Giữa vòng xoáy trầm cảm Featured

“Ta vụn vỡ từ bên trong. Và cái chết cũng là một lựa chọn…”, L.V.T.H. (29 tuổi, nhân viên kinh doanh) viết lên trang Facebook của H. những dòng chán nản, tuyệt vọng. 
 

Nhiều bạn bè ngạc nhiên trước dòng trạng thái vì biết H. vốn lạc quan, có cuộc sống đáng mơ ước với mức lương khá cao. Có người động viên, cũng có người buông lời trêu ghẹo: “Tâm thần hả mậy? Ờ thì đi chết đi”. 

Chết thì dễ, sống mới khó

T.H. bỏ việc giữa sự sửng sốt của nhiều người. H. quyết định dừng cuộc sống bằng thuốc ngủ, nhưng may mắn được gia đình phát hiện, cứu sống. Nhớ lại hành động nông nổi, H. cho biết giai đoạn đó thấy cái chết không hề đáng sợ, mà là một sự giải thoát.

“Trong hộc tủ phòng ngủ mình lúc đó đầy những lọ thuốc ngủ, thuốc an thần. Mình biết bản thân bị trầm cảm, có đi khám bác sĩ và điều trị. Cũng từng chia sẻ về căn bệnh của mình, nhưng cảm giác là không ai lắng nghe, không ai hiểu… Công việc áp lực lại không phải lĩnh vực mình yêu thích. Những nỗ lực của mình dường như không mang lại giá trị gì cho xã hội. Với mình, chết đơn giản, sống mới khó. Không ai biết về cuộc chiến chống lại ý nghĩ tự tử mình phải đối mặt mỗi ngày”, H. kể. 

Cũng rơi vào trạng thái mất phương hướng trong cuộc sống như H., V.T.T.D. (27 tuổi) thấy tương lai mù mịt vô vọng khi chia tay người yêu. D. suy nghĩ nhiều về cái chết, để được giải thoát khỏi đau khổ hiện tại vì đến việc thở thôi cũng khiến cô mệt mỏi, và cũng để người yêu cũ phải hối hận. Sau đó, mất hơn 1 năm, D. mới vượt qua được cú sốc và chiến thắng bản thân, may mắn vì có người thân, bạn bè bên cạnh lắng nghe, chia sẻ.

Giữa vòng xoáy trầm cảm ảnh 1Người trẻ, nếu không tự mình thoát khỏi áp lực, sẽ dễ rơi vào vòng xoáy trầm cảm (Ảnh minh họa)  

Theo TS Phạm Thị Thúy, Phòng Tham vấn tình yêu hôn nhân gia đình -  Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM, nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm ở các bạn trẻ thường xoay quanh 3 điểm: gia đình, công việc và tình yêu. Cụ thể là áp lực học hành, công việc không thuận lợi, so sánh bản thân với người khác để rồi nghi ngờ giá trị bản thân, bị người yêu bỏ, áp lực tiền bạc… Khi bị trầm cảm, bạn trẻ mất phương hướng trong cuộc sống, không biết phải làm gì, luôn thấy tương lai mù mịt vô vọng.

“Những ca tôi đang điều trị, các bạn trẻ thường tự đánh giá tiêu cực về chính họ. Suy nghĩ về cái chết là một trong những dấu hiệu bị trầm cảm nặng. Họ chỉ nghĩ được, cái chết là sự giải thoát, trước sau gì cũng chết nên sớm thoát khỏi nỗi khổ này càng sớm càng tốt. Và nếu như bản thân không tự nỗ lực vượt qua trầm cảm, không có người để giãi bày chia sẻ, họ sẽ chọn cái chết… Điều này cực kỳ nguy hiểm, đáng báo động”, TS Phạm Thị Thúy cho biết.

Hãy lắng nghe con nhiều hơn

“Con xin lỗi vì đã không hoàn thành được ước mơ của bố mẹ, làm bố mẹ thất vọng. Nhưng con đã trót rồi, con cũng có ước mơ… Con biết thực lực của con đến đâu… Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả...”. Sau khi viết xong bức thư tuyệt mệnh, em H.T.C. (16 tuổi) buông mình từ lầu 4 nơi em đang theo học. Sự ra đi của T.C. và bức thư tuyệt vọng về áp lực học tập, áp lực từ gia đình em để lại ngày nào vẫn còn đó đầy day dứt, với người ở lại.

Theo khảo sát của Bệnh viện Tâm thần TPHCM, hiện có 6% dân số tại TPHCM bị trầm cảm. Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 - 65 tuổi, thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 - 27 tuổi.

Cách đây vài ngày, sự việc đau lòng về vụ tự tử tại nhà riêng của hai chị em song sinh đang theo học lớp 10 tại Trường Quốc tế Australia (AIS) tại TPHCM khiến không ít người hoang mang. Dù nguyên nhân dẫn đến vụ tự tử chưa được xác định, nhưng lờ mờ sau đó là câu hỏi bỏ ngỏ về việc các em không thể chia sẻ câu chuyện của bản thân mình.

Sau vụ việc, ông Roderick Crouch, Hiệu trưởng điều hành trường, gọi đây là một bi kịch và qua sự việc này ông cũng nhắn nhủ với phụ huynh về mối liên kết rất quan trọng nâng đỡ tinh thần cho con cái: “Hãy dành thời gian bên con, nghe con nhiều hơn, hãy ôm con và cho chúng biết các bạn yêu chúng như thế nào”.

Để tránh con mình rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực dẫn đến mắc bệnh trầm cảm, TS Phạm Thị Thúy khuyên các bậc cha mẹ cần quan tâm đến con cả về thể chất lẫn tinh thần.

“Cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, chia sẻ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống với con. Hãy để ý những biểu hiện như con buồn chán, rối loạn giấc ngủ, tăng hay sụt cân bất thường, khuôn mặt hay u sầu… Cũng có những đứa trẻ rất giỏi che đậy cảm xúc với cha mẹ, nhưng dù giỏi đến đâu, nếu quan tâm thì cha mẹ vẫn sẽ nhìn ra những biểu hiện bất thường nơi con mình”, chị Thúy chia sẻ.

Rõ ràng, với những người trẻ mắc chứng rối loạn cảm xúc, trầm cảm thì chỉ người trong cuộc mới hiểu được căn bệnh này đáng sợ thế nào. Rất nhiều người bên ngoài tỏ ra là mình ổn, vui cười nhưng nội tâm trống rỗng. Thế nên, người trẻ hãy làm giàu con người mình bằng cách học, đi và sống nhiều hơn. Chết không khó, sống mới khó… nhưng đừng lựa chọn cái chết dễ dàng, bởi ta chỉ có một cuộc đời để sống.

TIỂU TÂN

 

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/giua-vong-xoay-tram-cam-623359.html

 
Rate this item
(0 votes)

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.