Thai giáo - Đeo tai nghe cho… cái bụng

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Phương Pháp Thai Giáo

 Một việc tôi đã làm cho cháu trong quá trình thai giáo làm mọi người rất ngạc nhiên và có phần dè bỉu, bảo tôi là phức tạp là tôi cho cháu nghe nhạc không lời bằng tai nghe khi đến cơ quan làm việc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công việc của tôi lúc đó là đến cơ quan soạn bài, giảng thử. Khi làm việc cùng mọi người, tôi mở nhạc, đeo tai nghe cho cái bụng. Ai thấy cũng thắc mắc tôi đang làm gì vậy. Tôi bảo tôi đang cho cháu nghe nhạc. Có người bảo thai nhi biết gì mà nghe. Tôi chỉ cười. Khi về nhà tôi thường xuyên mở nhạc êm dịu để hai mẹ con cùng nghe. Đĩa nhạc thời đó tôi thường nghe là đĩa nhạc cổ điển của Mozart, Bethoven…, đặc biệt nhạc có lồng tiếng chim hót rất hay. Đĩa nhạc này tôi được một chị bạn tặng. Chị ấy cũng đã từng cho con nghe từ trong thai. Sau đó đĩa này lại được tôi tặng lại cho một mẹ khác. Thỉnh thoảng tôi còn hát cho cháu nghe, nhưng tiếc là ngày đó tôi chưa hát ru, chỉ hát những bài hát tôi thích thôi. Sau này tôi mới biết thêm là nên nghe âm nhạc dân tộc để cho cháu được ghi nhớ văn hóa Việt Nam vào tiềm thức từ trong bụng mẹ. Đến cháu trai, tôi nghe đa dạng và phong phú các thể loại nhạc hơn, chọn nhạc êm dịu, có nội dung trong sáng, lành mạnh và bản thân tôi cũng phải thích nghe.

Tôi cũng chú trọng đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn cho cả tôi và cháu như sách Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi mà vui sống,... Thời gian mang thai cháu cũng là thời kỳ tôi đọc được khá nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới như Bá tước Monte Cristo, Thằng gù nhà thờ Đức bà, Những người khốn khổ, Chiến tranh và hòa bình … và cả truyện cười, truyện cổ tích, truyện thiếu nhi… Tôi duy trì thói quen đọc sách cho cháu ngay sau sinh. Tuy cháu mới vài tháng tuổi nhưng tôi đã mua truyện tranh về đọc và chỉ cho cháu xem. Cháu rất thích nghe mẹ đọc, khi được đọc truyện, cháu nằm im nghe không quấy khóc. Mỗi lần cháu quấy muốn ngủ chỉ cần tôi đọc truyện với giọng êm dịu, hoặc ru nhẹ nhàng, hoặc bật đĩa nhạc không lời cháu nghe từ trong bụng mẹ là cháu ngủ rất nhanh, ngủ ngon. Kể cả khi cháu ngủ rồi tôi vẫn để nhạc nhỏ, êm dịu cho cháu nghe.


 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cách này tôi có chỉ cho anh trai tôi áp dụng với con anh, cháu rất lanh lợi, thông minh, ngôn ngữ phát triển rất tốt so với các bạn cùng lứa.

Ăn uống khi mang thai cũng rất quan trọng nên tôi luôn chú ý ăn đủ chất, đa dạng, phong phú. Hồi đó tôi không uống được sữa bà bầu, các bác sỹ khuyên không có gì phải lo, có thể thay thế bằng sữa đậu nành, sữa chua, sữa tươi, nước hoa quả. Chỉ tiếc là thời gian đó tôi chưa được đọc kiến thức thai giáo của Khoa học thực dưỡng (GS. Georga Ohsawa) nên không biết ăn thịt nhiều sẽ không tốt cho thai nhi. Tôi đã ăn hơi nhiều thịt lợn, trứng vịt lộn… nên cháu gái có tính cách khá dữ dội, bướng bỉnh khi không được như ý. Theo khoa học thực dưỡng, đó là kết quả của việc tôi ăn nhiều thịt. Đến đứa con trai thứ hai, đã có ý thức về chuyện này nên tôi ăn uống cân bằng âm dương hơn và tính tình của cháu điềm đạm hơn.

 

Con trai của tôi năm 9 tháng tuổi

Tôi không bị nghén khi mang thai cả hai cháu. Tôi đã hiểu tại sao có người nghén dữ dội có người không bị nghén khi nghiên cứu về thai giáo. Khi người mẹ khỏe mạnh và sẵn sàng cho việc mang thai (chuẩn bị chu đáo trước khi mang thai cả về tâm lý và sức khỏe) thì chuyện nghén rất hiếm khi xảy ra. Đây cũng là điều tôi đã chia sẻ với nhiều bạn gái trẻ trước khi cưới trong lớp tiền hôn nhân của NVH Phụ Nữ Tp.HCM. Nghén là hiện tượng cơ thể thích nghi với thai nhi. Thậm chí, theo khoa học thực dưỡng, nôn ọe, không ăn được khi nghén còn là quá trình cơ thể tự điều chỉnh, thải độc, làm cân bằng các cơ quan trong cơ thể để đón nhận và nuôi dưỡng em bé. Vì vậy, ta không nên lo lắng khi bị nghén, bình tĩnh đón nhận và vượt qua. Tốt hơn cả, hãy phòng nghén bằng cách có ý thức chủ động mang thai, chuẩn bị kỹ trước khi mang thai (xin đọc thêm cuốn Mang thai theo thực dưỡng, Nguyễn Trung, Phạm Thị Ngọc Trâm, biên dịch, NXB Dân trí, 2010 và cuốn Tuyệt thực đi về đâu ? của Thái Khắc Lễ, Phạm Thị Ngọc Trâm.

Còn tiếp....

 Mẹ PHẠM THỊ THÚY 

      ( Hội quán các bà mẹ )

 

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.