Bộ Thông tin - Truyền thông vừa có Quyết định số 874 về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử mạng xã hội (QTUX MXH), áp dụng với cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, cá nhân sử dụng MXH và nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam. Ngay khi ra đời, Bộ QTUX này đã nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia về vai trò, tính quan trọng, cần thiết.
Bộ quy tắc ứng xử mạng xã hội sẽ tác động thay đổi thói quen, hành vi của người sử dụng mạng xã hội, nhất là đối tượng học sinh (ảnh minh họa)
Dù là không gian ảo cũng phải có chuẩn mực
Bộ QTUX hướng tới xây dựng chuẩn mực về đạo đức, hành vi ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng; tạo điều kiện phát triển lành mạnh MXH tại Việt Nam; đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh; không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước; phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Bộ QTUX đặt ra 4 QTUX chung cho người sử dụng: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Lành mạnh; An toàn, bảo mật thông tin và Trách nhiệm. Đồng thời, khuyến khích người dùng mạng nên sử dụng họ, tên thật của cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng MXH. Các tổ chức, cá nhân chia sẻ thông tin dựa trên nguyên tắc có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải các nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không sử dụng ngôn ngữ nhạy cảm vi phạm thuần phong mỹ tục, tung tin giả, sai sự thật, quảng bá kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Khuyến khích sử dụng MXH để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt việc tốt; vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng MXH một cách an toàn, lành mạnh.
Đặc biệt, Bộ QTUX đặt ra QTUX cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ MXH, trong đó yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ MXH phải hướng dẫn người sử dụng MXH, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của “người yếu thế” trong xã hội (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, trẻ vị thành niên, người khuyết tật...), sử dụng MXH an toàn, lành mạnh, nhằm tránh bị khai thác, lạm dụng, bạo lực về tinh thần trên MXH; có biện pháp để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên MXH theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Là một chuyên gia tư vấn tâm lý học đường tại một trường THCS ở TP.HCM, cô L.B.H chia sẻ, những mâu thuẫn học đường, bạo lực học đường, thậm chí là mâu thuẫn giữa gia đình - nhà trường đa phần đều bắt nguồn từ MXH. Học sinh tìm đến MXH để thể hiện cái tôi, phụ huynh tìm đến MXH để “đấu tố thầy cô, nhà trường”.
“Bộ QTUX tạo điều kiện để mỗi người tự hoàn thiện cách thức sử dụng MXH một cách thông minh, có văn hóa, lành mạnh. Đặc biệt là sẽ tác động mạnh mẽ đến thói quen, hành vi sử dụng MXH của đối tượng người trẻ, đối tượng học sinh, sinh viên, giúp các em tận dụng MXH một cách thông minh, hạn chế tình trạng bạo lực học đường, bắt nạt học đường từ MXH”, cô B.H nói.
Đứng ở góc độ nhà quản lý giáo dục, ThS. Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du - nhận định, khi giáo dục đang tiến tới giáo dục thông minh, chuyển đổi số, cả thầy và trò đều tận dụng MXH ứng dụng trong học tập, kết nối thì Bộ QTUX MXH đưa ra sẽ tạo thêm sự an tâm để phát huy thế mạnh của MXH trong giáo dục. Đồng thời, dựa vào Bộ QTUX được Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành, nhà trường sẽ khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh sử dụng MXH một cách có định hướng, hiệu quả.
Hãy lành mạnh hóa không gian mạng của chính mình
Nhìn lại hành trình 12 năm sử dụng MXH (Facebook), TS. xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia (phân viện tại TP.HCM) - đánh giá cao ảnh hưởng của MXH đến người dùng khi tạo ra môi trường giao lưu, chia sẻ, kết nối các cộng đồng với nhau.
Dù vậy, TS. Thúy nhìn nhận, MXH cũng có những mặt tiêu cực, phản cảm khi nhiều người dùng lợi dụng để bán hàng không rõ nguồn gốc; đăng tải những bài viết mượn một vấn đề nào đó để phê phán nhục mạ cá nhân, tổ chức, kích động bạo lực, thù hằn; lừa đảo, ném đá giấu tay… gây tác động xấu đến những người chưa đủ kiến thức, niềm tin. Không nhìn đâu xa, ngay trong mảng giáo dục cũng có tình trạng lợi dụng MXH đăng bán những khóa học online theo kiểu kinh doanh đa cấp, nhóm kín mà không có ai kiểm chứng về chất lượng để lôi kéo phụ huynh học sinh theo học. Thị trường MXH khốc liệt đến mức đôi khi chỉ những ai đủ tỉnh táo, trình độ và sự chọn lọc thì mới tránh được những thông tin xấu, độc, nhất là khi hiện nay ngày càng đông người đang tìm niềm vui trên MXH nhiều hơn thế giới thực...
Trước thực tế này, TS. Thúy cho rằng, Bộ QTUX MXH ra đời là hết sức cần thiết để có sự điều phối, tạo ra khung, hành lang “chuẩn, chỉnh” trong giao tiếp, ứng xử trên MXH; để đảm bảo quyền của người dân trên nguyên tắc “tự do của người này nhưng không thể vi phạm quyền tự do của người khác”. Từ chính các quy tắc chung khi sử dụng MXH như tôn trọng, lành mạnh, an ninh, trách nhiệm và các quy tắc riêng cho từng nhóm đối tượng mà Bộ QTUX đặt ra sẽ giúp mỗi người tự soi rọi vào đó, biết được rằng đâu là ranh giới của những ứng xử phù hợp. Song, các quy tắc đặt ra trong Bộ QTUX không có nghĩa là để đo lường, áp đặt, bóp nghẹt sự sáng tạo, tự do cá nhân mà là để định hướng người dùng, hướng tới lành mạnh môi trường mạng trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Tiến tới lành mạnh hóa môi trường mạng, TS. Thúy cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý là phổ biến, tuyên truyền để mỗi người dân hiểu hơn về Luật An ninh mạng, về Bộ QTUX MXH. Hãy bắt đầu từ trong giới trẻ, từ trong mỗi trường học, trong mỗi gia đình. Chính các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh sẽ là người học cách sử dụng MXH một cách văn minh để chia sẻ, dạy lại cho các em.
“Để tạo ra môi trường MXH lành mạnh đúng như kỳ vọng của Bộ QTUX, mỗi cá nhân sử dụng MXH phải tự lành mạnh hóa không gian mạng của mình, tự ý thức hình thành văn hóa sử dụng MXH của mình; qua đó tiến tới góp phần lành mạnh hóa cả cộng đồng mạng. Mỗi người tự trồng thêm hoa thơm để cỏ dại bớt mọc, nhiều hành vi ứng xử đẹp, câu chuyện đẹp được chia sẻ thì những cái xấu cũng sẽ từng bước bị triệt tiêu”, TS. Thúy nhấn mạnh.
Nam Định
Nguồn: https://www.giaoduc.edu.vn/can-thiet-khi-bo-quy-tac-ung-xu-mang-xa-hoi-di-vao-doi-song-2021-2021.htm