Bị sốc khi chuyển nhà

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng làm việc

chuyennha kynangsong

PNCN - Gia đình tôi ngụ huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre), sống bằng nghề nông khá vất vả, bấp bênh. Mới đây, một người bạn là chủ cơ sở giày ở TP.HCM định đưa vợ chồng tôi lên thành phố giúp quản lý việc kinh doanh.

Do có bạn hỗ trợ, tôi yên tâm về công việc, thu nhập, chỗ ở. Điều khiến tôi lo ngại là các con sẽ bị xáo trộn cuộc sống khi bất ngờ thay đổi môi trường. Cách đây ba năm, tôi đã chuyển nhà từ quê tôi (Kiên Giang) về quê vợ (Bến Tre) khiến con gái lớn bị sốc, học hành sa sút, thay đổi tính tình từ vui vẻ, tự tin, dạn dĩ, thích giao tiếp… sang buồn bã, thụ động, ít nói cười. Cháu trách tôi chuyển nhà làm cho cháu mất bạn, mất nơi ở quen thuộc, so sánh chỗ ở mới và chỗ ở cũ với tâm trạng tiếc rẻ. Mãi hai năm sau cháu mới bắt đầu quen quen thì giờ lại chuyển, e sẽ ảnh hưởng nhiều đến cháu. Tôi có hai con, cháu gái mười tuổi, cháu trai bốn tuổi. Mong chuyên gia tư vấn giúp tôi phải làm sao để chuyển nhà mà các con vẫn ổn định tâm lý, sớm bắt nhịp với cuộc sống mới.

Nguyễn Văn Hải (Bến Tre)

Anh Hải mến,

Việc chuyển nhà sang một nơi khác môi trường sống, bạn bè khác, thầy cô khác luôn là việc không dễ thích ứng, ngay cả với người lớn. Sự thay đổi này sẽ để lại dấu ấn không dễ phai mờ trong tâm trí trẻ, thậm chí là một cú sốc tâm lý không nhỏ với nhiều trẻ. Con gái anh bắt đầu quen với nơi ở hiện tại là điều đáng mừng. Nhưng không hẳn là cháu hoàn toàn vượt qua nỗi buồn xa quê thời thơ ấu. Vì vậy, băn khoăn của anh cho lần chuyển nhà này rất đúng. Tuy nhiên, anh chị không nên quá lo lắng mà thêm áp lực cho con. Nơi ở hiện nay các cháu mới làm quen được ba năm, có thể chưa đủ dài để lưu luyến. Hơn nữa, đây là lần thứ hai chuyển nhà, anh chị và các cháu cũng đã có trải nghiệm.

Để con thích ứng tốt hơn với sự chuyển nhà lần này, anh chị cần chuẩn bị tâm lý cho cháu. Anh chị nên dành thời gian tâm sự với cháu lớn về lần chuyển nhà trước, xem cháu đã ổn định tâm lý chưa, hiện tại cháu suy nghĩ gì về việc đó. Khi có dịp nói, được cha mẹ lắng nghe, cháu sẽ vui hơn. Anh nên bàn với cháu về cơ hội cả nhà lên TP.HCM, những điều hay, điều tốt cho cha mẹ, cho các cháu… Anh chị có thể bắt đầu từ việc hỏi cháu nên hay không chuyển nhà. Cháu gái đã mười tuổi, ở tuổi này trẻ thích được cha mẹ tôn trọng, lắng nghe, được tham gia ý kiến vào việc lớn trong nhà.

Anh chị nên để cả nhà cùng bàn về chuyện chuyển nhà một cách vui vẻ trong bữa ăn, trước khi ngủ… để cháu gái làm quen dần với chuyện đó và để cháu trai được chuẩn bị tâm lý. Bé bốn tuổi cũng cần được biết chuyện gì sắp đến, cả nhà sẽ thay đổi ra sao, chỗ ở mới sẽ như thế nào…

Anh chị có thể giao cho cháu lớn việc giúp em làm quen với những thông tin ở TP.HCM như những nơi vui chơi giải trí, nơi học tập… mà các cháu sẽ có dịp đến. Anh chị cung cấp thông tin cho con gái và nhờ cháu giúp bố mẹ kể dần dần cho em trai nghe. Khi được trao quyền chủ động tham gia vào sự thay đổi, cháu sẽ dễ thích nghi hơn. Vai trò người chị càng được phát huy, cháu càng thêm mạnh mẽ. Bản thân cha mẹ cũng cần cho con thấy thái độ tin tưởng, hy vọng, vui vẻ, sự chuẩn bị chu đáo của mình trước sự thay đổi này. Điều đó sẽ giúp các con yên tâm. Chúc anh chị và các cháu sớm ổn định cuộc sống!

Chuyên viên tham vấn PHẠM THỊ THÚY

Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.