Trong câu chuyện đau lòng “cô gái tử vong bên vỉa hè”, trong khi có những ý kiến vì “sợ” và “ngại” rồi không dám ra tay ứng cứu kịp thời nhất có thể, thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng “đã vô cảm thì đừng có bao biện”…
Hình ảnh đau lòng về cô gái trẻ một mình nằm tử vong bên vỉa hè ở Q.Tân Phú (TP.HCM) sau vụ tai nạn giao thông rạng sáng 25.6 vừa qua. Trong vòng khoảng 11 phút mà hình ảnh clip (trích xuất từ camera gắn cố định) ghi lại, có 5 ô tô con (kể cả 1 chiếc taxi Vinasun liên quan trực tiếp), 1 chiếc xe tải, hơn 32 chiếc xe máy, 1 chiếc xe đạp với hàng chục người đi qua vị trí nạn nhân... Có những người ngoái lại nhìn, nhưng không ai dừng lại để hỗ trợ, tìm cách cứu giúp. Sau tai nạn này, cô gái tử vong, để lại con nhỏ 3 tuổi ở quê nhà Bến Tre...
Khi đề cập đến vấn đề này, Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, chia sẻ: “Sự việc cô gái bị “bỏ rơi” ngoài đường khi gặp tai nạn, tôi cảm thấy rất đau lòng và thương cô gái đó. Tôi rất xót xa khi nghĩ đến chuyện mình hay bất kỳ ai cũng có thể gặp rủi ro trên đường, mà bị sự thờ ơ của những người xung quanh làm cho mình phải chấp nhận cái chết”.
TIN LIÊN QUAN
Chuyện đau lòng, cô gái trẻ bất động trong đêm bên vỉa hè Sài GònTiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng câu chuyện “cô gái tử vong bên vỉa hè” khiến cho nhiều người cảm thấy sợ hãi vì sự vô cảm của một số con người.
“Nếu có một sự quan tâm dù nhỏ thôi, một cuộc điện thoại gọi cho công an, gọi xe cấp cứu hay đơn giản chỉ là sự quan tâm xem cô ấy thế nào, cũng làm cho cô có thể có cơ hội sống sót, hoặc ít ra cô cũng có được sự chăm sóc của người thân sớm hơn”, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy bày tỏ.
Vấn đề ở đây là sự vô cảm đến từ đâu?
Nguyên nhân làm cho một số người sợ hãi không dám giúp đỡ người khác quả là có thật. Nhưng thực sự đó cũng là thước đo để xem lòng nhân từ của chúng ta nhiều hay ít
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, ai cũng thấy hậu quả nặng nề của thói vô cảm, và nó có một nguyên nhân từ sự ích kỷ của con người. Khi con người sợ hãi điều gì đó liên quan đến bản thân và họ chỉ nghĩ đến bản thân thôi, họ không quan tâm đến người khác, thì sự ích kỷ của họ thiếu đi tình yêu thương, và sự ích kỷ đó cũng có khi lại là lý do ngần ngại trước việc cứu người lúc hoạn nạn.
Một người có lòng thương người khác, thường thì sẽ cố gắng xoay trở mọi cách để giúp đỡ người khác, giúp một cách chân thành...
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng có lẽ nhiều người từng nghe thấy những câu chuyện rắc rối ngoài đường khi mình giúp ai đó thì mình bị vạ lây, rồi bị đổ tội... Nguyên nhân làm cho một số người sợ hãi không dám giúp đỡ người khác quả là có thật. Nhưng thực sự đó cũng là thước đo để xem lòng nhân từ của chúng ta nhiều hay ít. Một người có lòng thương người khác, thường thì sẽ cố gắng xoay trở mọi cách để giúp đỡ người khác, giúp một cách chân thành nhất, không đặt điều kiện, và cũng không viện lý do này kia để thoái thác.
Những người nghĩ rằng nếu tôi giúp thì tôi bị vạ lây, gặp rắc rối, có thể bị hiểu lầm, bị đánh chết... mà không giúp, thì chứng tỏ lòng yêu thương người khác, nghĩ đến người khác rất ít, và chỉ còn lại là sự sợ hãi cho bản thân cùng sự ích kỷ mà thôi.
“Và họ đang ngụy biện cho hành vi ích kỷ của họ”, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhìn nhận.
Còn những người chỉ biết ích kỷ, thói vô cảm lấn át, chỉ quan tâm đến giá trị vật chất, cuộc sống, tương lai vật chất của mình, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, những tổn thương trước mắt…, thì họ không dám mở rộng lòng ra để giúp đỡ người khác, không dám mở rộng lòng ra để làm những điều có ích cho cuộc sống.
Để thói vô cảm không còn đất sống, theo Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, gốc của câu chuyện nằm ở chỗ giáo dục lòng nhân ái, lòng yêu thương con người trong gia đình, trong nhà trường cũng như ngoài xã hội.
Nếu chúng ta chỉ giáo dục lòng yêu thương một cách chung chung là hãy yêu thương người khác, thì không có hiệu quả, vì con người bao giờ cũng nghĩ đến bản thân mình đầu tiên. Điều đó không thể tránh được bởi nó là suy nghĩ rất bản năng.
Tuy nhiên, nếu người ta được dạy cách tự yêu thương chính mình và được coi trọng đúng mức, thì họ sẽ yêu thương người khác theo cách như vậy, theo sự tôn trọng, theo giá trị của con người.
Cho nên, cần phải xem lại cách giáo dục lòng yêu thương trong xã hội. Mỗi người cần được hiểu về lòng yêu thương đúng và trước hết phải biết yêu thương chính mình. Một người biết yêu thương chính mình sẽ biết tìm cách làm cho những thứ xung quanh mình tốt đẹp hơn. Mình yêu thương, trân trọng chính mình, thì mình yêu thương, trân trọng những người khác. Mình bảo vệ chính mình, thì mình cũng biết bảo vệ cho những người khác.
Từ đó, mình làm cho cuộc sống của mình và những người xung quanh cùng tốt đẹp hơn.
Như Lịch
Nguồn: thanhnien