Những người kết nối yêu thương Featured

LTS: Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, chuyên gia tâm lý - TS Phạm Thị Thúy gửi đến bạn đọc Báo SGGP những cảm nhận về phụ nữ hiện đại. Đó là những người kết nối yêu thương và cũng cần được nửa còn lại và xã hội trân trọng hơn. Xin giới thiệu đến quý độc giả bài viết trên.
 

Nói đến xã hội văn minh hiện đại, người ta thường nói đến sự phát triển của khoa học công nghệ, đời sống vật chất sung túc, công việc bận rộn… Nhưng hơn 2 năm qua, khi sống chung với dịch bệnh Covid-19, chúng ta biết mình cần một xã hội văn minh hiện đại thực sự phải là xã hội văn minh về tinh thần.

Con người cần bớt phát triển theo hướng văn minh vật chất lại, về với thiên nhiên nhiều hơn, về với gia đình nhiều hơn, gần nhau nhiều hơn, có thời gian cho chính mình nhiều hơn, tìm về bên trong bình an của mình nhiều hơn… Nghĩ về một xã hội hiện đại là như vậy, chúng ta cũng suy ngẫm về vai trò của phụ nữ thời nay cần như thế nào?

Nếu ngày xưa vai trò của phụ nữ là nội trợ, chăm lo gia đình con cái, thời hiện đại tiền Covid-19, phụ nữ đảm nhiệm thêm nhiều vai trò ngoài xã hội như nam giới. Họ bận rộn hơn với “hai giỏi”, cần đảm cả việc nhà, đảm cả việc nước, họ mệt mỏi với ngày càng nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ…

Nhưng thời hậu Covid-19, theo tôi, phụ nữ sẽ có vai trò tạo dựng hạnh phúc cho họ và những người họ yêu thương. Dù ở trong nhà hay ngoài xã hội, họ cũng sẽ là “người kết nối yêu thương”. Xã hội văn minh tinh thần sẽ cần những phụ nữ có vai trò như thế.

Những người kết nối yêu thương  ảnh 1Hạnh phúc từ sự trân trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình

Để đảm nhiệm được vai trò “người kết nối yêu thương”, họ cần dám vượt qua những định kiến của cả xã hội cũ và xã hội văn minh vật chất, vươn lên sống với sự lựa chọn con đường hạnh phúc riêng của mình, không phải phụ thuộc vào một định hướng của cha mẹ, người thân hay dư luận xã hội…

Họ sẽ là những phụ nữ có học, có hiểu biết, có ý chí tiến thủ nên đủ sáng suốt để tự đi trên đôi chân của mình. Họ sẽ đủ bình an để không bị cuốn theo danh vọng địa vị xã hội, không bị đàn ông chỉ coi là thú mua vui mà đàn ông phải chinh phục họ nếu muốn họ yêu thương với sự tôn trọng…

Phụ nữ thời văn minh tinh thần này sẽ không chấp nhận đàn ông bạo lực, coi thường họ. Họ coi trọng gia đình, dành thời gian chăm sóc nuôi dạy con cái, xây dựng tổ ấm… nhưng không quên sự tự do cá nhân, làm những gì yêu thích, đam mê để cống hiến những giá trị tri thức cho cộng đồng.

Họ làm việc hăng say nơi công sở để không ai có thể coi thường họ là phụ nữ mềm yếu. Phụ nữ thời này sẽ sống mạnh mẽ là chính mình, sống với đam mê của bản thân, nhưng không quên coi trọng sức khỏe thể chất và tinh thần của mình và của mọi người họ yêu thương…

Phụ nữ thời hậu Covid-19, nếu có cơ hội thể hiện vai trò trên, gia đình và xã hội sẽ được hưởng lợi rất lớn. Sẽ không còn những gia đình thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người vợ, người mẹ mà sẽ là những gia đình hạnh phúc có phụ nữ nâng niu, nếu họ quyết định kết hôn vì chính họ muốn thế. Sẽ không còn những đứa trẻ được sinh ra do phụ nữ bị ép buộc, thiếu chuẩn bị trước tâm lý nuôi con mà sẽ là những đứa trẻ được sinh ra từ tình yêu thương, từ sự lựa chọn sinh của chính người mẹ…

Sẽ không còn những công sở cần ưu tiên phụ nữ hay đấu tranh cho bình đẳng giới nữa, mà thay vào đó là bầu không khí làm việc an toàn và tạo động lực cho mọi giới cùng phát triển… Sẽ không còn chiến tranh nếu những đứa trẻ được sinh ra trong yêu thương của người mẹ, những người chồng người vợ biết yêu thương nhau. Khi đó, họ sẽ không tạo nên những cuộc chiến gây thương vong cho người khác…

"Để phụ nữ phát huy được vai trò kết nối yêu thương, việc đầu tiên cần sự thay đổi tư duy về phụ nữ. Phụ nữ không cần được ưu tiên, phụ nữ cần được yêu thương và tôn trọng"

Có thể nói, một xã hội có văn minh tinh thần hay không chính là nhờ xã hội đó có tôn trọng phụ nữ cùng mọi giới bình đẳng không. Phụ nữ có được là chính mình, được tự do lựa chọn học cao đến đâu theo khả năng của họ, lập gia đình hay không theo thôi thúc bằng tình yêu trong họ, có hay không cơ hội công bằng trong phấn đấu phát triển sự nghiệp…

Xã hội sẽ hạnh phúc nếu mọi người tạo cơ hội cho phụ nữ hạnh phúc. Phụ nữ sẽ tạo dựng hạnh phúc gấp nhiều lần hơn cái mà họ được hưởng. Đàn ông muốn sống vui vẻ hãy làm cho phụ nữ vui vẻ. Công sở tôn trọng phụ nữ sẽ gia tăng hiệu quả năng suất làm việc. Trường học nơi trẻ em gái được yêu thương công bằng với trẻ em trai sẽ có những lớp học hạnh phúc…

Từ trong mỗi gia đình, trường học đến nơi công sở, ngoài xã hội, nếu chúng ta không còn phân biệt đối xử, nếu chúng ta ý thức được chính chúng ta cần một xã hội văn minh tinh thần thì hãy trao quyền yêu thương cho phụ nữ. Hãy để phụ nữ cùng mọi người tạo nên một xã hội đáng sống.

Thời dịch bệnh Covid-19 đã dạy chúng ta trân trọng nhau hơn, cuộc sống là quý giá và ngắn ngủi, hãy sống từng ngày trọn vẹn bên nhau. Và bắt đầu từ trân trọng phụ nữ…

Tiến sĩ tâm lý PHẠM THỊ THÚY

 

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nhung-nguoi-ket-noi-yeu-thuong-797797.html?fbclid=IwAR3qS3pvy2-TXCJjSlhZWt8Yg5XKOWMs_aZSG5vuOkM862YZQjJrO1-iZLU

Rate this item
(0 votes)
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.