Đây là một trong những quan điểm chủ đạo tại buổi tọa đàm “Yêu thương đúng cách - Cho con là chính mình” diễn ra ngày 24.10 tại Đường sách TP.HCM. Chương trình có sự tham gia của nhiều chuyên gia viết nhiều sách về nuôi dạy trẻ.
“Thực sự yêu thương ai đó tại sao lại bắt họ theo ý mình?
Trong buổi tọa đàm, tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện tại TP.HCM, cho rằng hiện nay có rất nhiều bậc phụ huynh thương con nhưng vô tình làm hại con do thương con chưa đúng cách. Các bậc phụ huynh thường bắt các con phải phát triển theo ý mình.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy chia sẻ: “Các bố mẹ hay bắt con theo ý mình, dù bố mẹ có vẻ đúng nhưng đôi khi nó không phù hợp với đứa trẻ. Vì mỗi trẻ đều có một ước mơ, nhu cầu, năng lực và có kế hoạch cho nhu cầu cuộc sống riêng... nhưng chúng ta cứ vẽ cho trẻ con đường, muốn trẻ làm theo ý chúng ta. Những điều ta nói với trẻ có thể là chuẩn nhưng chuẩn và phù hợp là hai việc khác nhau. Để biết phù hợp hay không chúng ta cần lắm nghe, quan sát, thấu hiểu đứa trẻ nhiều hơn”.
Nữ tiến sĩ cho rằng việc gò ép con đôi khi dẫn đến nhiều tác hại, khiến trẻ kiêu ngạo, ảo tưởng vào bản thân hoặc sống trong một khuôn khổ bị gò ép khiến trẻ gặp nhiều vấn đề khi đối mặt với xã hội.
Thông điệp 'Cho con được là chính mình' là mong muốn, khát khao mà tôi muốn trao tặng các bậc cha mẹ, vì chính tôi đã phải vùng vẫy để có được điều đó cho chính mình
Nữ tiến sĩ cho rằng một đứa trẻ khi được là chính mình sẽ biết nên làm gì và không nên làm gì. Chúng sẽ vui vẻ, hạnh phúc trong gia đình, và sẽ không quá kiêu ngạo hay tự ti, mặc cảm khi ra ngoài xã hội. "Tự tin được là chính mình giúp trẻ tự hiểu bản thân hơn, sống dựa trên giá trị riêng của bản thân, từ đó hình thành những yếu tố giúp vượt qua mọi sóng gió", tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhấn mạnh.
“Nếu chúng ta thực sự yêu thương ai đó tại sao chúng ta lại bắt họ theo ý mình? Thông điệp 'Cho con được là chính mình' là mong muốn, khát khao mà tôi muốn trao tặng các bậc cha mẹ, vì chính tôi đã phải vùng vẫy để có được điều đó cho chính mình”, nữ tiến sĩ bày tỏ.
Các chuyên gia trao đổi tại buổi tọa đàm
|
Nhìn thật kỹ con mình
Cũng trong buổi tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, người đã viết sách viết về nuôi dạy con và có trải nghiệm thực tế từ công việc giáo dục, cho rằng mỗi trẻ là mỗi cá thể khác nhau, cách thức nuôi dạy vì vậy cũng khác nhau, cách dạy có thể khác tuy nhiên nguyên tắc chung thì không khác.
“Nguyên tắc đầu tiên là tôn trọng trẻ như là trẻ vốn dĩ. Đừng nhìn và so sánh với con nhà người khác, chỉ nhìn con mình thôi. Nhìn thật kỹ con mình, quan sát để biết điểm mạnh, điểm yếu, sở thích, khó khăn của con là gì. Mỗi trẻ có nhịp độ phát triển nhanh - chậm khác nhau”, tiến sĩ Huyền chia sẻ.
Về nguyên tắc thứ hai, tiến sĩ Huyền cho rằng: “Đó là kiên trì và nhẫn nại bằng tất cả sự bao dung. Quyền của trẻ con là được sai, quyền được phạm lỗi và trẻ học được những bài học từ những lỗi lầm. Do đó, mình phải sửa hành vi của con nhưng mình phải sửa bằng tất cả sự tử tế và bao dung của mình. Dù khi sai con vẫn được yêu thương, thông điệp về việc con làm không đúng vẫn được truyền tới trẻ nhưng không phải vì con làm không đúng mà mẹ/cô bớt yêu thương con”.
Tiến sĩ Huyền cho rằng phụ huynh nên bao dung với trẻ nhiều hơn, nhẫn nại đồng hành cùng con sửa chữa những lỗi lầm.
Đến dự buổi tọa đàm, chị Trân, giáo viên dạy tiếng Nhật, cho biết: “Mình có thêm nhiều hiểu biết hơn cho việc nuôi dạy trẻ. Mình rút ra được rằng mỗi đứa trẻ đều có một tính cách riêng, nên tôn trọng cá tính riêng, kiên nhẫn lắng nghe trẻ và tìm cách nuôi dạy phù hợp, thương con hãy để con đươc là chính mình. Những điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của trẻ”.