Dạy trẻ cách tiêu tiền lì xì tết Featured

PNO - Theo tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, ba mẹ nên biết cách ứng xử để trẻ sử dụng số tiền lì xì hàng năm một cách hợp lý; vì điều đó liên quan đến việc dạy trẻ về giá trị tiền bạc, cách tiêu tiền, tiết kiệm tiền, cách đối nhân xử thế đối với người lì xì cho trẻ.

Dạy trẻ cách tiêu tiền lì xì hợp lý để trẻ hiểu về giá trị đồng tiền (Ảnh minh họa)

Việc đầu tiên ba mẹ cần làm là trao đổi với trẻ về tiền lì xì, nhất là với trẻ từ 3 tuổi trở lên. Tùy theo sự trưởng thành của trẻ mà ba mẹ sẽ quyết định nên giữ hay trao quyền giữ tiền cho trẻ. Không phải cứ trẻ học cấp I là còn nhỏ, học cấp II là trưởng thành mà phụ thuộc vào việc trẻ có ý thức sử dụng số tiền lì xì đó như thế nào. Có những trẻ chỉ 6 tuổi đã tự quản lý tiền lì xì của mình, nhưng có trẻ đã học cấp II vẫn không biết cách sử dụng tiền.

Dù ở độ tuổi nào, nếu trẻ biết bỏ ống heo để dành mua quần áo, sách vở; mua những món có ý nghĩa thì ba mẹ nên khuyến khích và cho trẻ giữ tiền. Nên dạy thêm cho trẻ cách phân bổ số tiền đó vào các những hạng mục nào, ví dụ có thể phân làm 3 phần: một phần để mua sắm vật dụng thiết yếu trẻ cần, một phần tiết kiệm (nên giải thích phương thức tiết kiệm là bỏ ống heo hay gửi ngân hàng, nếu gửi ngân hàng lợi nhuận mỗi tháng bao nhiêu…); phần còn lại để dành sẻ chia với các bạn thiếu may mắn khác, mua quà sinh nhật cho người thân… Từ số tiền trẻ đang có, hãy thảo luận với trẻ và đặt ra mục tiêu tiếp tục tiết kiệm trong thời gian tới để trẻ có thể mua vài món đồ tùy ý trong một giới hạn nào đó; học một vài khóa học mà trẻ yêu thích. Điều này giúp trẻ có động lực tiết kiệm, hướng tới một mục tiêu nào đó có thể thực hiện trong tương lai gần.

Còn nếu trẻ không biết tiết kiệm, không biết bỏ ống heo, sử dụng tiền để mua linh tinh thì ba mẹ cần giải thích tiền lì xì đó là tiền lao động của người thân, của ông bà, không phải tự nhiên mà có, trẻ lãng phí là không được.

 

Ba mẹ tuyệt đối không tự ý giữ tiền lì xì của con mà không giải thích, vì trẻ sẽ buồn, bất bình và có thể sẽ phản ứng tiêu cực. Trẻ nhỏ thì ấm ức, khó chịu; trẻ lớn có thể sẽ có những hành vi không phục vì nghĩ rằng người khác lì xì cho mình là tiền của mình, không phải tiền của ba mẹ. Từ đó, trẻ sẽ có thể không phục nhiều chuyện khác, những hành vi khác của ba mẹ. Rất nhiều ba mẹ xung đột mạnh với con chỉ vì tự ý giữ tiền lì xì.

Nếu ba mẹ giữ tiền lì xì của trẻ, trước hết phải cho trẻ thống kê năm nay trẻ được lì xì bao nhiêu tiền. Sau đó phải ghi rõ vào sổ sách số tiền mà ba mẹ sẽ bảo quản, giữ gìn giúp trẻ. Nếu ba mẹ đem tiền này gửi ngân hàng thì nên lập một quyển sổ riêng đứng tên trẻ, giúp trẻ có cảm giác sở hữu. Khi có thêm tiền gửi vào thì nên cho trẻ xem số dư để trẻ biết mình đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Giả sử nếu trẻ đòi mua quần áo, giày dép, đồ chơi thì ba mẹ có thể trừ vào số tiền lì xì đó; nhưng cũng phải ghi rõ đã trừ bao nhiêu, còn lại bao nhiêu. Như vậy trẻ sẽ thoải mái, sung sướng, thấy mình được người lớn tôn trọng, thấy được việc mua đồ từ tiền của mình, trẻ sẽ biết tiết kiệm, đắn đo khi chi tiêu số tiền này; đồng thời giúp trẻ biết ý nghĩa, giá trị của đồng tiền hơn là ba mẹ giữ số tiền này để tiêu xài vào việc riêng rồi lấy tiền của mình mua đồ cho trẻ.

Có một số trẻ có tâm lý giấu tiền lì xì để dùng vào các việc riêng. Nguyên nhân là do trẻ có những khoản chi tiêu trẻ muốn mà ba mẹ không cho; song phần lớn là do trẻ thấy ba mẹ không rõ ràng, minh bạch về tiền lì xì, sợ ba mẹ tịch thu hết. Phụ huynh cần minh bạch, rõ ràng với trẻ để hạn chế đối đa việc trẻ giấu tiền lì xì để sử dụng riêng. Nếu ba mẹ cư xử rõ ràng với trẻ, trẻ sẽ cư xử chính trực chứ không giấu giếm.

Trong trường hợp trẻ giấu tiền lì xì xuất phát từ nhu cầu của trẻ như mua bánh, thẻ game, mua đồ chơi độc hại… thì ba mẹ cần bình tĩnh và lắng nghe trẻ. Nên hỏi trẻ lý do vì sao chi tiêu vào sản phẩm đó, hỏi trẻ có thấy việc tiêu tiền vào sản phẩm đó là đúng hay lãng phí. Cần cho trẻ được bày tỏ lý do, cảm xúc khi mua những sản phẩm đó. Một khi ba mẹ đặt câu hỏi và để trẻ tự nhận ra vấn đề, lần sau trẻ sẽ sửa đổi. Ngược lại, cứ áp đặt trẻ chi tiêu như vậy là sai, la mắng, trách phạt thì trẻ sẽ không phục và tình trạng giấu tiền lì xì để dùng vào việc riêng sẽ còn lặp lại.

uyệt đối không dùng những câu như “Con có biết nếu con tiêu số tiền đó thì sẽ thiếu tiền mua đồ ăn cho gia đình” vì sẽ tạo áp lực và cảm giác tội lỗi cho trẻ, nhất là trẻ nhạy cảm. Hãy nói với trẻ nếu lần sau có mua gì thì nên trao đổi với ba mẹ, nói cho trẻ biết rằng ba mẹ sẵng lòng ủng hộ vì đó là tiền lì xì của trẻ. "Ngày nay, trẻ có thể mua bất cứ thứ gì bằng một nút bấm thì việc kiểm soát quá mức tiền lì xì của trẻ là tước đi cơ hội để trẻ học hỏi về cách dùng tiền, mất cơ hội thực hành khi có số tiền lớn" - tiến sĩ Phạm Thị Thúy nói.

Thanh Hoa

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/day-tre-cach-tieu-tien-li-xi-tet-a1482418.html

Rate this item
(0 votes)
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.