Các báo cáo về dân số và gia đình trong giai đoạn gần đây đều cho thấy độ tuổi kết hôn cũng như tỷ lệ độc thân của người Việt đang tăng lên nhanh chóng. Đằng sau xu hướng này là rất nhiều nguyên nhân được xã hội quan tâm.
Vấn đề ở quy mô toàn cầu
Không chỉ xảy ra ở Việt Nam, trì hoãn kết hôn hoặc không kết hôn đang là xu hướng ngày càng rõ nét tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Số liệu thống kê của Bộ Nội vụ Trung Quốc cho thấy chỉ có khoảng 7,6 triệu cặp vợ chồng đăng ký kết hôn trong năm 2021, thấp kỷ lục trong 36 năm vừa qua (tính từ năm 1986). Khảo sát do Business Insider thực hiện với 2.905 người trẻ chưa kết hôn của nước này cũng cho thấy có đến 44% nữ giới thành thị trong độ tuổi từ 18-26 không muốn kết hôn, con số này ở nam giới là 25%.
Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại Hàn Quốc. Số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho thấy chỉ có 193.000 cặp đôi kết hôn vào năm 2021, giảm 9,8% so với năm 2020 và thấp nhất kể từ năm 1970. Năm 2021 cũng là năm thứ 10 liên tiếp Hàn Quốc chứng kiến số cặp đôi đăng ký kết hôn giảm.
Người trẻ tại nhiều quốc gia trên thế giới đang có xu hướng trì hoãn hoặc ngại kết hôn |
Tại đất nước mặt trời mọc, tình trạng cũng không khả quan hơn. Khảo sát của Viện nghiên cứu quốc gia về Dân số và An sinh xã hội Nhật Bản được công bố vào tháng 9.2022 cho thấy 17,3% nam giới và 14,6% nữ giới trong độ tuổi từ 18 đến 34 không có ý định kết hôn. Đây là con số cao nhất kể từ khi khảo sát này được thực hiện lần đầu vào năm 1982. Một thống kê khác của Nhật Bản cũng chỉ ra, trung bình cứ 4 người đàn ông nước này thì có 1 người không lập gia đình cho đến năm 50 tuổi.
Ở bên kia bán cầu, dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ năm 2019 cho thấy chỉ có 62% người Mỹ trong độ tuổi từ 25-54 đã kết hôn hoặc đang sống chung với đối tác, 38% còn lại hoàn toàn sống độc thân. Con số này thấp hơn mức 71% cặp sống cùng nhau vào năm 1990. Trong khi đó, ngay từ những năm 2015, một cuộc thăm dò dư luận tại châu Âu đã chỉ ra có tới 55% nam giới trong độ tuổi từ 24-35 ngại kết hôn do những áp lực về trách nhiệm nuôi dạy con cái.
Tỷ lệ thanh niên độc thân tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng |
Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê vào năm 2019 cho thấy có 10,1% người Việt sống độc thân. Như vậy trung bình cứ 10 người trưởng thành tại Việt Nam thì có 1 người sống độc thân, một con số đáng kể với quốc gia coi trọng văn hóa gia đình như nước ta.
Lối sống chuộng tự do, không ràng buộc
Có rất nhiều nguyên do khiến người trẻ ngày càng kết hôn muộn hoặc không muốn kết hôn. Trong đó bao gồm cả nguyên nhân khách quan của xã hội lẫn nguyên nhân đến từ bản thân mỗi người trẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Xã hội học, Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện TP.HCM) cho biết: “Thứ nhất hiện tượng yêu sớm nhưng kết hôn muộn hoặc không kết hôn đang là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Ở các nước phương Tây họ đã diễn ra xu hướng này lâu rồi và Việt Nam chúng ta nhiều năm nay cũng đã bắt đầu xu hướng đó. Xã hội càng hiện đại thì người trẻ càng có nhu cầu phấn đấu cho sự nghiệp hơn là đầu tư vào gia đình sớm như các thế hệ trước đây. Xã hội càng phát triển thì con người càng đầu tư thời gian để học, họ đầu tư thời gian đi làm, họ đầu tư thời gian kiếm tiền...
Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy nhận định việc kết hôn trễ hoặc không kết hôn là một xu thế của xã hội hiện đại
NVCC |
Một nguyên nhân thứ hai nữa là bản thân người trẻ thời hiện đại họ cũng muốn được tự do. Họ không muốn ràng buộc, họ không muốn gánh vác trách nhiệm chồng vợ, cha mẹ sớm nên họ không vội kết hôn dù họ yêu rất sớm.
Một nguyên nhân thứ ba nữa là vấn đề kết hôn và sinh con, nuôi dạy con hiện nay cần có sự đầu tư về tiền bạc, thời gian, công sức .... Nhiều người trẻ cảm thấy họ chưa sẵn sàng. Họ chưa sẵn sàng về tiền bạc, về trách nhiệm làm cha làm mẹ nên họ cũng cảm thấy không tự tin khi kết hôn. Người trẻ hiện nay cũng cầu toàn hơn trong hôn nhân, họ muốn họ có đầy đủ điều kiện thì mới kết hôn, nhất là yếu tố kinh tế.
Người trẻ cân nhắc nhiều hơn trước hôn nhân, không vội kết hôn sớm |
Nguyên nhân thứ tư là người trẻ bây giờ có tư duy cởi mở về tình dục. Họ không đợi đến lúc kết hôn mới bắt đầu quan hệ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà người trẻ không có nhu cầu kết hôn sớm, họ đã thỏa mãn nhu cầu sinh lý cho nhau trong tình yêu. Thậm chí có một bộ phận giới trẻ chọn sống thử, họ có thể sống bên nhau một cách thoải mái như vợ chồng, chỉ là họ chưa muốn gắn kết trách nhiệm với nội ngoại, với trách nhiệm làm vợ làm chồng.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến xu hướng người trẻ ngại kết hôn cũng là do họ ảnh hưởng từ bạn bè nữa. Tức là thấy bạn bè kết hôn muộn thì họ cũng không vội kết hôn sớm làm gì. Họ theo nhau, thậm chí họ bảo nhau nữa.
Và phụ nữ bây giờ ngày càng độc lập hơn, họ muốn tìm hiểu kỹ người yêu của mình để cân nhắc xem thực sự đây có phải là người họ muốn lấy làm chồng, làm cha của các con mình hay không. Cho nên họ cân nhắc kỹ hơn, họ cần thời gian để lựa chọn chứ họ không phụ thuộc vào đàn ông, không vội kết hôn chỉ để thoát ế nữa. Giới trẻ còn có trend “Ế trong tư thế ngẩng cao đầu” nữa. Và quả thực khái niệm ế ngày càng biến mất khỏi xã hội hiện đại.
Kết hôn là chuyện trọng đại, người trẻ dù là nam hay nữ họ cũng cần cảm thấy sẵn sàng với tình cảm đôi lứa, sẵn sàng với các điều kiện kinh tế để tạo lập gia đình, sinh con nuôi con, sẵn sàng với sự trưởng thành để làm tốt trách nhiệm làm chồng, vợ, làm cha mẹ họ mới nên kết hôn. Kết hôn muộn để có hôn nhân bền vững cũng là dấu hiệu tốt của xã hội văn minh hiện đại hơn".
Chương trình tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” 2022 nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” giai đoạn 2021-2025 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ tổ chức nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguồn: https://thanhnien.vn/e-khong-con-trong-tu-dien-cua-gioi-tre-hien-nay-post1501417.html