Kỹ năng làm việc nhóm
Từ rất xa xưa, có lẽ từ lúc biết đi bằng hai chân và sống với nhau thành bầy, đoàn, con người đã biết họp lại với nhau thành nhóm do nhu cầu trao đổi hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm, tình cảm...
Ví dụ sau một ngày làm việc, họ ngồi bên đống lửa để nói về cách làm sao hạ được con tê giác bằng những chiếc giáo thô sơ, làm sao biến da thú thành cái mũ ấm áp.
Trong những thập niên gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, việc tổ chức làm việc theo nhóm ngày càng phổ biến. Làm việc nhóm cũng là một trong những cách giúp học viên học tập chủ động hơn và có kết quả hơn. Sự hợp tác trong công việc, học tập và nghiên cứu là một trong những phương pháp tốt nhất để đi đến thành công. Cái ta tưởng là khó thì đối với những người khác lại rất dễ dàng, cái ta thiếu thì người khác lại dư...Vì vậy, làm việc nhóm là sự cộng hưởng tốt nhất cho mọi người. Nếu chúng ta tìm kiếm trong trang Google cụm từ “làm việc nhóm” chúng ta sẽ có hàng nghìn kết quả về làm việc nhóm. Điều này chứng tỏ kỹ năng làm việc theo nhóm ngày càng phổ biến trên khắp thế giới.
Làm việc cùng một người bạn hay một nhóm bạn có thể mở thêm cơ hội sáng tạo và học hỏi lẫn nhau. Người nghiên cứu và học tập có thể học hỏi được cả từ bạn học kém hơn cũng như những người giỏi hơn và những người cùng học lực.
* Khái niệm về nhóm:
Nhóm là một tập hợp người cùng nhau làm việc và:
- Có chung một mục đích,
- Có mối quan hệ tác động qua lại,
- Có nội quy làm việc
- Mỗi thành viên trong nhóm đều giữ một vai trò nhất định.
Nhóm cần có một trưởng nhóm và một thư ký.
* Những ưu, nhược điểm khi làm việc theo nhóm:
Ưu điểm |
Nhược điểm |
Về mặt thực tế |
|
- Có nhiều ý kiến rộng rãi hơn - Mọi người có dịp để chia sẻ những hiểu biết, những kinh nghiệm. - Phát hiện những thiếu sót, nhầm lẫn của những cá nhân trong nhóm dễ dàng hơn. - Một quyết định của nhóm đưa ra dễ được các cá nhân trong nhóm công nhận hơn. - Mỗi thành viên trong nhóm đều cảm thấy mình là một phần tử của nhóm nên có tinh thần trách nhiệm hơn. |
- Có thể làm cho việc đưa ra quyết định bị chậm đi. - Nếu trong lúc thảo luận có quá nhiều ý kiến thì nhóm sẽ dễ bị nhầm lẫn và có nguy cơ xa rời vấn đề chính. - Tất cả mọi người trong nhóm phải cùng làm việc. Nếu không việc nghiên cứu nhóm sẽ trở thành vô ích. - Đôi khi không phải toàn nhóm nhất trí mà chỉ là đa số. Thiểu số còn lại có thể sẽ bất mãn. Đây là hạn chế lớn nhất của làm việc theo nhóm.
|
Về mặt tâm lý |
|
- Tạo ra sự tự tin và sự quyết định, ngay cả vớí những cá nhân rụt rè nhất. - Các cá nhân thường tin rằng những quyết định của nhóm đưa ra là những cách tốt nhất. - Cá nhân cảm thấy là cả nhóm cũng chịu trách nhiệm chứ không phải chỉ riêng bản thân họ. Nhờ vậy, họ đóng góp thoải mái hơn. |
- Mỗi thành viên có thể sẽ không đóng góp vào công việc chung nếu: + Anh ta không có khả năng diễn đạt ý nghĩ của mình. + Anh ta không thống nhất với tập thể nhưng không nói ra. + Anh ta không thích tranh luận hoặc không quan tâm đến vấn đề. + Các thành viên khác quá tin tưởng vào quan điểm của mình và không sẵn sàng lắng nghe quan điểm của người khác. |
* Nhóm làm việc như thế nào?
Để đạt được mục đích chung các thành viên trong nhóm phải làm việc với nhau, tạo nên mối quan hệ và tác động lẫn nhau. Trong lúc làm việc như vậy nhóm sẽ trải qua nhiều quá trình khác nhau. Có hai loại quá trình vận hành của nhóm: có ý thức và không có ý thức.
Quá trình có ý thức gồm có:
+ Tham gia
+ Giao tiếp
+ Ra quyết định
+ Lãnh đạo
+ Giải quyết vấn đề nảy sinh
+ Giải quyết các xung đột/ bất đồng
Quá trình không có ý thức gồm có:
+ Thái độ với người có quyền lực:
Ngay khi gia nhập nhóm thành viên thường có khuynh hướng quan hệ tới khuôn mặt có “quyền lực” trong nhóm. Tùy theo kinh nghiệm đã có mà nhóm viên có khả năng rơi vào hai phản ứng sau:
a) Phụ thuộc, chờ đợi ý kiến và làm theo người này. Họ có cảm giác mất phương hướng nếu thiếu người này.
b) Chống đối, thù nghịch với người có quyền lực bằng lời nói hay thái độ.
Điều cần đạt tới là sự phụ thuộc lẫn nhau trong nhóm qua đó mỗi thành viên đều có vai trò của mình.
+ Hiện tượng phân hóa trong nhóm
a) Chống đối lẫn nhau thể hiện qua bất đồng ý kiến, khẳng định mình là đúng, tấn công người khác, làm theo cách của mình.
b) Né tránh thảo luận, để đầu óc lang thang, thay đổi chủ đề thảo luận, đùa nghịch không đúng chỗ, nói chuyện riêng.
c) Hình thành nhóm nhỏ hai, ba người bênh vực lẫn nhau và không hướng tới hoàn thành nhiệm vụ của nhóm.
Để làm việc nhóm có hiệu quả, người đứng đầu nhóm phải giúp nhóm nhận ra quá trình không ý thức này và tìm cách hóa giải chớ không nên né tránh. Một khi các thành viên đã nhận ra thì họ có khuynh hướng sử dụng những năng lực của mình đóng góp vào sự nỗ lực chung của nhóm.
* Các thành viên trong nhóm có vai trò gì?
- Người trưởng nhóm: có vai trò lãnh đạo, điều hành nhóm, giám sát, quản lý tiến độ nghiên cứu trong suốt quá trình nghiên cứu.
- Người thư ký: ghi chép các cuộc họp nhóm, kết nốí các sản phẩm nghiên cứu, và các công việc khác phục vụ cho việc nghiên cứu của nhóm.
- Các thành viên khác cùng làm việc vì mục tiêu chung.
Tuy nhiên, tất cả mọi người trong nhóm cũng có thể đóng những vai trò khác nhau. Mặc dù nhóm có người lãnh đạo nhưng không phải người này chịu tất cả trách nhiệm điều khiển buổi thảo luận. Trong hầu hết các nhóm, những thành viên đôi khi từng lúc tham gia vào vai trò lãnh đạo hoặc có thể giữ những vai trò sau:
1. Những vai trò tích cực:
a) Vai trò hoàn thành nhiệm vụ:
Những người giữ vai trò này giúp nhóm tìm ra những ý tưởng mới, thu thập và phân tích thông tin.
+ Người khởi xướng: Gồm những người năng động, sáng tạo. Họ đưa ra gợi ý về những mục tiêu, giải pháp, cách tiến hành.Họ giúp nhóm thảo luận đúng trọng tâm và không ngần ngại hỗ trợ nhóm. Họ là người cầm đuốc cho những người khác.
+ Người đưa và tìm kiếm thông tin: càng có nhiều thông tin thì công việc nghiên cứu càng thuận lợi, do đó vai trò này rất quan trọng. Những người này thường có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực đang nghiên cứu.
+ Người phê bình phân tích: Những người này giữ nhóm nhìn thấy bức tranh toàn cảnh và các sự việc có quan hệ với nhau như thế nào. Họ tìm thấy cái gì là tốt, cái gì là xấu trong số những thông tin đang có hoặc điều gì đã bị bỏ sót. Họ giúp nhóm giữ đúng định hướng mục tiêu chung.
b) Vai trò duy trì nhóm.
+ Người động viên: Họ khen ngợi sự đóng góp hay sự thành công của nhóm, không chê bai ai, không đả kích ý kiến của người khác. Họ giúp mọi người cảm thấy thoải mái và tự tin. Thường họ là những người biết lắng nghe.
+ Người hoà giải: Giữ vai trò giải quyết các bất đồng, xung đột ý kiến. Họ có khiếu tìm ra những giải pháp hoà đồng và giữ vai trò nhắc nhở mọi người rằng “mục tiêu của nhóm quan trọng hơn những nhu cầu cá nhân”.
+ Người điều tiết: Họ giúp nhóm thảo luận đúng hướng bằng cách nhắc nhở chương trình thảo luận, hướng chú ý vào những điểm quan trọng, tạo cơ hội cho người khác phát biểu, cắt lời những người nói nhiều một cách khéo léo.
+ Người quan sát: Những người này nhạy cảm với những nhu cầu của những thành viên trong nhóm và giúp nhóm gắn bó với nhau hơn.
2. Những vai trò tiêu cực:
+ Người tấn công - phản kháng: Những người này thường hay tấn công những người khác để chứng tỏ là mình tốt hơn. Họ phản kháng bằng cách khư khư giữ ý kiến hoặc thái độ của mình và thường dẫn nhóm đi xa mục đích thảo luận.
+ Người tự tôn: Người tự tôn chỉ cảm thấy sung sướng khi lôi cuốn sự chú ý của người khác về phía mình. Sự đóng góp của họ thường không giúp đi đến mục tiêu.
+ Người đòi hỏi: Những người này muốn thoả mãn nhu cầu cá nhân bằng cách đòi hỏi được giúp đỡ, khuyên bảo, tư vấn hay tìm kiếm sự thông cảm của nhóm.
+ Người không tham gia: Gồm những người không có đóng góp gì cho nhóm và luôn ở trong tư thế “rút lui”.
Tóm lại, muốn làm việc nhóm thành công, các thành viên trong nhóm cần luôn thực hiện tốt vai trò, công việc được phân công của chính mình, biết hợp tác, đoàn kết phát huy trí tuệ tập thể, biết hạn chế những vai trò tiêu cực do ảnh hưởng của tính cách cá nhân, tất cả hướng đến mục tiêu chung của nhóm.