Theo chị, đây là hiện tượng “bình thường” khi mạng xã hội cho phép người ta thoải mái trình bày ý kiến của mình, hay đã trở thành bất thường khi xuất hiện một lớp “hồng vệ binh” mới chuyên chửi bới, thóa mạ kẻ khác, nhân danh đạo đức hạ nhục nạn nhân như một đối tượng “mua vui”?
- Mạng xã hội cho phép con người tự do bày tỏ suy nghĩ, quan điểm và câu hỏi “Bạn đang nghĩ gì” rất tuyệt vời. Ở đây có sự quan tâm, cơ hội bày tỏ tự do... mà trong đời sống thực khó có được. Hiện tượng đám đông “ném đá” ai đó và ai đó trở thành nạn nhân của đám đông trên Facebook là điều khó tránh trên một xã hội ảo vô cùng và cũng thực vô cùng. Đó cũng là điều hay của Facebook khi mọi người đồng lòng lên tiếng phê phán một điều sai trái, bất bình vì một cá nhân hay tập thể, tổ chức làm những điều xấu đối với cộng đồng. Sức mạnh đám đông của dư luận xã hội trong trường hợp cùng nhau đấu tranh chống lại cái xấu, cái bất công là điều vô cùng ý nghĩa với sự phát triển xã hội và phát triển nhận thức của từng cá nhân.
Nhưng những trường hợp đám đông ô hợp, mù quáng, té nước theo mưa like, share, “ném đá” những gì mà họ chưa thực sự kiểm chứng là thông tin đúng hay sai, hay đấy là quan điểm khác cần được xem xét, tôn trọng và phản biện khoa học hay chỉ là quan điểm khác với số đông... thì đó là điều rất cần mọi người tỉnh thức để không lao vào cơn say chê bai, lên lớp đạo đức cho người khác.
Điều này thực sự nguy hiểm cho việc định hướng tư duy của con người, trong đó đặc biệt nguy hiểm cho giới trẻ - những người đang hoang mang không biết đâu là đúng, đâu là sai? Nhưng chính nhờ những đợt “ném đá” trên mạng mà những người có hiểu biết, có tâm đã bức xúc viết những bình luận phản bác lại những luận điệu áp đặt, “ném đá” người khác. Từ đó, cũng là giúp mọi người hiểu đúng vấn đề hơn, hiểu đa chiều hơn.
Liệu đây có phải là lúc ranh giới đúng-sai bị xóa mờ, và “cán cân đạo đức” nghiêng về đám đông, cho dù đám đông ấy không nắm giữ chân lý lẫn điều tốt đẹp, bao dung?
- Đám đông không phải lúc nào cũng đúng. Dân chủ không thuộc về đám đông mà thuộc về lẽ phải. Dân chủ thực sự cần tôn trọng lẽ phải, sự thật chứ không phải tin và nghe theo đám đông.
Theo chị, cần hướng các cư dân mạng đến điều gì để họ không trở thành những kẻ “giết người bằng bàn phím” mà không chịu trách nhiệm về hành vi, thậm chí về tội ác của mình?
- Trước hết cần định hướng người chơi Facebook không vội vã chia sẻ những thông tin, hình ảnh mà chính mình chưa rõ thực hư, vì hậu quả của việc này từ tâm lý đám đông, ảnh hưởng của đám đông dễ tạo làn sóng bức xúc, phẫn nộ lan truyền trên cộng đồng mạng. Đôi khi chúng ta chia sẻ nhưng lại không hề biết mình có thể vô tình viết tiếp, củng cố cho những điều gây hoang mang, những điều làm dấy lên cảm xúc tiêu cực trong mọi người từ những thông tin chưa được kiểm chứng.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy
Sự cuồng nộ đến mất lý trí của đám đông cũng từ đấy mà ra. Chúng ta cần tỉnh thức để suy nghĩ, phản biện, tìm hiểu kỹ đúng-sai trước khi chia sẻ. Mỗi người cần có trách nhiệm với những hành động like, share, bình luận của mình. Góc nhìn đa chiều sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn, từ đó có sự lựa chọn hành động trên mạng xã hội một cách có trách nhiệm hơn, có lợi cho cộng đồng hơn.
Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí và những người có trách nhiệm cần tuyên truyền về điều này. Chúng ta không nên và không thể cấm người dân bày tỏ quan điểm của họ trên mạng xã hội. Chỉ khi ta tuyên truyền về hậu quả, về ý thức trách nhiệm và đạo đức thì người sử dụng mạng xã hội sẽ tự quyết định mình nên làm gì tốt nhất cho chính mình, bạn bè của mình và cộng đồng.
- Xin cảm ơn chị.