Ghét ai thì bầu người đó làm lớp trưởng ! Featured

Bằng mọi cách 'phá đám' để không phải làm lớp trưởng vì sợ bị tẩy chay, hoặc không thích ai thì bầu người đó làm lớp trưởng để cho bạn bè ghét... là thực tế đang diễn ra trong các trường học.
Một lớp trưởng điều hành các bạn trong tiết học thể dục (Ảnh có tính chất minh họa) /// Ảnh: Ngọc Dương 
Một lớp trưởng điều hành các bạn trong tiết học thể dục (Ảnh có tính chất minh họa)
Ảnh: Ngọc Dương
 

Bầu làm lớp trưởng cho bõ ghét !

Trong hoạt động của mỗi lớp học hiện nay, lớp trưởng đóng vai trò quan trọng cùng với giáo viên chủ nhiệm trong việc xây dựng, ổn định nền nếp sinh hoạt, học tập của các thành viên trong lớp. Vậy nhưng trong thực tế đã phát sinh những áp lực, căng thẳng đã khiến học sinh (HS) e ngại, từ chối không muốn làm công việc này.
Với kết quả học tập tốt và được nhận xét nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào trong hồ sơ tiểu học nên vào đầu năm học lớp 6, K.A, HS một trường THCS tại Q.1 (TP.HCM), được thầy chủ nhiệm đề cử và các bạn trong lớp ủng hộ nhận nhiệm vụ lớp trưởng. Tuy nhiên, sau 2 tháng, theo lời kể của phụ huynh, K.A tâm sự với mẹ: “Mai con lên xin thầy chủ nhiệm cho con nghỉ làm lớp trưởng chứ con thấy mệt mỏi quá. Các bạn vi phạm, con nhắc nhở thì bị các bạn ghét mà nếu con “lơ” đi thì con bị thầy la. Con không biết làm thế nào để vừa lòng mọi người, nên thôi không làm chức này nữa để chơi với bạn bè cho thoải mái”.

Hãy trả lớp trưởng đúng vị trí là cầu nối của học sinh với giáo viên, với nhà trường chứ không là người có quyền, là cánh tay nối dài của giáo viên trong việc xử lý vi phạm

Tiến sĩ PHẠM THỊ THÚY (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia - Phân viện TP.HCM)
Một HS lớp 5 tại Q.3 cũng nhất định “từ chức” lớp trưởng vì muốn nhẹ người. “Từ ngày con làm lớp trưởng, các bạn tỏ thái độ không muốn chơi gần vì sợ con là “tay sai” của cô giáo. Thậm chí có hôm các bạn ngáng chân làm con ngã khi con đi qua. Con cảm thấy công việc này gây nhiều phiền toái cho bản thân và không thoải mái, lúc nào cũng phải gồng mình lên cố gắng làm gương cho các bạn”, HS này cho biết.
Nhiều HS rơi vào tình thế được bầu làm lớp trưởng do… các bạn trong lớp ghét. N.V.C.N (đang học lớp 5 ở Q.10) tiết lộ: “Hằng tháng, lớp con luân phiên bầu lớp trưởng, tụi con cứ ghét bạn nào là đến kỳ bàn nhau bầu bạn đó làm nhiệm vụ này cho bõ ghét. Vì trong lớp không ai muốn làm lớp trưởng do sợ các bạn không chơi với mình”.

Hầu hết học sinh đều e ngại

Giáo viên làm công tác chủ nhiệm của Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú, TP.HCM) Huỳnh Lê Ý Nhi nhìn nhận, hiện nay HS đều e ngại khi được đề cử làm lớp trưởng và hầu như không có HS nào xung phong nhận nhiệm vụ này. Nếu có chỉ là một số HS nghịch ngợm trong lớp, muốn trêu chọc các bạn tự ứng cử mà thôi.
 
Về công việc của lớp trưởng, một giáo viên thẳng thắn nói, trách nhiệm thì nhiều mà quyền lợi thì chẳng có gì, chưa kể là phải gánh thêm “phiền phức” cho bản thân. Bởi người đứng đầu lớp phải có trách nhiệm sao cho các bạn không mất trật tự trong lớp, không nói tục chửi bậy, không xả rác bừa bãi… Lớp trưởng còn thường xuyên nhắc nhở các bạn học bài, làm bài đầy đủ, tham gia các hoạt động phong trào và có nhiệm vụ báo cáo trung thực vi phạm của các thành viên trong lớp.

Đừng để lớp trưởng “say quyền lực”

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia - Phân viện TP.HCM, phân tích: Lớp trưởng là người giữ vai trò cầu nối giữa HS với giáo viên, giúp cho việc học tập của các thành viên trong lớp ngày càng tốt hơn. Bản thân những HS làm công việc này cũng có cơ hội rèn luyện và thể hiện các kỹ năng như quản lý, tổ chức, hòa giải, nói trước đám đông… Chính vì những lợi thế này mà nhiều trường, nhiều giáo viên thực hiện luân phiên nhiệm vụ lớp trưởng để các HS trong lớp cùng có điều kiện thể hiện năng lực của mình.
Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu là vậy nhưng trong quá trình vận hành đã phát sinh những bất cập khiến công việc này mất đi vẻ đẹp vốn có của nó, tạo hình ảnh không đẹp trong mắt của HS. Tiến sĩ Thúy chỉ ra nguyên nhân có thể xuất phát từ việc giáo viên phải làm nhiều việc hồ sơ, sổ sách nên giao “quyền” cho những HS giữ vị trí này trong việc quản lý lớp, kiểm tra bài tập hay một số việc mà lẽ ra giáo viên phải làm mà quên đi mục tiêu ban đầu lớp trưởng là cầu nối, người giúp đỡ các thành viên trong lớp học tập tốt hơn. Từ việc cho phép HS thực hiện các hành vi không bình đẳng với các bạn đồng trang lứa, tạo thành một “thế lực” dẫn đến có HS bị “say quyền lực”, tự cho mình quyền xử lý, gây áp lực với bạn bè.
Phụ huynh Dương Thị Thanh Hòa, có con đang học tiểu học tại Q.8, kể trong lớp học của con gái có bạn lớp trưởng thích thể hiện quyền uy, khiến bạn bè trong lớp rất sợ. Chị Hòa cho hay, khi đưa con gái đến trường, từng chứng kiến cảnh một lớp trưởng đứng trên bục giảng quát và cấm các bạn không ra khỏi chỗ ngồi khi cô giáo chưa vào lớp. Phụ huynh này nói thêm, thái độ bé lớp trưởng rất hách dịch, cầm cây thước sẵn sàng chỉ vào mặt bạn bè và ra lệnh phải thực hiện theo yêu cầu. Sau đó, phụ huynh này có hỏi thì con gái cho hay cả lớp ai cũng sợ và không thích bạn lớp trưởng vì bạn hay la lối, nếu không nghe lời bạn sẽ ghi tên lại và báo cô giáo...
Vì vậy, tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng, để HS không cảm thấy gánh nặng khi làm nhiệm vụ lớp trưởng cũng như không vượt quá giới hạn, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý thì giáo viên nên định hướng công việc theo như mục tiêu ban đầu của công việc này. Hãy trả lớp trưởng đúng vị trí là cầu nối của HS với giáo viên, với nhà trường chứ không là người có quyền, là cánh tay nối dài của giáo viên trong việc xử lý vi phạm.
 
Rate this item
(0 votes)

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.