TS. Xã hội học Phạm Thị Thúy: “Bạo lực bùng phát vì thiếu tình yêu thương”
Có thể nói, TS. Phạm Thị Thúy là một người đa năng. Vừa nghiên cứu lĩnh vực xã hội học, vừa lấy bằng thạc sĩ tâm lý trị liệu, lại học thêm phương pháp sư phạm. Chính vì kết hợp 3 trong 1 như vậy, nên những bài giảng và tư vấn của chị mang lại nhiều góc nhìn mới mẻ, nhân văn.
Hơn 10 năm nay, chị tham gia nhiều khóa tập huấn về bạo lực gia đình, cung cấp kỹ năng tham vấn cho phụ nữ bị bạo hành, tham gia chủ trì tọa đàm về bình đẳng giới và hạnh phúc gia đình... Đặc biệt, dù rất bận rộn, chị còn tham gia tư vấn tâm lý miễn phí sáng thứ 5 hàng tuần tại Phòng Tham vấn TYHNGĐ, Nhà văn hóa Phụ nữ, TPHCM.
Trong quá trình tư vấn, chị thấy nổi lên những vấn đề gì với phụ nữ bị bạo hành hiện nay?
- Trong các trường hợp đến phòng tham vấn, phần lớn là phụ nữ bị bạo lực dưới nhiều hình thức. Đau lòng nhất là trường hợp chị công nhân Bình Dương, bị chồng hành hạ, đày đọa, đánh đập nhiều năm, thậm chí còn… đi tiểu lên đầu. Các ca khác phần lớn là đánh chửi lẫn nhau trong cuộc sống gia đình, người chồng coi thường vợ mình, trong khi công sức người vợ bỏ ra là rất lớn, từ việc nội trợ, đến nuôi con, hoặc người vợ coi thường chồng kém cỏi... Một dạng bạo lực nữa là chồng chỉ đi nhậu, ăn chơi, không mang tiền về; người phụ nữ phải gánh hết mọi chi phí trong nhà, lại còn bị chồng chửi mắng, đòi đưa tiền để đánh bạc. Trường hợp này ở vùng quê khá nhiều.
Tỉ lệ thành công trong các ca tham vấn ra sao, thưa chị?
- Có hai trường hợp xảy ra: Một là tôi giúp cho họ nhìn lại thực tế và họ biết chấp nhận lẫn nhau, từ từ cải thiện cuộc sống cho dịu đi những căng thẳng. Hai là chỉ cho họ lối thoát khỏi bạo lực. Thực ra, những người cố tình đánh đập vợ không nhiều, chỉ khi họ quá bực bội, căng thẳng, nóng giận mà mất khôn chứ không phải vì ăn ở quá tệ với nhau. Các ca bạo lực phải được nhìn dưới góc độ mối quan hệ thực sự của họ, chứ không phải nhìn vào hiện tượng mà phán xét. Tôi cho rằng, họ cũng chỉ là nạn nhân của sự căng thẳng bên trong, cũng như rất nhiều uẩn ức ở quá khứ. Họ từng bị ai đó đánh đập, hoặc được nuôi dưỡng trong một gia đình bạo lực, nên phản ứng của họ cũng mang tính chất bạo lực. Qua trò chuyện, tôi giúp họ thấy bản chất mối quan hệ của họ, giúp cho người trong cuộc nhận ra và hiểu con người thật trong người chồng/vợ của họ, để họ giúp bạn đời của mình, và giúp chính mình thay đổi, sống thật hơn, không gồng mình kiểu bản năng, học cách thoát khỏi những ám ảnh của quá khứ.
Một số ca đã hóa giải được mâu thuẫn, xung đột, làm cho hai bên đều thay đổi, còn một số ca buộc phải hướng người phụ nữ giải thoát khi bị đày đọa cả về thể xác và tinh thần. Nhưng quyết định là làm gì tốt nhất cho cuộc sống của họ là ở chính họ. Chúng tôi chỉ phân tích tình huống, giúp họ nhận diện rõ vấn đề, hiểu rõ sức mạnh của bản thân để dám thay đổi giúp cuộc sống của họ tốt hơn.
Có tài liệu thống kê cho thấy, 50% phụ nữ Việt đang bị bạo hành. Nhưng là người trực tiếp tham vấn, theo chị, con số đó có cao hơn nữa?
- Theo quan sát thực tế của tôi, tỉ lệ phụ nữ bị bạo hành là khá lớn, chứ không phải chỉ 50%. Vì bạo hành rất đa dạng.
Khi người chồng đánh vợ lần đầu tiên, người phụ nữ phải biết cư xử sao cho dứt khoát không để người kia đánh mình lần nữa. Khi người phụ nữ biết nói không với bạo lực ngay từ lần đầu tiên, và thể hiện sự mạnh mẽ của mình, nhận ra mình là một cá thể cần được tôn trọng, không ai được xúc phạm, thì sẽ dám tự tin lên tiếng bảo vệ bản thân một cách tích cực, người chồng mới biết dừng lại.
Theo chị, vì sao các cơ quan chức năng vẫn thờ ơ với nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, chỉ khi báo chí lên tiếng thì mới vào cuộc?
- Từ phía người quản lý, nhiều người còn rất xem nhẹ chuyện bạo lực. Người Việt hay có câu “yêu cho roi cho vọt”, nên nhiều người có tâm lý họ có quyền đánh con mình, đánh ai đó trong nhà mình để răn dạy - dường như suy nghĩ này đã thành thói quen. Cho nên, họ thường cho rằng, bạo lực là chuyện nhỏ. Nên người ta cứ khuyên phụ nữ phải "đóng cửa bảo nhau”, hay ho gì mà vạch tội chồng là vậy. Rất ít người ủng hộ việc người phụ nữ phải lên tiếng.
Một số nơi Hội phụ nữ làm tốt công tác tư vấn khi có dự án hỗ trợ. Nhờ các dự án có tài trợ, nhiều nơi tổ chức được chuyên đề phòng chống bạo lực gia đình cho chị em, tổ chức nhà tạm lánh, tổ chức tư vấn ca, tập huấn kỹ năng tư vấn... Còn nếu không có kinh phí, họ sẽ khó tổ chức thực hiện những hoạt động trên để hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành.
Vậy theo chị, mô hình nhà tạm lánh ở TPHCM có hoạt động hiệu quả?
- Khi phụ nữ bị bạo hành, họ thường giấu kín không cho người thân biết. Nên khi có sự cố bạo lực gia đình, họ không biết đi đâu. Vì thế mô hình nhà tạm lánh là rất cần thiết. Có một số nơi làm rất tốt khi tổ chức nơi tạm lánh cho phụ nữ bị bạo hành. Tuy nhiên, thực tế ở các địa phương mô hình nhà tạm lánh chưa có nhiều. Một số nơi, sau khi dự án rút đi thì không còn nhà tạm lánh. Mặt khác, mô hình nhà tạm lánh ở VN khó thực hiện vì chỉ dựa vào thiện nguyện, không phải ai cũng dễ dàng đồng ý cho người lạ sống tạm trong nhà mình.
v Những phụ nữ bị bạo hành thường bị tổn thương tâm lý đến mức nào, thưa chị?
- Những tổn thương đó không thể đo đếm được. Tổn thương về tinh thần lớn nhất là họ cảm thấy mất giá trị, họ thấy mình không là gì nữa trên đời, nên nhiều người tìm đến cái chết. Sở dĩ, gần đây, có nhiều hiện tượng cha/mẹ giết con rồi tự tử, là bởi họ không còn đường lui nữa. Nếu sống chung với ông chồng bạo lực thì coi như cuộc sống cũng không còn, mất nhân phẩm, mất giá trị. Còn để con sống tiếp với người chồng hung bạo thì đời con sẽ ra sao? Chính vì thế mới có những thảm kịch mẹ chết chung cùng con vì suy nghĩ nông nổi rằng, để con mình đỡ khổ...
Chị từng nói, bạo lực học đường bùng phát vì thiếu tình yêu thương, và đừng đưa ra hình phạt đẩy người ta đến đường cùng…
- Thực ra, ở các trường bây giờ học trò học hành nhiều quá không còn thời gian để yêu thương nhau. Thầy cô cũng không có thời gian để tâm tình với trò. Vừa rồi, xuất hiện clip cô giáo cắt tóc cho trò rất dễ thương, thế mà cũng có người nói ra nói vào rằng, đó là bạo lực, chắc là cô phạt trò. Hình ảnh cô trò chăm sóc cho nhau như vậy quá hiếm trong môi trường học đường hiện nay, vì cả hai bên đều không có thời gian thể hiện tình yêu thương. Tình bạn của học trò cũng thế. Tôi buồn nhất là hiện nay, cứ một năm là người ta lại đảo lớp, khi đổi lớp, tất cả xáo trộn, bạn bè thân cũng thành sơ. Lý do có người giải thích nếu để học trò học chung cùng nhau lâu năm, chúng sẽ kết băng nhóm, sẽ tăng bạo lực học đường nhiều hơn! Nếu muốn học sinh bớt bạo lực, bớt hung bạo, thì càng phải xây dựng tình bạn tốt đẹp, chứ sao lại nghĩ học sinh học nhóm, thân nhau là sẽ trở nên quậy phá?
Thế còn câu chuyện học khoan dung, tha thứ có khó không, thưa chị?
- Khó chứ! Người ta chỉ tha thứ được cho người khác khi người ta biết tha thứ cho chính mình, biết chấp nhận và yêu thương bản thân. Khi đó, họ tự tin nhận ra mình là người có giá trị, là duy nhất, khác biệt với những người xung quanh. Mọi người xung quanh cũng khác biệt, không ai giống nhau cả. Họ sẽ ngừng so sánh họ với người khác. Họ ngừng bắt người khác phải như ý họ. Khi đó, họ có sự tôn trọng thực sự đối với mọi người xung quanh. Đó là cốt lõi trong bài giao tiếp của tôi khi tôi nói chuyện với các đối tượng khác nhau, là phải nhận ra mình là ai, nhận ra sự khác biệt giữa con người và con người, phải biết mình là cá thể duy nhất, mình có giá trị riêng và người khác cũng vậy. Bố mẹ cũng không giống con cái, không giống có nghĩa là đừng bắt ai theo ý mình và mình cũng không cần thiết phải theo ý mọi người. Hãy sống là chính mình, tôn trọng cá tính của mình để tự hoàn thiện. Ai cũng có ưu nhược điểm, hãy bao dung với mình và với người. Hiểu như vậy sẽ bớt nổi nóng.
Chị nghĩ sao khi xã hội đang khuyết dần niềm tin và người ta đối xử với người thân, người gần gũi xung quanh như với kẻ thù?
- Một trong những câu chuyện về giá trị là hiện nay người ta quá coi trọng giá trị vật chất. Người ta quên mất việc làm cái gì có ích cho mọi người, mà chỉ hướng đến giá trị là tiền và thật nhiều tiền để phục vụ bản thân họ. Chạy theo đồng tiền nên mới xảy ra chuyện đó.
Nhưng tôi không bi quan. Tôi nghĩ, đó chỉ là mặt trái. Đương nhiên, xã hội đang phát triển thì có những cái tệ, cái xấu không tránh khỏi. Nhưng nếu biết bệnh trong người thì mình phải chăm sóc bản thân. Chính những cái xấu đang nổi lên giúp người ta phân biệt trắng đen, đúng sai. Lúc đó người ta mới cảnh giác hơn. Ví dụ, cha mẹ bắt đầu quay lại giáo dục con cái chứ không còn thờ ơ, bỏ mặc cho nhà trường nữa, đó là dấu hiệu đáng mừng.
Ý nghĩa cuộc đời với chị?
- Tôi thích làm việc có ích cho mọi người. Đơn giản, khi được làm việc có ích tôi thấy vui. Tôi nghĩ trong cuộc sống mọi người chúng ta cần nhau, vì thế chúng ta cần quan tâm đến nhau, làm gì đó có ích cho nhau để cảm ơn nhau. Tất cả phải xuất phát từ sự tôn trọng và trân trọng nhau. Đằng sau cho và nhận còn là câu chuyện tự lựa chọn. Không ai là người ban ơn, không ai hy sinh cho ai cả. Tôi không thích từ hy sinh mà người ta hay gán cho phụ nữ như một đức tính, vì tất cả là do mình chọn mà. Tôi không hy sinh gì của tôi cả, tôi lựa chọn làm gì đó là sự quyết định của tôi dựa trên giá trị sống.
Xin cảm ơn chị!
NHẬT LỆ THỰC HIỆN
Nguồn: https://laodong.vn/archived/ts-xa-hoi-hoc-pham-thi-thuy-bao-luc-bung-phat-vi-thieu-tinh-yeu-thuong-723144.ldo