"Detox" mạng xã hội là nhu cầu cấp thiết với nhiều người sau những đợt hóng "bão drama". Đây là khoảng lặng để hồi phục, làm sạch tâm hồn và lấy lại sự cân bằng cho tâm trí.
Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội mang lại như kết nối con người, cập nhật thông tin, cơ hội nghề nghiệp...Tuy nhiên, việc dành quá nhiều thời gian lướt mạng để “hóng drama” có thể khiến nhiều người đánh mất sự tỉnh táo, dễ dàng trượt vào những lối tư duy, hành vi ứng xử và văn hóa độc hại trên không gian mạng.
Khi tâm trí bị bủa vây bởi những tin tức tiêu cực, tranh cãi không hồi kết, sức khỏe tinh thần và chất lượng sống cũng theo đó mà suy giảm nghiêm trọng. “Detox” mạng xã hội - giảm bớt hoặc tạm ngưng sử dụng các nền tảng mạng không còn là trào lưu nhất thời mà đang là nhu cầu cấp thiết với nhiều người trẻ hiện nay.

Nhiều người đang ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội, tiếp nhận nhiều thông tin tiêu cực (Ảnh minh họa)
Sau đây là một số cách “detox” mạng xã hội hiệu quả:
- Thiết lập khung giờ cố định
Cách đơn giản nhất để kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội là phân chia thời gian hợp lý: có khung giờ dành cho công việc (trả lời tin nhắn, email,…) và khung giờ riêng cho việc giải trí.
Điều quan trọng là phải giữ kỷ luật. Đừng để bản thân trôi theo cảm xúc rồi “lướt” mạng xã hội trong vô định. Mỗi phút trôi qua là một phần thời gian và năng lượng đang bị tiêu tốn, hãy dùng chúng một cách có chủ đích..
“Một nguyên tắc khá hiệu quả là tỉ lệ 20-40-40. Trong đó 20% thời gian online cho giải trí, 40% cho công việc và 40% còn lại là dành cho cuộc sống thật ăn uống, vận động, giao tiếp trực tiếp với người thân, bạn bè” - Theo lời khuyên từ Tiến sỹ tâm lý Phạm Thị Thúy.
- Làm sạch trang cá nhân
Mạng xã hội vận hành bằng thuật toán và nó luôn ưu tiên hiển thị những nội dung mà chúng ta quan tâm, tương tác. Càng click vào những thứ tiêu cực, nó càng “gợi ý” thêm những điều tương tự.
Chính vì vậy nên ẩn, bỏ theo dõi những nguồn thông tin mang tính toxic độc hại, tiêu cực, không mang ý nghĩa hay thông điệp có ích. Nên có xu hướng theo dõi những điều đem đến năng lượng tích cực, có thể đem đến những điều bổ ích.
- Nhận diện điểm yếu của chính mình
Theo Tiến sỹ Phạm Thị Thúy: “Bản năng của con người là dễ bị hấp dẫn bởi những điều mới lạ, kịch tính. Chúng ta tò mò, sợ bị bỏ lỡ (hội chứng FOMO), nên dễ bị cuốn vào drama, tin xấu, chuyện giật gân. Đặc biệt khi tinh thần không ổn định, rất dễ rơi vào cái bẫy của mạng xã hội”.
Chính vì thế, người dùng mạng xã hội cần có “tấm khiên” bảo vệ: chủ động xây dựng không gian mạng lành mạnh, nếu cần thiết hãy đặt chuông nhắc giờ để không “lạc trôi” quá lâu trong thế giới ảo.

Nên có cách thức và thời gian sử dụng mạng xã hội hợp lý (Ảnh minh họa)
- Nuôi dưỡng nhiều sở thích và thú vui có ích hơn
Các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi bạn dùng mạng xã hội theo cách tích cực, thì việc dành quá nhiều thời gian trên mạng cũng có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Để từ bỏ thói quen xấu này, hãy tích cực phát triển những sở thích và lĩnh vực bạn quan tâm như chơi thể thao, đọc sách, đi dạo, học vẽ, đàn…Hãy kết hợp các hoạt động đó sao cho mỗi ngày đều có mục đích và ý nghĩa.
Mạng xã hội là “không gian an toàn” để kết nối và thể hiện bản thân. Tuy nhiên, sự thật là không gì có thể thay thế được những tương tác ngoài đời thực. Hãy chủ động giao tiếp, kết nối với những người xung quanh và đừng để các mối quan hệ ảo chiếm chỗ những kết nối thực sự trong cuộc sống.
- Cất điện thoại khỏi tầm nhìn
Khi điện thoại không còn nằm trong tầm tay, việc tránh xa mạng xã hội sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Hãy thử để điện thoại ở một phòng khác khi bạn làm việc, hoặc cất vào ngăn kéo trước khi đi ngủ. Xa tầm mắt, xa rời cám dỗ - đơn giản nhưng hiệu quả.

Việc lạm dụng mạng xã hội, lao vào những "drama" tiêu cực sẽ dễ gây ra nhiều hệ lụy về mặt tinh thần (Ảnh minh họa).
Trên thực tế, không phải ai cũng có thể rời xa mạng xã hội hoàn toàn, nhất là khi công việc, cuộc sống còn phụ thuộc vào nó. Nhưng với những người đang rơi vào khủng hoảng tâm lý, bị tấn công, bắt nạt hoặc cuốn vào tranh cãi online, thì việc “cai dài hạn” - tạm đóng mạng xã hội một thời gian là điều rất cần thiết.
Có thể bắt đầu từ việc dừng 1 ngày, 1 tuần rồi đến 1 tháng rồi lâu hơn, tùy vào mức độ tổn thương và nhu cầu cá nhân. Quan trọng nhất là tạm ngắt kết nối với thế giới ảo để quay về chăm sóc đời sống thật. Đây là khoảng lặng để hồi phục, làm sạch tâm hồn và lấy lại sự cân bằng bên trong.
Mạng xã hội vốn là công cụ hữu ích nếu được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, khi nó bị lạm dụng như một nơi để "tiêu thụ drama", để xét và chỉ trích, nó sẽ trở thành mảnh đất độc hại. Giới trẻ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc nhất bởi mạng xã hội và những cơn bão drama, nên cần tỉnh táo trước làn sóng tiêu cực đang tràn lan.
Kiều GiangBạn đang xem bài viết "Detox" mạng xã hội: Làm sao cho thực tế và hiệu quả? tại chuyên mục Sống Hạnh Phúc của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. .