Dạy con tốt là đúng, nhưng chưa đủ
Cuộc sống như đồng xu, luôn có mặt phải và mặt trái. Nếu con chúng ta chỉ biết thế nào là tốt và luôn làm việc tốt thì có thể khi vào đời các cháu sẽ thành “gà công nghiệp”, thậm chí sẽ bị hụt hẫng, bị cú sốc khi trực tiếp chứng kiến những việc xấu.
Tôi đã gặp một trường hợp, nay anh đã trên 40 tuổi nhưng làm việc ở đâu anh cũng không thích nghi được vì ở đâu anh cũng thấy có việc xấu và từ bỏ công việc vì không chấp nhận được cái xấu. Quan niệm thế nào là tốt của anh cũng rất khác người, nên anh luôn cảm thấy lạc lõng với mọi người. Đồng nghiệp, sếp của anh thậm chí còn cho là anh “hâm”. Kết quả là đến nay anh vẫn chưa có một chỗ làm ổn định, thu nhập bếp bênh, vợ con chưa lo được…
Với quan niệm trẻ con như tờ giấy trắng, nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn viết lên những điều tốt đẹp, bao bọc con bởi những hoàn cảnh sống tốt, những hành động tốt… Thậm chí, có cha mẹ còn không cho con chơi với trẻ hàng xóm vì sợ con nhiễm những thói quen xấu từ trẻ khác như nói tục, chửi bậy… Có cha mẹ không dám cho con đi bơi vì sợ nước hồ bẩn, không dám cho con tự đi xe đạp đi ra đường vì sợ tai nạn... Nếu cứ sợ nhiều như vậy thì khi lớn lên con chúng ta sẽ trở thành những đứa trẻ như thế nào? Các cháu có thể tự tin được không, có thể hòa nhập vào cuộc sống được không?
Dạy con biết làm việc tốt, sống tốt là rất cần, nhưng nếu chỉ như vậy khi lớn lên trẻ sẽ thiếu trầm trọng những kỹ năng sống. Các cháu cần biết những cái xấu để tránh, để ứng phó, để dự phòng… Theo tôi, càng biết nhiều cái xấu càng giúp trẻ cứng cáp hơn, trưởng thành hơn, cha mẹ càng đỡ lo con mình bị vấp ngã hơn.
Cái khó ở đây là dạy cho con biết cái xấu nhưng không bị nhiễm cái xấu. GS.TS.Trần Văn Khê từng nói, cha mẹ hãy là “lan can cầu cho con”. Tôi rất đồng cảm với cách ví von này. Lan can cầu của cha mẹ sẽ giúp con biết đường tốt mà đi, không bị ngã sang đường xấu. Cha mẹ đồng hành cùng con để ngăn con không làm điều xấu, biết tác hại của điều xấu, biết ứng phó với cái xấu. Chồng tôi thường dạy con, nếu ai đánh con, bố cho con đánh lại để tự vệ. Tôi lại lo con tôi ham đánh lộn, rồi cả hai cùng thương tật thì sao? Anh bảo đừng lo, con phải biết dũng cảm tự bảo vệ mình mới không bị bắt nạt. Bên cạnh đó, chúng tôi dạy cháu phải biết chơi hòa thuận với bạn bè, chia sẻ, giúp đỡ bạn; biết cách làm hòa với bạn để tránh xung đột. Nếu bị bắt nạt, các cháu cần biết tìm người xung quanh giúp đỡ, nếu không có ai giúp được các cháu phải biết chiến đấu để tự vệ. Đôi khi dữ dằn một chút lại được việc hơn là sự nhượng bộ. Mặt khác, các cháu cần biết tùy cơ ứng biến, bởi chúng ta không thể nào theo sát mọi lúc, mọi nơi để chỉ bảo các cháu.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tốt hơn hết là chúng ta phải giúp con có một tấm khiên để tự bảo vệ mình. Tấm khiên đó được tạo nên từ lòng tự tin, tinh thần dũng cảm, bản lĩnh và đạo đức. Có một nền tảng đạo đức vững chắc, trẻ sẽ biết phân biệt tốt xấu, biết sai đúng mà hành xử cho phù hợp. Để con có được điều này, cha mẹ chỉ có thể dạy con bằng chính đạo đức của mình, thể hiện trong mọi hành vi ứng xử hàng ngày chứ không thể dạy bằng lời nói. Con cái học chúng ta qua tấm gương phản chiếu cách chúng ta cư xử với con và với mọi người. Ta đánh mắng con lúc dạy con, đánh mắng bạn bè, đánh mắng người khác thì con cũng nhiễm tính bạo lực. Ta nói dối con thì đến một ngày nào đó con cũng sẽ nói dối ta. Ta thất hứa với con thì con cũng dễ trở thành một đứa trẻ không biết giữ lời hứa. Ta hành xử xấu khi nóng giận thì con chúng ta cũng không biết cách kiểm soát cảm xúc…
Gia đình chính là xã hội thu nhỏ, ta cần hướng dẫn cho trẻ biết khi nào người lớn hành động đúng, khi nào hành động sai để trẻ tập phân biệt đúng sai, biết lợi ích khi làm việc tốt và hậu quả khi làm việc sai. Thẳng thắn tự nhận lỗi cũng là một cách dạy con. Cùng con quan sát mọi người xung quanh để giúp con biết phân biệt người tốt người xấu, từ đó dạy con biết cách sống với người tốt và người xấu. Giúp con hiểu rằng không thể chọn một môi trường sống chỉ toàn người tốt, bản chất xã hội là luôn có xấu, có tốt.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Dạy con biết sống là mục tiêu của các bậc cha mẹ và cũng là thử thách lớn nhất trong sự nghiệp làm cha mẹ! Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu thời đại của mình có thể rất khác với thời đại của các con nên không được áp đặt, phải tôn trọng và tin tưởng con mình sẽ có cách bơi riêng trong dòng sông cuộc đời của nó. Cha mẹ chỉ nên là người tham vấn– người biết lắng nghe, biết chia sẻ, biết khơi nguồn tiềm năng, sức mạnh bên trong của con để con vững vàng bước qua mọi thử thách.
Ths PHẠM THỊ THÚY