mẹ, hai chị em sẽ có cơ hội gặp nhau và không bị chia lìa như những bạn khác. Cuộc sống của Hùng sẽ ít bị xáo trộn.

Ba mẹ ơi, có nghe lời con?

Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng tỉnh táo và có những chọn lựa hợp lý khi đứng trước câu hỏi ở với ba hay với mẹ.

Chúng tôi tình cờ gặp Hoàng (14 tuổi, TP.Thủ Đức) trong một lần sửa xe ven đường. Hoàng học lớp 6 nhưng so với bạn cùng trang lứa, Hoàng gầy đét, xanh xao giống như học sinh cấp 1.

Sau nhiều lần chuyện trò, mình được biết ba mẹ Hoàng chia tay. Hoàng có một em trai nhỏ hơn vài tuổi. Lúc đó, ba nói mẹ không có tiền nuôi Hoàng đâu, về ở với ba, với em, ba sẽ lo chu đáo. Nghe ba nói có lý, Hoàng đã chấp nhận.

Thủ thỉ chuyện gia đình: Ở với ba hay ở với mẹ? - Ảnh 3.

Nhưng những ngày vui chưa được bao lâu thì ba bắt đầu đánh đập Hoàng nhiều lần. Hàng xóm thấy vậy hét toáng lên, kêu ba phải dừng ngay chuyện đó và trình báo với địa phương. Ba viết cam kết, hứa không tái phạm nhưng sau đó, chuyện bạo hành Hoàng lại xảy ra.

Giữa đêm, trong cơn mưa roi mây của ba, Hoàng bấn loạn tung cửa chạy lánh nạn ở nhà hàng xóm. Khi nhìn thấy Hoàng gầy trơ xương, hàng xóm hỏi ra mới biết ngoài đánh bạn, ba còn bỏ đói bạn mấy ngày qua.

Thủ thỉ chuyện gia đình: Ở với ba hay ở với mẹ? - Ảnh 4.

Mặt trầm buồn, Hoàng chia sẻ cũng là con với nhau nhưng sao ba lại rất chiều chuộng em trai, còn Hoàng ba lại đối xử như thế. Đã vậy, những lúc say xỉn, ba lại nói xấu đủ thứ về mẹ khiến Hoàng rất khó chịu.

Những ngày sống với ba, Hoàng cảm thấy như địa ngục. Có khi, bạn ở nhà hàng xóm cả tháng mà ba không thèm qua kêu về.

Trong khi đó, mẹ có gia đình khác và có những khoảng thời gian hầu như không về thăm anh em Hoàng. Đã nhiều lần Hoàng gọi cho mẹ nhưng điện thoại không liên hệ được…

Gần đây, biết được hoàn cảnh của Hoàng, một người bà con đã nhận bạn về nuôi. Với Hoàng, ở với ba với mẹ chưa hẳn đã tốt bằng ở chung với bà con, hàng xóm - những người thật sự yêu thương và có điều kiện lo cho mình.

Thủ thỉ chuyện gia đình: Ở với ba hay ở với mẹ? - Ảnh 5.

Khăn Quàng Đỏ đã trao đổi với Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ tâm lý trị liệu PHẠM THỊ THÚY (Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM) về vấn đề này. Mời bạn cùng lắng nghe!

Phóng sự: Ở với ba hay ở với mẹ? - Ảnh 4.

Minh họa: FREEPIK

 

Cô ơi, nếu phải lựa chọn ở với ba hay với mẹ, em nên cân nhắc gì?

Đây là các điều các em nên lưu ý:

• Điều đầu tiên nên nhớ là các em CÓ QUYỀN ĐƯỢC LỰA CHỌN ở với ba hay mẹ. Từ đủ 7 tuổi trở lên, trẻ em có quyền chọn ở với ba hoặc mẹ khi ba mẹ ly dị.

• Xem xét CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CUỘC SỐNG CỦA MÌNH như điều kiện kinh tế, môi trường học tập, bạn bè… có duy trì như hiện tại hay sẽ bị xáo trộn? Em có thể chấp nhận, thích nghi được thay đổi này hay không. Nhớ là phải ưu tiên điều kiện, môi trường nào giúp mình phát triển và trưởng thành tốt nhất.

• Tỉnh táo, cân nhắc chọn NGƯỜI THẬT SỰ YÊU THƯƠNG, QUAN TÂM đến mình. Chẳng hạn người đó có dành thời gian cho con, nói chuyện có hợp không, hiểu con như thế nào…

• CÓ ĐƯỢC Ở CÙNG ANH CHỊ EM? Nếu được sống cùng anh chị em trong một mái nhà thì tốt biết bao. Với lại, anh chị em sống vui vẻ cùng nhau có thể là sợi dây để hàn gắn tình cảm ba mẹ.

• ĐỘC LẬP trong lựa chọn chứ không nên vì quá thương ba, thương mẹ hoặc là bị ba/mẹ tác động quá nhiều mà quên đi các yếu tố khác. Cảm xúc của chính các em sẽ quyết định bước ngoặt cuộc đời.

Có ba mẹ chia tay xong hay nói xấu người còn lại. Em nên xử sự ra sao trong trường hợp đó?

Khi có mâu thuẫn, ba mẹ cũng có nhiều bức xúc, nỗi niềm về người còn lại. Thời gian này, ba mẹ dễ rơi vào xì-trét, trầm cảm. Trong cơn giận dữ, người ta thường có những lời nói phẫn nộ. Do vậy, em hãy LẮNG NGHE ba mẹ chia sẻ và nhớ là LẮNG NGHE TRONG TÔN TRỌNG để ba mẹ giải tỏa nỗi niềm.

Đồng thời, em phải TRUNG LẬP CẢM XÚC. Khi cần lên tiếng, em nhỏ nhẹ lên tiếng để bảo vệ người còn lại, rằng họ không xấu đến mức đó đâu. Em không nên phản kháng tiêu cực, thái quá vì dù sao, em cũng đang ở với người đó.

Nếu ba mẹ có sai lầm, là con cái, em nên khoan dung cho ba mẹ. Chuyện của người lớn để người lớn giải quyết. Em đừng phán xét hay xa lánh ba mẹ vì một sai lầm của họ nhé!

Nếu ở với ba/mẹ mà có những chuyện không hay xảy ra như bị đánh đập, bạo hành…, em phải làm sao?

Em có quyền được lên tiếng và bảo vệ mình. Vì thế, lỡ không may rơi vào trường hợp này, em hãy thông báo ngay với người còn lại hoặc người thân tin tưởng để nhờ giúp đỡ. Hoặc có thể gọi đến các đường dây nóng như 111 (Tổng đài bảo vệ trẻ em), Hội bảo vệ Quyền Trẻ em…

Nhớ là phải nói càng sớm càng tốt để mọi việc không đi quá xa. Cơ thể là của em, hãy bảo vệ nó.

Xin cảm ơn cô thật nhiều ạ!

Thủ thỉ chuyện gia đình: Ở với ba hay ở với mẹ? - Ảnh 7.
Thủ thỉ chuyện gia đình: Ở với ba hay ở với mẹ? - Ảnh 8.

Một lần, mình thấy ba mẹ cãi nhau rất lớn, thậm chí còn đánh nhau. Dù mọi chuyện đã trôi qua nhiều năm nhưng những hình ảnh đó đến tận bây giờ như vết thương nặng nề in sâu trong tâm trí mình.

Sau đó, ba mẹ chia tay. Mẹ nói ba đi làm, con cứ ở nhà với mẹ. Con học ngoan thì ba sẽ lại về. Vậy mà năm mình vào lớp 1, mình có thêm một người ba nữa.

Điều mình thắc mắc và buồn nhất là ba ruột rất ít khi về nhà thăm mình. Thậm chí, mình không nhận được cuộc gọi nào từ ba.

Mình giận ba lắm. Năm đó, vào ngày giỗ của ông, ba về một chút rồi đi nhưng mình cũng không muốn gặp ba.

Mãi đến bây giờ khi lớn lên, mình mới dần hiểu rõ hơn và cảm thông cho ba.

Thì ra vào thời điểm đó, mẹ đã không muốn cho ba liên lạc hay gặp mặt mình khiến mình hiểu lầm ba đã bỏ mình.

Ba vẫn yêu thương, quan tâm mình đấy thôi chỉ là mình không nhận ra tình cảm đó.

N.T (14 tuổi, TP.HCM)

Thủ thỉ chuyện gia đình: Ở với ba hay ở với mẹ? - Ảnh 9.

Ngày ba mẹ xa nhau mình không còn lựa chọn nào khác ngoài đi theo mẹ dù mình yêu ba lắm! Lúc nóng giận, mẹ lại quay sang nặng lời với mình khiến mình rất buồn.

Mỗi ngày của mình trôi qua chỉ có đi học, về nhà lại vào phòng. Mẹ đi làm suốt, không có thời gian cho mình.

Mình cũng không được đi chơi như bạn bè. Thật sự đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất của mình.

Dù không sống chung với ba nhưng mình và ba vẫn liên lạc với nhau.

Mình hay nhắn tin khoe thành tích học tập cho ba và luôn nhận được những lời động viên từ ba. Xa mặt song tình cảm ba con vẫn không cách lòng.

H.N (lớp 9, quận 12)

Để khép lại bài này, Khăn Quàng Đỏ xin chia sẻ tâm sự của bạn T.L (lớp 7, TP.HCM). Ba mẹ của T.L cũng chia tay khi bạn còn nhỏ. Khi đứng trước tòa, ba mẹ đều hỏi: "Con theo ai?". Câu nói ấy đến giờ bạn vẫn nhớ in trong đầu. Bạn chọn đi theo ba, còn em theo mẹ.

Những ngày đầu, xa mẹ, bạn nhớ và khóc rất nhiều. Bạn chỉ muốn về ngoại ôm mẹ nhưng không được. Bởi mẹ đã đi định cư ở nước ngoài. Thời gian dần qua, những tổn thương của bạn cũng vơi dần. Giờ mạng xã hội phát triển, bạn liên hệ, chuyện trò thường xuyên với mẹ.

L muốn gửi đến bạn nào mà ba mẹ đã ly hôn hoặc chuẩn bị ly hôn rằng: Đừng tự ti gì hết. Bởi chuyện đó do ba mẹ bạn quyết định chứ không phải do bạn gây ra. Các bạn nên chấp nhận và cố gắng thích nghi. Đừng buồn quá sẽ dẫn đến trầm cảm. Ba mẹ biết sẽ xót xa.

CỐ LÊN!

Thủ thỉ chuyện gia đình: Ở với ba hay ở với mẹ? - Ảnh 11.
NGUYỄN TÚ - Phóng viên nhí MỸ UYÊN
MINH HUY
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Rate this item
(0 votes)
  • Last modified on Thứ hai, 28 Tháng 8 2023 13:19
  • font size
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.