Chú ý sức khỏe tinh thần cho trẻ khi cha mẹ đi làm lại “bình thường mới” Featured

Trải qua gần nửa năm chỉ ru rú trong nhà vì dịch, hiện nay trẻ em vẫn thuộc diện chưa được ra ngoài dù cha mẹ đã đi làm nên đây là giai đoạn phụ huynh cần hết sức lưu tâm đến sức khỏe tinh thần cho trẻ.

Lo lắng khi con phải tiếp tục ở nhà thêm thời gian dài

Có 2 con đều đang ở bậc tiểu học nên chị Phan Ngọc Hồng Châu (35 tuổi, ngụ tại hẻm 818 Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) rất lo lắng vì độ tuổi này các con vẫn học trực tuyến, ở nhà lâu quá và giờ muốn được đi ra ngoài.

Chị Châu chia sẻ: “Trẻ ở độ tuổi này thì việc học trực tuyến thật sự khó khăn vì các con chưa có ý thức nhiều trong việc học”.

Chú ý sức khỏe tinh thần cho trẻ khi cha mẹ đi làm lại “bình thường mới” - ảnh 1

Chị Châu phải gác lại công việc để đồng hành cùng con ở nhà

NVCC

Chị Châu cho biết mắt của bé trai nhà chị vốn yếu (loạn 4,5 độ) nay lại thêm 1 độ cận. “Nghe nói tình hình học trực tuyến còn có thể kéo dài, thật là quan ngại. Trẻ em chưa được tiêm vắc xin nên không dám cho con ra ngoài. Thỉnh thoảng, con trai của mình lại ụ mặt buồn so. Hôm rồi được đưa đi khám mắt, ảnh háo hức khoe: “Mừng quá, nay con được ra ngoài rồi”, nghe thấy thương”, chị kể.

Còn chị Trịnh Thị Hiền (ngụ tại chung cư Fresca Riverside, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức) thở dài nói: “2 đứa con nhà mình những ngày đầu còn chịu nghe lời ba mẹ, chia nhau làm việc nhà. Nhưng ở nhà lâu quá nên các con rất dễ nổi cáu với ba mẹ. Nhiều hôm thấy ba mẹ đi làm, hỏi sao con vẫn chưa được ra ngoài đi chơi, nghe mà thấy thương con”.

Chị Hiền kể có đứa cháu, ba đi làm bảo vệ từ sáng đến chiều tối mới về, một mình bé ở nhà nhốt trong phòng học trực tuyến, xong rồi xem mạng xã hội chứ không chịu ra khỏi phòng, suốt mấy tháng dịch qua.

“Người lớn ở nhà suốt còn chịu không nổi huống gì các con, giờ lại học trực tuyến ngồi với cái màn hình mỗi ngày, sợ đủ vấn đề khác phát sinh. Cha mẹ giai đoạn này lại phải lo công việc trở lại, không còn nhiều thời gian đồng hành cùng con như trong dịch”, chị Hiền lo lắng.

Phải luôn có người lớn đồng hành

Nhìn nhận thực tế này, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý, giảng viên phân viện Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, cho biết trong những trường hợp mà chị tư vấn thì các bé ở nhà quá lâu ngày vì dịch nên có những biểu hiện bất ổn như bực bội, buồn chán, căng thẳng, chơi game nhiều, hay cáu gắt với ba mẹ và việc học trực tuyến cũng không tập trung…

Nếu người lớn đi làm hết, trẻ ở nhà tự quản mọi việc thì ngoài vấn đề an toàn cho các con, còn cần phòng ngừa cảm giác cô đơn, nhất là trẻ nhỏ. Ba mẹ ở nhà vừa để quản lý và chăm sóc con mà cũng vừa là chỗ dựa tinh thần cho con trong giai đoạn này.

Tiến sĩ xã hội học PHẠM THỊ THÚY

“Nếu trẻ còn phải ở nhà thêm thời gian nữa thì cha mẹ cần hết sức lưu tâm đến sức khỏe tinh thần của con. Điều lý tưởng nhất hiện nay là trẻ được tiêm vắc xin để sớm quay trở lại trường lớp. Khi trẻ được gặp thầy cô, bạn bè và được trở về trạng thái bình thường sẽ bớt đi những bất ổn về tâm lý. Còn nếu ngược lại, trẻ phải ở nhà thêm thời gian dài nữa thì đáng lo nếu phụ huynh không có những biện pháp phù hợp”, tiến sĩ Thúy bày tỏ.

Chia sẻ về những biện pháp mà phụ huynh có thể áp dụng để tránh những bất ổn về mặt tâm lý cho con, theo tiến sĩ Thúy, hiện nay có rất nhiều gia đình phải lựa chọn trong gia đình một người đi làm còn một người ở nhà lo cho con. Đây là giải pháp bắt buộc, vì chúng ta không thể để mặc con cho dù trẻ có thể tự lập được việc nhà nhưng các vấn đề như quản lý giờ giấc học hành, sinh hoạt và quản lý phương tiện công nghệ, cùng vui chơi, trò chuyện với con… phải luôn có sự đồng hành của người lớn.

“Nếu người lớn đi làm hết, trẻ ở nhà tự quản mọi việc thì ngoài vấn đề an toàn cho các con, còn cần phòng ngừa cảm giác cô đơn, nhất là trẻ nhỏ. Ba mẹ ở nhà vừa để quản lý và chăm sóc con mà cũng vừa là chỗ dựa tinh thần cho con trong giai đoạn này”, tiến sĩ Thúy gửi gắm.

Chú ý sức khỏe tinh thần cho trẻ khi cha mẹ đi làm lại “bình thường mới” - ảnh 2

Người lớn bên cạnh vừa để quản lý và chăm sóc con mà cũng vừa là chỗ dựa tinh thần cho con trong giai đoạn này

NVCC

Điều thứ 2 cần lưu ý, theo tiến sĩ Thúy, dù đi làm hay ở nhà, việc quan tâm đến tâm trạng của con hết sức quan trọng. Ngoài việc đảm bảo cho con giờ ăn, giờ ngủ sao cho điều độ thì phải lưu ý vận động thể chất cho trẻ, đặc biệt là con ở độ tuổi vị thành niên vì trẻ ở lứa tuổi này rất ít đi ra ngoài, thích ở trong phòng và ôm máy tính, điện thoại thường xuyên. Cha mẹ cần có những biện pháp để cho trẻ làm việc nhà, vận động trong nhà…

Điều thứ 3 mà tiến sĩ Thúy gửi gắm là ba mẹ phải quan tâm đến việc học trực tuyến của con. Phải đồng hành cùng con trong việc học trực tuyến, xem con có gặp phải vấn đề gì để điều chỉnh và kịp thời hỗ trợ… Cha mẹ giờ đi làm trở lại, không có nhiều thời gian theo sát, con học trực tuyến lơ mơ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

 

Nguồn: https://thanhnien.vn/chu-y-suc-khoe-tinh-than-cho-tre-khi-cha-me-di-lam-lai-binh-thuong-moi-post1393405.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR2MSRTQ0LUqV7msBwDwgY8a0ndQpsf67f2cTjmWuQ9KQNLuK8-D-6ScLZs

Rate this item
(0 votes)
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.