Trong một thời gian ngắn, từ các ngôi sao thần tượng đến các bạn trẻ đang ở độ tuổi học đường liên tục tự vẫn. TS chuyên ngành xã hội học Phạm Thị Thúy cảnh báo, nhiều người trẻ đang cô đơn trong cuộc sống của chính mình.
Chỉ chưa đầy ba tháng, dư luận châu Á chấn động trước thông tin một số thần tượng Hàn Quốc tự tử vì căn bệnh trầm cảm. Không chỉ ở Hàn Quốc, ở Việt Nam, thời gian gần đây, liên tục nhiều trường hợp học sinh tự vẫn, gần nhất là hai nam sinh tại TPHCM.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Trong đó, ở Việt Nam, trầm cảm hiện đang có chiều hướng ngày càng trẻ hóa.
TS chuyên ngành Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện TPHCM) có những chia sẻ về căn bệnh giết người thầm lặng này.
Vô cảm là "kẻ" đứng sau trầm cảm
Hiện nay, bệnh trầm cảm ngày càng có chiều hướng gia tăng, thậm chí có xu hướng trẻ hóa. Những nguyên nhân nào dẫn đến trầm cảm, thưa bà?
Có rất nhiều nguyên nhân đã đẩy con người đến trầm cảm. Theo tôi, có 3 mảng nguyên nhân lớn:
Thứ nhất là yếu tố về tâm lý. Khi chúng ta gặp những khó khăn, đổ vỡ trong cuộc sống, áp lực, thất bại và những vấn đề bên trong liên quan đến sự bi quan, tuyệt vọng, chúng ta sẽ dễ gặp phải vấn đề về tâm lý và nhiều khả năng dẫn đến bệnh trầm cảm.
Nhấn để phóng to ảnh
TS Phạm Thị Thúy
Nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân về bệnh lý nó sẽ liên quan đến hệ thần kinh, liên quan đến cơ thể của họ, đó là lý do tại sao người ta gọi trầm cảm là một loại bệnh và có những lúc phải điều trị bằng thuốc.
Thứ ba là về các mối quan hệ xã hội xung quanh khi chúng ta thiếu sự kết nối, không có người đưa tay ra nâng đỡ, không có người hiểu và chia sẻ. Khi đó, con người dễ trở. Từ đó, dễ rơi vào trạng thái cô đơn, bế tắc và có thể bị trầm cảm.
Phải chăng, con người ngày càng sống vô cảm với nhau là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm cảm và thúc đẩy người bệnh đến những suy nghĩ tiêu cực?
Đúng vậy, vô cảm chính là "kẻ" đứng sau trầm cảm. Mọi áp lực đều có thể được giải tỏa, nếu như có ai đó cùng san sẻ với họ, tâm sự với họ. Như trường hợp hai ca sĩ thần tượng Sulli và Goo Hara ở Hàn Quốc, hai cô gái đã không may mắn có được điều đó mà xung quanh họ là sự vô cảm, thờ ơ, thiếu sự gắn kết, quan tâm.
Có một câu nói rất nổi tiếng trích dẫn từ cuốn sách “Tự Tử” của Emile Durkheim: “Tự tử là hiện tượng cá nhân, nhưng tỉ lệ tự tử, nạn tự tử là hiện tượng xã hội và có mối liên hệ tỉ lệ nghịch với mức độ đoàn kết, gắn kết, hội nhập xã hội".
Tức là ở đâu có tỉ lệ đoàn kết xã hội càng cao thì ở đó tỉ lệ tự tử càng thấp. Câu này đang muốn nói đến nơi nào càng có nhiều mối quan hệ rạn nứt, giống như là vô cảm thì ở đó nguy cơ tự tử càng cao.
Nhấn để phóng to ảnh
Trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây hại đến sức khỏe con người (Ảnh minh họa)
Khi con người không quan tâm với nhau, vô cảm với nhau sẽ làm cho thế giới của con người trở nên lạnh lẽo. Nơi lạnh lẽo không phải ở Bắc cực mà là trong trái tim của những con người vô cảm. Vô cảm là một trong những nguyên nhân đẩy những người trầm cảm đến cái chết nhanh hơn.
Trường học là nơi nhiều áp lực
Xã hội hiện đại, con người đang phải đối diện với dòng chảy mưu sinh, tác động của công nghệ đẩy chúng ta cách xa nhau hơn, khó bộc lộ, chia sẻ với cộng đồng, thậm chí ngay cả với những người thân bên cạnh. Điều này, theo bà, tác động lên người trẻ như thế nào?
Xã hội ngày càng hiện đại, người trẻ càng ngập tràn trong một bể thông tin. Trong đó, có những thông tin vô tình tạo ra áp lực cho họ, chưa kể đến nạn bạo lực ngày càng gia tăng.
Ở xã hội sống nhanh và gấp như thế này, sự cạnh tranh, bất mãn, đều tạo thành những áp lực không tên. Chưa kể, mạng xã hội và tâm lý “sống ảo" lúc này càng đẩy những người trẻ cách xa nhau hơn, cách xa với thế giới thật hơn.
Tình trạng thất nghiệp ngày nay không ít, công việc không có, áp lực từ gia đình ập đến, mọi thứ đều có thể đánh quỵ tâm lý của một con người, khiến họ chẳng thể đứng vững được nữa. Ngay cả khi đã có cho mình một công việc, mọi áp lực, khó khăn vẫn chưa dừng lại.
Rất nhiều trường học các bạn trẻ tự vẫn đang ở độ tuổi đi học – độ tuổi mà chúng ta vẫn hay nói “chỉ mỗi ăn và học”?
Nhấn để phóng to ảnh
Trường học là một trong những nơi nhiều áp lực với người trẻ (Ảnh minh họa)
Với những bạn trẻ còn đang đi học, phải nói trường lớp là một trong những nơi khiến họ gặp áp lực nhất. Bị bắt nạt, nỗi ám ảnh về điểm số, niềm khao khát xây dựng hình ảnh của bản thân, học tập theo mong muốn của cha mẹ, áp lực thi cử... tất cả đều là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái bức bối, lo lắng và tuyệt vọng.
Mới đây, nhiều người hoang mang trước thông tin hai nam sinh tại TPHCM tự sát vì trầm cảm, trước đó nhiều trường hợp học trò tự vẫn. Đây là lời cảnh báo đến các phụ huynh và cả giáo viên hãy quan tâm đến con em của mình nhiều hơn, để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Đôi khi chỉ cần chúng ta lắng nghe, một cái nắm nay hay chúng ta cho nhau thêm một cơ hội...
Hãy tập yêu thương chính mình
Bà có thể gợi ý một số phương pháp giúp người bệnh trầm cảm giảm bớt lo lắng, chán nản trong cuộc sống để sống tích cực hơn?
Đối với người trầm cảm, chúng ta phải điều trị đồng thời cả ba: Tâm lý, thể lý và xã hội. Người trầm cảm cần cả nội lực và ngoại lực để vượt qua căn bệnh của họ.
Tôi gặp nhiều người, đã tự viết ra cho mình kế hoạch mỗi ngày để vượt qua căn bệnh trầm cảm.
Họ động viên mình mỗi buổi sáng, sử dụng biện pháp tự kỷ ám thị, giúp người trầm cảm khơi gợi ra cái họ đang có, giúp họ tự tin, họ mới là người cứu được họ. Có người tìm đến âm nhạc, Yoga, thiền... để tìm sự bình an, mạnh mẽ từ bên trong.
Trầm cảm đôi khi không hẳn là một điều gì tồi tệ, mà nó là một người thầy đến để dạy mình, và mỗi một biến cố đến trong cuộc đời mình là cơ hội để mình học được một cái gì đấy.
Chúng ta cũng có thể đọc sách hoặc tập một môn thể thao để giúp cho cuộc sống tràn đầy năng lượng hơn. Và hãy đến với những người tích cực, những người có thể cho mình động lực, niềm vui trong cuộc sống.
TS có lời khuyên nào với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ để ngăn ngừa bệnh trầm cảm?
Trầm cảm là hồi chuông cảnh báo tất cả chúng ta về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này. Nếu những mối quan hệ xã hội xung quanh có sự đoàn kết, sự trợ giúp thì những vấn đề trầm cảm sẽ được giải quyết sớm và có thể không gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Hãy tập yêu thương bản thân mình, hít thở sâu mỗi ngày, tập luyện thể thao, học cách biết ơn và hãy làm những điều bạn thích mỗi ngày.
Có ba cấp độ của hạnh phúc, cấp độ một là sự hài lòng, cấp độ hai là sự bình yên bên trong và cấp độ ba là cho đi vô điều kiện, giúp đỡ người khác là cấp độ cao nhất của hạnh phúc.
Hãy cho đi và sống tích cực bạn sẽ thấy cuộc sống này còn rất nhiều điều tươi đẹp, ý nghĩa.
Trân trọng cảm ơn bà về những trao đổi!
Thu Hiền