Sự cần thiết của công tác tham vấn tâm lý trong học đường Featured

Tóm tắt
Bài viết sử dụng 3 ca học sinh PTTH tự vẫn do một đồng nghiệp, nhà báo chia sẻ và những tình huống thực tế của bản thân đã gặp khi làm công tác tham vấn tâm lý học đường cho cả bậc phổ thông và đại học trong suốt 15 năm làm giảng viên, chuyên viên tham vấn tâm lý của Nhà văn hóa Phụ nữ Tp.HCM để nói lên sự cấp thiết cần có công tác tham vấn tâm lý học đường trong hệ thống các trường học từ bậc tiểu học đến bậc đại học.

tham-van
1.Học sinh tự vẫn và khoảng trống trong công tác tham vấn tâm lý học đường
Theo thông tin từ bài báo Những câu chuyện đau lòng của tác giả Bảo Nhi trên báo Tuổi trẻ, gần đây tại Tiền Giang có ba em học sinh đã tự tử do những vấn đề tình cảm tuổi mới lớn, cha mẹ la rầy mà không được sự trợ giúp tâm lý từ chuyên viên tham vấn tâm lý học đường:


Trường hợp thứ nhất xảy ra tại trường PTTH Vĩnh Kim, thầy hiệu trưởng Trần Trọng Hưng cho biết học sinh tự vẫn tại trường tên Nguyễn Thị Ngọc Quyên, học lớp 11/1, lớp chọn, một lớp chỉ có học sinh giỏi của trường mới được tuyển vào. Cái chết của em hoàn toàn bất ngờ với giáo viên chủ nhiệm, thầy cô bộ môn, cũng như bạn bè cùng lớp. Em được đánh giá là một học sinh ngoan, hiền và ít nói. Em uống thuốc ngủ vào ngày mùng 6 tết và em ra đi vào mùng 9 tết. Nguyên nhân là do thất vọng chuyện tình cảm nam nữ và bị cha mẹ la rầy.


Mẹ của Quyên nói chuyện với nhà báo với tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào. Chị cho biết, sau Quyên còn có hai em trai mà đứa em út hiện nay mới 3 tuổi. Chị và chồng phải đi làm ruộng, làm thuê làm mướn, chắc chiu từng đồng kiếm tiền nuôi ba đứa con ăn học. Bất ngờ cách đây 5 năm con trai áp út của chị mới 8 tuổi bị té xuống mương chết. Việc Quyên mất như vậy khiến chị suy sụp hoàn toàn. Quyên là đứa con chị và chồng đã hết sức kỳ vọng. Quyên học giỏi, chăm chỉ và chịu khó, nên cha mẹ dồn hết sức lực và tiền của cho con ăn học, với mong muốn con có chữ, có nghề và thay đổi cuộc đời mình. Nguyên nhân Quyên tự tìm đến cái chết, theo mẹ Quyên, cũng do con mình đang buồn chuyện tình cảm của tuổi mới lớn nên đi chơi nhiều với bạn bè quen trên Facebook nhiều vào dịp tết. Chị và chồng rất lo lắng nên có vài lời la rầy can ngăn. Như giọt nước cuối cùng tràn ly, Quyên cho rằng ba mẹ không hiểu mình nên Quyên uống nguyên một chai thuốc diệt cỏ. Được cấp cứu, Quyên chỉ sống thêm 3 ngày rồi lịm dần và mất…


Trường hợp học sinh tự vẫn thứ hai và ba xảy ra tại trường PTTH Cái Bè.
Trường hợp thứ hai đó là em Võ Văn Hiếu, lớp 12A8, một lớp gồm những học sinh giỏi của trường. Em Hiếu học giỏi và có năng khiếu văn nghệ, em cũng lanh lợi hoạt bát và giao tiếp tốt. Em có tình cảm với một em nữ cùng lớp từ năm lớp 10 tên M. Tới năm lớp 12, M có tình cảm với người khác nên không còn đáp ứng tình cảm của Hiếu. Ngày 15 tháng 12 năm 2014, vào khoảng 9 giờ tối, Hiếu hẹn M ra công viên nói chuyện và cả hai xảy ra cải vã. Hiếu rút dao thủ sẵn ra cắt tay hai nhát, máu ra nhiều. Bảo vệ công viên ra đuổi cả hai về. Hiếu và My tiếp tục ra bờ sông thuộc bến đò du lịch Tiền Giang nói chuyện. Không thuyết phục được bạn gái nối lại tình cảm cũ nên bất ngờ Hiếu nhảy xuống sông. Bờ sông thoai thoải, Hiếu chưa chết. M liền gọi điện thoại cho nhiều bạn ra bờ sông thuyết phục Hiếu vào bờ. Hiếu vẫn đi dần ra xa và rồi hụt chân chết đuối.


Trường hợp thứ ba là em Lê Thanh Lâm, lớp 12A1. Em Lâm có cha mẹ đều là giáo viên. Năm lớp 9, em Lâm học giỏi, được nhà trường đưa vào đội học sinh giỏi toán cấp tỉnh. Nhưng năm lớp 10 em học không tốt như cũ. Em dường như đã stress vì kết quả học tập chưa cao như kỳ vọng của bản thân và gia đình. Tình trạng stress của em kéo dài dẫn tới mức trầm cảm và em được cha mẹ cho đi điều trị. Tuy nhiên kết quả học kỳ 1 của năm học 12 vẫn thấp so với mong đợi của em khiến em rơi tiếp vào trạng thái trầm cảm lần nữa . Dù cha mẹ theo dõi cẩn thận nhưng vào 25-12-2014 em bất ngờ chọn cái chết bằng cách thắt cổ tự tử.


Nhà báo Bảo Nhi, và chị đồng thời cũng là một chuyên viên tham vấn tâm lý học đường đã nhận định: “Ở lứa tuổi vị thành niên, tâm sinh lý của các em có nhiều biến động rất phức tạp. Nổi buồn, niềm vui, sự thất vọng, niềm tin…nơi các em là những xúc cảm hết sức sôi nổi và mãnh liệt. Các em luôn thấy cô đơn, thậm chí tự cảm thấy bản thân như một “khối cô đơn khổng lồ”. Các em vừa muốn mình được làm người lớn, được mọi người đối xử như người lớn nhưng lại mong chờ một sự quan tâm lo lắng từ gia đình, từ thầy cô. Chưa có trải nghiệm và va vấp trong cuộc đời nên các em luôn sống theo cảm xúc nhiều hơn lý trí. Chỉ một lời nói mang tính xúc phạm từ bạn bè, một lời rầy la nhắc nhở hơi “cao giọng” từ cha mẹ, một sự bất công nho nhỏ từ thầy cô hay một sự thất vọng về tình cảm yêu đương tuổi mới lớn cũng có thể khiến các em chao đảo, khốn khổ, ray rứt. Và từ đó có thể dẫn đến việc các em có những hành động nông nổi mang tính bộc phát như bỏ nhà đi bụi hay tự tử.”


Qua trò chuyện với ban giám hiệu của hai trường phổ thông trung học Vĩnh Kim và Cái Bè, nhà báo Bảo Nhi đã đặt nhiều câu hỏi về công tác tham vấn tâm lý học đường. Thầy Hưng và thầy Khiêm đều cho biết, từ lâu ban giám hiệu đã đề nghị lên cấp trên về một người có chuyên môn về tham vấn tâm lý lứa tuổi học đường về trường công tác giúp đỡ các em nhưng chưa biết bao giờ yêu cầu chính đáng ấy được cấp trên đáp ứng. Việc giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống của nhà trường đều chỉ dừng ở mức phong trào qua vài chuyên đề về phòng chống ma túy, HIV, giáo dục an toàn tình dục, an toàn giao thông…Ngoài ra, công việc giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống vẫn còn là một điều gì đó ngoài tầm với của nhà trường vì chương trình học chủ yếu là nhồi nhét kiến thức nhiều hơn là những hoạt động ngoại khóa. Trong khi đó những hoạt động ngoại khóa mới chính là những sân chơi để các em gắn kết tình bạn, biết chia sẻ và tôn trọng, biết quan tâm tới mọi người xung quanh. Hoạt động ngoại khóa chính là sân chơi để các em nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng kiềm chế xúc cảm tiêu cực…


Bài báo kết luận sự ra đi của ba em học sinh của hai trường PTTH tại Tiền Giang chính là một tiếng nói cảnh báo mạnh mẽ về tình trạng tự vẫn ở lứa tuổi vị thành niên đối với xã hội. Đó cũng lời khẳng định mạnh mẽ về sự cần thiết cấp bách của một chuyên viên tư vấn tâm lý học đường tại các trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học.


Từ thực tế giảng dạy kỹ năng sống, tham vấn tâm lý cho học sinh nhiều trường trên địa bàn Tp. HCM và các tỉnh phía Nam tôi cũng thấy một thực tế rất đau lòng tương tự. Các bạn học sinh rất cần những cơ hội được tâm sự riêng chuyện khó nói của mình với một nhà tâm lý để được giải đáp những băn khoăn thắc mắc về tuổi dậy thì, về tình yêu, về những rắc rối với cha mẹ…nhưng các em lại bị cuốn vào vòng xoáy học bài, thi, điểm số, áp lực từ nhà trường, từ cha mẹ. Còn những tâm tư của các em thì bị chìm lấp giữa bao áp lực đó. Đến lúc các em không vượt qua nổi những cú sốc tâm lý đầu đời thì chuyện các em nghĩ quẩn, tự vẫn là điều khó tránh.


2. Sinh viên và nhu cầu cần được tham vấn tâm lý
Trong 15 năm giảng dạy ở bậc đại học, tôi đã tham vấn tâm lý miễn phí ngoài giờ cho sinh viên qua mail, qua face, điện thoại, gặp trực tiếp cho hàng trăm sinh viên, có cả sinh viên đang học và sinh viên cũ đã ra trường. Việc làm này của tôi là tự phát, dựa trên quan hệ cá nhân với sinh viên sau khi tôi dạy xong môn học. Nhiều khi tôi bận quá không trả lời hết được những câu hỏi từ các em. Tôi rất áy náy, day dứt mỗi khi có một trường hợp nào đó giá như tôi trả lời sớm thì các em có thể tránh được kết cục xấu.


Trường tôi dạy và nhiều trường đại học khác chưa có chuyên viên tham vấn tâm lý học đường. Bao nỗi lòng của sinh viên khi xa nhà, khi yêu, khi bị xâm hại, khi thất vọng về định hướng nghề nghiệp… đều không biết tâm sự cùng ai. May mắn các em gặp một vài giảng viên nhiệt tình thì các em có nơi chia sẻ, được tư vấn hướng đi, cách giải quyết những rắc rối đang vướng mắc.


Đau lòng nhất là một ca sinh viên nữ bị chính thầy giáo xâm hại trong một cơn say rượu. Cô bé là một sinh viên giỏi, xuất sắc trong các hoạt động đoàn, hội, khá xinh xắn. Khi yêu người thầy này, em đã rất hãnh diện, hạnh phúc… Nhưng chỉ vì em quá tin tưởng, không lường trước những tình huống bất trắc có thể xảy đến nên hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra. Ngay khi xảy ra vụ việc, em đã điện thoại cho tôi khóc nức nở và xin lời khuyên, em đã uống thuốc tránh thai khẩn cấp ngay sau đó và cuối cùng hai người cũng chia tay vì không còn tin tưởng, tôn trọng nhau. Nỗi đau đầu đời của em rất khó phai mờ, thậm chí có thể ảnh hưởng đến những mối quan hệ tình cảm sau này của em.


Một trường hợp nữa là một sinh viên nữ có thai ngoài ý muốn, bạn trai và gia đình không chấp nhận, đề nghị bỏ thai. Em đã tâm sự với tôi trong đau khổ, dằn vặt, không muốn bỏ con. Cuối cùng em quyết định giữ con, vừa mang thai vừa học. May mắn em được một nhà thờ cưu mang trong thời gian sắp sinh và sau sinh. Hiện tại em cũng đã học xong, tốt nghiệp về nhà đi làm nuôi con. Em cảm ơn tôi đã động viên em giai đoạn khó khăn nhất đó.


Những trường hợp hỏi về chuyện nên yêu người nào đó hay không, chuyện bạn trai đòi quan hệ trước hôn nhân, giận hờn bạn bè, buồn chuyện gia đình cha mẹ cãi nhau… thì nhiều vô kể. Các em rất lúng túng mỗi khi gặp chuyện rắc rối như vậy.


Và những trường hợp sinh viên mất định hướng, chán học, chán ngành nghề mình đang theo đuổi, không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống thì rất nhiều. Mỗi khi chênh vênh các em cần người tâm tình, lắng nghe, chia sẻ tâm tư và định hướng sống cho các em, gieo cho các em niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống.


Chính sinh viên trường tôi trong một buổi đối thoại cùng lãnh đạo đầu năm nay, một em sinh viên đã tha thiết đề nghị cần được chăm sóc đời sống tinh thần, tâm lý cho các em trong quá trình 4 năm học tại trường và ý kiến của em đã được hơn 500 sinh viên có mặt hưởng ứng nhiệt liệt bằng những tràng pháo tay. May mắn sau đó, lãnh đạo trường đã quyết định đồng ý cho tôi và 1 giảng viên là TS tâm lý (chúng tôi cùng được đào tạo là chuyên viên tham vấn tâm lý) được làm công tác tham vấn tâm lý giúp đỡ các em, mỗi tuần 2 buổi, hoàn toàn miễn phí. Và chúng tôi cũng là làm tình nguyện không có vị trí, chức danh hay thù lao gì, thậm chí chưa có một góc hay phòng tham vấn riêng. Mỗi buổi trực tham vấn tâm lý lại phải mượn tạm phòng nghỉ của giảng viên trên giảng đường.


3. Kết luận
Dù sinh viên cũng là người đã trưởng thành, trên 18 tuổi, trình độ hiểu biết tương đối tốt hơn so với các em học sinh phổ thông, nhưng những vướng mắc trong đời sống cá nhân, tinh thần, tình cảm, những rối loạn tâm lý cũng dễ khiến các em chao đảo. Thậm chí có em đã lựa chọn tự tử, bỏ học, sa vào nghiện ngập, học hành sa sút… Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chúng ta vì thế mà có thể ảnh hưởng không nhỏ.


Vì những thực trạng nêu trên, tôi tha thiết mong các cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt là Bộ Giáo dục – đào tạo cần quan tâm và thực hiện sớm mỗi trường học, từ bậc tiểu học cho đến đại học đều có chuyên viên tâm lý học đường. Chăm lo đời sống tinh thần cho các em chính là góp phần thực hiện giáo dục toàn diện mà Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng.
Phạm Thị Thúy

Rate this item
(0 votes)
  • Last modified on Thứ bảy, 01 Tháng 10 2016 21:33
  • font size
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.