Cha mẹ thường than thở con không nghe lời, nguyên nhân do đâu? (ảnh minh hoạ)
“Tại sao mẹ bắt con làm điều mẹ không làm được”
Mong ước của mọi bậc cha mẹ là nuôi dưỡng nên những đứa con giỏi giang, ngoan ngoãn, trưởng thành. Thế nhưng, nhiều trong số họ đang làm sai cách.
Chị Hà Phương (Hà Nội) từng sững sờ khi câu con trai 10 tuổi hét toáng lên rằng: “Tại sao mẹ lại bắt con làm điều mà mẹ không làm được”. Chị phạt con nghiêm khắc vì tội nói dối, sau đó bị con vặn lại rằng, chính con cũng vừa thấy mẹ nói dối bố về chiếc váy vừa mua. Chị không ngờ, cách xử sự của mình lại phản chiếu con trẻ rõ ràng đến thế.
Chị Minh Châu (Hà Nội) cũng than thở, tại sao chị dạy con ngày đêm, kiên nhẫn ngồi bên con cả tiếng đồng hồ giải thích những việc nên làm, việc không nên làm mà sau đó mọi thứ vẫn đâu vào đấy. Con chị vẫn thốt ra vài câu chửi tục khiến chị điếng người, vẫn làm đâu bỏ đó, quên luôn sự hiện diện của chiếc thùng rác và đôi khi còn nói dối chuyên nghiệp.
“Rồi tôi nhận ra, con mình có tất cả điều kiện thuận lợi nhất để học thói hư, tật xấu đó. Bố thường chửi thề khi chơi game, bà thì ngay cả lức cưng nựng cháu cũng nói: “Tiên sư cha nhà anh”. Bản thân tôi cũng có lúc quá mệt nên tiện tay giật chiếc mác quần áo rồi quăng vào góc nhà… Và cả những lần nói dối nhau nữa, ai cũng nghĩ, con cháu còn nhỏ chẳng biết gì”, chị nói.
Cha mẹ có đang dạy con đúng cách? (ảnh minh hoạ)
Bậc cha mẹ nào cũng dạy con điều hay lẽ phải nhưng những việc họ làm lại chưa tử tế. Có người vì vội chở con đi học mà thản nhiên vượt đèn đỏ, luồn lách, phi xe lên vỉa hè, dẫn con đi mua đồ thì không chịu xếp hàng, tích cực chen lấn, thể hiện tính khôn lỏi, vô tư nói tục, chửi bậy trước mặt con… Có người muốn con trung thực nhưng bản thân lại hay nói dối, muốn con chăm đọc sách nhưng cả ngày lại cắm cúi dùng điện thoại… Điều đó có phải mong ước viển vông?
Cha mẹ là số phận của con cái
“Với một đứa trẻ, cách dạy tốt nhất là làm gương chứ không phải bằng lời nói”, đó là ý kiến của Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thuý (Giảng viên trường Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở TP.HCM).
Theo chị, có nhiều việc, cha mẹ không làm được mới bắt con làm, bản thân cha mẹ không được chỉn chu trong mọi hành vi nhưng lại yêu cầu con phải chỉn chu. Đó là cách dạy ngược. Cha mẹ dạy con lời hay lẽ phải xuất phát từ mong muốn con ngoan ngoãn, trưởng thành nhưng họ đi ngược lại với phương pháp giáo dục nên thường không thành công.
“Trẻ con học chúng ta từ những gì chúng nhìn thấy chứ không phải từ những gì chúng nghe thấy nên cha mẹ cần dạy con qua hành vi chứ không phải dạy qua lời nói. “Lời nói gió bay” mà. Đó là lý do vì sao nhiều bậc cha mẹ than vãn, dạy nhưng con không nghe lời. Bởi họ dạy sai cách.
Trong việc dạy con, làm gương là cực kỳ quan trọng. Chúng ta làm gương tốt mỗi ngày thì từ từ trẻ sẽ học được điều tốt ấy”, Tiến sĩ Xã hội học chia sẻ.
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thuý
Theo chuyên gia, việc “dạy con một đường, cha mẹ làm một nẻo” sẽ đem đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Hậu quả trước mắt là con không nghe lời và cha mẹ ngày càng phải nói nhiều hơn, dần dà, con trẻ sẽ có sự chống đối. Cuối cùng, con sẽ phán xét lại bố mẹ bởi bố mẹ nói nhưng không làm. “Lâu dần, cha mẹ sẽ đánh mất uy tín trước con cái và rồi dù bố mẹ làm gương, con trẻ cũng không nghe theo”, chị nói.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Chuyên gia giáo dục) cũng có cùng quan điểm. Chị khẳng định: “Giáo dục không phải là nói lời hay. Giáo dục là tạo môi trường để trẻ phát triển”.
“Những hành vi như vi phạm giao thông, chen lấn, không xếp hàng, khôn lỏi, nói tục chửi bậy trước mặt trẻ… cũng tạo ra môi trường cho trẻ nhưng đó là môi trường độc hại cho con và con sẽ trở thành người khiếm khuyết về nhân cách. Cha mẹ là số phận của con cái. Mọi lời hay ý đẹp của bố mẹ chỉ là gió thoảng qua, môi trường bố mẹ tạo ra mới chính là thứ tác động tới con”, chị Thu Hương chia sẻ.
Tuy vậy, theo chị Thu Hương, bố mẹ không nhất thiết phải thanh lọc tuyệt đối mọi thứ xấu xa trong môi trường của con mà cần biến những thứ đó thành mục tiêu để mọi thành viên trong gia đình loại trừ. Khi đó, việc giáo dục sẽ đơn giản và hiệu quả hơn.
“Tập trung giáo dục đạo đức, kỹ năng, tạo điều kiện tối đa để con trải nghiệm và thử thách bản thân, chú trọng hoàn thiện môi trường gia đình là cách để phát triển nhân cách trẻ”, chị Thu Hương cho biết thêm.