Phương Pháp Thai Giáo

" Con vào dạ mạ đi tu"

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Phương Pháp Thai Giáo

babau2

"Mạ” là Mẹ. Con vào dạ, mạ đi tu là khi “cấn thai” vào lòng tự nhiên người mẹ nào cũng … “đi tu”! “Đi tu” đây không có nghĩa là xuống tóc, vào chùa gõ mõ tụng kinh mà chỉ có nghĩa là sửa mình, thay đổi mình, từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài. Mọi thứ ở người mẹ phải sửa sang, phải “tu chỉnh”, nên mới có câu “con vào dạ mạ đi tu

Nhiều cha mẹ hiểu sai về tiêu chảy ở trẻ sơ sinh

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Phương Pháp Thai Giáo

Được mẹ tự mua thuốc cam chữa tiêu chảy, cháu bé này bị ngộ độc chì nặng. Ảnh: Nam Phương.

Đi hết phân su mà trẻ vẫn đi ngoài ngày 4-5 lần khiến nhiều bà mẹ cho rằng con bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí là tiêu chảy. Tuy nhiên, theo bác sĩ thì trong nhiều trường hợp đây chỉ là sinh lý bình thường ở trẻ bú mẹ.

Thai giáo - Điều may mắn mà tôi học được

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Phương Pháp Thai Giáo

Tôi được biết đến thai giáo từ năm 2001, khi làm tư vấn tâm lý tình cảm cho đài 1088 Hà Nội, cùng Công ty Linh Tâm (Trung tâm CSAGA ngày nay). Công việc buộc tôi phải đọc rất nhiều sách.

Ảnh minh họa. Nguồn: Imternet

Tình cờ, tôi được đọc cuốn Em muốn đến Harvard học kinh tế của tác giả Lưu Vệ Hoa - Trương Hán Vũ. Đây là cuốn sách đã cho tôi những kiến thức đầu tiên về thai giáo. Tác giả đã thai giáo cho con theo phương pháp học được từ cuốn Thiên tài và sự giáo dục từ sớm của Kimura Kyuichi. Tác giả Lưu Vệ Hoa coi đó là sự may mắn đến trước khi sinh của con cô, Lưu Diệc Đình, người được 4 trường đại học của Mỹ mời vào học. Còn tôi thì xem cuốn sách của cô lại là điều may mắn đến trước sinh của các con tôi. Lúc đó, tôi đã tìm tác phẩm của Kimura Kyuichi nhưng không có ở Việt Nam.

Đến năm nay, 2012, nhà sách Trí Việt mới xuất bản và phát hành trên thị trường. Các bà mẹ hiện nay thật may mắn khi có nhiều sách nói về thai giáo để đọc và áp dụng. Sau đó, vì muốn biết nhiều hơn về thai giáo, tôi tìm đọc thêm nhiều sách khác nhau của phương Tây và phương Đông về thai nhi, cách chăm sóc, giáo dục thai nhi. Nhiều sách không dùng từ thai giáo nhưng thực chất nội dung lại chính là thai giáo – giáo dục thai nhi từ trong bụng mẹ. Khoa học thai giáo hoá ra là đã có từ rất xa xưa.

Tôi luôn thích áp dụng những kiến thức hay vào cuộc sống nên tôi đã nghĩ đến việc áp dụng thai giáo cho con từ trước khi lấy chồng. Kết quả thai giáo của tôi là hai con, một gái, một trai xinh đẹp, thông minh. Hai bé con tôi ngay khi sinh ra đều rất dễ thương. Quá trình nuôi dạy con của tôi không gặp vất vả gì vì các cháu ngoan và hầu như không quấy khóc. Bé gái được 9 tháng đã nói được nhiều từ như mẹ, dì, bố… và học nói rất nhanh. Cháu học toán cũng rất nhanh, nói một lần đã nhớ và hiểu. Năm lớp 1, cháu biết làm thơ, viết lời bài hát. Việc học của cháu nhẹ nhàng, không cần kèm cặp hay nhắc nhở từ cha mẹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đến bé trai sau tôi áp dụng nhiều hơn vì đã thấy rõ lợi ích của thai giáo. Tôi cũng thuyết phục được chồng tham gia thai giáo cho cháu. Kết quả là bé trai còn thông minh và nhanh nhẹn hơn. Mọi người xung quanh đều ngạc nhiên khi nghe cháu mới 16 tháng đã nói câu rất dài, đầy đủ từ, nhớ tên hầu hết những người hàng xóm, 18 tháng đã hát và đọc được rất nhiều bài thơ, bài đồng dao… Nói chung, các cháu phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ. Những đặc điểm của trẻ được thai giáo liệt kê trong trang 10, cuốn Thai giáo – Phương pháp khoa học từ trong bụng mẹ, các cháu đều có. Làm cha mẹ không phải là một việc khó nhọc như nhiều người tưởng mà nếu có kiến thức và biết áp dụng quý vị sẽ thấy làm cha mẹ dễ dàng và hạnh phúc hơn bất cứ điều gì khác trên đời!

Tôi xin kể lại quá trình tôi thai giáo các cháu để mong có thể giúp cha mẹ nào đang muốn áp dụng có thêm kinh nghiệm.


Trước khi cưới tôi đã bàn với người yêu đi khám sức khỏe tổng quát, chú ý cách giữ gìn sức khỏe, ăn uống bổ dưỡng, kiêng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá…) để sau khi cưới nếu thụ thai ngay, con tôi sẽ được hưởng mọi điều kiện tốt nhất từ bố mẹ. Tôi biết sức khỏe thể chất và tinh thần của cha và mẹ là điều kiện tiên quyết tạo nên một em bé khỏe mạnh.

Năm 2003, ngay sau khi cưới, tôi mang thai bé gái đầu lòng. Tôi háo hức áp dụng ngay những kiến thức thai giáo của người xưa. Hồi đó, chồng tôi đi làm ở TPHCM, tôi vẫn làm ở Hà Nội vì còn phải học chương trình thạc sỹ. Điều kiện sống của tôi ngày đó khá vất vả. Với mức lương mới ra trường, chỉ 300.000đ/ tháng, tôi thật sự chật vật trong chuyện chi tiêu. Tôi thuê phòng trọ nhỏ 9m2 ở cùng em gái. Vài tháng chồng tôi mới về thăm một lần. Tôi coi đứa bé trong bụng như người bạn tâm tình của mình. Có tâm sự gì tôi đều nhủ thầm trong bụng, nói chuyện bằng ý nghĩ với con. Dù xa chồng, nghèo khó, nhưng tôi luôn cố gắng sống lạc quan, yêu đời, không để có suy nghĩ tiêu cực hay bi quan khi trò chuyện với con. Ngược lại, tôi luôn tự động viên mình, động viên con cố gắng lên, rồi mọi khó khăn sẽ qua. Tôi thầm cảm ơn vì nhờ có con mà quãng thời gian khó khăn đó tôi đã vượt qua rất hạnh phúc. Ai đến thăm cũng ái ngại cho hoàn cảnh sống của tôi nhưng họ cũng ngạc nhiên khi thấy tôi luôn rạng ngời hạnh phúc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi làm việc hăng say, đi học chăm chỉ. Trước buổi bảo vệ đề cương một ngày, tôi đi sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, phải xin hội đồng bảo vệ sau. Ngay sau sinh tôi đã lo bảo vệ đề cương và một năm sau tôi là người hoàn thành luận văn, bảo vệ đợt đầu tiên của lớp. Khi biết tôi vừa sinh con nhỏ mọi người rất ngạc nhiên sao tôi có thể làm xong luận văn nhanh như vậy. Họ đâu biết là tôi đã chuẩn bị chu đáo trong thời gian tôi mang thai. Có lẽ do tôi ham đọc sách, chăm học nên giờ cháu cũng thừa hưởng được hai điều đó. Tôi mong nghị lực vượt qua trở ngại của tôi cũng ảnh hưởng lên cháu trong tương lai.

Còn tiếp....


Mẹ PHẠM THỊ THÚY 
( Hội quán các bà mẹ)

Thai giáo - Đeo tai nghe cho… cái bụng

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Phương Pháp Thai Giáo

 Một việc tôi đã làm cho cháu trong quá trình thai giáo làm mọi người rất ngạc nhiên và có phần dè bỉu, bảo tôi là phức tạp là tôi cho cháu nghe nhạc không lời bằng tai nghe khi đến cơ quan làm việc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công việc của tôi lúc đó là đến cơ quan soạn bài, giảng thử. Khi làm việc cùng mọi người, tôi mở nhạc, đeo tai nghe cho cái bụng. Ai thấy cũng thắc mắc tôi đang làm gì vậy. Tôi bảo tôi đang cho cháu nghe nhạc. Có người bảo thai nhi biết gì mà nghe. Tôi chỉ cười. Khi về nhà tôi thường xuyên mở nhạc êm dịu để hai mẹ con cùng nghe. Đĩa nhạc thời đó tôi thường nghe là đĩa nhạc cổ điển của Mozart, Bethoven…, đặc biệt nhạc có lồng tiếng chim hót rất hay. Đĩa nhạc này tôi được một chị bạn tặng. Chị ấy cũng đã từng cho con nghe từ trong thai. Sau đó đĩa này lại được tôi tặng lại cho một mẹ khác. Thỉnh thoảng tôi còn hát cho cháu nghe, nhưng tiếc là ngày đó tôi chưa hát ru, chỉ hát những bài hát tôi thích thôi. Sau này tôi mới biết thêm là nên nghe âm nhạc dân tộc để cho cháu được ghi nhớ văn hóa Việt Nam vào tiềm thức từ trong bụng mẹ. Đến cháu trai, tôi nghe đa dạng và phong phú các thể loại nhạc hơn, chọn nhạc êm dịu, có nội dung trong sáng, lành mạnh và bản thân tôi cũng phải thích nghe.

Tôi cũng chú trọng đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn cho cả tôi và cháu như sách Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi mà vui sống,... Thời gian mang thai cháu cũng là thời kỳ tôi đọc được khá nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới như Bá tước Monte Cristo, Thằng gù nhà thờ Đức bà, Những người khốn khổ, Chiến tranh và hòa bình … và cả truyện cười, truyện cổ tích, truyện thiếu nhi… Tôi duy trì thói quen đọc sách cho cháu ngay sau sinh. Tuy cháu mới vài tháng tuổi nhưng tôi đã mua truyện tranh về đọc và chỉ cho cháu xem. Cháu rất thích nghe mẹ đọc, khi được đọc truyện, cháu nằm im nghe không quấy khóc. Mỗi lần cháu quấy muốn ngủ chỉ cần tôi đọc truyện với giọng êm dịu, hoặc ru nhẹ nhàng, hoặc bật đĩa nhạc không lời cháu nghe từ trong bụng mẹ là cháu ngủ rất nhanh, ngủ ngon. Kể cả khi cháu ngủ rồi tôi vẫn để nhạc nhỏ, êm dịu cho cháu nghe.


 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cách này tôi có chỉ cho anh trai tôi áp dụng với con anh, cháu rất lanh lợi, thông minh, ngôn ngữ phát triển rất tốt so với các bạn cùng lứa.

Ăn uống khi mang thai cũng rất quan trọng nên tôi luôn chú ý ăn đủ chất, đa dạng, phong phú. Hồi đó tôi không uống được sữa bà bầu, các bác sỹ khuyên không có gì phải lo, có thể thay thế bằng sữa đậu nành, sữa chua, sữa tươi, nước hoa quả. Chỉ tiếc là thời gian đó tôi chưa được đọc kiến thức thai giáo của Khoa học thực dưỡng (GS. Georga Ohsawa) nên không biết ăn thịt nhiều sẽ không tốt cho thai nhi. Tôi đã ăn hơi nhiều thịt lợn, trứng vịt lộn… nên cháu gái có tính cách khá dữ dội, bướng bỉnh khi không được như ý. Theo khoa học thực dưỡng, đó là kết quả của việc tôi ăn nhiều thịt. Đến đứa con trai thứ hai, đã có ý thức về chuyện này nên tôi ăn uống cân bằng âm dương hơn và tính tình của cháu điềm đạm hơn.

 

Con trai của tôi năm 9 tháng tuổi

Tôi không bị nghén khi mang thai cả hai cháu. Tôi đã hiểu tại sao có người nghén dữ dội có người không bị nghén khi nghiên cứu về thai giáo. Khi người mẹ khỏe mạnh và sẵn sàng cho việc mang thai (chuẩn bị chu đáo trước khi mang thai cả về tâm lý và sức khỏe) thì chuyện nghén rất hiếm khi xảy ra. Đây cũng là điều tôi đã chia sẻ với nhiều bạn gái trẻ trước khi cưới trong lớp tiền hôn nhân của NVH Phụ Nữ Tp.HCM. Nghén là hiện tượng cơ thể thích nghi với thai nhi. Thậm chí, theo khoa học thực dưỡng, nôn ọe, không ăn được khi nghén còn là quá trình cơ thể tự điều chỉnh, thải độc, làm cân bằng các cơ quan trong cơ thể để đón nhận và nuôi dưỡng em bé. Vì vậy, ta không nên lo lắng khi bị nghén, bình tĩnh đón nhận và vượt qua. Tốt hơn cả, hãy phòng nghén bằng cách có ý thức chủ động mang thai, chuẩn bị kỹ trước khi mang thai (xin đọc thêm cuốn Mang thai theo thực dưỡng, Nguyễn Trung, Phạm Thị Ngọc Trâm, biên dịch, NXB Dân trí, 2010 và cuốn Tuyệt thực đi về đâu ? của Thái Khắc Lễ, Phạm Thị Ngọc Trâm.

Còn tiếp....

 Mẹ PHẠM THỊ THÚY 

      ( Hội quán các bà mẹ )

 

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.