Từ thiện đang bị hiểu méo mó, bị lạm dụng chiêu trò
Dưới góc nhìn của một nhà tâm lý học và xã hội học, TS Phạm Thị Thúy chia sẻ những suy nghĩ về hành vi “ném đá” của cộng đồng mạng và những hoạt động từ thiện thiếu thông điệp nhân văn.
* Xin chị cho nhận xét về những bức hình làm từ thiện bị “ném đá” dữ dội bởi cư dân mạng không chịu nổi cách “PR trên nỗi đau” của người khác?
- Đôi khi có những điều ta nhìn vậy mà không phải vậy. Tôi có đọc một lời người trong cuộc cho rằng bức ảnh đó họ không đăng trên báo, không đưa lên trang cá nhân của họ, người đưa lên là người khác. Vậy khó có thể bảo họ PR trên nỗi đau của người khác. Nhưng họ đã để ai đó chụp ảnh lúc đó là không nên, cần rút kinh nghiệm. Dù mình đến chia sẻ niềm vui con chị Trâm đã hồi phục, nhưng bên cạnh là chị Trâm đang đau đớn, mệt lả thì nụ cười khi đó là vô duyên. Hơn nữa, của cho không bằng cách cho. Tôi thấy rất phản cảm với những tấm bảng to ghi số tiền từ thiện, tên đơn vị và tên người từ thiện rồi chụp cùng người đang gặp khó khăn, cụ thể như bức hình về người mẹ bỏ điều trị ung thư để giữ mạng sống cho con, hay bức thiếu phụ đeo khăn tang trắng lên nhận 2 năm truyền hình cáp miễn phí.
Hoa hậu Ngọc Hân và Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan trao quà cho các em nhỏ vùng cao. Ảnh: TL
* Theo chị, nên thay đổi cách làm từ thiện ra sao cho mang tính nhân văn mà vẫn tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng?
- Từ thiện là cho đi không vụ lợi. Nếu thực sự làm như vậy, làm vì cái tâm giúp người không vụ lợi thì sau này, người đó sẽ có phước báo, nói theo quan điểm của đạo Phật. Theo tâm lý học, xã hội học thì người có tâm tốt sẽ có hành vi tốt, vì vậy, tạo dựng được nhiều mối quan hệ xã hội bởi sự tin tưởng, mến phục của người khác. Andrew Carnegie - tỉ phú, ông vua thép của Mỹ - đã nói: “Tri thức của các chuyên gia chỉ chiếm 15% trong thành công của họ, 85% còn lại phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội”, vì vậy làm từ thiện đừng khua chiêng gõ trống. Hãy thực tâm đến giúp người đang gặp khó khăn, hành vi tốt sẽ được lan tỏa.
* Ngược lại, cũng có những ý kiến phản bác, thà PR nhưng giúp đỡ được nhiều người hơn là ngồi không, chế nhạo kẻ khác. Không dưng, hành vi “ném đá” dành cho “tội đồ”, nhưng gần đây dành cho cả người làm việc thiện. Nên cổ vũ những việc làm tốt, cho dù đó là PR đi chăng nữa. Chị nghĩ sao về quan điểm này?
- Ai muốn giúp người khác cũng đáng được ca ngợi, dù họ giúp với mục đích PR cho họ. Người khổ rất nhiều, rất cần những tấm lòng vàng, những Mạnh Thường Quân. Chỉ là người có tâm sẽ chọn cách từ trái tim đến trái tim. Cho đi không cần nhận lại nhưng họ được nhận lại rất nhiều cảm mến từ cộng đồng. Còn người PR không khéo sẽ nhận sự phản cảm, cho mà nhận lại sự không hài lòng từ cộng đồng. Thời gian sẽ trả lời và giúp họ điều chỉnh cách PR.
* Nói đi thì cũng nói lại, chị có lời khuyên gì đối với cộng đồng mạng, để họ không trở thành những kẻ “ném đá” ở bất cứ chuyện gì không liên quan, nhấn chìm người khác trong sự nhục mạ dù chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao?
- Ngồi làm anh hùng bàn phím chê bai người khác thì rất dễ. Làm được điều gì tốt cho người khác mới đáng khâm phục.
* Chúng ta cần xây dựng văn hóa làm từ thiện ra sao, nhất là khi hai chữ từ thiện hiện gây ác cảm rất lớn?
- Theo tôi, rất cần đề cao văn hóa làm từ thiện. Từ thiện đang bị hiểu méo mó, bị lạm dụng chiêu trò, thậm chí, có cả những trường hợp tham ô, tham nhũng tiền từ thiện. Xã hội rất cần những con người có tâm làm từ thiện thực sự với tinh thần thiện nguyện, phụng sự cộng đồng, đúng như ông bà ta có câu “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Xin cảm ơn chị!