Khuya 1/3, trên trang Facebook cá nhân, Nguyễn Ngọc Mạnh chia sẻ lại video quay góc trực diện cảnh anh đứng trên mái tôn đỡ bé gái kèm theo dòng trạng thái: "Đây là một video mà mình mới nhận được. Thông qua video mọi người đều thấy được mình không hoàn toàn đỡ được em bé, sự việc xảy ra quá đột ngột, mình đã không nhớ rõ được hết các chi tiết. Thành thật mong mọi người thông cảm".
Lời bộc bạch nhận được hàng nghìn bình luận, chia sẻ cùng đa số bình luận cảm kích tấm lòng cũng như hành xử của anh Mạnh.
Các chuyên gia tâm lý học và xã hội chia sẻ với Zing góc nhìn về câu chuyện đẹp vừa xảy ra.
Không kịp tính toán hay suy nghĩ
"Tôi rất cảm kích cái tâm tốt của Mạnh. Hành động chỉ trong vài giây mới nói lên bản chất thật nhất của con người", tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý học trị liệu Phạm Thị Thúy nói với Zing.
Theo chuyên gia tâm lý này, hành động của anh Mạnh rất nhanh, diễn ra chỉ trong vài giây. Anh ấy không kịp suy nghĩ, không kịp tính toán điều gì lúc ấy và cũng không cân nhắc có làm được hay không mà chỉ thực hiện.
Hành động này xuất phát từ đạo đức, cái tâm bên trong anh.
Bà dẫn chứng quan điểm của Immanuel Kant, triết gia người Đức thế kỷ 18, để nói về hành động của Mạnh và những lùm xùm liên quan sau khi anh cứu cháu bé.
Một hành động có đạo đức là hành động độc lập khỏi những inclinations (động cơ/thiên hướng), tức là cần độc lập khỏi những tác nhân có tính nhân quả, ví dụ như cảm xúc, mục tiêu, pháp luật, sự phản ứng của những người xung quanh. Tôi cứu người vì đó là việc phải làm, là trách nhiệm của tôi, chứ không phải vì nếu tôi không cứu thì lương tâm tôi sẽ bị cắn rứt (vì đó vẫn đang là vì mình).
Chúng ta hãy chỉ nên cảm ơn anh, không có gì phải soi mói về hành động của Mạnh cả
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy
"Thiện chí (good will) của con người độc lập khỏi kết quả/tác động. Cho dù kết quả có được như ý muốn hay không thì hành động đạo đức vẫn có đầy đủ giá trị của nó, như những viên ngọc vẫn tự tỏa sáng", nữ chuyên gia trích dẫn.
Do đó, tiến sĩ Thúy cho rằng bất kỳ phân tích nào của người ngoài cũng hoàn toàn sai.
"Anh ấy cứu cháu bé đâu có suy nghĩ gì đâu mà chúng ta ở ngoài phân tích, cho là đỡ không kịp hay thế này thế kia. Mình ở ngoài nói hay lắm nhưng trong tình huống cấp bách đó là người ta làm theo bản năng, theo điều thôi thúc bên trong. Chúng ta hãy chỉ nên cảm ơn anh, không có gì phải soi mói về hành động của Mạnh cả", tiến sĩ xã hội học bày tỏ và mong mọi người để Mạnh trở về cuộc sống bình thường, đừng bình luận ác ý hay cũng đừng đưa anh lên thành người hùng.
"Đơn giản anh là một người giao hàng có cái tâm tuyệt vời. Vì giao hàng, leo trèo nhiều nên anh ấy có thể lực, có kỹ năng tốt. Nhưng chúng ta đừng có phân tích quá về hành động đó. Lúc đó chỉ có cái tâm, động lực bên trong nhằm cứu đứa bé thôi thúc anh. Trong những trường hợp như vậy người ta có thể làm những việc ngoài sức tưởng tượng", tiến sĩ Phạm Thị Thúy nói.
Còn tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nguyên Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, hoan nghênh việc xã hội ủng hộ và tôn vinh anh Mạnh.
Giống như cậu ấy nói, cậu giúp đỡ em bé để sau này biết đâu em cũng sẽ giúp nhiều người khác. Logic cuộc sống của Mạnh rất hay, nhân văn và cần được lan tỏa
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm
Theo ông Lâm, bên dưới tòa nhà lúc đó không chỉ có mỗi mình Mạnh. Nhưng trong đám đông đó, Mạnh có phản ứng nhanh nhẹn để tiếp cận, cứu giúp đứa bé.
"Chúng ta nên nhìn ở góc độ tích cực để tuyên dương. Giống như cậu ấy nói, cậu giúp đỡ em bé để sau này biết đâu em cũng sẽ giúp nhiều người khác. Logic cuộc sống của Mạnh rất hay, nhân văn và cần được lan tỏa", ông Lâm nêu quan điểm.
Từ câu chuyện của anh Mạnh, tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng đây là dịp để mỗi người tự hỏi mình rằng khi gặp người bị nạn như vậy, chúng ta có hành động tương tự hay không.
"Hành động bất ngờ chỉ trong tích tắc như vậy chúng ta có làm được để cứu người hay không? Đó mới là vấn đề. Còn hãy đừng bình luận gì hết", bà Thúy nói.
"Tính ẩn danh" trong tâm lý đám đông
Nhà nghiên cứu tâm lý học Đào Lê Tâm An (Trưởng phòng đào tạo Trung tâm ứng dụng Jobway) bày tỏ sự cảm phục trước hành động của Mạnh khi đã rất kịp thời xử lý tình huống để cứu cháu bé.
Theo ông, các nhà tâm lý học cũng đã chỉ ra trong những sự việc xảy ra cấp thời, không đủ thời gian để tính toán các phương án thì lúc đó hành động của người đó sẽ bộc lộ chính xác nhất phần vô thức, bản chất.
Tuy nhiên, khi xuất hiện quá nhiều luồng ý kiến khen ngợi, lập tức sẽ có những người tìm ra các góc cạnh khác của vấn đề để lật ngược quan điểm để tạo ra cảm giác đa chiều. Việc tạo ra góc nhìn đa chiều dần biến tướng thành việc lên án, chỉ trích những người khác là do tác động của "tính ẩn danh” trong tâm lý đám đông.
Khi bình luận trên mạng, đặc biệt là thông qua những tài khoản giả, các cá nhân có sở thích “dìm hàng”, chỉ trích để câu like, thỏa mãn nhu cầu tự tôn của bản thân hoặc có cảm giác “thay trời hành đạo”.
"Đây là một thực trạng tiêu cực, vì điều này dễ tạo ra tâm lý dè chừng cho những người chứng kiến rằng: 'Thôi, thà không làm gì để đỡ bị chú ý, vạ lây' và càng làm vấn nạn thờ ơ, vô cảm lên ngôi", nhà nghiên cứu Đào Lê Tâm An nói.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm lưu ý chúng ta tôn vinh, biểu dương Mạnh nhưng không đòi hỏi tất cả mọi người đều phải hành động như vậy. Phản ứng của con người cũng có người nhanh, người chậm. Bản thân anh Mạnh khỏe, tỉnh táo, tốt bụng, gộp lại đã cho anh có hành động tốt. Còn những người khác có thể cũng muốn cứu nhưng phản ứng chậm, hoặc không biết đi con đường nào để cứu cháu bé.
Ông cho rằng điều xấu xí qua một số bình luận phân tích là đã không thấy được sự nỗ lực của Mạnh, cái tâm tốt của anh mà có thể nghĩ Mạnh ăn may hoặc lợi dụng chuyện cứu cháu bé để nổi tiếng.
"Mình noi gương theo suy nghĩ của Mạnh là nếu mình giúp đỡ được người này thì sau này cũng có người khác giúp đỡ mình. Ai cũng như vậy thì xã hội dần dần sẽ thành cộng đồng văn minh, nhân ái", ông Lâm bày tỏ.
Không nên phóng đại câu chuyện
Nhìn nhận câu chuyện dưới góc độ người làm công tác chăm lo, giáo dục trẻ em, chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng câu chuyện này không nên lan truyền quá nhiều mà chỉ nên ở dừng ở mức chúng ta gửi lời cảm ơn đến anh Mạnh vì đã cứu cháu bé. Bên cạnh đó là cảnh báo lẫn nhau về việc chăm sóc con trẻ.
"Chúng ta không nên phóng đại câu chuyện lên vì hoàn toàn có thể khích lệ học sinh cấp 2, cấp 3 làm theo. Khi nhìn thấy những hình ảnh đó, các em có thể học theo, gây nguy hiểm cho chính bản thân", chuyên gia giáo dục này chia sẻ.
Anh Mạnh nhận bằng khen, thư khen từ lãnh đạo Chính phủ và TP Hà Nội. Ảnh: Hoàng Linh. |
Theo bà Thu Hương, từ hành động của anh Mạnh, mọi người đánh giá, soi xét các góc độ hay thổi phồng lên phân tích không chỉ làm rối loạn cuộc sống người cứu bé mà còn cho chính con trẻ.
"Với con trẻ, ngoài tổn thương bên ngoài thì còn nguy cơ tổn thương tâm lý rất nặng. Để giảm tổn thương tâm lý thì các con cần phải quên. Nhưng hàng nghìn, hàng triệu con mắt đang soi về em bé vậy thì các con làm sao có thể quên được. Trẻ có thể mắc chứng sợ độ cao hoặc chứng sợ hãi điều gì đó. Người lớn chúng ta không nên nhắc lại dưới bất kỳ hình thức nào", tiến sĩ Vũ Thu Hương khuyến nghị.
Bà cho rằng đứng ở góc độ em bé và người cứu em bé, việc này không nên phát triển nữa mà nên dừng lại, bởi rõ ràng đây vốn là chuyện không may, trong sự không may đó đã có may mắn.
"Dù tôi rất cảm kích và cảm ơn anh Mạnh, nhưng với trẻ em hay người chăm sóc trẻ thì rõ ràng đây không phải là câu chuyện nên quảng bá và lan rộng ra. Người trong cuộc và người liên quan đều không muốn câu chuyện này phát triển nữa", chuyên gia giáo dục chia sẻ.
Nguồn: https://zingnews.vn/hay-cam-on-va-de-anh-manh-tro-ve-cuoc-song-binh-thuong-post1188819.html