Người dân còn chưa hết bàng hoàng về vụ việc một nhân viên của Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh có hành vi dâm ô nhiều bé gái bị phát giác, thì mới đây, một cô gái khác đã lên tiếng tố cáo bị ông N.S.V., nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương hiếp dâm nhiều lần.
- Những tiếng lòng đớn đau của các bé gái đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo nghiêm trọng về nạn xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là tại những nơi này.
Những “yêu râu xanh” dần lộ sáng
Ngày 28-11, thông tin cho biết, cơ quan chức năng đang xác minh thông tin em N.T.H. đã tố cáo ông N.S.V., nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) tỉnh Bình Dương hiếp dâm nhiều lần, trong một thời gian dài. Trước đó, vào ngày 27-11, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) cho biết đang phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương xác minh, điều tra thông tin em N.T.H. (18 tuổi) tố cáo ông N.S.V., nhân viên trung tâm đã có “hành hạ” em trong thời gian khoảng 2 năm khi đang được nuôi dưỡng tại đây.
Đơn trình bày của em với Công an cho biết, giữa năm 2017, N.T.H. (lúc đó 16 tuổi) được đưa vào TTBTXH tỉnh Bình Dương. Trong quá trình ở trung tâm này, H. đã bị ông V. hiếp dâm; khi H. phản kháng thì bị ông này đánh. Năm 2019, H. được chuyển về Trung tâm Hỗ trợ xã hội (TTHTXH) TP Hồ Chí Minh (đường Nơ Trang Long, P. 13, Q. Bình Thạnh). Hiện H. trong tình trạng sốc tâm lý nặng do bị hãm hiếp nhiều lần trong thời gian dài. H. không biết bố là ai, còn mẹ là N.T.Đ. (51 tuổi); chị gái cùng mẹ khác cha là N.T.D. (29 tuổi - cả hai người này không xác định được chỗ ở). N.T.H. không có nơi cư trú, không tài sản, không tiền bạc.
Chuyên gia tâm lý tư vấn cho phụ huynh trên địa bàn quận Bình Tân về cách phòng ngừa xâm hại trẻ em. |
Ông Phạm Đình Lương, Phó Giám đốc TTHTXH TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này tiếp nhận N.T.H. từ Phòng LĐ-TB&XH Q. Bình Thạnh. Tính đến nay, do đã quá 30 ngày theo quy định, nên TTHTXH đã có công văn chuyển N.T.H. đến TTBTXH Tân Hiệp (xã Minh Đức, huyện Hớn Quản, Bình Phước). Ông Lương cho biết thêm, đây là vụ việc nghiêm trọng, TTHTXH TP Hồ Chí Minh sẽ cung cấp mọi tài liệu có liên quan đến việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng H... để tạo điều kiện tốt nhất cho Công an quận Bình Thạnh điều tra.
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương cũng cho biết đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương xác minh làm rõ việc ông N.S.V. bị tố cáo hiếp dâm N.T.H. Cho tới nay, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Bình Dương đã đến nơi người bị tố cáo đang công tác để yêu cầu người này viết tường trình. Thanh tra Sở cũng lấy lời khai của một số cán bộ, nhân viên khác tại đây để làm rõ vụ việc.
Cũng trong chiều 27-11, ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết Bộ này đã có công văn yêu cầu Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh và Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, các cá nhân liên quan đến vụ H. gửi đơn tố cáo cán bộ TTBTXH tỉnh Bình Dương. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã yêu cầu Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh và Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương chủ động nắm bắt sự việc, chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của từng tập thể; các cá nhân liên quan và phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc.
Riêng vụ việc liên quan tới ông Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên của Trung tâm hỗ trợ xã hội TP Hồ Chí Minh, hiện cơ quan Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Dũng để điều tra làm rõ hành vi “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Hai vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng đã lộ sáng chỉ trong vòng hơn 10 ngày của tháng 11-2019. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã yêu cầu 2 Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo TTHTXH TP. Hồ Chí Minh và TTBTXH tỉnh Bình Dương rà soát công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng thực hiện theo quy định pháp luật và báo cáo Bộ LĐ-TB&XH.
Mảng tối đạo đức ở nơi trẻ tìm sự chở che
Chia sẻ với PV Chuyên đề ANTG, tiến sĩ Đoàn Văn Báu - chuyên gia về tâm lý tội phạm nói: “Nạn trẻ bị xâm hại tình dục tại những nơi như 2 trung tâm nuôi dưỡng trẻ vừa bị tố cáo đã được giới chuyên môn cảnh báo từ lâu. Trẻ em được xếp ở vị trí yếu thế nhưng tại các trung tâm bảo hộ, bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ tự kỷ, trẻ cơ nhỡ... thì thân phận trẻ càng bị coi là yếu thế! Những vụ xảy ra mà chúng ta biết thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong khi đó, việc xử lý những đối tượng vi phạm còn gặp nhiều khó khăn và mức xử phạt còn nhẹ nên không đủ sức răn đe. Có thể nói, các câu chuyện tương tự rất có thể bị “ẩn”, giấu đi, do pháp luật của chúng ta còn kẽ hở”.
TS Báu cũng khẳng định, cho tới hiện nay, nước ta cũng chưa có khảo sát nào để làm rõ xem số vụ việc xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em tăng hay giảm. Chính vì vậy cơ quan chức năng mới chạy theo sự vụ sự việc là chính, khi xảy ra thì mới ráo riết vào cuộc và mới thấy những bất cập của những quy định. Và việc phòng ngừa cũng như thực thi pháp luật liên quan chủ yếu là những đơn vị chuyên trách như Hội Bảo vệ quyền trẻ em, còn chính quyền địa phương như UBND phường, xã, quận, huyện vẫn còn thờ ơ, gần như đứng ngoài cuộc.
Nhiều phụ huynh quan tâm đến vấn đề phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em. |
Ghi nhận của y văn cho thấy, một tỉ lệ rất nhỏ những kẻ có hành vi XHTD có tình trạng lệch lạc về tình dục mà đa số trước đó họ là người bình thường. Thực tế có kẻ vi phạm là những người bề ngoài trông đạo mạo, có chức quyền... Do đó, số liệu thống kê cho biết: 93% kẻ XHTD là người mà nạn nhân quen biết, người lạ chỉ có 7% và 47% là người thân với nạn nhân. Do vậy, những người làm về vấn đề pháp luật liên quan xử lý tội phạm XHTD cần thay đổi nhận thức về đối tượng vi phạm. Kẻ xâm hại có thể là bất kỳ ai và không loại trừ người thân trong gia đình.
Chính vì vậy, ở những nơi như Trung tâm Hỗ trợ trẻ em thường là nơi cần phải phòng ngừa nhiều nhất với tình trạng dễ có kẻ XHTD trẻ em, dễ có những vi phạm về hành vi XHTD. Thậm chí gia đình chúng ta luôn coi là mái ấm, nơi an toàn nhất cho trẻ nhưng trên thực tế là nhiều vụ việc XHTD trẻ em đã xảy ra rất đau lòng. Đã là trẻ em thì luôn được coi là thành phần “yếu thế” trong xã hội, cần được che chở, bảo vệ.
Với những trường hợp trẻ vì hoàn cảnh mà phải sống trong các trung tâm hỗ trợ, mái ấm, sự yếu thế của các em càng lớn hơn. Do đó, ở những trung tâm hỗ trợ, trường học cho trẻ lang thang, cơ nhỡ, các em lại càng có nguy cơ lớn nhất dễ bị XHTD, các em dễ bị các đối tượng xấu “dụ dỗ”.
Bổ sung, hoàn thiện pháp luật, xử lý phải nghiêm minh
Trao đổi về các giải pháp phòng tránh các vụ việc trẻ bị xâm hại, theo TS Báu, đầu tiên không chỉ phòng tránh từ bên ngoài mà ở ngay những nơi chăm sóc trẻ em đặc biệt những nơi như: Chăm sóc trẻ em tự kỷ hay khuyết tật, tức là chú ý công tác phòng ngừa. Thực chất, việc phòng ngừa về con người này đang bị buông lỏng. Do đó, cần phải tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp, cần có tình thương, sự bao dung, che chở và tự cách đạo đức phải được đặt lên hàng đầu.
Từ những vụ việc có tính chất bị “ẩn” đi do những vụ xâm hại đã từng được xử lý, cho thấy pháp luật của ta mới chỉ quy định một số hành vi được coi là xâm hại. Còn những hành vi xâm hại vô thức hay những hành vi mà Ủy ban Dân số Liên Hiệp Quốc quy định đó là hành vi xâm hại thì chúng ta chưa chú ý đến. Tuy nhiên, qua những vụ việc xảy ra, phải thừa nhận ý thức người dân, sự vào cuộc của cơ quan pháp luật là khá tốt nên các vụ việc đều được phát hiện và xử lý triệt để.
Song, từ những vụ việc đau lòng xảy ra tại TTHTXH, cho thấy một mối lo ngại có thật, đó là sự buông lỏng quản lý về con người tại những trung tâm mà cần hơn bao giờ hết về tình người, tình thương đối với con trẻ, nhất là với những em vì hoàn cảnh khiếm khuyết về thân thể, về gia đình mới phải sống tại những nơi này. Ngoài ra, cho tới nay, pháp luật của ta mới quy định: hiếp dâm, giao cấu với người dưới 16 tuổi là hành vi dâm ô trẻ em.
Còn những hình thức như: bắt trẻ nhìn, quay lén hay bắt nhìn bộ phận sinh dục, bắt “đụng”, chạm, sờ, mó... thì ta vẫn chưa quy định. Tức là, pháp luật của ta chưa bao quát được tất cả hành vi trong việc làm căn cứ kết tội XHTD trẻ em. Pháp luật cũng chưa quy định hành vi cụ thể nên khá khó khăn cho cơ quan thực thi, xử lý.
Gần đây, Tòa án Tối cao mới đưa ra hướng dẫn mới thế nào là hành vi được xác định là dâm ô, để làm căn cứ pháp lý để xét xử. Hay Bộ Công an mới có dự thảo tăng mức phạt với các hành vi dâm ô, hành vi “cưỡng hôn” tại nơi công cộng (trước đây là 200.000 đồng thì nay tăng lên từ 3-5 triệu đồng). Nhưng tăng mức phạt là chưa đủ.
Theo TS Đoàn Văn Báu, rất cần học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Vì cần phải hiểu, các đối tượng XHTD trẻ em không hề sợ số tiền phạt là bao nhiêu. Trên thế giới, hiện trong xử lý tội XHTD thì ngoài việc kẻ vi phạm bị nộp mức tiền phạt rất cao còn bị “đánh” vào nhân phẩm, danh dự. Đó là, sau khi chấp hành án phạt về tội XHTD trẻ em xong thì kẻ vi phạm còn bị công khai danh tính trong vòng 5 hay 10 năm tại khu vực mà đã “gây án” để người dân đều biết mà tránh. Có như vậy mới mang tính răn đe cao.
Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh tăng cường tuyên truyền pháp luật và cách phòng ngừa xâm hại tình dục trong học sinh. |
Ở nước ngoài, những người làm công tác tại đây được thẩm định lý lịch, nhân thân, có bằng cấp chuyên môn và đặc biệt thẩm định xem có hành vi, biểu hiện “lạ” nghi ngờ tới việc có hành vi XHTD hay không. Họ tuyển người rất kỹ. Ngoài ra, trang bị ngay hệ thống camera an ninh ở tất cả những khu vực cần thiết tại các trường học, trung tâm bảo trợ như trên, giám sát hoạt động tại các trung tâm. Và cần bỏ quan điểm hết sức sai lầm là bất cứ ai cũng có thể xin vào làm việc tại những TTBTXH. Vì, để tiếp cận, dạy dỗ trẻ lang thang, cơ nhỡ đòi hỏi người cán bộ không chỉ cần chuyên môn mà còn cần phẩm chất đạo đức...
Chúng ta cũng nên rà soát, đánh giá lại hết các trung tâm nuôi dạy trẻ, chăm sóc trẻ cơ nhỡ, mồ côi... rà soát về cán bộ chuyên trách. Quan trọng nhất là công tác hậu kiểm, kiểm tra thường xuyên, phòng ngừa tội phạm XHTD để xã hội không còn những câu chuyện đau lòng tương tự xảy ra.
Một vấn đề được coi là cốt lõi, đầu tiên nên xem xét đó là cần sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng hoàn thiện và bao quát nhất liên quan tới thế nào là hành vi XHTD trẻ em. Kể cả những hành vi mới, chưa được pháp luật quy định tại nước ta xuất hiện gần đây, như: hành vi dùng camera quay lén ở nơi công cộng; hay hành vi của kẻ “biến thái” khoe “của quý” nơi công cộng. Bên cạnh đó cần bổ sung mức chế tài có sức răn đe với kẻ vi phạm, quan trọng nữa là cần đưa môn học kỹ năng sống với môn học phòng ngừa bị XHTD cho trẻ ở tất cả các cấp học cho phù hợp: Mầm non, tiểu học hay THCS. Đồng thời, cần có một trung tâm chuyên trách xử lý các tình trạng bị XHTD.
Ta đã có Hội Bảo vệ quyền trẻ em với tổng đài là 111 cho việc này. Thế nhưng rất ít người liên hệ tới tổng đài này nhờ tư vấn hay xin “cấp cứu” về vấn đề XHTD trẻ em, thậm chí rất nhiều người không biết đến số điện thoại này. Do vậy, cơ quan này cần củng cố, đặc biệt cần quy tụ về đây các chuyên gia tâm lý, luật sư, bác sĩ... để có thể trợ giúp các em khi bị XHTD.
Còn hiện nay, cái cách tiếp nhận, tư vấn, giải quyết, hướng dẫn và xử lý các vụ XHTD theo kiểu rối như một mớ “bòng bong” sẽ không hiệu quả. Từ việc củng cố lại cơ quan chuyên trách chống nạn XHTD trẻ em mới đưa ra phương pháp phòng, chống đúng và phù hợp, đó là những giải pháp căn cơ cần thực hiện.
Huyền Nga - Nguyễn Cảnh