Khi con thương một ai, đó là bình thường Featured

TTO - Có rất nhiều phụ huynh 'bàng hoàng' khi phát hiện con mình (mới học lớp 8) đã biết yêu. Vì không giữ bình tĩnh, họ nên đã nôn nóng cấm đoán, tạo áp lực với con...

Khi con thương một ai, đó là bình thường - Ảnh 1.

Tình yêu đôi lứa luôn thật đẹp - Ảnh: T.T.D.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh không né tránh chuyện tình yêu trong khi trò chuyện với con. Họ hiểu rằng con mình cần được chia sẻ để không bỡ ngỡ, thiếu các kỹ năng ứng xử trong tình cảm thuộc về con người này. 

Vậy nên nói gì với con?

Có rất nhiều phụ huynh "bàng hoàng" khi phát hiện con mình (mới học lớp 8) đã biết yêu. Vì không giữ bình tĩnh nên đã nôn nóng cấm đoán, tạo áp lực với con vì nghĩ rằng yêu tuổi này là điều gì đó rất tồi tệ. 

Trong đầu sẽ ám ảnh rằng con mình sẽ sa đà vào chuyện yêu đương rồi bỏ bê học hành. Có người còn lục lọi khoảng không gian riêng tư của con để tìm "bằng chứng" như thể yêu là một loại... tội phạm của tuổi học trò vậy.

Thực ra, tình yêu tuổi học trò ngày xưa ta cũng từng trải qua, chỉ có điều mình chưa can đảm bằng các bạn nhỏ ngày nay vì lối sống xưa khác. Bạn trẻ hiện đại, tư tưởng và cách sống, thể hiện tình cảm thoáng hơn, chúng ta không thể lấy "kinh nghiệm" của mình hay thời ông bà mình làm thước đo cho cách suy nghĩ, cách sống của các bạn. Thay vì lo lắng, hãy chấp nhận và cho con biết đó là cảm xúc bình thường.

Yêu đúng là cùng tiến

Người ta thường nói yêu một người là phải mang lại hạnh phúc cho người ấy. Với tình yêu tuổi học trò hoặc thời sinh viên chính là cùng tiến. Cả hai phải có kết quả học tập cao lên hoặc cao hơn trước và xem đó là món quà quý nhất dành cho người kia.

Hãy thử tưởng tượng xem người yêu của mình là một cô nàng hoặc anh chàng biết nỗ lực trong học tập để đạt thành tích cao. Có gì hãnh diện hơn khi giới thiệu đây là bạn trai hay bạn gái con, cô ấy là học sinh khá, giỏi... Rồi tự tin với bạn bè, anh ấy hoặc cô ấy đã giúp mình học giỏi văn hơn, hiểu được bài toán mà trước nay mình chưa thông suốt.

Hỗ trợ nhau trong từng thời điểm, từ đó có chất keo gắn bó lâu bền hơn. Tình yêu trước hết phải là tình bạn. Thực ra trong mọi tình cảm, nếu biết lấy gốc tình bạn để ứng xử và phát triển sẽ trở nên tốt đẹp.

Khi con thương một ai, đó là bình thường - Ảnh 2.

Nếu chia tay cũng là bình thường

Thật vậy! Tình yêu cũng như mọi mối quan hệ khác, có hợp có tan theo cách riêng của nó tùy mỗi trường hợp. Không ai muốn việc đi đến kết thúc mối quan hệ với một người mình từng yêu. Nhưng nếu không thể hòa hợp trong cách nghĩ, lối sống, bản thân phải vật vã trong tình cảm đó thì chia tay là một lựa chọn sáng suốt.

Hãy chấp nhận chia tay trong văn minh. Nghĩa là tôn trọng quyết định của người kia ngay cả khi bản thân mình không muốn. Tự hỏi mình yêu họ hay yêu cảm xúc của bản thân? Nếu yêu họ, hãy chấp nhận đề nghị chia tay khi họ đã cương quyết, bởi chắc chắn việc ra đi của họ là cả quá trình. Có thể ta đã cố rồi nhưng họ không thấy hợp, hoặc ta đã chưa thực tốt để họ bình yên ở lại. Cũng có thể họ không tốt để xứng đáng ở lại bên ta...

Nói không với tình dục khi chưa thật sẵn sàng

Quan hệ tình dục trước hôn nhân không còn là chuyện "động trời" như xưa. Nhưng dù vậy thì việc đó cũng không thể là sự miễn cưỡng, mà là một sự sẵn sàng cho - nhận trong niềm vui chung. Tất nhiên là còn phải biết rõ những nguy cơ có thể trong chuyện này để phòng ngừa, để bảo vệ nhau. Đừng để khi đã có chuyện mới tìm cách xử lý thì mọi sự đã muộn mằn rồi. 

Đừng ngại trò chuyện với con về tình yêu

TS xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính tại TP.HCM, nói như vậy khi Tuổi Trẻ trò chuyện với bà xoay quanh việc chia sẻ với con về tình yêu, tình dục...

* Thưa bà, khi nào thì nên nói với con về tình yêu?

- Bất cứ khi nào có cơ hội thì bố mẹ đều có thể nói với con mình về vấn đề này. Thông qua những câu chuyện từ phim, từ sách, hoặc từ chính tình yêu của bố mẹ có thể giúp con hình dung ra và qua đó gửi gắm thông điệp mà mình muốn chia sẻ, định hướng.

Quan trọng nhất là phụ huynh phải mở lòng, chấp nhận tình yêu của con. Từ đó con cái sẽ không giấu giếm mình mà ngược lại còn chia sẻ, cho mình cơ hội được giúp con yêu thương đúng cách.

Đừng ngại trò chuyện với con về tình yêu - Ảnh 3.

TS xã hội học Phạm Thị Thúy

* Như thế nào là yêu thương đúng cách, theo bà?

- Là mối quan hệ đó phải mang lại niềm vui, hạnh phúc, giúp nhau tiến bộ trong cuộc sống, công việc, học tập... Nếu bạn trẻ yêu một ai đó mà khiến bản thân thụt lùi hoặc tụt dốc trong mọi thứ thì phải xem lại người yêu đó có phù hợp, cách yêu của mình có đúng, có lệ thuộc quá nhiều vào mối quan hệ đó. Từ đó tìm cách thoát ra.

Để giúp trẻ yêu đúng cách thì bất cứ khi nào phụ huynh cũng có thể chia sẻ. Ví dụ khi quan sát thấy con ăn mặc không chỉn chu, có thể hài hước nói con ăn mặc vậy bạn trai chê sao; thấy con ăn ngủ thất thường có thể hỏi: như vậy rồi sức khỏe không tốt, da mặt xấu ai mà yêu nữa... Từ ngoại hình đến học hành, đến cách ứng xử đều có thể lấy đối tượng người yêu con ra để giúp con thay đổi tích cực, từ đó con sẽ hoàn thiện bản thân cũng là hoàn thiện mình trong mối quan hệ tình cảm mà con đang có.

* Có một thực trạng là người trẻ bây giờ quan hệ tình dục sớm trước hôn nhân, phụ huynh cần làm gì...?

- Tôi nghĩ bố mẹ không nên quá lo lắng về vấn đề này. Thay vì lo lắng rồi cấm đoán - nguyên nhân làm trẻ tò mò thêm - thì hãy trang bị kiến thức cho con. Trong tủ sách gia đình tôi luôn có các đầu sách như Cẩm nang con trai, Cẩm nang con gái, Những điều bí mật con muốn biết... Khuyến khích con đọc để biết, để hiểu, từ đó có ứng xử phù hợp.

Thêm nữa, bố mẹ cần xây dựng cho con mục tiêu học tập, mục tiêu trong cuộc sống để con không sa đà vào quan hệ nam nữ. Khi con có mục tiêu sống tốt đẹp, lành mạnh sẽ không còn lệ thuộc vào việc kia, từ đó phát triển đúng lứa tuổi của mình.

Không khí gia đình cũng quan trọng không kém. Trong nhiều ca tham vấn, tôi nhận ra những người trẻ lao vào tình dục nhiều đều có nguyên nhân từ gia đình rạn nứt, các bạn thiếu thốn tình cảm nên sa đà vào quan hệ nam nữ để khỏa lấp. Đây là một điều mà bố mẹ phải hết sức lưu tâm, để không đổ lỗi rằng con hư mà không thấy trách nhiệm của chính mình...

TẤN KHÔI thực hiện
 
Rate this item
(0 votes)
  • Last modified on Thứ ba, 09 Tháng 6 2020 15:08
  • font size
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.