Hãy lan tỏa tâm yêu thương Featured

Câu chuyện ở một trường quốc tế vài ngày qua lại thêm lần nữa khiến cộng đồng xã hội bàn luận về bạo lực học đường. Nhiều năm qua, bao vụ việc bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh, giữa thầy cô với học trò, giữa phụ huynh với giáo viên đã và đang diễn ra với xu hướng ngày càng tăng.
 

Đặc biệt, qua hơn 2 năm dịch Covid-19 ảnh hưởng từ đời sống người dân đến những khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến, học đan xen giữa trực tiếp và trực tuyến… càng có nguy cơ kích hoạt những cảm xúc tiêu cực trong mỗi gia đình, cộng đồng. Bạo lực trong suy nghĩ, trong cảm xúc, trong hành động đang âm thầm gặm nhấm đời sống tinh thần của một bộ phận người dân, nhất là nhóm yếu thế, nhóm nhạy cảm.

Các em học sinh tuổi vị thành niên là nhóm nhạy cảm với những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì cộng với những thay đổi trong gia đình, trường học, xã hội tại bối cảnh hậu Covid-19 làm gia tăng những xung động, mâu thuẫn bên trong và bên ngoài của các em.

Bạo lực học đường còn đến từ nhiều nguyên nhân phức tạp khác như từ ảnh hưởng của môi trường gia đình và môi trường trường học. Nếu trong gia đình có cách ứng xử bạo lực, sẽ ảnh hưởng lên cảm xúc suy nghĩ hành vi của các em: bắt chước, lây lan cảm xúc tiêu cực, “giận cá chém thớt”, sự bế tắc, bất lực… có thể khiến các em trút bạo lực lên bạn bè. Nếu trong lớp học, giáo viên có thái độ hành vi bạo lực lên học trò, cách dạy học không phù hợp, không khí lớp học tiêu cực, gây áp lực thành tích… khiến các em chán học, có hành vi quậy phá chống đối, gây mâu thuẫn trong các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, từ đó phát sinh bạo lực…

Từ thực trạng bạo lực học đường đã ở mức báo động đỏ và những nguyên nhân tạm nhận diện ở trên, mỗi chúng ta suy nghĩ bình luận gì về vai trò của chính mình? Chúng ta sẽ đóng góp gì đây trong việc chung tay giảm thiểu nỗi đau chung này?

Với cha mẹ, chúng ta hãy giúp con mình phòng ngừa bạo lực ngay từ hôm nay bằng cách tạo tổ ấm yêu thương, nơi không có bạo lực thể chất và cả tinh thần giữa các thành viên, nơi có sự lắng nghe, sự tôn trọng và sự trao đổi hai chiều bình đẳng giữa cha mẹ và con cái. Trẻ không còn bị đối xử bạo lực, không còn bị la mắng, đánh đập, áp đặt, kiểm soát… trẻ sẽ tự tin, vui vẻ với mọi người xung quanh, bớt đi những bùng nổ cảm xúc tiêu cực với bạn bè, với người lớn. Trẻ chỉ học được hành vi phi bạo lực từ chính cách người thương yêu trong gia đình đối xử với trẻ phi bạo lực.

Với thầy cô, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng từng giờ giảng hạnh phúc, từng lớp học, trường học hạnh phúc. Nơi đó có nụ cười, có những trò chơi, có những hoạt động trải nghiệm giúp học mà chơi, chơi mà học, tạo cơ hội cho trẻ tham gia tích cực kiến tạo nên kiến thức, kỹ năng hữu ích, cho trẻ được sáng tạo, được kết nối thêm hiểu mình hiểu bạn… Sức mạnh của tuổi trẻ được thỏa chí thể hiện trong các hoạt động hữu ích trên lớp, trong trường để rèn luyện kỹ năng, gia tăng kiến thức, nâng cao năng lực tư duy chuẩn bị cho một tương lai bất định nhiều cơ hội và nhiều thách thức sắp tới.

Với mỗi người lớn, chúng ta xin hãy dừng những suy nghĩ, lời nói hành vi bạo lực ở bất cứ đâu, trên mạng xã hội, ở nhà, ở ngoài đường…, nhất là trước mặt trẻ. Mỗi khi chúng ta có bất cứ một biểu hiện bạo lực nào, dù chỉ là suy nghĩ hay lời nói, đều đang ảnh hưởng ngay lập tức tới con trẻ xung quanh mình. Khi người lớn còn cãi nhau trên mạng, còn cãi nhau, đánh chửi nhau ngoài quán nhậu, trên đường đi… thì chúng ta không thể mong trẻ ngưng bạo lực.

Người lớn chúng ta hãy thay đổi trước khi muốn trẻ thay đổi. Hãy lan tỏa suy nghĩ, cảm xúc, hành vi thiện với tâm yêu thương, phi bạo lực, không gây hại… Khi đó chúng ta sẽ dần cảm hóa những ai còn bạo lực quanh ta. Xã hội không bạo lực khi chính mỗi người chúng ta nói không với bạo lực!

Hãy lên tiếng ôn hòa phản đối mọi dạng bạo lực trong gia đình, nơi hàng xóm, trong lớp học, ngoài cộng đồng, trên mạng xã hội… để chúng ta nhắc nhau cư xử tử tế, yêu thương.

TS PHẠM THỊ THÚY

 

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/hay-lan-toa-tam-yeu-thuong-817364.html

Rate this item
(0 votes)
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.