Những ngày qua, tôi được nghe nhiều câu chuyện đau lòng từ công việc tham vấn online. Có trường hợp ông bà, cha mẹ đã 2 năm nay không gặp được con cháu do dịch bệnh; cháu nhớ ông bà, con nhớ cha mẹ chỉ có thể gọi điện thoại video, nhìn nhau qua màn hình nhỏ; khi ốm đau cũng giấu nhau, tự lo.
Có trường hợp cha mẹ già khi lâm bệnh mà không đưa đi bệnh viện vì sợ lây bệnh, vì con cháu không thể vào chăm nom, đành chăm sóc, điều trị tại nhà. Nhiều người do không được chữa trị kịp thời nên đã ra đi trong vòng tay con cháu. Vậy mà vẫn còn được cho là may, vì lúc giã từ cõi đời còn có người thân bên cạnh. Trong khi có trường hợp cả nhà mắc Covid-19, mỗi người cách ly một nơi. Đến khi cha mẹ mất không có ai thân thích bên cạnh.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay, việc lo chu toàn cho cha mẹ già khi đau ốm, khi chia ly thật sự là một thử thách. Nên làm tròn chữ hiếu cũng phải linh hoạt và thích nghi với tình hình mới. Việc cần làm ngay, là con cháu chung sống một nhà với ông bà, cha mẹ cần thực hiện 5K triệt để, bởi những người lớn tuổi, có bệnh nền, nếu mắc Covid-19 rất dễ chuyển nặng.
Còn con cháu ở xa, thì cần thường xuyên điện thoại hỏi thăm, chuyện trò không chỉ để cha mẹ yên tâm, mà đó còn là dịp kết nối tình thân. Nếu có thể, con cái cũng nên sắp xếp ai đó thân quen gần nhà qua lại trông nom cha mẹ già, bởi nhiều khi sợ con cái lo lắng mà cha mẹ thường giấu bệnh. Khi cuộc sống càng mong manh, con người càng cần quay về với những người thân yêu, cần tình làng nghĩa xóm.
Con cháu chú ý giữ nếp sinh hoạt lành mạnh, tránh ảnh hưởng đến người già vốn ăn khó, ngủ khó. Nếu cha mẹ bệnh, chúng ta cần có thuốc men dự trữ và nhanh chóng kết nối với các kênh online tư vấn miễn phí của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để kịp thời giúp bố mẹ vượt qua.
Hãy tận dụng các kênh thông tin chính thống, từ chính quyền địa phương để được giúp đỡ khi cần thiết. Và nếu không may cha mẹ qua đời, dù ở nhà hay ở khu cách ly, bệnh viện rất cần chúng ta bình tĩnh, liên hệ với các cơ quan chức năng giúp việc mai táng nhanh chóng, tránh phát tán mầm bệnh.
Con cái khỏe mạnh, an toàn, sống hạnh phúc mới là điều mọi bậc làm cha làm mẹ đều mong muốn. Tình cảm của con cháu hướng về ông bà, cha mẹ, cầu mong người thân ra đi bình an, quan trọng hơn là các thủ tục ma chay như thời chưa dịch, càng không phải lúc lo chữ hiếu mà để con cháu lây dịch bệnh gây nguy hiểm cho gia đình và cho cộng đồng. Vậy nên, chúng ta hãy hiểu đúng về chữ hiếu để chu đáo với cha mẹ già trong hoàn cảnh, khả năng hiện có của mình, của xã hội.
TS PHẠM THỊ THÚY
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/chu-hieu-thoi-dich-benh-755711.html?fbclid=IwAR2sFdNQu_GV1II5Ht4L_WNkogl9Lf3zeyb3RO-_M4z15ua_gpykKZiBDl0