Cách trở thành chủ nhân thông minh của smartphone

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng làm việc

lamchu-kynangsong

Sở hữu điện thoại thông minh ngày nay không còn là chuyện hiếm thấy hay niềm mong ước mơ xa vời như vài thập kỷ trước. Smartphone xuất hiện ngày một phổ biến và hầu như ai cũng có thể sở hữu một chú "dế" hiện đại của riêng mình, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Smartphone cuốn hút con người nhờ những chức năng tuyệt vời trên mọi mặt, từ chơi game, nghe nhạc, chụp hình quay phim, cho tới giao lưu kết bạn qua mạng xã hội, tạo cơ hội xử lý công việc nhanh chóng và thuận tiện… Tuy nhiên, vật thể bé nhỏ đầy mê hoặc này đang gây những hệ lụy không ai mong muốn xuất phát từ thói quen và ý thức.

Người dùng smartphone đã bắt đầu nói đến thứ ma lực khiến họ cứ phải kè kè điện thoại bên mình, vài phút lại ghé mắt kiểm tra và trạng thái bứt rứt không biết làm gì khi bị cách ly. Nhiều người không thoát được âm thanh ám ảnh của tin nhắn và các thông báo từ mạng xã hội, hiện tượng ngón tay “cò súng” tê nhức và đầu cổ đau mỏi vì cả ngày lướt smartphone sai tư thế.

Những tác động nói trên của điện thoại thông minh dần trở thành một chủ đề bàn luận sôi nổi gần đây và mọi người đang đề cập nhiều hơn tới văn hóa sử dụng smartphone. Vậy làm sao để sử dụng điện thoại một cách có lý trí và văn minh? Làm sao để smartphone trở thành công cụ khiến cuộc sống vui tươi hơn mà không đắm chìm trong thế giới ảo của riêng mình, không biến bản thân thành “con nghiện”?

Tờ Huffingtonpost đưa ra một gợi ý bắt đầu từ những thói quen nhỏ mỗi ngày, giúp mọi người trở thành những chủ nhân smartphone thông minh, biết tôn trọng chính mình và những người đối diện.

Nhiều người dùng smartphone đang để cho điện thoại chen chân quá nhiều vào cuộc sống, biến mình thành con nghiện. Ảnh: presstv.ir

Nhiều người dùng smartphone đang để cho điện thoại chen chân quá nhiều vào cuộc sống, biến mình thành “con nghiện”. Ảnh: presstv.ir

Mang điện thoại khỏi bàn ăn

Giữ khư khư smartphone bên mình, dù đang trong bữa ăn hoàn toàn không phải là ý kiến hay ho. Bất cứ khi nào đèn báo nháy lên hay nhạc chuông đổ dồn, bạn cắt ngang cuộc nói chuyện đang hồi cao trào, với tay lấy điện thoại và phá vỡ không khí thân mật trên bàn ăn, làm mọi người xung quanh bị xao nhãng và khó chịu.

Bên cạnh đó, để smartphone bên cạnh càng khiến người dùng lệ thuộc vì tâm lý lúc nào cũng bị ám ảnh. Cảm giác tại đây có một chiếc điện thoại và rồi tin nhắn, các cuộc gọi, các thông báo từ mạng xã hội cũng sẽ nối bước theo. Bạn sẽ khó lòng kiềm chế bản thân và tự nguyện kéo nó lại gần kiểm tra dù thừa biết chả có âm báo nào vang lên cả.

Nếu không muốn ngày càng thu mình vào thế giới chỉ có mình và công nghệ, không muốn tự mình giết chết những tương tác giữa con người bạn nên học cách cách ly với điện thoại, bắt đầu từ những bữa ăn cùng gia đình, bạn bè, người thân.

Tôn trọng người đối diện

Thỉnh thoảng bạn ở trong tình huống chẳng đặng đừng phải dùng tới điện thoại. Đây là chuyện hoàn toàn bình thường. Mọi người sẽ dễ dàng chấp nhận khi bạn nói lời xin lỗi và cho người đối diện biết bạn đang làm gì và lý do của nó. Nếu không, họ hoàn toàn có lý do để cho rằng họ không được tôn trọng và cuộc trò chuyện nhàm chán tới mức bạn phải cầu cứu điện thoại giải sầu.

Không dùng điện thoại khi đang chán nản

Chán nản là cảm giác mà ai cũng phải trải qua trong cuộc sống. Nó phản chiếu những áp lực khi đối mặt với tình cảm, công việc và cả những sự gò bó của đời sống mà bạn không mong muốn. Hãy tự nhiên đón nhận cảm giác chán nản với một nụ cười và cưỡng lại ham muốn quên đi nỗi buồn bằng điện thoại.

Tốt hơn bạn nên ra ngoài hít thở khí trời và vận động hoặc tìm đến người thân để chuyện trò. Sao phải chống lại sự chán nản cùng một vật vô tri khi chúng ta hoàn toàn có thể trút bầu tâm sự cùng một người có đầy đủ xúc cảm và suy nghĩ?

Không nhắn tin khi đang làm việc khác

Nếu bạn không ngừng nhắn tin khi đang lái xe, đó không còn là hành vi thô lỗ mà là biểu hiện của sự điên rồ, coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của bản thân và mọi người. Còn dán mắt nhắn tin trong lúc chuyện trò cùng bạn bè, khi đang đặt vé, thậm chí vừa ăn vừa nhắn tin… lại là hành vi thiếu tôn trọng người khác.

Hãy dành thời gian nhắn tin một cách đường hoàng, tôn trọng người được gửi tin nhắn và không gây cảm giác bị xem thường cho những người xung quanh.  

Đừng cố gắng lưu giữ mọi khoảnh khắc

Nhiều người bị ám ảnh bởi mong muốn giữ lại từng khoảnh khắc đã trải qua để sau này không luyến tiếc, họ tận dụng smartphone với công nghệ cao để chụp ảnh, quay phim bất cứ lúc nào. Nỗ lực này không may lại là rào cản ngăn bản thân họ tận hưởng giây phút đó một cách trọn vẹn.

Trong các bữa tiệc, bạn trì hoãn bắt đầu bữa tiệc để chụp hình các món ăn ở góc đẹp nhất, cắt ngang cuộc nói chuyện và đề nghị mọi người tạo dáng trước ống kính. Tại buổi trình diễn âm nhạc, tay cầm điện thoại quay phim liên tục của bạn cản trở tầm nhìn của người phía sau, phá vỡ rung cảm của mọi người.

Bởi vậy, hãy ý thức về việc chụp hình quay phim bằng điện thoại và hiểu rõ lý do vì sao bạn làm việc đó.

Hạ nhỏ âm lượng tai nghe

Nhiều người có thói quen tăng âm lượng tai nghe khá lớn vì cho rằng đây là quyền riêng tư và chẳng ai khác ngoài họ nghe thấy âm thanh đang vang lên trong đầu. Tuy nhiên, mọi người ở khoảng cách gần có thể vẫn nghe thấy và nó phá bĩnh những cuộc trò chuyện.

Ngoài ra, họ có thể nghe thấy những gì điều không nên biết lúc bạn tháo tai nghe. Vậy nên, hãy chỉnh âm lượng vừa đủ nghe để không làm phiền người khác và giữ bí mật cho bản thân mình.

Hỏi xin ý kiến trước khi xem ảnh

Khi ai đó đưa cho bạn điện thoại để xem lại bức ảnh vừa chụp chung, điều đó không có nghĩa bạn được toàn quyền xem hết album ảnh. Họ chỉ đơn thuần muốn bạn xem chỉ một tấm ảnh lúc nãy, không phải mọi tấm hình riêng tư và đưa ra những bình luận vô ý tứ.

Ngắt kết nối một thời gian ngắn

Ngày càng có nhiều lời khuyên cho những chủ nhân của smartphones rằng một khoảng nghỉ ngơi giữa những vòng quay công nghệ mang tới những lợi ích tuyệt vời về sức khỏe và tinh thần. Điều này không có nghĩa bạn phải dành hẳn một cuối tuần chỉ đề đến nơi xa vắng hoang dã nào đó và nói tạm biệt tất cả.

Hãy bắt đầu thói quen này mỗi ngày, cho bản thân thời gian nghỉ ngơi thư giãn không công nghệ. Nếu bạn ra ngoài ăn tối với gia đình, hãy tạm để điện thoại tại nhà để không tạo cơ hội kiểm tra email cứ 15 phút mỗi lần và phá hỏng thời gian quý báu ít ỏi bên người thân. Bạn cũng có thể nói ý định đó với người thân và thống nhất về một buổi tối hoàn toàn không điện thoại. 

Khánh Hà

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.