Văn hóa tổ chức và sự tôn trọng Featured

Bất cứ một tổ chức nào cũng cần xây dựng một môi trường văn hóa phù hợp để phát triển. Văn hóa không chỉ là thương hiệu, là bản sắc mà còn là cách quản trị mới hiệu quả nhất, bền vững nhất. Văn hóa thể hiện trong hành động, những điều hiện diện trong mắt người nhìn hơn là lời nói, lời tuyên bố nào đó. Văn hóa tổ chức hiện diện rõ nhất trong hành động từ nhà lãnh đạo đến mọi nhân viên.

Chúng ta đang hướng đến xây dựng tổ chức hạnh phúc để xây dựng quốc gia hạnh phúc. Tổ chức hạnh phúc là khi con người làm việc cũng như những người có liên quan đến tổ chức đó cảm nhận được hạnh phúc. Và họ chỉ hạnh phúc khi ở môi trường văn hóa tổ chức đó có sự tôn trọng; đây là sự thể hiện văn hóa cá nhân, văn hóa tổ chức quan trọng nhất.

Screenshot 2024-04-21 054229.pngVăn hóa không chỉ là thương hiệu, là bản sắc mà còn là cách quản trị mới hiệu quả nhất, bền vững nhất. Ảnh minh họa

Sự việc xảy ra tại Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam gây xôn xao dư luận những ngày vừa qua đã cho thấy có vấn đề bất ổn trong việc tôn trọng cảm xúc, nhân phẩm của nhân viên, tôn trọng quyền tự do thân thể, ngay tại một nơi làm văn hóa.

Không những thế, trong câu chuyện này còn có cả sự thiếu tôn trọng khách hàng, những bạn đọc thân thiết khi đơn vị này im lặng kéo dài trước những thông tin nghi vấn và thậm chí còn thiếu chân thành khi đưa ra một lá thư xin lỗi lúc nửa đêm với những lời lẽ bao biện, thoái thác trách nhiệm của người đang bị nghi ngờ. Rất may, sau đó, Nhã Nam đã chính thức thông báo tạm đình chỉ công việc của người đang bị tình nghi quấy rối tình dục và gửi lời xin lỗi đến những người liên quan, đến bạn đọc. Tuy chậm trễ nhưng ít nhất đây cũng là động thái nên làm để bảo vệ uy tín, văn hóa tổ chức của một công ty xây dựng và phát triển trong lãnh vực văn hóa như Nhã Nam.

Sự việc này như lời nhắc cho những ai có nhận thức sai, thiếu về quấy rối tình dục. Qua vụ việc, chúng ta thấy nguyên nhân xử lý sự việc chậm do nhiều lãnh đạo của Nhã Nam, và cả nhiều người trong xã hội chúng ta hiện vẫn đánh giá chưa đầy đủ về thế nào là quấy rối tình dục và hậu quả của nó.

Nhiều người từng cho rằng đùa giỡn chút, bày tỏ cảm xúc với người khác, nhất là với phái nữ một cách thoải mái mà không cần biết họ có đồng thuận không, là bình thường theo nghĩa “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”. Chúng ta thấy trên bàn nhậu, người ta có thể đem những câu đùa giỡn khiếm nhã để mua vui trước mặt phụ nữ. Đó luôn là những hành động không tôn trọng người khác, quấy rối tình dục người khác bằng lời nói.

Dĩ nhiên, xây dựng môi trường văn hóa không chỉ là lời nói mà hơn cả là thể hiện trong chính cách ứng xử văn hóa, cách sống có văn hóa của người đứng đầu và tất cả nhân viên trong tổ chức. Đây là một quá trình dài vun bồi các giá trị văn hóa xuyên suốt, thống nhất trong các thế hệ lãnh đạo, thế hệ nhân viên của tổ chức đó. Quá trình này đòi hỏi sự nỗ lực kiên trì sống lương thiện, làm việc tử tế của mọi thành viên nhằm hướng tới tạo giá trị tốt đẹp cho cộng đồng thông qua các sản phẩm của tổ chức. Chỉ cần một hành động, lời nói phản văn hóa như cách hành xử của một cá nhân như ở Nhã Nam vừa qua có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề, sự mất niềm tin nơi bạn đọc, nơi những tác giả đã và đang cộng tác, trên hết đó là công chúng cả nước...

Bao nỗ lực xây dựng thương hiệu văn hóa sẽ bị phá hủy chỉ vì văn hóa tổ chức này có thể bị đánh đồng với người lãnh đạo thiếu văn hóa. Thậm chí trong trường hợp này, hành động mà cá nhân tự cho là “quan tâm, quý mến” với nhân viên nữ có thể là hành động vi phạm pháp luật, nếu cơ quan điều tra kết luận lãnh đạo đó đã có hành vi quấy rối tình dục. Công chúng mong muốn sự việc này sẽ được điều tra làm rõ mức độ trách nhiệm của các bên liên quan và kết luận điều tra cần được Nhã Nam sớm công khai cho mọi người được rõ.

Có như vậy, văn hóa tổ chức của một đơn vị sẽ được duy trì, thể hiện sự chính trực và minh bạch. Cá nhân ai sai không thể làm xấu văn hóa tổ chức nếu tổ chức đó có những ứng xử phù hợp trong xử lý sự việc. Đây không chỉ là vấn đề xử lý khủng hoảng truyền thông để bảo vệ thương hiệu mà còn để lấy lại niềm tin của công chúng với một tổ chức làm văn hóa, tạo ra những sản phẩm văn hóa như Nhã Nam nói riêng và là bài học kinh nghiệm cho các tổ chức khác nói chung.

 

TS PHẠM THỊ THÚY

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/van-hoa-to-chuc-va-su-ton-trong-post736300.html

Rate this item
(0 votes)
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.